Tất cả là hồng ân

Tất cả là hồng ân

WGPSG -- Hè năm nay, Ban Mục vụ Gia đình Giáo Phận được đi nghỉ ở Đà Lạt bốn ngày, từ 29-7 đến 1.8.2010. Đúng 7 giờ, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Mục Vụ, cùng cha Louis Nguyễn Anh Tuấn bắt đầu những ngày sống với Chúa Thánh Thần, vừa hành hương, cầu nguyện, vừa vui chơi giải trí giữa thiên nhiên.

Ra đến xa lộ, chúng tôi tập hát với cây guitar thùng, cùng hai bạn trẻ của website khuccamta.net, rồi cha dâng một Thánh lễ ngắn cho đoàn. Chiếc xe cũ khá ồn ào, vừa leo dốc vừa phì phò thở, không ngăn trở được mọi người tâm sự, hát hò say sưa. Cùng trong Chúa, chúng tôi dễ dàng làm quen với nhau, chủ đề xoay quanh những điều kỳ diệu Chúa đã làm trong đời mỗi người và những khó khăn trong công việc mục vụ hôn nhân gia đình.

Vừa được thả xuống thác Dambri, chúng tôi, tuổi từ 3 đến 75, bỗng trở nên những đứa trẻ hồn nhiên, í ới gọi nhau chụp hình, sảng khoái giữa không gian đầy bọt nước li ti, ồn ào cùng thác đổ, thinh lặng hòa vào rừng cây rộn rã tiếng ve sầu. Giữa thiên nhiên hùng vĩ xinh đẹp, mỗi người đều thấy mình bé nhỏ, hiền hòa, được ôm ấp yêu thương. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng thầm cảm ơn Chúa và xác tín: Nước Trời quả thật để dành cho những ai như trẻ nhỏ.

Trong đoàn có một gia đình thật dễ thương! Hai bạn trẻ lủ khủ đồ đạc cùng ba đứa con nhỏ, tay bế tay bồng, nhưng lúc nào cũng tươm tất, quấn quít bên nhau và luôn nỗ lực ráp vào lịch chung của đoàn khá “fit”, tạo nên nét đặc trưng của một gia đình Kitô giáo chuẩn mực: là cộng đồng yêu thương giữa các ngôi vị, phong nhiêu, hòa vào Giáo Hội và tham gia vào xã hội bằng nghề nghiệp của mình. Gia đình bé nhỏ này như khu vườn tươi mát, đầy màu sắc, sống động giữa muôn vàn cây cổ thụ âm thầm tỏa bóng mát. Tiếng cười giòn tan lúc ba đứa trẻ nô đùa, lúc xe nghiêng ngả lượn trên đèo, làm người lớn cũng phải phì cười. Khi giàn hợp xướng “ve sầu” cùng cất giọng nỉ non, vòi vĩnh, cãi vã thì người lớn lại được đưa về với thực tại đầy gian nan của một gia đình trần gian. Ôi! Gia đình! Lắm phiền toái nhưng nhờ Ơn Chúa, vẫn ngập tràn yệu thương.

Chúng tôi đi thăm nhà nuôi trẻ mồ côi của các sơ Dòng Nữ tỳ Thánh Thần ở Tà Nung, cách Đà lạt 18 cây số. Sau khi hỏi thăm, chia sẻ với các sơ và các em, cha dâng Thánh lễ ngày thứ bảy ở đó, rồi chúng tôi cùng thưởng thức món bắp luộc thơm lừng, bánh canh bột gạo do các em tự làm, bơ xay (đặc sản Đà lạt). Trong Thánh lễ, cha kể về một con tàu gặp bão giữa biển cả, nhờ có một ngọn đèn leo lét xa xa mà thuyền vào được bờ. Điều kỳ diệu là cũng trong đêm mưa bão ấy, vị linh mục già đã vâng theo tiếng gọi của lòng mình, đội mưa lên ngôi Thánh Đường trên đỉnh đồi để dâng lễ chỉ với một người giáo dân duy nhất. Và ngọn đèn treo nơi cửa Thánh đường chính là ngọn đèn đã cứu chiếc tàu kia. Việc Chúa làm ở Tà Nung này cũng kỳ diệu như thế. Nhờ những người thiếu nữ đã vâng theo tiếng gọi của Chúa Thánh Thần mà các em mồ côi ở đây có một gia đình êm ấm, có điều kiện học hành và giao lưu với cộng đồng “cùng yêu Chúa”, tránh được cảnh bơ vơ giữa biển đời đầy bão tố, để biết sống trong tâm tình tạ Ơn Thiên Chúa, dù giàu hay nghèo, bệnh tật hay khỏe mạnh.

Buổi chiều tối, chúng tôi ghé Du Sinh, nơi nhà tập của các thầy Dòng Phanxicô, ăn tối và cầu nguyện chung với các thầy, để cảm nhận bầu khí sinh hoạt của một tu viện, cảm nhận Ơn gọi sống khó nghèo, từ bỏ mình để phục vụ người khác chính là lời mời gọi đáp trả tình yêu Thiên Chúa. Sự vui tươi, chân tình, hiền hậu, trong màu áo nâu của tu sinh Phanxicô của các thầy chứng tỏ các tu sĩ đã cảm nhận “tất cả là hồng ân”. Cha chia sẻ: “Lúc đầu có thể chưa được như vậy, nhưng càng đi sâu vào đời tu, người tu sĩ càng được biến đổi để sống mật thiết hơn với Chúa”. Câu chuyện xoay quanh đời tu bắt đầu nóng lên, nhưng thôi….tôi không kể nữa.

Sáng sáng, chúng tôi cùng nhau dự lễ 5g15 sáng ở nhà thờ Con Gà. Sau lễ, các bác U 70 lên phòng tránh lạnh, uống trà nóng, còn đám trung niên rủ nhau đi ra quán Cát Tường uống cà phê, tán tỉnh nhau vì “tuổi này là tuổi đẹp nhất”. Chẳng phải thế sao? Trẻ quá thì không có gì để nói hoặc chỉ nói lý thuyết, lớn quá thì chán nói, chỉ cười vì biết nói nhiều cũng vậy, tất cả là do Chúa làm, tự sức mình chẳng làm được gì. Trung niên mới đích thực là tuổi mộng mơ, có kiến thức, nghề nghiệp, đã trải nghiệm, có hướng đi và chỉ còn mỗi một việc là làm "chiến binh" cho Chúa. Bao điều thầm kín hàng chục năm qua chưa hề hé lộ thì nay, trong không khí gia đình thân thiết, đã được đem ra chia sẻ. Càng chia sẻ càng sáng ra, càng nhận thấy tình yêu của Thiên Chúa là vô bờ, và các nỗi khổ trong gia đình đều xuất phát từ lối sống ích kỷ, xa rời giáo lý và con đường Thập giá của Chúa Kitô, chối bỏ bổn phận của gia đình, nhất là bổn phận xây dựng một công đoàn yêu thương giữa các ngôi vị với đặc tính trọn vẹn, duy nhất, chung thủy.

Một bác, đã sống 40 năm trọn tình, chăm sóc một người chồng bệnh tật cho Chúa, đã được Chúa ban cho bình an cùng vẻ đẹp thánh thiện, dịu hiền, bí ẩn, đầy nữ tính. Đến nay, bác chỉ còn biết ngợi khen Chúa bằng kinh nguyện, đời sống phục vụ, nhẫn nhịn yêu thương con cháu, bác nhận ra sứ mệnh mới của mình sau khi chồng mất là đem hạnh phúc đến cho con gái và hai đứa cháu ngoại bằng cách đưa chàng rể đi lạc về cho Chúa. Trên đường về, bác tâm đắc chỉ tay vào dòng chữ trước một ngôi Thánh Đường “Tất cả là Hồng Ân”, bởi bác chính là chứng nhân. Chỉ tiếc rằng phần lớn giới trẻ ngày nay vẫn chưa tin vào con đường Thập giá và Thiên Chúa yêu thương đang chờ đợi họ ở cuối con đường, nên thường đau khổ, bấn loạn vì không tìm được điều mình ao ước.

Top