Ta tiếc cho em!
Vội vã vào bến cho kịp chuyến xe cuối xuôi về miền quê nghèo để chia sẻ chút tâm tình mùa Vọng như đã hứa với “cố nhân”. “Cố nhân” coi xứ gần gần Sài Thành thì cũng đỡ cho chuyện đi lại đàng này “Cố nhân” lại ở cái xứ khỉ ho cò gáy nên tìm đến cũng khá vất vả.
Có lẽ là chuyến cuối nên hành khách lưa thưa lớt thớt hơn những chuyến bình thường. Chờ mãi, chờ mãi cuối cùng bác tài cũng cho xe lăn bánh dù nán đợi dăm ba hành khách để kiếm chút xăng giữa cái thời vật giá bay bay. Đang miên man nghĩ về vùng miền Tây sông nước thì xe dừng lại để rước thêm một người khách. Vì bên cạnh còn trống nên người phụ nữ ấy được chú lơ chỉ vào.
Dăm ba phút qua lại thì người nữ ấy cho biết là sáng giờ đi khám sức khoẻ, chờ mãi, chờ mãi vừa mới xong nên ra bắt xe cũng khá muộn.
Tính tình bộc trực, cô chẳng giấu gì về sức khoẻ của mình. Cô nói lần trước “cấn” một cái được bốn tháng, do đường dưới quê trơn trợt nên bị té và “nó” bị “xẩy”. Cô nói luôn là tiếc lắm nhưng chẳng biết làm sao cả. Lần này đi khám để về chuẩn bị tinh thần cho ra đời “con mén” hay “thằng cu” vì hai bên nội ngoại mong lắm rồi.
Trình bày lý do bị “xẩy” là do khách quan nhưng lòng cô cảm thấy làm sao ấy với sinh linh nhỏ bé đang lớn dần trong bụng. Cô cảm thấy thương lắm, cảm thấy tiếc lắm cho lần không may ấy. Cô cũng nói thẳng rằng giờ đang cầu xin ơn trên cho có thai chứ sống trong cảnh này cũng chán lắm…
Có lẽ do chầu chực trong bệnh viện từ sáng đến giờ đã quá mệt nên sau khi “trút bầu tâm sự” với người đồng hành cô đã thiếp đi lúc nào không biết.
Cô thiếp đi thì câu chuyện về sinh linh nhỏ bé không may bị chết của cô chấm dứt nhưng hình ảnh những sinh linh nhỏ bé bị giết hại một cách cố tình, một cách vô lương cứ đâu đó quanh quẩn trong tâm và trong trí.
Nghe câu chuyện của cô hành khách này lại nhớ đến hình ảnh của bé học trò giáo lý thuở nọ.
Lâu lắm mới gặp lại Em nhưng chỉ qua điện thoại. Em nghe tôi đang làm việc ở trường khuyết tật Em mừng lắm vì như đã tìm được chiếc phao. Đầu dây bên kia cứ ngỡ rằng Em sẽ chia sẻ một chút gì đó cho những em kém may mắn nhưng giọng Em chùn lại. Em nói là Em có đứa con trai bị khiếm thị bẩm sinh … Em sẽ mang xuống gửi chỗ cha đang phục vụ. Lòng người nghe cũng chùn theo khi nghe thấy cô học trò nhỏ của mình năm xưa sinh phải đứa bé kém may mắn. Lặng đi một chút để nghe Em trút bầu tâm sự.
Em mới kể lại kỷ niệm của ngày xa xưa cách đây 4 năm khi cha còn là thầy. Ngày ấy Em cùng ông xã ngồi ở dưới còn thầy ở trên truyền đạt một chút kiến thức để bước vào đời sống hôn nhân gia đình…
Em nhớ lại: Hôm ấy, thầy dạy Em rất kỹ về sinh sản có trách nhiệm. Thầy còn nhấn đi nhấn lại chuyện bảo vệ sự sống, chuyện phá thai … Thầy còn dặn học viên là nếu ai có “lỡ” thì cứ phone cho thầy để thầy gửi đến nơi an toàn để sinh nở. Học xong, Em tính liên lạc với thầy nhưng ngại vì Em đã “lỡ” với anh ấy.
Khi ấy, với danh giá của gia đình, cộng thêm sự chỉ vẽ của gia đình chồng nên Em đã đi phá thai. Lúc ấy Em muốn gọi cho thầy để thầy về can thiệp với gia đình nhưng em sợ người cha quá khắc nghiệt. Khắc nghiệt đến độ bắt con rể tương lai phải theo đạo dẫu rằng không biết người ấy có tin hay là không. Chàng rể tương lai biết không còn cách nào khác nên cũng ù ù cạc cạc theo đạo cho bố vợ yên lòng.
Em nói rằng bi đát hết sức bi đát là chàng rể ngày xưa ngoan nguỳ theo đạo cho vừa lòng bố vợ ấy nay cũng chẳng còn lui tới nhà thờ nữa. Đau lòng hơn khi nguyền rủa đứa con trai bị mù ấy là do mẹ bởi chàng dựa theo câu nói “con trai nhờ đức mẹ”. Chồng em đay nghiến là do Em ăn ở làm sao đó nên mới sinh ra đứa con trai mù ... Em không ngần ngại rằng có những lúc Em muốn gieo mình xuống dòng sông Bình Lợi cho xong chuyện … Cuối cùng, Em mới nhìn nhận rằng đứa con Em đang cưu mang đây phải chăng là hậu quả của cái ngày xưa đã hơn một lần phá thai và nhiều lần uống thuốc ngừa thai.
Em chia sẻ với tôi là Em cũng cảm thấy hối tiếc nhưng giờ thì quá muộn!
Em cũng chẳng giấu diếm rằng từ ngày làm cái tên đao phủ ấy thì lòng của Em chẳng thể nào bình an được. Lòng của Em nó làm sao ấy khi Em đã phạm cái tội tày đình.
Nghe Em nói và nghĩ đến đứa con trai đầu lòng của Em bị khiếm thị lòng của người thầy năm xưa cảm thấy làm sao ấy. Dẫu rằng ngày xưa đã rút ruột ra mà nói để ngăn đe chuyện phá thai, chuyện giết người nhưng Em lại phớt lờ với lời ngăn đe ấy.
Miên man suy nghĩ về Em một lát tôi cũng chìm vào giấc ngủ vùi trên chiếc xe cà tàng mới sơn phết.
Vừa tỉnh giấc thì xe cũng vừa cập bến. Vội vã xuống võ lãi để vào trong vùng nước nổi kẻo “cố nhân” sốt ruột...
Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên cạnh trên chuyến xe dài và hình ảnh của Em sao mà bi đát quá.
Người nữ ấy mong có con nhưng lại mất và khả năng có lại hơi bị khó vì sức khoẻ khá yếu. Còn Em, Em được Chúa ban cho có phúc là có sinh linh đang tượng hình trong lòng em thì Em lại cam tâm để phá huỷ.
Dẫu phải bận tâm cho những bài chia sẻ ở xứ của “cố nhân” coi sóc nhưng hình ảnh của Em vẫn còn. Ta tiếc cho Em, ta tiếc cho gia đình Em.
Chỉ vì một chút danh giá mà Em đã giết người. Chỉ vì một chút sĩ diện mà cha em đã bắt người không tin theo đạo.
Em có lỗi hay cha Em có lỗi, chồng Em mắc tội hay gia đình chồng Em mắc tội?
Chỉ tiếc cho đứa bé đang hình thành trong em vô tội mà Em đã vội giết cũng như những đứa bé khác chưa kịp hình thành mà Em đã huỷ diệt không có cơ may cất tiếng khóc chào đời. Với cái kinh nghiệm hết sức hiện sinh, không biết rằng Em còn “can đảm” để giết hại những thiên thần nhỏ bé của Chúa hay không.
Nguyện xin ơn Thánh Chúa luôn ở mãi trên Em cũng như bao nhiêu người nữ khác để Em cũng như nhiều phụ nữ khác đừng bao giờ phạm cái tội kinh khủng là giết hại những thiên thần của Chúa. Và cũng xin mọi người đừng bao giờ phạm cái tội giết người để rồi một ngày nào đó cứ mang trong mình cái ám ảnh, cái bất an của kẻ sát nhân.
bài liên quan mới nhất
- “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Mừng thọ - Lời tạ ơn và bài học cho người Kitô hữu -
Lắng -
Nhịp bước với Mẹ Maria trong cuộc hành hương hy vọng -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Sáng - Chúa Giêsu chịu phép rửa -
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa -
Lý do theo Kinh Thánh để chúng ta phải tránh nói hành nói xấu -
Mùa Giáng Sinh lần hạt Năm Sự Vui -
Ba bước chân hành hương thực hiện trong cuộc sống -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 01/2025: Cầu cho quyền được giáo dục
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19