Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XIII Mùa Thường Niên

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XIII Mùa Thường Niên

CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN B
Mc 5, 21-43

"Vừa thấy Ðức Giêsu,
ông ta sụp xuống dưới chân Người."

(Mc 5,22)

A. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ Chúa Giêsu làm:

Một cho con gái ông Giairô sống lại.

Và một Chúa làm cho một người đàn bà đáng thương bị bệnh loạn huyết suốt 12 năm được khỏi.

1. Ông Giairô là một người giầu có, có địa vị, có thế lực trong xã hội. Con gái của ông ở trong một tình trạng hết sức nguy hiểm, có thể đưa đến tử vong.

Trái lại người đàn bà thì rất nghèo, chẳng có địa vị gì trong xã hội. Thậm chí còn bị xã hội coi khinh. Bà bị bệnh tật. Cơn bệnh đã kéo dài suốt 12 năm. Suốt 12 năm trời như thế, bao nhiêu tiền bạc bà đã dốc cả ra để chạy chữa những  bệnh tật vẫn còn nguyên đó. Hình như sự chết đang chuẩn bị xuất hiện. Thật là một hoàn cảnh rất đáng thương.

2. Tâm trạng của hai người gống nhau: Cảm thấy hoàn toàn bất lực trước hiện trạng của mình.

Với ông Giairô thì đứa con ông sắp chết.

Với người đàn bà thì tiền bạc đã cạn kiệt mà kết quả thì chưa thấy gì, không những thế bệnh tình có vẻ còn nặng thêm.

3. Cả hai đều có chung một niềm hy vọng: Hy vọng được Chúa cứu.

- Ông Giairô: Đứa con tối sắp chết, xin Thầy đến cứu nó.

- Người đàn bà nghĩ ở trong lòng: Nếu tôi được động đến áo của Người.

4. Cách thức họ đến với Chúa có hơi khác nhau:

- Với ông Giairô: Ông đến một cách công khai.

- Còn người đàn bà thì đến một cách bí mật kín đáo.

5. Kết quả: Rất phấn khởi, ngoài sự tưởng tượng.

- Với ông Giairô: con ông được Chúa cho sống lại.

- Với người đàn bà: được hoàn toàn khỏi bệnh.

B. BÀI HỌC

1. Như vậy qua những sự việc bài Tin Mừng hôm nay ghi lại, thử hỏi Chúa muốn gì ở nơi chúng ta? Thưa tôi tưởng Chúa muốn:

Trước hết là phải có một đức tin mạnh mẽ.

Đức tin là một điều kiện hết sức cần thiết để một phép lạ xảy ra.

Một hôm, có người lạ mặt tới thăm Don Bosco, chào ngài như thường lệ.

- Chào Don Bosco, bây giờ ra sao?

- Vẫn không có xu nào...

- Kỳ quá! Nếu bây giờ cha khẩn cấp cần phải có tiền, thì cha sẽ làm gì?

- Tôi sẽ ngửa mặt lên với Chúa Quan Phòng...

- Vâng, Chúa Quan Phòng! Chúa Quan Phòng! Một dạng từ quá đẹp, nhưng nếu cha cần có tiền ngay lập tức thì sao?

- Trong trường hợp đó, tôi sẽ nói với ông: thưa ông xin ông ra phía cổng thì sẽ thấy có một người, lúc này đây đang đem đến cho Don Bosco một món tiền dâng cúng.

- Sao? Cha nói thật không? Mà lúc tôi vào đây, tôi chẳng thấy ai ngoài đó. Ai nói với cha?

- Chẳng ai nói với tôi hết, nhưng tôi biết, và Chúa Quan Phòng cũng biết.

Người lạ mặt đó cũng rất bỡ ngỡ, liền đi ra phòng khách và thấy có một người ngồi chờ. Người ấy hỏi:

- Có phải ông muốn gặp Don Bosco phải không?

- Vâng, tôi mang đến cho ngài một số tiền dâng cúng.

Và thánh nhân cũng vừa bước tới cửa phòng:

- Ông thấy đó, tôi có lý để tin tưởng vào Chúa Quan Phòng.

Đức tin là một yếu tố rất cần thiết để Chúa thực hiện những việc lạ lùng cho chúng ta. Nhưng đức tin chỉ có khi chúng ta biết hoàn toàn ký thác cuộc đời của chúng ta cho Chúa.

Ông trưởng hội đường trong bài Tin Mừng hôm nay đã tin thật mạnh. Chúng ta biết hội đường Do thái vốn không ủng hộ Đức Giêsu, trái lại còn chống đối và tìm cách giết Người. Vậy mà ông đã can đảm tìm đến với Chúa. Ông tin là có Chúa mới có thể cứu được ông thoát khỏi tình thế tuyệt vọng này. Ông tin và tìm đến với Chúa. Ông đến cầu cứu Người. Khi người nhà của ông đến báo tin là con ông đã chết, có lẽ ông hơi bị choáng váng. Chính vì thế mà Chúa đã phải nâng đỡ ông. Chúa bảo: "Chỉ cần tin thôi!". Vâng! Ông đã tin và phép là đã xảy ra.

Còn người phụ nữ tuy sợ hãi nhưng cũng đã can đảm vượt qua những nỗi sợ hãi đó để đến với Chúa, sờ vào gấu áo Người. Đức Giêsu đã khen ngợi đức tin đó: "Lòng tin của con đã chữa con".

* Thứ đến là phải có một lòng khiêm tốn thẳm sâu.

Người khiêm tốn là người biết sống với cái chân, cái thật của mình. Mình có thế nào thì mình quyết sống như vậy.

Án Tử làm tướng nước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu. Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cái dù, tay cầm giây cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc. Lúc chồng về nhà, nàng xin từ bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi :

- Tại làm sao? Nàng nói:

- Án Tử, là người gầy ốm, thấp bé, nhỏ con vậy mà làm đến tướng nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông ấy vẫn có ý khiêm nhường như chưa bằng ai. Chớ như chàng, cao lớn đẫy đà, chỉ mới làm được một tên đánh xe tầm thường, hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh tưởng không ai bằng nữa. Nên thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi.

Từ hôm ấy, tên đánh xe bỏ được cái bộ vênh váo, chữa được cái tính nông nổi. Án Tử thấy thế lấy làm lạ, hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại, Án Tử bèn cất cho làm đại phu.

Trong bài Tin Mừng hôm nay sự khiêm tốn không những đã được biểu lộ qua sự nhận biết thân phận thiếu thốn, bất lực của bản thân, mà còn được diễn tả qua thái độ bên ngoài.

Với ông trưởng hội đường Tin Mừng ghi: "Vừa thấy Đức Giêsu, ông sụp lạy dưới chân Người". Còn với người đàn bà Tin Mừng cho biết: Sau khi bị phát giác, Người phụ nữ cũng đến phủ phục dưới chân Người và tỏ bày tất cả mọi sự. Chính thái độ khiêm tốn ấy đã được Chúa thương.

Mẹ Têrêsa nói: "Hãy khiêm tốn và bạn sẽ không bao giờ phải lúng túng, Thiên Chúa luôn theo dõi chúng ta, và Ngài sẽ cho bạn lối thoát cho mọi tình huống, nếu bạn để Ngài làm điều ấy cho bạn".

Hôm nay, chúng ta hãy noi gương ông trưởng hội đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết, đến với Chúa bằng một đức tin mãnh liệt và bằng sự khiêm tốn thẳm sâu. Với đức tin và sự khiêm tốn như thế, ta sẽ nhận được tình thương của Chúa. Chỉ cần một lần nếm cảm được tình yêu Chúa, được thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, được lắng nghe những lời êm dịu, khích lệ của Chúa, chúng ta sẽ chẳng còn muốn làm gì khác hơn là đền đáp tình yêu thương của Người.

Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nagiareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con một đức tin mạnh mẽ và một lòng khiêm tốn thẳm sâu. Amen


THỨ HAI TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Mt 8,18-22

Đức Giêsu trả lời:
"Con chồn có hang, chim trời có tổ,

nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."
(Mt 8,20)

1. Câu chuyện hai người xin đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu.

Qua những câu trả lời của Chúa Giêsu, ta hiểu được Ngài là ai cái giá phải trả để đi theo làm môn đệ Ngài là gì:

* Với câu trả lời thứ nhất (Mt 8,20), ta thấy:

a/ Đức Giêsu là Đấng Messia (mà Đanien xưa gọi là "Con Người"  (Đn 7,13)J

b/ Nhưng là một Đấng Messia nghèo nàn, không có chỗ tựa đầu ("Con Người" trong Đanien thì rất vinh quang).

* Qua câu trả lời thứ hai (Mt 8,22): chúng ta thấy Đức Giêsu cho biết Ngài là Đấng Messia không phải chủ yếu để lo chuyện thế tục (chuyện kẻ chết, hiểu theo nghĩa mortel), mà lo chuyện cao lớn hơn đó là việc Nước trời.

Tại sao Đức Giêsu trả lời như vậy?  Có lẽ vì những người xin đi theo Ngài nghĩ Ngài là một Đấng Messia giàu sang. Ngài nói rõ và nói thẳng để họ dễ quyết định xem có muốn đi theo Ngài nữa không.

2. "Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng vây quanh Ngài thì Ngài ra lệnh sang bờ bên kia": Ngài muốn cho các môn đệ của Ngài xa lánh dân chúng. Có lẽ vì Ngài thấy họ theo Ngài vì lý do vụ lợi vật chất. Ngài phải tạm xa họ để làm giảm bớt lòng vụ lợi đó và để họ có dịp xét lại động cơ khi họ đi theo Ngài.

Đôi khi hình như Chúa cũng muốn xa lánh chúng ta như thế. Khi đó chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ lại về mình và về Chúa: tôi như thế nào mà Chúa lại tạm xa tôi, Chúa muốn nói gì với tôi khi xa lánh tôi như thế?

Với bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải xác định xem chúng ta theo Chúa nhằm mục đích gì. Nếu chúng ta theo Chúa chỉ để được sung sướng, vinh dự thì chẳng sớm thì muộn chúng ta sẽ thất vọng và bỏ Ngài.

Một cái hang đối với một con chồn, một cái tổ đối với một con chim, và một chỗ gối đầu đối với một con người. Đó là nhu cầu an ninh tối thiểu. Nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ đi theo Ngài nếu cần cũng phải từ bỏ cả những cái an ninh tối thiểu ấy.

Có tiện nghi thoải mái thì tốt. Nhưng khi cần, hay vì yêu cầu mục vụ, ta cũng phải sẵn sàng hy sinh. Và để có thể sẵn sàng hy sinh từ bỏ thì phải tập để không lệ thuộc vào chúng.

3. Việc của "kẻ chết" là những việc vật chất, thế gian. Người môn đệ có một việc khác phải quan tâm hơn, đó là việc "kẻ sống"…là những việc mang lại sự sống thật, sự sống đời đời. Chúng ta thử liệt kê ra xem những việc chúng ta đang lo lắng hôm nay và so sánh xem loại việc nào chúng ta quan tâm nhiều.

Một vị thánh kia có lần được Chúa ban cho một giấc mơ tuyệt đẹp:

Hôm ấy tôi nằm mơ thấy một con đường, bắt đầu từ mặt đất hướng thẳng lên trời cao, rồi mất hút dần trong những đám mây, tuy nhiên đó không phải là con đường dễ đi. Trái lại, trên con đường dốc gồ ghề lại còn rải rác bao nhiêu chướng ngại vật khác nữa. Mới nhìn, những cánh hoa hồng trải trên đuờng như tấm thảm hoa đẹp, nhưng nhìn kỹ thì thấy ẩn giấu những cái gai nhọn sắc bén. Mọi người đều bước đi chân không, và chân mỗi người dính đầy máu. Những người nhát đảm không chịu đựng được gian khổ đều rút lui, nhưng nhiều người quyết tâm nhất trí đi cho tới cùng, dù phải bước đi thật chậm chạp và đau đớn.

Nhìn kỹ hơn trong đoàn người đang tiến bước trong con đường đó, tôi nhận ra người đang dẫn đầu là Chúa Giêsu. Ngài đi chân không. Những bước chân của Ngài đầy vẻ quyết đáp, không do dự và cũng không một cái gai nào gây vết thương nơi chân Ngài. Chúa Giêsu tiến bước mỗi lúc một lên cao và tới ngồi ở ngai vinh hiển của Ngài. Ngài đưa mắt nhân từ nhìn xuống những người đang cố gắng bước đi trên con đường khó khăn Ngài đã đi qua, và khích lệ họ can đảm tiến lên.

Tiếp sau Chúa Giêsu, tôi thấy rõ ràng Đức Maria, thân mẫu của Chúa. Mẹ cũng tiến bước trên con đường ấy. Bước chân của Mẹ xem ra còn thanh thoát và nhanh nhẹn hơn bước chân Chúa Giêsu. Tại sao vậy? Thưa là bởi vì Mẹ đặt chân của mình lên chính những vết chân của Chúa Giêsu, bước đi trước. Kế đến, Mẹ cũng tiến lên bên ngai vinh hiển của Chúa Giêsu con dấu yêu của Mẹ, và Mẹ cũng giơ tay làm hiệu cho những người khác đang tiến bước, để họ bước đi trên bước chân của Chúa Giêsu đã để lại, như Mẹ đã bước đi. Những người khôn ngoan biết vâng theo lời chỉ dẫn và khích lệ của Mẹ thì tiến bước thật nhanh, còn những người dại dột không biết vâng theo lời chỉ dẫn ấy thì bước đi một cách chậm chạp và vô cùng khó nhọc. Miệng họ luôn lẩm bẩm than trách nhất là khi đạp phải những gai nhọn. Nhiều người dừng lại dọc đường, và cũng không thiếu những người thất vọng bỏ cuộc quay gót trở lại trong buồn tủi.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn vững bước đi trên con đường Chúa đã đi. Amen.


THỨ BA TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Mt 8,23-27

Người ta ngạc nhiên và nói:
"Ông này là người thế nào

mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"
(Mt 8,27)

1. Rõ ràng là qua các phép lạ dẹp yên bão tố trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn mặc khải thêm cho các môn đệ biết về Ngài, đồng thời Ngài cũng muốn huấn luyện họ để họ được thêm vững vàng về đức tin.

Người Do Thái cho rằng, biển cả là sào huyệt của quỷ dữ, biển động là dấu quỷ dữ lộng hành. Họ cũng nghĩ rằng, chỉ một mình Thiên Chúa và những kẻ được Thiên Chúa ban đặc quyền mới có thể chế ngự được sức mạnh của biển cả. Như vậy, việc Chúa dẹp yên bão tố hôm nay chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa.

Tin Mừng nói đang lúc bão thì Chúa Giêsu ngủ: Chúa Giêsu ngủ không phải vì Ngài quá mệt. Thực ra Ngài chỉ "làm bộ" ngủ thôi, để xem các môn đệ của Ngài có an tâm giữa giông tố bão táp khi có Ngài hiện diện giữa họ không. Thế nhưng, các ông đã sợ hãi cuống cuồng chứng tỏ các ông chưa vững tin. Bởi đó, sau phép lạ Chúa đã trách: "Hỡi những kẻ yếu lòng tin"(Mt 8,26).

2. Bão tố trên biển là cảnh thường xảy ra. Bác sĩ W.M.Christie từng ở nhiều năm tại xứ Galilê đã kể lại kinh nghiệm của ông trong những cơn bão như thế này: Gió dường như thổi từ khắp các hướng cùng một lúc. Từ những khe núi nhỏ hẹp trong vùng đồi núi, gió ào ào thổi xéo góc xuống mặt hồ. Ông nói: "Có lần, một đoàn du khách đang đứng trên bờ hồ Tibêriát. Họ đang say mê nhìn ngắm mặt nước hồ phẳng lặng như gương, thì thình lình gió ập đến. Chỉ trong 20 phút thôi là mặt hồ đã trắng xóa những lượn sóng bạc đầu. Những lượn sóng lớn đến nỗi bắn lên cả các tháp canh ở góc tường vây quanh thành, làm cho đoàn du khách bó buộc phải tìm chỗ núp để tránh những lớp bụi nước làm tối mắt họ, dầu họ ở cách xa bờ hồ đến 200m". Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng mà bầu trời nắng đẹp đã biến thành cảnh cuồng phong gầm thét dữ dội.

Chúa Giêsu và các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay cũng ở vào hoàn cảnh như thế. Giữa giờ phút kinh hoàng đó mà Chúa Giêsu vẫn ngủ. Sợ quá các môn đệ đã đánh thức Ngài dậy, và sau đó bão trở nên hoàn toàn yên lặng.

3. Qua biến cố này chúng ta học được bài học gì?

a/ Chúa luôn ở với Giáo Hội.

Giáo Hội được ví như một con thuyền giữa biển khơi. Trên con thuyền đó có Chúa. Thức hay ngủ điều đó không quan trọng. Quan trọng là có sự hiện diện của Ngài. Con thuyền không thể nào bị chìm khi có Ngài trên đó. Đức Thánh Cha Bênêđictô XI nói rằng, trong cuộc đời Giáo Hoàng của Ngài, có rất nhiều lần những thử thách và khó khăn bủa xuống trên đầu ngài như những cơn phong ba bão táp, những lúc như thế ngài thường nhìn ngắm bức tranh vẽ cảnh Chúa dẹp yên bão tố và ngài cảm thấy tâm hồn được bình an.

b/ Chúa luôn ở với mỗi người chúng ta.

Biển cũng tượng trưng cho cuộc đời của mỗi người: hành trình cuộc đời có lúc cũng lắm chông gai, như biển khơi có lúc nổi cơn sóng gió. Điều chúng ta cần phải luôn xác tín là Chúa luôn yêu thương chúng ta. Chúa thức hay ngủ việc đó không quan trọng. Quan trọng là Chúa vẫn hiện diện với chúng ta một cách âm thầm lặng lẽ, cả trong lúc chúng ta phải chèo chống với cảnh ngược gió trên biển đời.

Đây là một câu chuyện đẹp ở vùng Nam Mỹ:

Ngày nọ, một thầy dòng mơ thấy mình đang đi dọc theo bờ biển với Chúa. Ông nhìn xuống bãi cát, thấy có bốn dấu chân: hai của ông và hai của Chúa.

Nhưng ông cũng nhận thấy có những đoạn đường chỉ có hai dấu chân. Và ông nhớ lại: đó là những ngày ông buồn khổ nhất và cực nhọc nhất. Ông bèn than thở với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa đã nói với con là nếu con theo Chúa, thì Chúa sẽ ở với con luôn luôn. Nhưng giờ đây con thấy rằng, những lúc con chao đảo nhất, thì lại chẳng thấy dấu chân Chúa đâu. Con không hiểu tại sao Chúa lại bỏ con giữa lúc con cần Chúa nhất như thế? "

Chúa đáp: "Con ạ, Ta chẳng bao giờ bỏ con. Con chỉ thấy hai dấu chân trên cát, vì trong những lúc khốn khó đó, Ta đã vác con và mang con đi".

Lạy Chúa Giêsu, 
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa 
dưới muôn ngàn dáng vẻ. 
Chúa hiện diện lặng lẽ như tấm bánh nơi nhà Tạm, 
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ, 
những người sống không ra người. 
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục, 
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người 
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa. 
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội 
gồm những con người yếu đuối, bất toàn, 
và Chúa cũng ở rất sâu 
trong lòng từng Kitô hữu. 

Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người 
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa. 
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi, 
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa. 
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa 
trên bước đường đời của con. Amen


THỨ TƯ TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Mt 8,28-34

 "Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giêsu,
 và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ."
(Mt 8,34)

1. Câu chuyện Chúa Giêsu cho quỉ nhập vào đàn heo, đã gây nên nhiều thắc mắc: tại sao Chúa lại để cho người ta thiệt hại cả đàn heo như thế? Các thánh Giáo phụ đã phải bàn cãi rất nhiều về vấn đề này. Sở dĩ người ta đặt ra vấn đề này là vì người ta nhìn sự việc dưới lăng kính vật chất. Còn nếu nhìn theo góc nhìn giá trị thì sự việc sẽ khác hoàn toàn. Sự việc giải thoát cho hai con người bất hạnh cũng như giải thoát cho cả vùng khỏi nỗi khiếp sợ triền miên do ma quỉ gây ra, so với sự thiệt hại vật chất thì có đáng là bao.

Là những con người có lương tri, chẳng lẽ chúng ta lại dám đem giá trị của một linh hồn bất tử của con người ra mà so sánh với giá trị của một bầy heo sao! Có khi nào chúng ta lại phàn nàn rằng mất bầy heo để phục hồi tâm trí cho hai người đáng thương kia và trả lại sự an bình cho cả một vùng đất sống của bao nhiêu người là giá quá đắt? Nói vậy, không có nghĩa là chúng ta khuyến khích hoặc dung thứ cho những hành vi đối xử tàn ác với thú vật, nhưng chỉ có nghĩa là chúng ta phải bảo tồn ý thức về giá trị quân bình trong cuộc sống.

2. Bài Tin Mừng hôm nay còn một điểm mà chúng ta phải lưu ý: Đó là lời tuyên xưng của ma quỉ và phản ứng của dân thành Garada.

a- Rõ ràng là ma quỉ đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, trong khi người Do Thái lại cho Chúa nói phạm thượng khi Ngài tự xưng mình như thế. Đây không phải là lần duy nhất ma quỉ tuyên xưng như vậy. Một câu hỏi có thể đặt ra tại đây: Tại sao họ lại từ chối không chịu tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa như vậy? Có nhiều lý do, nhưng xét cho cùng thì cũng chỉ vì quyền lợi vật chất riêng tư của họ mà thôi. Thường có quyền thì có lợi. Nếu dân chúng bỏ họ mà theo Chúa hết thì điều mà họ lo là họ sẽ mất quyền và cũng như mất lợi (mất uy tín, mất danh vọng ăn trên ngồi trước). Họ tiêu diệt Chúa Giêsu vì niềm tin độc thần thì ít mà vì quyền lợi thì nhiều.

b- Dân chúng xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

Khi những kẻ chăn heo chạy về thành phố thuật lại sự việc đã xảy ra, thì dân thành đã xin Chúa Giêsu rời khỏi xứ họ tức khắc. Thánh Matthêô không nêu lên lý do tại sao họ làm như thế, tuy nhiên cứ theo phản ứng đầu tiên ấy, thì có lẽ bởi vì họ nghĩ: nếu ông ta tiếp tục làm các phép lạ như thế giữa họ, thì chắc họ sẽ còn phải hấng chịu nhiều thiệt hại hơn nữa. Họ từ chối Chúa vì quyền lợi vật chất. Rõ ràng ở đây tính vị kỷ của con người được biểu lộ thật rõ ràng. Đối với họ, hai người được phục hồi lý trí chẳng có gì quan trọng, điều quan trọng đối với họ là bầy heo đã chết. Thường thường người ta nói rằng: "Tôi chẳng cần bận tâm đến chuyện gì xảy ra cho người khác chừng nào quyền lợi, tiện nghi và sự thoải mái của tôi vẫn được bảo toàn".

Người Do thái cũng như dân ngoại từ chối Chúa Giêsu chỉ vì quyền lợi vật chất. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Có khi nào vì quyền lợi vật chất mà ta từ chối Chúa hay từ chối Lời Chúa không? Có khi nào ta chọn quyền lợi vật chất hơn chọn Chúa không?

Một anh thợ mộc nọ đã có bốn con, nhà nghèo, đến nói với tôi rằng: con muốn chuyển gia đình đến một nơi khác làm ăn, hy vọng sẽ khá hơn. Nhưng con cứ do dự hoài. Bởi vì chỗ con định đến lại xa nhà thờ, ở giữa dân ngoại. Nếu con ra đi, thì con cái con sẽ không có chỗ học giáo lý và cả gia đình cũng sẽ khó mà đến nhà thờ ngày Chúa nhật được.

Một chọn lựa khó khăn, mà ai trong chúng ta cũng có thể gặp hàng ngày. Chọn tham dự thánh lễ hay coi một cuốn phim hay. Chọn giữa sự tha thứ và hận thù. Chọn giữa một buổi đi chơi với bạn bè hay đi học giáo lý. Trong cuộc sống, tôi thường chọn Chúa hay chọn quyền lợi riêng tư của tôi?

  Đức Gioan Phaolô II thường khuyên những người đến với Ngài rằng: "Chúng con phải lựa chọn". Chọn là một quyết định lớn và quan trọng của đời người. Chúng ta đã chọn. Và chúng ta còn phải tiếp tục chọn, vì đời là một tiến trình, đời là một cuộc đổi mới không ngừng nghỉ. Thành công hay thất bại là tùy ở những chọn lựa mỗi ngày của ta.

  Vua Charles một lần kêu hoàng tử đến và cho hoàng tử được chọn. Trên bàn, vua đặt một thanh kiếm và một vương miện (Triều thiên), nhà vua nói:

  - Con muốn chọn cái nào?

  Ngần ngừ một lúc, hoàng tử cầm lấy thanh kiếm.

  Vua cha hỏi:

  - Tại sao con lại chọn thanh kiếm?

  Hoàng tử cầm thanh kiếm lên chỉ vào vương miện, đáp:

  - Nhờ thanh kiếm này, con sẽ được vương miện kia.

Lạy Chúa, Chúa là tất cả đời con. Amen.


THỨ NĂM TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Mt 9,1-8

 "Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này,
Con Người có quyền tha tội,
bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt:

"Đứng dậy, vác giường đi về nhà!"
(Mt 9,6)

1. Với câu chuyện hôm nay, Chúa tế nhị muốn nói với mọi người rằng, Ngài là Thiên Chúa vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Những người luật sĩ và Pharisêu hiểu rất rõ điều đó, cho nên khi Chúa Giêsu nói tha tội thì các luật sĩ bảo Ngài là phạm thượng.

Muốn được Chúa tha tội thì điều kiện phải có là đức tin: "Thấy họ có đức tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi".(Mt 9,2)

Có hai điểm đáng chú ý trong bài Tin Mừng hôm nay:

Điểm thứ nhất là Chúa Giêsu tha tội trước khi chữa bệnh. Nghĩa là Ngài coi tội còn nặng hơn bệnh tật phần xác.

Điểm thứ hai, đức tin trong câu chuyện này là đức tin của tập thể, của những thân nhân người bất toại: "Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói."(Mt 9,2)

2. Rõ ràng qua câu chuyện hôm nay, Chúa muốn xác định một điều: Quyền tha tội thuộc về một mình Thiên Chúa. Tội, bất cứ dưới hình thức nào xét cho cùng cũng là xúc phạm đến Chúa.

Khi làm phép lạ vì thấy họ có lòng tin, dường như Chúa cũng muốn tế nhị nói với mọi người rằng: Biết thương yêu giúp đỡ nhau là điều đẹp lòng Chúa. Lý do là vì đối với Chúa thì tất cả mọi người đều phải là anh em của nhau. Và đã là anh em thì phải biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Nay người, biết đâu mai lại là ta.

Tục ngữ có câu: Giúp người tức là tự giúp mình.

Trước cổng một nghĩa trang nọ, người ta thấy có một chiếc xe sang trọng dừng lại. Tài xế tiến về phía người giữ cổng và nói:

- Xin anh giúp tôi một tay cho người đàn bà này xuống xe, vì bà ta rất yếu không đi được nữa.

Vừa ra khỏi xe, người đàn bà tự giới thiệu và nói với người giữ cổng nghĩa trang:

- Từ hai năm qua, mỗi tuần tôi là người đã gửi đến cho anh 5 đô-la để mua hoa và đặt trên mộ con trai tôi. Tôi đến đây để chào từ biệt và cám ơn anh vì đã mua hoa giùm cho tôi.

Nói xong những lời đó, bà tưởng sẽ nhận được những lời cám ơn từ môi miệng của một con người mà bà nghĩ rằng, đã làm ơn cho anh ta từ hai năm qua. Thế nhưng, bà không thể ngờ rằng, bà lại nhận được những lời chẳng làm cho bà vui lòng chút nào:

- Thưa bà, tôi lấy làm tiếc vì bà đã làm công việc ấy.

Người đàn bà cảm thấy như bị tát vào mặt, nhưng vẫn còn đủ bình tĩnh để hỏi lại người thanh niên tại sao anh lại lấy làm tiếc vì một cử chỉ đẹp như thế.

Người thanh niên giải thích:

- Thưa bà, tôi lấy làm tiếc vì những người đã chết, như con trai bà chẳng hạn, thì làm sao mà còn thấy được một cánh hoa nào nữa.

Bị chạm tự ái, người đàn bà liền lên giọng:

- Anh có biết là anh đã làm tổn thương một người như tôi không?

Người thanh niên trả lời:

- Tôi xin lỗi bà. Khi tôi nói như thế, tôi chỉ muốn cho bà hiểu rằng, hiện có rất nhiều người đang cần đến những cánh hoa của bà hơn. Tôi là hội viên của một tổ chức chuyên đi thăm những người già lão, các bệnh viện, và hiện có nhiều người đang sống thật cô độc. Chính họ mới là những người đang cần đến những cánh hoa của chúng ta. Họ có thể nhìn và ngửi được những cánh hoa của chúng ta.

Người đàn bà ngồi bất động trong chiếc xe sang trọng một lúc, rồi ra hiệu cho tài xế nổ máy.

Vài tháng sau bà trở lại nghĩa trang, nhưng lần này không cần ai giúp đỡ, bà tự động bước xuống xe với dáng vẻ vui tươi nhanh nhẹn hơn. Điều ngạc nhiên là những lời bà vui vẻ nói với người thanh niên giữ cổng:

- Anh nói có lý, tôi đã mang hoa đến cho những người già lão bệnh tật. Quả thật điều đó làm cho họ hạnh phúc, nhưng người được hạnh phúc hơn lại chính là tôi. Các Bác sĩ không biết được cái bí quyết làm cho tôi được khỏe mạnh và hạnh phúc, nhưng tôi đã khám phá ra cái bí quyết ấy, tôi đã tìm ra lẽ sống. Tôi đến đây để cám ơn anh. Vâng! Giúp người tức là tự giúp mình.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,
đem may mắn cho những ai gặp được,
giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ,
cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ:
giữa biển đời mang con tim núi lửa
với đôi tay êm ái của mẹ hiền.

 Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả
cho mọi người được hạnh phúc yên vui;
còn phần con xin gởi hết nơi Ngài
là Thiên Chúa, là Tình Yêu và là Lẽ Sống.
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng
để tin yêu và vui sống trọn đời. Amen.


THỨ SÁU TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Mt 9,9-13

"Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này:
'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.
Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính,

mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9,13)

1. Thánh Mátthêô tường thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông:

Là một người thu thuế tội lỗi, ông bị mọi người khinh khi ruồng bỏ. Vậy mà Chúa Giêsu đã đích thân đến tìm ông.

Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước: "Chúa Giêsu đi ngang qua, Ngài phán bảo ông". Và bằng một cái nhìn đầy lòng yêu thương Chúa kêu gọi ông.

Ông rất mừng và mau chóng đáp lời: "Ông đứng dậy và đi theo"(Mt 9,9).

Ông mừng đến nỗi ngay sau đó ông đã mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu, các môn đệ của Chúa và các bạn cùng làm nghề thu thuế với mình.

Qua kinh nghiệm này, thánh Matthêô hiểu Chúa Giêsu là thầy thuốc của những kẻ tội lỗi, bệnh tật linh hồn: "Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính nhưng đến để kêu gọi người tội lỗi"( Mt 9,13).

2. Chúa Giêsu là thầy thuốc chữa trị những nỗi đau của con người. Ngài đến nhằm kêu gọi những kẻ tội lỗi. Ngoại trừ những con người luôn có sẵn một mối hận thù đối với Ngài, còn ngoài ra thì ai gặp Ngài cũng cảm thấy họ gặp được một Đấng đầy yêu thương với cái nhìn cảm thông, tha thứ, quảng đại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người kể cả những người tội lỗi.

Chúa Giêsu đã cư xử với Matthêô trong bài Tin Mừng hôm nay bằng tất cả tấm lòng cảm thông, tha thứ và yêu thương ấy. Tại sao thế? Bởi vì Ngài luôn quan tâm đến những người tội lỗi để giúp họ sửa lại cuộc sống của mình.

Chẳng phải riêng gì Matthêô mà bất cứ ai cũng có thể nhận ra được sự tử tế, sự quan tâm, tình khoan dung được thể hiện qua những cử chỉ và lời nói đầy tình thương của Chúa. Chẳng ai gặp Ngài mà lại không cảm nhận được ánh mắt từ bi nhân hậu ấy. Từ những môn đệ đầu tiên gặp Ngài dọc theo biển hồ Galilé đến Matthêô, rồi đến Giakêu, một trong những thủ lãnh của những người thu thuế, rồi đến người đàn bà phạm tội ngoại tình, tới ông Phêrô sau khi phạm tội chối Thầy và nhất là người trộm cùng bị đóng đinh bên hữu Ngài. Tất cả đều đã một lần bắt gặp ánh mắt toát ra sự tử tế, lòng cảm thông và lòng nhân hậu của Chúa.

Vâng! Chúa là như thế, còn chúng ta thì sao?

 Sau khi thắng trận lớn, Sở Trang Vương mở đại yến khao tướng sĩ để tưởng thưởng công lao và lòng trung thành. Vua truyền cho các cung nữ của mình ra hầu tiệc. Đang ăn bỗng một trận gió làm đèn đuốc tắt hết. Lợi dụng bóng tối, một quan đại phu ôm chầm lấy người đẹp đang chuốc rượu cho mình và hôn. Người đẹp chính là nàng Hứa Cơ đang được nhà vua sủng ái nhất. Hứa Cơ bèn giật đứt giải mũ của vị quan ấy và đem trình vua xin ngài trừng trị đích đáng.

Thay vì phẫn nộ, vua ra lệnh cho các quan đều bỏ giải mũ khi đèn sáng. Không ai hiểu tại sao ngoài ba người liên quan. Sở Vương nói: 

- Trong nguy biến, các quan đã liều thân vì nước, khi vui say, các quan quên lễ phép một chút, có sao đâu? Lẽ nào vì một chuyện nhỏ mà quên đi lòng hy sinh cao cả của người khác.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tần. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng có một viên quan võ liều chết xông ra phía trước, đánh rất dũng cảm làm cho quân Tần phải lui binh. Nhờ vậy, quân Sở đại thắng. Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn hỏi:

-Trẫm đãi khanh cũng như mọi người khác, cớ sao khanh lại hết lòng giúp trẫm như vậy?

Võ quan trả lời: 

- Thần rắp tâm đem tính mạng dâng cho bệ hạ đã lâu, nhưng nay mới có dịp đáp đền nghĩa xưa. Thần đây chính là người ngày xưa đã bị giật đứt giải mũ mà bệ hạ không nỡ hành tội .

  Vâng! Tội lỗi thì ai mà chả có. Có ai trong cõi đời này thích mang tội trong mình mãi đâu. Vấn đề là làm sao cho người có tội tìm được cơ hội để đền được tội mình. Không phải Matthêô không ý thức được mình là người có nhiều lỗi lầm làm cho nhiều người ghét bỏ. Rất may là Matthêô đã gặp được Chúa. Đúng là Chúa đã ban cho ông một cơ hội bằng vàng và ông đã không phụ lòng Chúa. Chúng ta phải cám ơn Chúa vì nhờ đó mà chúng ta có được một người viết lại cuộc đời của Chúa để truyền lại cho các thế hệ mai sau trong đó có chúng ta.

Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa,
một quả tim quảng đại, biết mỗi ngày vươn lên cao,
vượt lên trên mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
để con luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào có thể khuấy động hồn con.

Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
và cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.


THỨ BẢY TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Mt 9,14-17

"Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ,
vì miếng vá mới sẽ co lại,

khiến áo rách lại càng rách thêm." (Mt 9,16)

1. Theo Kinh Thánh thì chúng ta thấy, người Xứ Palestine ngày xưa ăn chay bằng cách nhịn ăn từ sáng cho đến chiều (Gn 3,7-8;1Sm 14, 24).

Những người Hồi Giáo, trước đây cũng như bây giờ vẫn giữ chay bằng cách nhịn ăn nhịn uống suốt từ rạng đông cho đến khi mặt trời lặn, và người ta giữ như thế trong suốt tháng Ramadan.

Đối với người Phật, họ ăn chay vào các ngày mùng một và rằm. Họ giữ chay bằng cách vẫn ăn no như thường, nhưng tuyệt đối không ăn thịt bất cứ con vật nào, chỉ ăn rau cỏ và trái cây.

Thế còn đối với người Công giáo?

Trước thập niên 50, chúng ta vẫn còn giữ chay bằng cách không ăn không uống gì từ nửa đêm hôm trước cho tới khi rước lễ. Hiện nay thì chúng ta chỉ còn ăn chay kiêng thịt mỗi năm có 2 lần theo quy định chung: thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh.

Khi ăn chay, mỗi ngày chỉ ăn một bữa no, còn các bữa kia chỉ ăn chút đỉnh và kiêng không ăn thịt các động vật trên trời dưới đất, chỉ được ăn một số động vật sống trong nước mà thôi.

Như vậy, chúng ta thấy mỗi tôn giáo đều có một cách thức để ăn chay. Nhưng chúng ta đừng quên là cả các nhà khoa học cũng kêu gọi ăn chay! Thật thế, mỗi khi bác sĩ muốn xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe, họ buộc bệnh nhân phải nhịn ăn kiêng uống một thời gian trước khi lấy một ít máu đem thử. Và người bệnh chấp nhận ngay, không một chút cật vấn phàn nàn.

Chính sự "ăn chay y học" này có mục đích giúp cho bác sĩ và bản thân chúng ta biết tình trạng sức khỏe của mình mà chăm lo, hay có phương án điều trị tốt hơn.

"Ăn chay nhà đạo" của chúng ta cũng thế, cũng có mục đích chữa trị và chăm lo sức khỏe phần hồn của mỗi Kitô hữu, nhưng nhất là để kéo chúng ta ra khỏi bản thân, mà sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của mình với tha nhân. Ăn chay có tính cách chữa lành như thế thì hiệu nghiệm tuyệt vời! Như vậy, chúng ta thấy việc "ăn chay kiểu nhà đạo" của chúng ta luôn phải đi đôi với việc từ thiện bác ái, và phải đi sát với công bằng xã hội!

Tiên tri Isaia đã nói rất rõ về mục đích chay tịnh của chúng ta bằng những lời hết sức rõ rệt như thế này: "Phải chăng cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi mà gọi là ăn chay ư? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục đó sao? Bấy giờ, ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành..."( Isaia 58,5-8).

Trong bài giáo huấn hồi tháng 3 năm 1979, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của sự chay tịnh như sau: "Khước từ khoái cảm, các kích thích lạc thú và ngay cả thức ăn của uống, tự nó không phải là mục đích, nhưng nó phải mở đường cho những giá trị sâu xa hơn mà con người nội tâm cần phải được nuôi dưỡng. Một sự khước từ, một sự hãm xác như thế, phải giúp tạo nên trong con người những điều kiện để có thể sống những giá trị cao cả mà nó hằng khao khát."

Có một đan sỹ nọ, trong một giây phút yếu lòng, đã phạm một tội rất nặng. Thầy cảm thấy hối hận sâu xa và quyết định bỏ ba năm để đền tội. Ngày kia, thầy đến hỏi Đức Viện Phụ:

- Thưa Cha, 3 năm trời có đủ để khóc than và đền bù tội lỗi của con không?

- Ba năm nhiều quá! - Viện phụ đáp.

- Vậy thưa cha, chỉ cần một năm thôi cũng đủ hay sao?

- Cha nghĩ một năm cũng là quá nhiều!

- Vậy con nghĩ 40 ngày ăn chay đánh tội nhiệm nhặt là đủ rồi, hay cha vẫn thấy còn quá nhiều?

Bấy giời Đức Viện Phụ mới kết luận:

- Cha tin rằng, khi một người thành tâm thống hối tội lỗi mình đã phạm và quyết chí từ nay không còn phạm tội đó nữa, thì chỉ cần một ngày đau buồn đền tội và ngày hôm sau, khi bình minh trở lại, người ấy phải vui mừng đón nhận cuộc sống mới!

Sự trưởng thành thực sự mà con người có thể đạt được qua sự chay tịnh không chỉ là thắng vượt được những dục vọng và đam mê thấp hèn của bản thân, mà chính là biết xa lánh tội lỗi và đưa con người đến gần Chúa và tha nhân hơn.

Như thế, ăn chay đối với người Kitô hữu phải mang một ý nghĩa đặc biệt. Không phải ngồi đó mà ủ dột u buồn nhưng là tích cực dấn thân xây dựng một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những tương quan mới với Chúa và với anh em theo tinh thần của Chúa.

Top