Tân Phúc âm hoá đời sống giáo xứ

Tân Phúc âm hoá đời sống giáo xứ

Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố vào cuối tháng 10.2014 kêu gọi các thành phần dân Chúa nỗ lực thực hiện việc Tân Phúc Âm hoá đời sống của cộng đoàn tín hữu trong giáo xứ. Theo lời kêu gọi trên, linh mục phụ trách giáo xứ là những người trước tiên lãnh trách nhiệm Phúc Âm hoá đời sống giáo xứ của mình. Linh mục có thể chu toàn trách nhiệm đó bằng ba cách khác nhau như sau:

1. Cách thứ nhất là Phúc Âm hoá đời sống và bổn phận tu thân của người tín hữu:
1.1. Xây dựng đời sống của người tín hữu trên nền giáo dục toàn diện, gồm bốn phương diện, mang bốn chữ H như sau:
* Head: Mở rộng kiến thức, nâng cao óc phán đoán và sáng tạo;
* Health: Phát triển sức khoẻ thể xác và tâm thần;
* Hands:  Đắc thủ kỷ năng văn hoá, lịch sử, kinh tế, chính trị;
* Heart: Rèn luyện nhân cách có con tim mở rộng;
(theo lời khuyên của bài thơ: “Hãy Dành Thời Giờ”)
1.2. Phúc Âm hoá đời sống theo con đường yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô. (xem 20 Mầu Nhiệm Mân Côi)

2. Cách thứ hai là Phúc Âm hoá đời sống và sinh hoạt của gia đình trong giáo xứ:
2.1. Xây dựng gia đình thành cái nôi của sự sống, thành mái ấm tình thương, thành ngôi trường đầu tiên giáo dục nên người tốt và hữu ích, thành thành trì bảo vệ phẩm giá con người.
2.2. Xây dựng gia đình thành tế bào lành mạnh của xã hội, củng cố nội lực gia đình vượt qua những tệ nạn xã hội, học tập gương Thánh Gia Thất, coi trọng thánh ý Thiên Chúa hơn là những tính toán của riêng mình.

3. Cách thứ ba là Phúc Âm hoá các sinh hoạt, hội họp, công tác của các tổ chức trong giáo xứ, cách riêng của hội đồng giáo xứ (HĐGX), của các nhóm tín hữu, của cộng đoàn giáo xứ. Phúc Âm hoá đời sống giáo xứ có nghĩa là đưa ánh sáng chân lý, tình yêu, bình an của Lời Chúa, của Tin Mừng, vào trong đời sống và mọi sinh hoạt của các tổ chức trong giáo xứ, của cộng đoàn giáo xứ.
Lời Chúa được ghi trong Sách Thánh. Lời Chúa còn là lời Chúa nói qua các biến cố lịch sử, qua truyền thống văn hoá đạo đức. Lời Chúa bày tỏ ý Chúa muốn người tín hữu trước hết và trên hết phải mến Chúa yêu người.
Mến Chúa như ý Chúa muốn là sống hiếu thảo thuận thục và phó thác theo gương Thánh Gia Thất.
Yêu người như ý Chúa muốn là đối xử với nhau với tình huynh đệ hiệp thông và trân trọng phẩm giá cùng các quyền con người.
Yêu người như ý Chúa muốn là yêu thương nhau không chỉ bằng công tác từ thiện xã hội, song còn giúp nhau đưa ánh sáng Lời Chúa vào trong các tổ chức giáo xứ, trong đời sống giáo xứ, đồng hành với nhau đi đến sự sống dồi dào.
Yêu người như ý Chúa muốn còn là cải thiện và thăng tiến phẩm giá con người, đặc biệt người lao động đang lâm vào tình cảnh con người là mục đích phát triển bị biến thành phương tiện sản xuất.
Yêu người còn đòi hỏi lòng tự trọng và trung thực, liên kết với nhau xây đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, góp phần phát triển và thăng tiến xã hội. Nếu là nhà sản xuất: Không sản xuất hàng dỏm, hàng giả, sản phẩm hôm nay phải tốt hơn hôm qua. Nếu là người tiêu thụ: Người VN ưu tiên dùng hàng VN.
Yêu người còn là giúp nhau tôn trọng quyền làm người, cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ, một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Linh mục có thể sử dụng bốn cách khác nhau giúp cộng đoàn Phúc Âm hoá đời sống giáo xứ:
1. Chú giải Lời Chúa trong các sinh hoạt phụng tự, đạo đức.
2. Giúp các tổ chức trong giáo xứ, HĐGX, các nhóm, cộng đoàn, cùng cầu nguyện và đón nhận Lời Chúa.
3. Giúp gia đình giữ giờ kinh tối chung, suy niệm Lời Chúa, ngắn gọn, đưa vào thực hành trong đời sống thường ngày.
4. Giúp cá nhân, gia đình và các cộng đoàn suy niệm 20 Mầu Nhiệm Mân Côi như lời kinh xin ơn Phúc Âm hoá đời sống yêu thương, phục vụ, đổi mới của Chúa Giêsu. Thực hiện việc suy nhiệm này theo từng cá nhân hoặc chung trong gia đình, trong các tổ chức giáo xứ, HĐGX, trong lớp giáo lý, trong nhóm, trong cộng đoàn của mình…
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top