Tấm bánh tạ ơn ngày Tết

Tấm bánh tạ ơn ngày Tết

WGPSG -- Theo truyền thuyết Việt Nam, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.

Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho". Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành và yêu thương đùm bọc con cái."

Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, lấy lá xanh bọc ở ngoài bỏ vào chõ chưng chín gọi là bánh chưng. Giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là bánh dầỵ Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, dân chúng lại làm bánh chưng và bánh dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất. Đó là một trong những sản vật ngày Tết, một giá trị vật chất và tinh thần không thể thiếu trong dân tộc Việt Nam:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

 Trong Thánh lễ tạ ơn đêm Giao Thừa và Tân Niên, cặp bánh chưng bánh dầy cùng với bánh miến, rượu nho dâng lên Thiên Chúa là những lễ vật tạ ơn do bàn tay con người làm ra đậm chất dân tộc. Vừa để kính nhớ tổ tiên, vừa là lễ vật thay mặt cho ông bà, cha mẹ, những người trong gia đình, họ hàng, thân tộc đã ra đi trước không thể tụ họp cùng con cháu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Nó còn giáo dục truyền thống yêu thương của gia đình từ bao thế hệ: cha mẹ yêu thương chăm sóc con cái, con cái thảo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Phút giây Giao Thừa, khi đất trời bước vào thời khắc chuyển tiếp và tiếng chuông nhà thờ ngân nga rộn rã, gia đình sum họp trước bàn thờ đọc kinh nguyện tạ ơn Chúa đã ban cho một năm no đủ, dâng lên Chúa ước nguyện bình an, hạnh phúc trong năm mới. Sau đó, bóc một tấm bánh chưng để cả nhà cùng nhau ăn khuya và nhấm nháp chút rượu Xuân trong nến hương nhè nhẹ lung linh lan tỏa sự ấm áp, yêu thương của gia đình. Cùng nhau trò chuyện, chia sẻ những việc đã làm trong năm đã qua và những dự tính trong năm sẽ tới; qua đó, cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương bao la qua tiến trình tạo dựng vũ trụ và con người.

Ba ngày Tết, sau lời kinh tạ ơn trước bữa ăn: “…Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…”, trong các bữa cơm sum họp gia đình, đều có những tấm bánh chưng được bóc sẵn như để bày tỏ những thành quả lao động từ đất đai do các thành viên trong gia đình cùng nhau đóng góp. Sự làm việc của con người là trong thánh ý của Thiên Chúa: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Vườn Ê-đen - địa đàng, là hình ảnh của hạnh phúc mà Thiên Chúa đã tạo dựng sẵn cho con người. Con người hưởng được hạnh phúc ấy bằng cách phải canh tác, nghĩa là phải làm việc để tạo ra hạnh phúc. Không chỉ vậy, con người phải biết “canh giữ đất đai”, đồng nghĩa với việc giữ gìn hạnh phúc đã tạo ra thì mới tồn tại và tiếp tục được hưởng.

Tạo dựng, giữ gìn hạnh phúc nhưng còn phải biết chia sẻ cho những người khác nhất là những di dân, những người đau yếu, những trẻ em lang thang không nơi nương tựa… Thánh Phaolô trong sách Công vụ Tông đồ đã nói: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35).

Nhưng cao hơn hết là lao công của con người còn phải quy hướng vào Lời Chúa như Đức Giêsu đã từng giáo huấn đám dân chúng chỉ biết lo tìm Người để hưởng thụ của ăn vật chất mà không chịu làm việc: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận" (Ga 6,27).

Dưới ánh sáng đức tin, khi lao động, con người được Thiên Chúa mời gọi cộng tác để kiện toàn công trình tạo dựng; đồng thời thực thi được ý muốn của Thiên Chúa qua lao tác. Nói cách khác, con người được dựng nên để đồng sáng tạo với Thiên Chúa. Công đồng Vatican II cũng xác định: “Khi cấy cầy với hai bàn tay hoặc với phương tiện kĩ thuật để trái đất nảy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thủa ban đầu, là loài người phải chế ngự trái đất và hoàn tất công trình sáng tạo.”

Noi gương Chúa Giêsu, Đấng làm việc liên lỉ ngày ngày theo thánh ý Chúa Cha: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc." (Ga 5,17). Mỗi người, tuỳ theo hoàn cảnh, địa vị và ơn riêng Chúa ban, phải làm việc, chu toàn và sinh ích lợi từ công việc của mình. Bậc làm cha mẹ thì lo làm tròn bổn phận của người làm cha làm mẹ, giữ gìn gia đình hạnh phúc. Kẻ làm con cái lo sao chữ đạo hiếu cho tròn. Cả gia đình yêu thương nhau, cùng nhau làm việc để phục vụ sự sống và giới thiệu Chúa Giêsu cho những người chung quanh bằng chính đời sống và việc làm của gia đình mình.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, các thành viên gia đình chúng con lại quy tụ về đây trong một mái nhà. Cùng nhau dâng lên Chúa sản vật truyền thống của dân tộc chúng con là những tấm bánh do lao công chúng con làm ra. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một năm no đủ, bình an và hạnh phúc. Xin thánh hóa công ăn việc làm của chúng con trong năm mới với tinh thần tương thân tương ái, góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Xin cho gia đình chúng con được thấm nhuần tinh thần Tân Phúc-Âm-hóa: xây dựng gia đình chúng con thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng. Amen.

Top