Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi các tín đồ đạo Sikh
WHĐ (11.11.2014) – Hôm thứ Sáu 07-11, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đã gửi một Sứ điệp cho các tín đồ đạo Sikh, nhân dịp lễ kỷ niệm sinh nhật của Guru Nanak, người sáng lập đạo Sikh. Chủ đề của Sứ điệp là: “Kitô hữu và người Sikh: Cùng nhau cổ võ lòng thương xót”. Sau đây là nội dung của Sứ điệp.
--------------------
Kitô hữu và người Sikh: Cùng nhau cổ võ lòng thương xót
Sứ điệp nhân lễ kỷ niệm sinh nhật của Guru Nanak – 2014
Thành phố Vatican
Các bạn Sikh thân mến,
1. Trong tinh thần hữu nghị và thiện chí, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn xin gửi lời chào trân trọng nhất và lời chúc mừng đến các bạn nhân dịp lễ kỷ niệm sinh nhật của Guru Nanak vào ngày 6 tháng 11 năm nay. Ước mong ngày lễ này củng cố hơn nữa mối dây liên hệ giữa các gia đình và cộng đồng của các bạn để thêm phần hạnh phúc, hòa hợp và bình an!
2. Năm nay chúng tôi muốn cùng với các bạn suy tư về cách thức chúng ta –cả người Kitô hữu và người Sikh– cổ võ lòng thương xót trong xã hội. Lòng thương xót, trong nhiều khía cạnh và sắc thái khác nhau, có thể nói ở ngay trong lòng mọi tôn giáo lớn. Đối với người Kitô hữu chúng tôi, lòng thương xót thể hiện cách hoàn hảo nhất nơi chính con người Đức Giêsu. Mô tả mạnh mẽ nhất về lòng thương xót trong Kinh Thánh (Tân Ước) là dụ ngôn “người Samaria nhân lành” (Lc 10,25-37). Đối với các bạn cũng vậy, từ bi (daya) và phục vụ (seva), hay đúng hơn - phục vụ vô vị lợi, vì lợi ích của người khác, là những khái niệm cốt lõi. Bhai Gurdas, nhà chú giải Gurbani đầu tiên đã viết: “bàn tay và bàn chân tránh xa seva là đáng trách; những hành động khác ngoài seva là vô ích” (Varan, XXVII.10). Thực thi lòng thương xót có nghĩa là vượt qua mọi thứ rào cản và từ bỏ những lợi lộc và tiện nghi của mình để đến với người nghèo, người túng thiếu, ốm đau, già cả, người khuyết tật, di dân, tị nạn, người bị bóc lột và đàn áp, vì họ cũng là công trình của Thiên Chúa và do đó là anh chị em của chúng ta, và thuộc về gia đình nhân loại rộng lớn của chúng ta. Khi mặc lấy tinh thần bác ái và vị tha đích thực, hành vi phục vụ ấy sẽ trở thành một kinh nghiệm bao trùm tất cả và hữu ích cho cả người trao ban và người nhận lãnh.
3. Thật không may, các khuynh hướng vật chất, tiêu thụ và cá nhân đang gia tăng trong thế giới ngày nay làm cho con người ngày càng lấy mình làm trung tâm, vô cảm và thờ ơ với những nhu cầu và đau khổ của người khác. Lên án những xu hướng đáng lo ngại này, Đức giáo hoàng Phanxicô –mà lời nói và cử chỉ thương xót và phục vụ của ngài nay đã thành điển hình–, đã kêu gọi một nền văn hóa trong đó mọi người cảm thấy được yêu thương và chăm sóc và “không ai bị coi là người vô ích, vướng víu, hay phải bỏ đi” (Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn thứ 101 (năm 2015), ngày 03-09- 2014).
4. Là tín hữu Kitô giáo và đạo Sikh với kho tàng các giá trị chung, ước gì các Kitô hữu và người Sikh chúng ta biết tái khám phá tầm quan trọng của lòng thương xót trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của chúng ta và biến nó thành một lối sống, mang lại niềm cảm hứng và sự khích lệ người khác cũng làm như vậy để thăng tiến hạnh phúc, hòa hợp và bình an ở khắp nơi. Ước gì chúng ta biết chung tay với những người khác góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn, công bình và huynh đệ hơn.
Chúng tôi xin chúc tất cả các bạn mừng lễ sinh nhật của Guru Nanak vui vẻ!
Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch
P. Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Thư ký
(Vatican Radio)
–––––––––––––––––––
* Đạo Sikh là tôn giáo độc thần do Guru Nanak sáng lập vào thế kỷ 15 tại vùng Punjab thuộc Ấn Độ và phát triển qua lời dạy của mười vị Guru liên tiếp (Guru thứ mười một và cuối cùng là bộ Kinh thánh Guru Granth Sahib - một sưu tập các bài viết của các Guru cũng như của các nhà thơ và các tôn giáo khác; bộ sưu tập này do vị Guru thứ năm biên soạn lần đầu tiên). Sikh là tôn giáo lớn thứ năm trên thế giới, với khoảng 30 triệu tín đồ. Punjab, Ấn Độ, là nơi có đông tín đồ Sikh nhất.
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào? -
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565