Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXIV Mùa Thường Niên
TUẦN XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Mc 8,27-35
"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình mà theo.”
(Mc 8,34)
Câu hỏi xưa kia Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai." hôm nay Ngài cũng muốn đặt cho mỗi người chúng ta.
Có thể trả lời hai cách.
Hoặc trả như Phêrô: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mc 28,27)
Trả lời như vậy là rất đúng. Nhưng sợ rằng đó là một câu trả lời lý thuyết, hiển nhiên, có sẵn, theo sách vở. Chúng ta học trong sách thế nào thì thưa lại như vậy, chứ chưa chắc đã là một xác tín của bản thân.
Cách thứ hai là trả lời theo kinh nghiệm bản thân. Sau khi suy nghĩ, cân nhắc mình nghĩ thế nào, cảm nghiệm điều gì thì nói lên trung thực như vậy.
Theo cách này thì trả lời không dễ và mỗi người phải có câu trả lời riêng của mình.
Anh chị em sẽ trả lời như thế nào? Riêng tôi, tôi sẽ thành thật thưa cùng Chúa như thế này: Thầy là người gây rất nhiều phiền toái cho người khác, là một gương mẫu không thể theo nổi nên dễ làm nản lòng. . . nhưng đồng thời Thầy cũng là người mà con cần đến nhất, không thể thiếu trong đời con.
1. Một Người Gây Phiền Toái
Vâng! Chúa Giêsu gây rất nhiều phiền toái cho mọi người, nhất là cho những ai muốn theo Ngài. Ngài đòi hỏi quá nhiều. Và những điều Ngài đòi hỏi thường đi ngược lại với bản năng của con người. Ngài mời gọi theo con đường hẹp, và qua cửa hẹp, vác thập giá mỗi ngày. Ngài còn đòi hỏi phải từ bỏ tất cả, kể cả chính bản thân. Tin mừng hôm nay kể lại: Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại và Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. (Mc 8,34-35)
Nhiều lúc Ngài đặt người môn đệ trước những lựa chọn rất nghiêm ngặt và gay cấn. Muốn trung tín với Ngài nhiều khi phải chịu những thiệt thòi rất lớn, chẳng hạn phải hy sinh tiền của, tình yêu, gia đình, sự nghiệp, tương lai… Và trong thực tế nhiều người đã không có đủ nghị lực để chấp nhận những hy sinh đó.
Một nhà kinh doanh nói: Nếu làm đúng theo lương tâm Kitô giáo thì chúng tôi bị thiệt thòi quá lớn, biết lấy gì mà bù lại được!
Một bà mẹ gia đình nói lên tình trạng bối rối: Nếu giữ đúng luật Chúa thì đời sống chúng tôi sẽ vô cùng chật vật, bấp bênh.
Một đôi trẻ tâm sự: Nếu không phải là người có đạo thì chuyện tình duyên của chúng tôi gỡ rối cũng chẳng có gì khó. Nhưng khổ là mình có đạo nên mới thành bế tắc.
Còn có nhiều lời khác tương tự, nhiều hoàn cảnh bi thảm khác. Quả thật Chúa Giêsu gây không ít phiền toái, rắc rối. . . làm nhiều người đau khổ.
Vâng! Theo Chúa Giêsu còn khó hơn leo núi. Mà chiều cao của ngọn núi này không thể đo được bằng thước trần gian. Càng leo càng thấy cao và càng thấy dốc. Làm sao đôi lúc có thể tránh được cơn cám dỗ ác hại nhất là bỏ cuộc vì nản lòng.
2. Nhưng Chúa Là Người Mà Ta Cần Đến Nhất
Nhưng xét cho cùng, Chúa Giêsu vẫn là người mà ta cần đến nhất. Thiếu Ngài là ta sẽ chới với, ngả nghiêng. Cuộc đời sẽ chao đảo, lạc hướng, mất hết ý nghĩa.
Cuộc sống cũng như tâm hồn chúng ta có nhiều mơ ước. Có những mơ ước dễ nhìn thấy như những mơ ước về một cuộc sống giàu sang, một cuộc sống có đầy đủ mọi phương tiện, mơ ước về một sự thành đạt để được sống cao hơn, sung sướng hơn .v.v… Nếu chỉ dừng lại ở những mơ ước thường ngày, có liên quan đến cuộc sống thể xác, vật chất trước mắt như thế thì có lẽ sự hiện diện của Chúa Giêsu cũng chẳng có ích gì nhiều cho chúng ta.
Nhưng nếu suy nghĩ sâu xa hơn một chút nữa, chúng ta sẽ thấy cuộc sống của con người còn có nhiều mơ ước khác, Chúng thầm kín, thâm sâu, luôn âm ỉ dưới chiều sâu, ẩn giấu. . . nhiều khi chính mình cũng không thể ý thức được hết. Đó là những ước mơ có liên quan đến vận mệnh và ý nghĩa của đời người. Chúng ta vẫn nhận ra mình luôn mơ ước, ít ra một cách mơ hồ về cái gì chân thật, hoàn hảo, vĩnh cửu. . . nghĩa là mơ ước người chân lý, về sự toàn thiện.
Vấn đề là ai có thể thỏa mãn được những ước mơ thâm sâu và thầm kín đó của chúng ta?
Chắc chắn chỉ có mình Đấng đã tự giới thiệu mình là Chân lý và là Sự sống: “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.
Chúa Giêsu là Chân lý bất biến và tối hậu. Ngài là Sự sống tràn đầy và vô tận.... trong khi sự sống thân xác chỉ là một tia lửa lóe lên chốc lát rồi lại tắt ngấm trong đêm dài bất tận. Ngài còn là đường an toàn, chắc chắn, đưa hết thảy chúng ta tới Chân lý và Sự sống trọn vẹn.
Chính vì thế mà Ngài là người mà chúng ta cần đến nhất, một người không thể thiếu.. . mặc dầu sự hiện diện của Ngài có gây phiền toái, và sự thánh thiện của Ngài đôi khi có làm cho chúng ta nản lòng.
Cho nên lời tuyên xưng xưa của Phêrô còn phải trở thành kinh nghiệm riêng của mỗi người chúng ta hôm nay:”Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai Ai”.
3. Công Việc Phải Làm: Tin Tưởng Vào Chúa.
Có người kể lại giấc mơ của mình như sau: Tối hôm qua, tôi mơ thấy mình đang cầu nguyện, bỗng chốc một luồng ánh sáng xuất hiện; trong ánh sáng huy hoàng đó, tôi nhận ra Chúa Giêsu đang đứng trước mặt tôi, Ngài mỉm cười nhìn tôi và nói:
- Con hãy đến ngồi trên tấm thảm này với Ta.
Lòng tràn đầy vui sướng, tôi tiến lại gần bên Chúa và ngồi xuống tấm thảm bên cạnh Ngài. Tấm thảm từ từ bay bổng lên không trung đưa theo Chúa Giêsu và tôi ngồi trên đó. Tôi mỉm cười, lòng đầy vui sướng và tự nhủ: thật không còn gì hạnh phúc cho bằng được ở gần bên Chúa.
Một lúc sau, tôi quay nhìn Chúa Giêsu để bày tỏ niềm vui của tôi; thế nhưng tim tôi bắt đầu đập mạnh, vì tôi có cảm tưởng như Chúa Giêsu không còn bận tâm đến tôi nữa, bởi lẽ Ngài đang chăm chú rút từng sợi chỉ của tấm thảm rồi quăng chúng vào không trung. Chẳng mấy chốc tấm thảm chỉ còn lại phân nửa. Hết sợi chỉ này đến sợi chỉ khác từ từ bay lên theo gió, chân tay tôi bắt đầu run lên vì hoảng sợ, thế nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên tiếp tục rút từng sợi chỉ. Sau cùng tôi kêu lên
- Lạy Chúa, Chúa đang làm gì thế? Chúa không thấy là chẳng còn mấy chốc nữa tấm thảm của chúng ta sẽ tan tành hay sao?
Chúa Giêsu mỉm cười nắm lấy tay tôi và nói:
- Sao con lại nhát đảm và kém lòng tin như thế? Con hãy bám chặt vào Ta, con sẽ không phải sợ gì nữa, mặc dù con sẽ bị tước đoạt hết mọi sự, cả đến sợi chỉ cuối cùng”.
Chúa Giêsu vừa dứt lời, thì quả thực sợi chỉ cuối cùng của tấm thảm cũng bị rút đi luôn, và tôi giật mình thức giấc.
THỨ HAI TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Lc 7,1-10
"Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel,
tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”
(Lc 7,10)
Nhân vật chính trong câu chuyện này là một viên sĩ quan người Rôma. Ông là một người tốt.
1. Trước hết, là sĩ quan - ông coi 100 binh sĩ: Một con người có quyền, có chức nhưng ông vẫn thương những người dưới quyền ông.
Sử gia Polybius đã viết về những sĩ quan bách quân đội trưởng như sau: "Họ là những người chỉ huy rất hoạt động, rất đáng tin cậy. Họ không tự tìm nguy hiểm, không quá say mê chiến đấu, nhưng nếu được thúc bách thì họ sẵn sàng kháng cự và chết tại chỗ".
Trong Tân Ước, cứ mỗi lần có một viên bách quân đội trưởng nào được đề cập đến thì chúng ta thấy họ đều là những người tốt.
2. Ông đã có một thái độ phi thường đối với đầy tớ mình.
Ông thương bằng cách sẵn lòng chịu cực đủ thứ để mong cứu nó.
Theo luật pháp Rôma, một nô lệ được định nghĩa như một đồ dùng, không có quyền pháp định nào. Chủ nhân có quyền tự do sinh sát đối với người nô lệ của mình. Một văn sĩ Rôma chuyên về sự quản lý gia cư có lời khuyên những chủ trại mỗi năm nên kiểm kê các vật dụng và cũng khuyên họ ném bỏ bớt những món gì cũ kỹ, bể nát, kể cả những nô lệ già yếu không sử dụng được nữa.
Có biết được như thế, chúng ta mới thấy thái độ của viên sĩ quan Rôma này đối với nô lệ quả là phi thường.
3. Ông là người rất sùng đạo.
Một người đã xây cất cho dân chúng một ngôi nhà hội, hẳn không phải là một người chỉ có cảm tình hời hợt với đạo.
Thực ra thì người Rôma có khuyến khích các sinh hoạt tôn giáo nhưng không phải là họ thương những người Do Thái mà là vì mục đích chính trị. Họ làm thế là để giữ cho dân chúng khỏi nổi loạn và trật tự luôn được bảo đảm. Còn thâm tâm họ, thì họ coi tôn giáo chẳng khác gì là một loại thuốc phiện mê dân.
Chính Hoàng đế Augustus khi khuyến khích xây nhà hội cho những người Do Thái, ông cũng làm vì mục đích này. Gibbon có lần đã nói: "Các hình thức khác nhau về tôn giáo thịnh hành trong đế quốc Rôma lúc đó đều được dân chúng xem là đúng đắn cả. Các triết gia thì xem là sai lầm, nhưng quan tòa thì xem điều đó là có ích".
Đối với viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay, thì chúng ta thấy khác hẳn: Rõ ràng ông không cư xử như một nhà chính trị, mà rõ ràng ông là người có nhiệt tâm với tôn giáo.
4. Ông có cảm tình phi thường đối với dân tộc Do Thái.
Người Do Thái khinh dân ngoại và dân ngoại ghét người Do Thái. Đó là một điều mà người Do Thái bình thường nào cũng biết.
Chủ nghĩa chống Do Thái không phải là điều mới lạ. Người Rôma gọi dân Do Thái là một dòng giống dơ bẩn. Họ coi Do Thái giáo là một thứ mê tín man rợ. Họ thường nói với những chủng tộc khác về lòng ghen ghét của họ đối với người Do Thái. Họ tố cáo người Do Thái thờ đầu con lừa và mỗi năm người Do Thái giết một người dân ngoại để cúng tế thần mình.
Riêng đối với viên sĩ quan hôm nay, chúng ta thấy giữa ông và những người Do Thái có một sự thân mật rất chân tình, không có gì là giả tạo.
5. Ông là một người khiêm nhượng.
Ông biết rất rõ rằng, một người Do Thái chính thống bị luật pháp của họ cấm bước chân vào nhà một người dân ngoại.
Ông cũng biết rõ rằng, một người Do Thái chính thống sẽ không cho phép một người dân ngoại bước chân vào nhà mình hay là tiếp xúc với người đó.
Chính vì thế mà ông không dám đích thân đến với Chúa Giêsu, nên đã nhờ các bạn người Do Thái của mình đi gặp ngài.
Đúng là con người đã quen chỉ huy này có một sự khiêm nhu lạ lùng trước sự cao cả thật.
6. Và cuối cùng, ông là người có đức tin lớn.
Đức tin của ông dựa trên luận lý vững chắc nhất.
Ông lý luận từ sự kiện trước mắt đến những điều xa xôi, từ kinh nghiệm của riêng bản thân ông tới Đức Chúa Trời. Nếu quyền bính của ông mà còn có hiệu lực như vậy, thì quyền bính của Chúa Giêsu sẽ công hiệu hơn biết bao.
Ông đã đến với lòng tin cậy hoàn toàn như thể ông nhìn lên và thưa rằng: "Lạy Chúa, tôi biết Ngài có thể làm việc này". Giáo Hội thật có lý khi mượn chính lời ông mỗi khi cử hành "mầu nhiệm đức tin": "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh." (Lc 7,7)
Tóm lại, ông là một con người đáng cho chúng ta noi gương bắt chước. Ông không có đạo nhưng quả thực ông còn tốt hơn rất nhiều người có đạo xưa cũng như nay.
Xin Chúa cho chúng ta được biết sống tốt, khiêm nhường như ông, nhất là có đức tin mạnh mẽ như ông để chúng ta cũng được Chúa khen như ông.
Lạy Chúa, xin cải hoá lòng chúng con để chúng con được trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.
THỨ BA TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Lc 7,11-17
Đức Giêsu nói:
"Này người thanh niên,
tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!”
(Lc 7,14)
1. Khác hẳn với phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ viên bách quản trong bài Tin Mừng hôm qua, hôm nay chúng ta thấy Chúa làm phép lạ không phải do người ta xin và người được thụ hưởng phép lạ cũng chẳng hề biết gì về việc này vì anh đã chết.
Hoàn cảnh hôm đó rất đặc biệt. Có hai đoàn người gặp nhau ở gần cổng thành: một đoàn người có Đấng ban sự sống dẫn đầu và một đoàn người khác cùng với một người mẹ goá tiễn đưa đứa con trai duy nhất của bà tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tình trạng còn đau khổ hơn nữa khi người mẹ góa này không còn người đàn ông nào đứng ra bảo lãnh tài sản mình trước pháp luật và bảo vệ danh dự cho mình trong một xã hội trọng nam khinh nữ nhiều bất công này.
Đức Giêsu đã xúc động và cảm thông với nỗi đau buồn lớn lao ấy. Người là Con Thiên Chúa cho nên Người thấy rõ những khốn cực của loài người và Người là con người nên lại càng nhạy bén hơn trước những nỗi bất hạnh và đau khổ của họ. Người dừng lại trước bà mẹ đang tuyệt vọng và an ủi bà. "Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7,13). Việc đó nói lên sự quan tâm của Chúa.
Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên cho chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông.
Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: "Chị tạp vụ ở trường tên là gì?". Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.
Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giáo sư bộ môn trả lời:
- Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.
Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường. Chị ta tên là Dorothy.
Vâng, chúng ta hãy tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.
Các nhà đạo đức ngày nay đã nói nhiều về sự dửng dưng và vô cảm của người thời đại. Hình như cuộc sống càng cao, càng sung túc thì con người lại càng ích kỷ thêm. Nhiều người đã biến trái tim của mình trở thành vô cảm trước những nỗi khổ đau của người khác, nhất là những người nghèo khó đau khổ.
Là những người con của Chúa, chúng ta đừng bao giờ làm như thế. Hãy nhớ: Niềm vui biết chia sẻ là niềm vui sẽ được nhân đôi và nỗi buồn được chia sẻ là nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa.
2. Tin Mừng còn ghi tiếp: "Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (Lc 7,15).
Rất tế nhị và cũng rất gần gũi. Chúa Giêsu trao,...trao người đã chết được Ngài cho hồi sinh vào tận tay người mẹ. Bằng cử chỉ như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người hiểu rằng, lúc nào Chúa cũng ở thật gần con người nhất là những ai cần đến Chúa.
Cảm nhận được sự gần gũi của Chúa trong cuộc đời là một cảm nhận rất cần thiết. Nó sẽ đem lại cho con người nhiều nghị lực và niềm vui.
Có một người đàn bà đạo đức nọ, trong cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ có hy vọng duy nhất để cứu sống bà, đó là giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận giải phẫu vì hy vọng còn sống cho người con trai của bà. Khi người ta bắt đầu giải phẫu, bà yêu cầu cho con bà được chứng kiến giờ đau khổ của bà. Vào thời mà thuốc tê chưa có, bệnh nhân thường qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn, nhưng người đàn bà vẫn can đảm chịu đựng. Thế nhưng, vào cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình và kêu: "Lạy Chúa".
Chứng kiến cảnh đau đớn của mẹ, đứa con trai không làm chủ được cảm xúc, đã thốt lên những lời xúc phạm đến Chúa. Lúc đó, người đàn bà nghiêm nghị bảo con: "Con ơi, im đi, con đã làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ nhiều. Con đã làm sỉ nhục Đấng ban sức mạnh và an ủi cho mẹ". Nói xong, bà mở tay cho mọi người xem một tượng chịu nạn nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Sau mấy tháng quằn quại đau đớn, người đàn bà đã an nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà trao ảnh chuộc tội đó cho con trai và căn dặn: "Con hãy giữ lấy ảnh này, vì đó sẽ là niềm an ủi cho con".
THỨ TƯ TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Lc 7,31-35
"Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được
tất cả con cái mình biện minh cho.”
(Lc 7,34)
1. Chúa Giêsu trách thế hệ của Ngài:
- Không chịu nghe lời của Gioan Tẩy Giả và của Ngài mà hoán cải.
- Lại còn viện cớ đổ thừa là vì Gioan là người bị quỷ ám, còn Ngài là tay ăn nhậu, tội lỗi.
Viện cớ đổ thừa là điều người ta thường làm, để tự biện hộ cho những việc làm xấu xa của mình:
Chúa nhật không đi lễ: tại vì trời mưa.
Đi ngủ không đọc kinh tối: tại quên, tại bệnh.
Không giúp đỡ người khác: tại vì nó không nói.
Một cha xứ gặp chị đàn bà chồng mới chết mấy tháng, ngài hỏi:
- Chắc con còn nhớ bạn con lắm, con nên xin lễ cầu nguyện cho bạn con.
- Thưa cha, con vẫn nhớ bạn con hằng ngày. Nếu bạn con nay đã lên Thiên Đàng rồi, con tưởng chẳng cần phải xin lễ nữa.
- Phải, nhưng nếu bạn con chưa lên Thiên Đàng?
- Nếu không lên Thiên Đàng, bạn con đã phải sa hỏa ngục. Sa hỏa ngục mà xin lễ, thì vô ích.
- Con nói đúng, song nếu bạn con đang phải giam trong luyện tội?
- Thưa cha, nhà con rượu chè, bê tha nếu phải giam trong luyện ngục thì cũng đáng lắm.
Thế là cả đời, cô ta không hề xin lễ cho chồng.
Đúng như sách gương phúc đã nói: "Ai sẽ thương con sau khi đã chết. Người ta quên con chóng hơn con tưởng nhiều. Con không thương con thì ai sẽ thương con. Nào được mấy người con mỗi năm xin cho cha mẹ được vài ba lễ. Người ta tưởng mình đã làm đầy đủ nghĩa vụ người con thảo, vợ hiền. Chúa đã ban cho người ta cái quyền cứu thoát, như xin lễ, ngắm đàng Thánh Giá, ân xá, mà người ta không dùng để cứu, thì người ta có phải là con thảo và người vợ hiền chăng".
2. Lắm khi, để biện hộ cho mình, người ta không ngại đổ tội cho người khác:
"Gioan là người bị quỷ ám".
"Giêsu là tay ăn nhậu".
Chúng ta chỉ mong ước Chúa thực hiện chương trình của chúng ta. Chúng ta chán nản buông xuôi thất vọng vì thấy công việc Chúa làm không như chúng ta mong muốn. Ông Gioan Tẩy Giả đến không ăn bánh, không uống rượu thì các ông bảo "Ông ta bị quỷ ám” (Lc 7,33). Con người đến, cũng ăn cũng uống giống như ai thì người ta lại bảo "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế, phường tội lỗi" (Lc 7,34).
Nhà hùng biện Démosthène trổ tài ngôn ngữ hoạt bát vốn có của mình để biện hộ cho một bị cáo. Ông nói năng rất hùng hồn và đưa ra nhiều lý luận rất đanh thép, nhưng những người nghe vẫn không mảy may quan tâm chú ý. Thấy thế ông bèn thuật câu chuyện dưới đây:
Có một du khách kia thuê một con lừa để đi ngoạn cảnh. Lối giữa trưa, mặt trời đứng ngay đỉnh đầu, ông ta không tìm đâu ra một bóng mát để tránh nắng. Bỗng dưng, ông ta nảy ra một ý nghĩ. Ông nhảy xuống khỏi lưng lừa và ngồi dưới bụng của con vật. Nhưng người chủ lừa đi theo để hướng dẫn ông ta trong cuộc du ngoạn, tỏ ý không bằng lòng, viện cớ bóng mát của con lừa không có tính trong giá tiền cho thuê. Hai bên cãi vã, ban đầu nhỏ, sau to dần và rốt cuộc họ đánh đấm với nhau, đến nỗi cả hai phải đưa ra trước quan án để nhờ xét xử.
Démosthène ngưng câu chuyện tại đó và tiếp tục bào chữa cho thân chủ của ông. Những thính giả tỏ ý phản đối. Họ nhất định đòi ông cho biết quan tòa tuyên án thế nào trong vụ bóng của con lừa. Ông chụp ngay cơ hội ấy quở trách họ cách nặng nề rằng, họ giống như con trẻ, chỉ thích để ý đến một câu chuyện phù phiếm về cái bóng của một con lừa mà không chịu để ý lắng tai nghe lời bênh vực của ông đối với mạng sống của một con người.
Chúng ta nói thế nào về những kẻ để thời giờ của mình hơn thua về những việc sẽ qua đi, chỉ tồn tại một thời gian ngắn, mà bỏ quên vấn đề quan trọng hơn tất cả, đó là sự sống đời đời (Croire ét Sevir).
Khi tin vào Chúa Giêsu, thì chúng ta phải biết lắng nghe với lòng chân thành. Có thế, ta mới nhận ra được tiếng của Ngài, bằng không thì Lời Chúa có sức mạnh đến đâu, linh nghiệm đến đâu cũng chẳng sinh ích gì cho chúng ta.
Xin được trích ra đây lời cầu nguyện của một linh mục:
Lạy Chúa, xin ban cho con tính Ngay Thẳng, biết tôn trọng chân lý, để không bao giờ con hiểu theo nghĩa xấu, điều mà có ai đó đã làm phiền lòng con.
Xin ban cho con một tấm lòng Khiêm Tốn, để con không trở nên cứng cỏi, bất chấp những lời chỉ dạy, những lời phê bình, những lời kết án khắt khe từ mọi phía.
Xin ban cho con một tấm lòng Quả Cảm, chịu đựng anh em con một cách lâu bền, để giúp họ được bình an hạnh phúc, dầu cho họ còn yếu đuối và đầy khuyết điểm.
Xin ban cho con ơn Sáng Suốt, đừng dễ tin vào điều xấu mà người ta đã nói về kẻ vắng mặt; và nhất là cương quyết không kể lại cho ai khác những điều xấu đã lọt vào tai con. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Lc 7,36-50
"Còn ai được tha ít, thì yêu mến ít.” (Lc 7,47)
1. Câu chuyện chúng ta vừa nghe thật hết sức sống động.
Những việc Luca ghi lại diễn ra trong sân nhà ông Simon, một đạo sĩ của người Do Thái. Chúng ta nên biết: Nhà cửa của giới giàu có thời đó thường có khu sân rộng, có khi rộng như một công viên. Trong sân thường có vườn cây và giếng nước. Vào mùa nóng nực người ta thường bày bàn ăn tại đây.
Ở xứ Palestine mỗi khi có một Rabbit đến nhà nào đó dự tiệc, thì mọi người đều được tự do đến nghe những lời khôn ngoan do Rabbit ấy dạy. Thói quen đó giải thích cho chúng ta biết sự có mặt của người đàn bà này trong nhà Simon là một việc bình thường.
2. Khi có khách đến nhà, người ta thường làm ba việc sau đây:
- Trước hết chủ nhà đặt tay lên vai khách và tặng vị khách một cái hôn hòa bình. Đó là dấu hiệu của lòng tôn kính, nhất là trong trường hợp gặp một Rabbit danh tiếng.
- Vì đường sá đầy cát bụi và giày chỉ là những đôi dép đơn giản, nên người ta đổ nước lạnh lên bàn chân khách để rửa sạch bụi và làm mát chân cho khách.
- Và cuối cùng người ta đốt lên một nhúm hương liệu hoặc đổ một giọt dầu hoa hồng lên đầu khách cho thơm.
Những việc đó luôn được coi như là những đòi hỏi của phép lịch sự. Thế nhưng ở đây chúng ta thấy chủ nhà hôm đó đã không làm những việc này.
3. Cũng nên biết điều này: Bên Do Thái khi ăn, thực khách không ngồi, nhưng nằm nghiêng quanh bàn tiệc, hai chân khách duỗi thẳng về phía sau và không mang dép. Họ dựa người trên những gối thấp, chống trên khuỷu tay trái, còn tay mặt thì tự do lấy đồ ăn. Với tư thế nằm ăn như vậy thì người đàn bà mới có thể đứng gần chân Chúa Giêsu.
Simon là một đạo sĩ Do Thái, một trong những người thuộc nhóm biệt phái.
Chúng ta không hiểu tại sao một người như vậy lại dám mời Chúa Giêsu tới nhà mình?
- Có người cho rằng, rất có thể ông là người có lòng mến phục Chúa Giêsu. Nhưng khi nhìn lại bầu không khí thiếu lịch sự của ông Simon, thì người ta không thể chấp nhận ý kiến này được.
- Cũng có thể Simon mời Chúa Giêsu vào nhà mình để gài bẫy ngài, mong bắt gặp một câu nói hay một hành động nào đó để có cớ buộc tội Ngài. Nhưng giả thiết như thế cũng không ổn vì câu 40 trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ông đã tôn tặng Chúa Giêsu danh hiệu Rabbit.
- Rất có thể Simon là người thích nổi tiếng. Với thái độ nửa trọng nửa khinh, ông đã mời "chàng thanh niên kỳ lạ này" đến ăn tiệc tại nhà mình. Giả thiết như thế, ta mới hiểu tại sao lại có sự pha trộn giữa thái độ vừa có vẻ tôn kính lại vừa có thái độ khinh khi đối với Chúa khi ông cố tình bỏ qua phép lịch sự đáng ra phải giữ đối với Ngài. Như vậy chúng ta có thể thấy rõ ràng Simon là một người có thái độ kẻ cả đối với Chúa Giêsu.
Khi Chúa Giêsu đang dùng bữa, thì có một phụ nữ bỗng nhiên vào nhà, dù bà ta không phải là khách được mời. Chắc hẳn người phụ nữ này đã có dịp được biết Chúa. Bà muốn xức dầu cho Chúa như một cử chỉ biểu lộ lòng tôn trọng của bà. Vì quá xúc động, bà đã khóc. Nước mắt đã làm ướt cả bàn chân Chúa trong tư thế đôi chân đang duỗi dài ra, lúc nằm chống tay để dùng bữa theo phong tục Do Thái. Rồi bà xõa tóc ra lau chân và hôn chân Ngài như một dấu hiệu của sự tôn trọng và lòng biết ơn sâu xa. Những hành động như thế thường người ta không làm giữa nơi công cộng.
Thấy như thế, ông Simon đã thầm trách Chúa. Ông nghĩ nếu Chúa thực là một tiên tri thì hẳn Ngài phải nhận biết đây là một phụ nữ như thế nào chứ: một người tội lỗi, cần phải lánh xa.
Chúa biết ý của Simon, nên Ngài mới kể câu chuyện về hai người mắc nợ, ngầm cắt nghĩa cho ông Simon biết lý do nào người phụ nữ này đã hành động như thế và đồng thời, cũng cho ông Simon biết dù ông là người đã mời Chúa nhưng ông đã không đón tiếp Chúa cho phải phép và đã không rộng lòng với Chúa như người đàn bà này.
Câu chuyện kết thúc bằng lời của Chúa nói với người phụ nữ
- Hãy đi bình an.
Chúa luôn quan tâm đối với những kẻ đặt lòng tin cậy nơi Ngài. Trong câu chuyện những người mắc nợ Chúa Giêsu kể, chúng ta thấy tình yêu thương và sự tha thứ gắn liền với nhau. Nếu chưa bao giờ chúng ta cảm nhận được một cách sâu xa rằng mình cần được Chúa tha thứ thì chúng ta sẽ không thể nào yêu mến Chúa hoặc biết ơn Ngài được. Chúng ta chỉ thật sự yêu Chúa khi nhận ra tình yêu của Ngài dành cho mình và nhờ đó chúng ta được tha thứ. Đây chính là điều Gioan đã nói: "Chúng ta yêu Chúa vì ngài đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4,19).
Nguyện Chúa cho chúng ta cảm nhận được tình Chúa yêu để có thể yêu Ngài nhiều hơn. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Lc 8,1-3
"Các bà này đã lấy của cải mình
mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ.”
(Lc 8,3)
1. Chúa Giêsu đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng Ngài loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ. Nguyên việc có một số phụ nữ được đi theo để chia sẻ sứ mạng với Chúa cũng là một dấu chỉ của Tin Mừng giải phóng ấy, vì thời đó phụ nữ bị người ta coi khinh, không cho phụ nữ tham gia bất cứ sinh hoạt công khai nào của xã hội.
Như vậy, nam và nữ, mỗi phái đều có sự phong phú riêng để đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội và xã hội.
Chúng ta hãy nghe sứ điệp của Công Đồng Vaticanô II gửi giới phụ nữ. Sứ điệp này do Đức Hồng Y P. Zoungrana tuyên đọc ngày 8/12/1965: "Giờ đây chúng tôi xin ngỏ lời với nữ giới thuộc hết mọi thành phần: Bây giờ đã đến lúc sứ mệnh người phụ nữ được thể hiện hoàn toàn. Đây là lúc người phụ nữ có một ảnh hưởng, một sự phát huy và một quyền lực từ trước đến nay chưa từng có trong xã hội."
"Hỡi các người vợ, người mẹ gia đình, là những nhà giáo dục đầu tiên của nhân loại trong lòng tổ ấm gia đình, xin truyền thụ cho con trai con gái quý bà những truyền thống của cha ông chúng ta, đồng thời chuẩn bị cho chúng một tương lai xa vời. Các bà hãy luôn nhớ là nhờ con cái nên người mẹ góp phần vào tương lai, một tương lai có lẽ mắt quý bà sẽ không được nhìn thấy".
"Cả những chị em ở độc thân nữa, xin ý thức rằng, chị em có thể chu toàn trọn vẹn sứ mạng phục vụ của mình. Xã hội khắp nơi đang kêu gọi chị em, ngay các gia đình cũng không thể sinh hoạt nếu gạt bỏ sự trợ giúp của những người không lập gia đình".
"Nhất là những người đồng trinh đã dâng mình cho Chúa trong một thế giới mà chủ nghĩa ích kỷ và sự ham tìm khoái lạc muốn trở nên qui luật sống, chị em hãy duy trì đức trong sạch, lòng vô vị lợi và tinh thần đạo đức."
Cha Leonardo Bop, một nhà thần học nổi danh người Brasil thuật lại:
Ngày kia, một người đàn bà tôi quen biết vài năm nay gọi tôi ra một nơi và nói nhỏ: "Thưa cha, con muốn tiết lộ cho cha một bí mật. Xin cha đến nhà con."
Tôi đến nhà bà ta, vào phòng ngủ của đứa con trai bà. Đó chính là một quái thai. Đầu đứa nhỏ to như đầu người lớn, nhưng thân mình của nó thì bé tí xíu. Đôi mắt nó nhìn chằm chằm lên trần nhà, lưỡi nó thò ra thụt vào như lưỡi rắn. Tôi rùng mình thốt lên: "Chúa ơi!" Nhưng bà ta nói: "Thưa Cha, từ tám năm nay con chăm sóc đứa con này của con. Nó chỉ biết có mình con mà thôi, và con rất hài lòng về nó, hầu như không một người nào khác biết đến sự hiện diện của nó" - Rồi bà ta lớn tiếng nói: "Thiên Chúa là Đấng nhân lành. Ngài là Cha". Bà ta nhìn lên trời nói tiếp với giọng bình thản: "Xin vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời".
Leonardo Bop cho biết: "Tôi rời nhà bà ta không nói được một lời nào. Đầu tôi cúi xuống kinh hoàng vì đứa trẻ quái thai, đồng thời ngỡ ngàng vì thái độ bình thản của bà mẹ. Rồi bất chợt một câu Kinh Thánh xuất hiện trong đầu tôi. Lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà mắc bệnh hoại huyết: "Hỡi bà, đức tin của bà thật lớn lắm” (Mt 15,28)
Quả thực, đức tin của người đàn bà xứ Brasil trên đây thật lớn lao dường nào! Bà không chửi trời trách đất vì có đứa con quái thai như thế, trái lại bà đã sống trọn tinh thần Lời Chúa dạy: "Hai con chim sẻ mới bán được một đồng, thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha chúng con. Tóc trên đầu chúng con đã được đếm cả rồi". (Mt 10,29-30)
2. Ngày 24.4.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho "Hai bà mẹ gia đình" Bà Giana Beritta, người đã chấp nhận cái chết khi sinh con để con được sống. Và bà Elisabeth Catannory, người đã bị chồng ruồng bỏ để đi theo tình nhân và tệ hơn nữa đã hại đứa con gái đầu lòng làm cho nó phải chết khi vừa mới chào đời. Tuy nhiên, bà vẫn trung thành với sứ mạng làm vợ, làm mẹ, bà đã biết chấp nhận những hy sinh để xin ơn thánh hóa bản thân cũng như tha nhân theo tinh thần của Dòng Chúa Ba Ngôi mà bà gia nhập như hội viên dòng ba. Niềm mong ước của bà đã được thể hiện sau khi bà qua đời: người chồng đã trở lại, lúc đầu cũng xin gia nhập dòng Chúa Ba Ngôi và sau đó đã trở thành Linh mục dòng Phanxicô.
Trong bài giảng thánh lễ phong chân phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: "Việc làm mẹ có thể trở thành nguồn vui nhưng thường cũng là nguồn đau khổ. Trong trường hợp đó, tình yêu trở nên thật cần thiết ở mức độ anh hùng trong con tim của bà mẹ. Ngày hôm nay, chúng tôi muốn tôn kính không những hai bà mẹ phi thường này mà còn cả bao nhiêu bà mẹ khác, không quản ngại hy sinh để giáo dục con cái của mình".
THỨ BẢY TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Lc 8,4-15
"Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời
với tấm lòng cao thượng và quảng đại,
rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”
(Lc 8,15)
1. Một lần nữa chúng ta đọc dụ ngôn người gieo giống:
Người gieo giống trong dụ ngôn hôm nay là một người hết sức hào phóng, hào phóng đến mức độ có thể coi là hoang phí. Ông gieo hạt giống cả trên những vệ đường, vào những nơi mà hy vọng nảy mầm rất ít.
Và chúng ta cũng hãy để ý đến những loại đất người gieo giống gieo vãi hạt giống trên đó. Rõ ràng là có cả đất xấu lẫn đất tốt.
a/ Đất vệ đường ám chỉ loại người quá hời hợt, vừa nghe là quên ngay;
b/ Đất đá sỏi là người không kiên trì trong gian nan thử thách;
c/ Đất đầy gai là người chất chứa trong lòng nhiều lo toan việc đời.
d/ Đất tốt là "những người nghe với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy lời, và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".
Mỗi lần đọc lại dụ ngôn người gieo giống và suy gẫm, lòng tôi cảm thấy không yên. Khi nghe Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn đó, tôi lại càng có cảm tưởng như một lời trách móc.
Lời Chúa là hạt giống và cuộc sống của tôi là mảnh đất.
Cho đến hôm nay, Chúa đã gieo vào tai tôi, lòng tôi bao nhiêu hạt giống: hãy tha thứ, hãy sống khoan dung, hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, đừng lên án, hãy sống quảng đại... Nhưng thử hỏi đã có được bao nhiêu hạt giống mọc lên trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống của tôi? Khi đối chiếu cuộc sống của mình với Lời Chúa, tự nhiên tôi cảm thấy sợ. Mảnh đất của đời tôi, đứng xa mà nhìn thấy xanh tươi, nhưng lại gần, nhìn kỹ thì thấy màu xanh đó là màu xanh của cỏ dại. Thế mà tôi cứ sống an tâm với thửa đất đầy cỏ dại đó, đầy thói hư nết xấu đó, một thửa đất được ngụy trang bằng một màu xanh đạo đức bề ngoài.
Chúng ta hãy xin Chúa điều chỉnh lại cuộc sống của mỗi người chúng ta, để chúng ta biết luôn sống thế nào cho đẹp lòng Chúa.
2. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.
Trong lời nhắn nhủ, rõ ràng Chúa đã muốn nói đến hai yếu tố quan trọng để trở thành mảnh đất tốt: nghe Lời Chúa với lòng quảng đại và quyết tâm nắm giữ với sự kiên trì.
Thường thì phần đông chúng ta nghe Lời Chúa một cách thờ ơ, ra khỏi nhà thờ là quên rồi!
Một số ít sẵn sàng chú ý nghe Lời Chúa, nhưng thiếu quyết tâm nắm giữ và thiếu kiên trì, nên cũng không đưa đến hoa trái nào cả.
Có những hạt rơi vào chỗ đất tốt, nảy mầm, mọc lên, sinh hoa kết quả: hạt được 30, hạt được 60, hạt được 100…
Bà Scaggs, một giáo sĩ thuộc một giáo phái Tin lành ở Nigeria, châu Phi, đã kể lại một câu chuyện thật cảm động sau đây:
"Một ngày kia tôi được mời đến dự lễ Giáng Sinh tại Grace Camp, một trung tâm điều trị bệnh cùi. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến một số người cùi đông như vậy dâng lễ. Buổi lễ được tổ chức ngoài trời. Nhìn chỗ nào tôi cũng thấy người ngồi dự lễ. Gốc cây, ụ đất, bãi cỏ... chỗ nào cũng đông nghẹt người. Tôi thấy họ thật đáng thương. Mặc dù bị bệnh tật gặm nhấm và thân thể họ bị hủy hoại dần dần, nhưng khuôn mặt người nào người nấy lúc nào cũng biểu lộ niềm vui khó tả. Mắt họ sáng ngời khi hát lên những bài thánh ca Giáng Sinh.
Đến phần công bố Lời Chúa, mục sư mời một người bị bệnh cùi ăn mất hết mấy ngón tay lên đọc Sách Thánh. Ông ta phải lật các trang sách bằng một cái que buộc vào cổ tay. Sau bài giảng, mục sư mời mọi người ở đó chia sẻ về những ân phúc Chúa đã ban cho mình, người bệnh cùi vừa đọc sách thánh giơ bàn tay không còn ngón và đứng lên nhỏ nhẹ nói:
- Tôi muốn cảm ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho tôi bị cùi.
Tôi - bà Scaggs - lấy làm lạ, nói với người thông dịch cho tôi rằng, anh ta đã dịch sai. Không ai lại có thể cám ơn Chúa vì "được cùi" bao giờ. Người thông dịch như không để ý đến những gì tôi vừa nói. Anh tiếp tục dịch lại lời người bệnh đang giải thích. Người đó nói đến nguyên do khiến anh ta nói như thế:
-Nếu tôi không bị cùi, có thể tôi đã không bao giờ được biết Chúa Giêsu, không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho tôi sâu xa đến thế. Còn thực tế là bây giờ tôi đang bị bệnh cùi, có thể tôi sẽ không bao giờ được chữa lành, nhưng tôi lại cảm nghiệm được tình yêu của Chúa luôn đổ tràn trên tôi, qua biết bao người đang săn sóc trợ giúp tôi!
Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.
Xin cho họ biết quên hạnh phúc và tương lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, Tử đạo tiên khởi -
Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục -
Ngày 21/12: Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/12: Đức Mẹ Guađalupê -
Ngày 11/12: Thánh Ðamasô I, giáo hoàng -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 07/12: Thánh Ambrôsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231)