Tản mạn về "Lễ Tình Yêu"
WGPSG -- Tôi được mời tham dự Lễ Valentine, tại trung tâm mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, nhưng vé mời lại là vé cặp. Suy nghĩ quá, nhưng đúng thôi, vì là ngày Lễ Tình Nhân mà. Ở đời thì “trâu có đàn, bò có lứa, ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn, ra đường đi buôn có bạn, đi bán có phường…”, còn tôi chỉ biết đi sớm về trưa một mình, thì lấy đâu ra “cặp” mà đi chứ. Bỗng tôi thấy mình “cô đơn và vô duyên quá”. Người mời khuyến khích tôi rủ bạn gái nào quen biết mà đi có cặp cho vui. Dù tôi có đi với “bạn gái” kiểu gì cũng sẽ bị xầm xì, nhỏ to. Để tốt hơn cho đời, cho bạn và cho tôi, tôi quyết định đi một mình.
Đến nơi, tưởng chừng chỉ có mình tôi “vô duyên”, chứ ai ngờ, nhiều người giống tôi lắm. Tôi thấy mình có bạn, bớt lạc lõng, lẻ loi và bắt đầu hòa mình vào cuộc.
Điều làm bất ngờ nơi tôi trong ngày lễ Tình Nhân này là không chỉ có các cặp tình nhân sắp cưới hay những đôi uyên ương hồng vừa chớm nở, mà có rất nhiều những mái đầu pha sương, bạc trắng dẫn bạn tình trăm năm của mình đến mừng lễ và cũng không ít nam nữ tu sĩ tham dự.
Mừng ngày lễ Valentine, chủ đề mang tên Cám Ơn Tình Yêu, Cho Tình Yêu Thăng Hoa phải nói là được giàn dựng hết sức quy mô, hoành tráng, mang nhiều ý nghĩa. Từ công tác chuẩn bị, tiếp đón, không gian bày trí, đến các chương trình diễn ra rất “Pro”, có nội dung, chiều sâu phong phú, ý nghĩa sâu sắc, giúp cho mọi người như tái khám phá lại tình yêu đích thực vốn có, mà lắm khi trên đường đời ta đã nô lệ, tha hóa, bóp méo hay đánh mất.
Tình yêu ai cũng có, nhưng không phải ai cũng hiểu và sống được giá trị của tình yêu đích thực. Tôi cũng không phải là người ngoại lệ. “Cám Ơn Tình Yêu” cũng là lời cám ơn của tôi dành cho người thực hiện chương trình.
Có người nói Ngày lễ Tình Nhân, thì đúng hơn dành cho các cặp tình nhân lên tiếng, chứ đâu có dính dáng gì đến tình yêu dâng hiến của người tu trì. Người ấy nói đúng, nhưng cũng không đúng.
Đúng, là bởi ngày lễ Valentine được mừng như ngày lễ tình yêu. Những người yêu nhau sẽ trao gởi những bức thư tình, gởi tặng nhau những đóa hoa hồng tươi thắm, những thanh sô-cô-la ngọt ngào, ban tặng nhau những nụ hôn mặn nồng say đắm và trao nhau những lời lẽ, tình cảm trân quý yêu thương…
Sai, là bởi, nếu ngày lễ Valentine được mừng như ngày lễ tình yêu, thì tình yêu bắt nguồn từ đâu? Ta phải quay trở về với Đấng là Nguồn tình yêu và là tình yêu, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thánh Gioan quả quyết: “Thiên Chúa là tình yêu”.
Sự đơn côi, lạc lõng và vô duyên của tôi lúc đầu, lại là một cơ duyên giúp tôi suy nghĩ về Đấng là Nguồn Tình Yêu, ban cho tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, đồng thời, cũng là dịp để tôi nhìn lại tình yêu dâng hiến. Tất cả cho tình yêu thăng hoa!
Tình yêu đích thật, trung thành
Nói đến tình yêu không thể không nhắc tới chàng thi sĩ Xuân Diệu.
“Làm sao sống được mà không yêu,
Không nhớ không thương một kẻ nào.”
Sống mà không có tình yêu, không yêu thương, thì cuộc sống đâu có nghĩa gì. Nếu thế, đời ta chỉ là cỏ cây, gỗ đá. Vậy, hãy cứ yêu. Tình yêu là lẽ sống, là huyền nhiệm. Càng yêu, ta càng cảm thấy cuộc đời thêm sinh đẹp, đáng yêu và khám phá ra muôn điều kỳ diệu. Nhưng yêu thế nào để có được một tình yêu đích thực, trung thành lại là vấn đề không đơn giản.
Tình yêu đích thật phải là hai con tim song hành. Hai con tim ấy sẽ đi trọn hành trình cuộc sống. Sẽ diễn tả một tình yêu thật đẹp và thật diệu kỳ. Họ quyết định đến với nhau bằng tất cả tấm lòng chân thành, không tính toán. Quyết định chung sống suốt đời và cùng nhau đi trọn lý tưởng là điều hết sức quan trọng. Nhưng quyết định đó không phải là quyết định của mù quáng, liều lĩnh. Không thể nhắm mắt nhảy xuống hố thẳm vực sâu mà không biết mình sẽ sống chết thế nào. Quyết định đó phải là quyết định của hiểu biết về mình và về đối tượng. Chọn lựa nào cũng cần phải có thời gian dài thử thách, đo lường, tìm hiểu. Chính thời gian sẽ là lời giải đáp cho một tình yêu vĩnh hằng. Ở đó, thời gian sẽ cho biết đâu là sự chân thành hay giả dối; đâu là người chung tình và đâu là kẻ sở khanh; đâu là tình yêu son sắt bền chặt và đâu là tình yêu hời hợt chóng qua.
Có lẽ, ngày nay các đôi bạn trẻ, ít dành thời gian tìm hiểu nhau và cũng hiếm lắm khi lấy thời gian là thước đo lường tình yêu. Họ yêu nhau chớp nhoáng, cưới nhau vội vàng, để rồi chia tay mau chóng. Bởi đó không phải là thứ tình chân thật. Đến với nhau bằng toan tính, lợi dụng. Đến với nhau bằng sự rạo rực của thân xác lúc ban đầu, để rồi “lửa bạo phát lại bạo tàn”. Tại sao những cặp tình nhân nguyện sống một đời thủy chung, mà ngày nay tổ ấm yêu thương lại dễ dàng ly thân, ly dị? Tại sao tình yêu thiêng liêng vợ chồng, tình nghĩa già đời, cuộc tình trăm năm, thề một lòng gắn kết se duyên bền chặt lại có thể thay tình như thay áo? Tại sao lời yêu thương ngày nào “anh yêu em, em yêu anh, anh thề trên đời này chỉ có em thôi, hay thiếu anh em không thể sống nổi…”, mà sao bây giờ lời yêu thương ấy biến thành pháo đài, gươm đao, nọc độc chua cay: “thằng chó. đ, con quỷ. c”...? Nhìn những cuộc tình ngắn ngủi kết thúc, chia tay sau một thời gian ngắn sống đời hôn nhân sao mà đắng cay, tê tái. Dẫu có thế nào thì cặp mắt vẫn chất chứa vẻ u sầu và phảng phất nét chán chường như kẻ bại trại trên tình trường. Những ước mộng đắp xây, những ân tình chưa kịp nói hết, những giấc mơ đẹp đang dệt dở dang mà bây lại trở nên hụt hẫng, xa lạ và vắng bóng. Có nỗi đau nào đớn đau cho bằng nỗi đau này không? May lắm, người thi sĩ trung tình đã nói hộ giùm đời câu nói ấy:
“Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người.
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.” (Xuân Diệu, Dại khờ)
Xây dựng tình yêu, hạnh phúc thiếu sự hiểu biết lẫn nhau chỉ là xây tòa nhà đời mình trên cát, sớm muộn cũng sẽ vỡ tan như cát vụn, chẳng mang lại hạnh phúc gì cho cuộc sống, nếu không muốn nói là khổ đau.
Tình yêu đích thực, trung thành còn phải được nuôi dưỡng bằng mối tình bền chặt, trung trinh. Phải biết giữ gìn cho tình yêu trong sáng và làm cho tình yêu thăng hoa. Tình yêu ấy phải được cắm rễ sâu trong trái tim hai người. Phải biết đắp xây cho mộng ước tương lai. Phải dám sống vì nhau và chết vì nhau. Phải được tôi rèn, thử luyện như vàng trong lửa. Phải đứng vững trước ngàn muôn bão tố.
Trong ngày lễ Tình Nhân, bác Xuân Thái, người đạt giải nhất trong cuộc thi viết về người bạn đời chia sẻ: “Một chiều cuối năm 1974, sau khi mệt rã vì đi đó đây giữa Sài Gòn nắng gắt, tôi đã đưa em vào khách sạn, sau khi thuyết phục đủ đường.
Em nhớ không? Căn phòng riêng đầy gợi cảm riêng tư lúc ấy đã ghi nhận những mẩu đối đáp quẩn quanh kỳ cục:
- Cho anh đi, một lần thôi trước sau gì mình cũng là của nhau mà!
- Không, không thể được mình chờ lên bàn thánh đã anh! Cứ như thế, các đối đáp chỉ giằng co giữ CHO và KHÔNG rồi đi vào ngõ cụt bế tắc!
Mất hết kiên nhẫn, tôi đã lao vào em như con thú dữ đói mồi. Chợt… “bốp”, trong tình huống quá đỗi bất ngờ, không chút phòng vệ, má tôi đã nhận một cái tát tai rát bỏng. Tôi sững người chết lặng, em giận dữ dập cửa bỏ về.” (Thư gởi vợ, nhớ về một cái tát tai).
Đấy là một tình yêu tinh ròng, tuyệt đẹp và trung trinh. Giả như bạn đời của bác cũng muốn chiều theo sở thích và dục vọng nhất thời, thì liệu hạnh phúc của bác có phải là gia đình bác hôm nay không? Nếu như hai bác đã không vun đắp và dựng xây cho một tình yêu bền chặt thì bây giờ bác ra sao nhỉ? Và nếu chỉ biết lao vào nhau như thú giữ đói mồi, để thỏa mãn xác thịt rồi sau đó thú no mồi thì thú lại chán ngắt. Đời chán phèo, lịm tắt. Cái chán đó là cái chán ngán nhất đời vì “mình đã không được đưa lên bàn thánh”!
Vâng, có thể tình yêu của bác không tuyệt hảo khi đem so sánh với một số cặp tình trăm năm khác, nhưng không thể phủ nhận đấy lại là một tình yêu cao quý, trân trọng và đáng ngàn đời tôn vinh.
Cuộc đời có những khoảnh khắc. Có những khoảnh khắc làm nên nét đẹp cuộc đời và hạnh phúc tràn mi, nhưng không thiếu những khoảnh khắc làm cho con người đau khổ muộn phiền và tình tàn lịm tắt. Tất cả vẫn là những chọn lựa của riêng mình.
Xin quay ngược thời gian để biết những chọn lựa và thấy được những khoảnh khắc. Ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa dựng nên con người, đặt con vào vườn Eden và ban tặng cho con người tình yêu hạnh phúc. Nhưng con người lại không biết trân trọng và dưỡng nuôi tình yêu tinh ròng ấy, mà lại đi tìm một thứ tình dễ tàn phai, sai lệch và chỉ biết thỏa mãn cho những sở kỷ chóng qua nơi mình, để rồi tình yêu của con người bị quấy phá, nhung nhiễu, vẩn đục và bắt đầu lừa dối và lường gạt lẫn nhau. Hoạt cảnh “tình yêu và bội phản” do đạo diễn Sr. Têrêsa Khánh Tiên, được diễn trong phần II - Xin lỗi tình yêu đã phần nào lột tả được điều này. Xin lỗi tình yêu cũng là lời chúng ta phải nói với nhau khi mình đã để tình yêu mất đi hương vị ngọt ngào của tình trăm năm. Nói với nhau lời xin lỗi khi mình sai lỗi quá nhiều. Thú nhận và xin lỗi thật lòng khi mình thiếu tình chân thực và thủy chung. Và cũng là lời nhắc nhau khi mình sống thiếu trân trọng người tình, chỉ biết đòi hỏi và hưởng thụ mà thiếu quan tâm, hy sinh và hiến tặng cho nhau.
Tình yêu hy sinh, tự hiến
Chúa Giêsu chính là mô mẫu cho chúng ta về tình yêu hy sinh, tự hiến: Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì người mình yêu.
Người ta có thể sống hết mình vì tình yêu và sẵn sàng hy sinh tất cả vì nó. Tuy nhiên, một trở ngại không nhỏ là có rất nhiều người bước vào con đường tình yêu, nhưng hơi gặp khó khăn đau khổ một chút là chán nản, thất vọng, buông xuôi. Họ không biết dựng xây cho một tình yêu lớn mạnh và ươm trồng để tình yêu trổ sinh kết trái. Họ đòi hỏi người yêu phải chiều chuộng mình, nhưng chính mình lại quên thể hiện tình yêu của mình qua những hy sinh cho người mình yêu.
Tình yêu không phải là hai đường thẳng song song chẳng bao giờ gặp, nhưng là hai trái tim song hành trên cùng một đường thẳng. Không thể có thứ tình yêu đơn phương một chiều, không thể có thứ tình yêu ích kỷ hưởng thụ. Tình yêu chân chính là hai nhịp cầu nối liền bờ sông. Nơi ấy có trao ban và đón nhận. Người mà chỉ biết nhận mà không biết cho là người ích kỷ, không bao giờ cảm nhận được niềm vui của tình yêu đích thực. Người cho đi không bao giờ mất mà đón nhận lại nhiều. Vì “khi biết cho đi là khi lãnh nhận, khi biết quên mình là khi tìm thấy”. Hy sinh và tự hiến, cũng như đón nhận và trao ban như là bản chất làm nên một tình yêu chân thực. Xuân Diệu có lý khi nói “Yêu là chết trong lòng một ít”, nhưng không chỉ là chết trong lòng một ít đâu mà “yêu là tát cạn bản thân mình”. Cho đi tất cả, hy sinh tất cả, hiến dâng tất cả. Để tất cả cùng trở nên một cho nhau. Cho một ước nguyện, cho một tình yêu, cho một lẽ sống. Và sống thế nào, để ở bên nhau là hạnh phúc, xa nhau là nhớ thương dạt dào. Như cá gần nước, như cây liền cành, như sông liền khúc, hạnh phúc trào dâng, tình thương quấn quýt. Để một nửa tình yêu của nhau có thể nói lên điều này:
“Người đi một nửa hồn tôi chết,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ” (Hàn Mạc Tử, Những giọt lệ)
Tình yêu hy sinh, tự hiến cho nhau sẽ trở nên hương thơm ngọt ngào:
“Thiếp xa chàng ăn vàng cũng đắng,
Thiếp gần chàng ăn muối trắng cũng ngon.” (Ca dao)
Là sức mạnh của tình yêu để con người vượt qua những khó khăn thử thách, những thăng trầm biến đổi mà ở bên nhau mãi mãi:
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cẩu thập đèo cũng qua.” (Ca dao)
Cũng sẽ là niềm trông cậy, hy vọng và sự chở che bên nhau, chẳng quản ngại giàu nghèo, chỉ cần tình yêu hy-hiến sẽ thắp sáng cho một hạnh phúc tình trăm năm:
“Yêu nhau chẳng ngại chiếu giường, dẫu rằng tầu lá che sương cũng tình.”
“Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.”
“Yêu nhau bất kể giàu nghèo, dù cho lên ải xuống đèo cũng cam.” (Ca dao)
Đó là tất cả cho tình yêu đến, một tình yêu chân thành, thủy chung, một tình yêu hy sinh, tự hiến cho người mình yêu, họ sẽ cảm nhận được niềm khát khao cháy bỏng từ nơi sâu lắng nhất tâm hồn và cảm nhận được sự thu hút làm mê mẩn lòng người khi ở bên nhau.
Thí sinh Anne Kim Gương cũng là bà cố, đạt giải nhì trong cuộc thi viết về người bạn đời lên chia sẻ với mọi người trong ngày lễ Valetine:
“Người bạn đời tôi thường hay say rượu. Ngoài xã hội ai ai anh cũng cư xử tốt, ngược lại, về gia đình vợ con như là nơi để anh chút giận. Tôi tủi thân, nước mắt tràn mi, không biết khổ đau hay hạnh phúc? Hằng tuần, tôi phải chịu hàng trăm cái nhẫn nhục: Đối với gia đình, đối với bản thân… Nó tàn nhẫn dồn dập, làm tôi mệt mỏi, những khổ đau ấy hằn lên khuôn mặt đến nỗi ai nhìn vào cũng thấy.” (Anne Kim Gương, Người bạn đời của tôi).
Nếu như bà cố Kim Gương không có một tình yêu hy sinh, tự hiến thì làm sao có thể “ngũ lục sông cũng lội, thất bát cẩu thập đèo cũng qua”, làm sao có thể “kê trăm chỗ lệch cho bằng”? Và giả như bà cố trong lúc người bạn đời sáng say chiều xỉn, chẳng bao giờ nói được một câu tỉnh táo, chẳng bao giờ hết cơn trút giận lên đầu, chẳng bao giờ là bờ vai tin cậy, cột trụ gia đình mà bà cố hướng về một đối tượng bao bọc chở che khác mà không phải là ông cố thì bà cố có phải la bà cố của ngày hôm nay không? Tất cả những gì bà cố gánh chịu, hy sinh, ầm thầm, nhẫn nại đã không sinh hoa trái là người con linh mục đó sao? Cũng chính tình yêu hy sinh tự hiến ấy như một phép mầu, bà cố đã có người bạn đời là ông cố đạo hạnh, tốt lành. Trong niềm vui sướng hạnh phúc tột độ, bà cố không thể kìm nén những giọt lệ hạnh phúc tràn mi mà thốt lên: “Tôi cám ơn Chúa đã ban cho gia đình tôi hồng ân quá lớn lao. Trong mắt của chúng tôi giờ đây chỉ còn là ánh sáng của niềm tin, sự hài lòng mãn nguyện về những đứa con. 35 năm là quãng thời gian không ngắn chút nào! Nhưng tình yêu chúng tôi dành cho nhau thật bền chặt, không ngã gục trước những thách đố và những khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần, vượt qua những phiền muộn lo âu trong cuộc sống.” (Sđd, tr. 32)
Tình Yêu là điều gì đó thật là thiêng liêng và cao quý. Nó đem lại cho chúng ta cảm giác được yêu thương và là động lực giúp ta vượt qua những thử thách trong cuộc sống và đưa ta đến bến bờ hy vọng tưởng chừng như không thể vượt qua khỏi những con sóng xô đẩy dập vùi. Do vậy, chúng ta phải biết trân trọng, giữ gìn, nâng niu và nuôi dưỡng tình yêu.
Tôi muốn thêm đôi ba khía cạnh cho tình yêu, nhưng tình yêu không ai nói hết cho cùng, không ai có thể định nghĩa được hai từ Tình Yêu cho trọn vẹn. Tình yêu thì muôn sắc muôn mầu. Có khi là mầu hồng, có khi là gai nhọn. Có khi là hạnh phúc, có khi là thương đau. Điều quan trọng là ta biết đón nhận tình yêu và làm cho tình yêu thăng hoa. Tôi biết nói thế nào cũng không đủ, nhất là tình yêu vợ chồng, tình yêu phu phụ, tình trăm năm, vốn đời tôi chẳng kinh nghiệm, hiểu biết. Nhưng tôi nhận ra nhiều bài học về một tình yêu chân thực, trung tình, tình yêu hy-hiến trong cuộc tình trăm năm, cũng là điểm quan trọng cho tình yêu dâng hiến, ơn gọi đời tôi.
Nguyện cầu chúc cho những ai đã yêu, đang yêu, sẽ yêu và những cuộc tình trăm năm sống mãi đời hạnh phúc thương yêu cho dẫu có những buồn đau, nghi ngại, nhưng hạnh phúc vẫn là mầu xanh mãi niềm hy vọng. Và nếu được, xin cũng nhớ đến tôi trong lời nguyện cho tình tôi bền chặt, vẹn tròn, trung trinh.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Thông điệp của mùa xuân
-
Giờ kinh Giao Thừa -
Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam -
Lời kinh đêm Giao thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Mồng 3 Tết: Thánh hoá công ăn việc làm -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Đạo Hiếu theo quan niệm Công giáo -
Tại sao người ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út?