Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2022
Sáng ngày 5/5, Phòng báo chí Toà Thánh đã phổ biến Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2022, được cử hành vào Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh, 8/5 tới đây. Sứ điệp có chủ đề: “Được Kêu gọi để Xây dựng Gia đình Nhân loại.”
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô
cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2022
Được Kêu gọi để Xây dựng Gia đình Nhân loại
Anh chị em thân mến!
Trong khi ở thời đại chúng ta, những cơn gió băng giá của chiến tranh và áp bức vẫn thổi và chúng ta thường chứng kiếnnhững hiện tượng phân cực. Với tư cách là một Giáo hội, chúng ta đã bắt đầu một tiến trình hiệp hành: chúng ta nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải bước đi cùng nhau, nuôi dưỡng tinh thần lắng nghe, tham gia và chia sẻ. Cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí, chúng ta muốn đóng góp xây dựng gia đình nhân loại, chữa lành các vết thương và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Vào Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 59 này, tôi muốn cùng anh chị em suy ngẫm về ý nghĩa rộng lớn hơn của “ơn gọi” trong bối cảnh của một Giáo hội hiệp hành, một Giáo hội lắng nghe Thiên Chúa và thế giới.
Tất cả được kêu gọi trở thành nhân vật chính trong sứ mạng của Giáo hội
Sự hiệp hành, bước đi cùng nhau là một ơn gọi nền tảng của Giáo Hội, và chỉ trong bối cảnh này, người ta mới có thể khám phá và trân quý các ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ khác nhau. Đồng thời, chúng ta biết rằng Giáo hội tồn tại vì sứ mạng, bằng cách đi ra khỏi chính mình và gieo hạt giống Tin Mừng trong lịch sử. Do đó, sứ mạng này khả thể chính vì nhờ tất cả các lĩnh vực mục vụ cùng hoạt động và quan trọng hơn là có sự tham gia của tất cả các môn đệ của Chúa. Thật vậy, “nhờ Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, mọi thành phần Dân Chúa đã trở thành môn đệ truyền giáo (x. Mt 28, 19). Mỗi người đã được rửa tội, bất kể chức vụ của mình trong Giáo hội và mức độ giáo dục đức tin của mình, đều là một chủ thể tích cực của công cuộc loan báo Tin Mừng” (Tông huấn Evangelii gaudium, 120). Chúng ta phải đề phòng tâm lý tách biệt giữa linh mục và giáo dân, coi linh mục là nhân vật chính và giáo dân là người thi hành, đồng thời cùng nhau thực hiện sứ mạng Kitô hữu với tư cách là Đoàn Dân Chúa duy nhất, giáo dân và mục tử cùng nhau. Toàn thể Giáo hội là một cộng đoàn loan báo Tin Mừng.
Được kêu gọi trở thành người bảo vệ của nhau và của tạo vật
Từ ngữ “ơn gọi” không nên hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ dùng để chỉ những ai theo Chúa trên con đường dâng hiến cụ thể. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng của Đức Kitô là quy tụ nhân loại đã phân tán và hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Mỗi người, ngay cả trước khi gặp gỡ Chúa Kitô và đón nhận đức tin Kitô, đều nhận được ơn gọi căn bản là: mỗi người trong chúng ta là một thụ tạo được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương; mỗi người chúng ta đều có một vị trí riêng và đặc biệt trong ý muốn của Thiên Chúa. Tại mỗi thời điểm của cuộc đời, chúng ta được mời gọi nuôi dưỡng tia sáng thiêng liêng này, hiện diện trong trái tim của mỗi người nam và người nữ, và do đó góp phần vào sự phát triển của một nhân loại được truyền cảm hứng bởi tình yêu và sự chấp nhận lẫn nhau. Chúng ta được kêu gọi trở thành những người bảo vệ lẫn nhau, xây dựng mối dây hòa hợp và chia sẻ, chữa lành vết thương của tạo vật để vẻ đẹp của nó không bị phá hủy. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi trở thành một gia đình duy nhất trong ngôi nhà chung kỳ diệu của thụ tạo, trong sự hài hoà đa dạng của các yếu tố. Theo nghĩa rộng này, “ơn gọi” không chỉ dành cho các cá nhân, mà còn cho cả các dân tộc, cộng đồng và các nhóm thuộc nhiều loại khác nhau.
Được kêu gọi để chào đón ánh nhìn của Thiên Chúa
Trong ơn gọi chung vĩ đại này, Thiên Chúa đặt một lời kêu gọi cụ thể cho mỗi người chúng ta. Người chạm đến cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu của Người và hướng nó đến mục đích tối hậu, đến sự viên mãn vượt trên cả ngưỡng cửa của cái chết. Đó là cách Thiên Chúa đã muốn và đang nhìn cuộc sống của chúng ta.
Michelangelo Buonarroti được cho là đã khẳng định rằng: “Mỗi khối đá đều có một bức tượng bên trong và nhiệm vụ của nhà điêu khắc là phải khám phá ra bức tượng đó”. Nếu đây có thể là cái nhìn của người nghệ sĩ, thì Thiên Chúa còn nhìn chúng ta hơn biết dường nào: nơi cô gái làng Nadarét, Người đã nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa; nơi ngư phủ Simon, con ông Giôna, Người đã thấy Phêrô, tảng đá để xây dựng Hội Thánh của Người; nơi người thu thuế Lêvi, Người nhận ra vị tông đồ và thánh sử Matthêu; nơi Saulô, một người bắt bớ khắc nghiệt các Kitô hữu, Người đã thấy Phaolô, tông đồ của dân ngoại. Ánh mắt yêu thương của Người luôn hướng nhìn chúng ta, chạm vào chúng ta, giải thoát chúng ta và biến đổi chúng ta, khiến chúng ta trở thành những con người mới.
Đây là động lực của mọi ơn gọi: chúng ta gặp được cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta. Ơn gọi, giống như sự thánh thiện, không phải là một kinh nghiệm đặc biệt dành riêng cho một số ít. Cũng như “sự thánh thiện ở kề bên” (x. Tông huấn Gaudete et exsultate, 6-9), ơn gọi cũng dành cho mọi người, vì tất cả đều được Thiên Chúa nhìn và kêu gọi.
Ngạn ngữ Viễn Đông có câu: “Người khôn nhìn trứng biết đại bàng; nhìn hạt giống thoáng thấy một cây to; nhìn một tội nhân biết thoáng thấy một vị thánh”. Đây là cách Thiên Chúa nhìn chúng ta: trong mỗi chúng ta, Người nhìn thấy những tiềm năng, đôi khi chính chúng ta chưa biết, và trong suốt cuộc đời của chúng ta, Người làm việc không mệt mỏi để chúng ta có thể phục vụ lợi ích chung.
Ơn gọi đã được sinh ra theo cách này, nhờ nghệ thuật của Nhà điêu khắc là Thiên Chúa, với “bàn tay” của mình, Người làm cho chúng ta ra khỏi chính mình để trở nên kiệt tác mà chúng ta được kêu gọi trở thành. Đặc biệt, Lời Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tính tự cao tự đại, có khả năng thanh tẩy, soi sáng và tái tạo chúng ta. Vậy chúng ta hãy lắng nghe Lời, để mở lòng đón nhận ơn gọi mà Thiên Chúa giao phó cho chúng ta! Và chúng ta cũng hãy học cách lắng nghe anh chị em của mình trong đức tin, bởi vì sáng kiến của Thiên Chúa có thể được ẩn giấu nơi lời khuyên và gương sáng của họ, điều này cho chúng ta thấy những con đường luôn luôn mới để bước đi.
Được kêu gọi để đáp lại cái nhìn của Thiên Chúa
Nói về người thanh niên giàu có, thánh sử Máccô ghi nhận: “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (10, 21). Ánh mắt tràn đầy tình yêu này của Chúa Giêsu hướng về mỗi người chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để mình được chạm vào ánh mắt này và hãy để mình được Người dẫn dắt ra khỏi chính mình! Và chúng ta cũng học cách nhìn nhau để những người chúng ta cùng sống và gặp gỡ - dù họ là ai - đều có thể cảm thấy được chào đón và khám phá ra rằng có một người nào đó đang nhìn họ bằng tình yêu và mời gọi họ phát huy tất cả tiềm năng của họ.
Cuộc sống của chúng ta thay đổi khi chúng ta đón nhận ánh mắt này. Mọi thứ trở thành một cuộc đối thoại ơn gọi, giữa chúng ta và Chúa, và cũng giữa chúng ta và những người khác. Một cuộc đối thoại và sống chiều sâu làm cho chúng ta ngày càng trở nên chính mình hơn: trong ơn gọi của chức linh mục thừa tác, trở thành khí cụ của ân sủng và lòng thương xót của Chúa Kitô; trong ơn gọi sống đời thánh hiến, là lời ngợi khen Thiên Chúa và ngôn sứ về một nhân loại mới; trong ơn gọi hôn nhân, trở thành một món quà cho nhau và là những người trao ban và giáo dục sự sống. Nói chung, trong mọi ơn gọi và chức vụ trong Giáo Hội, điều này kêu gọi chúng ta nhìn người khác và thế giới bằng con mắt của Thiên Chúa, để phục vụ điều thiện và lan tỏa tình yêu, bằng lời nói và việc làm.
Ở đây, tôi muốn đề cập đến kinh nghiệm của bác sĩ José Gregorio Hernández Cisneros. Trong khi làm bác sĩ ở Caracas, Venezuela, ông muốn trở thành một thành viên Dòng Ba Phanxicô. Sau đó, ông nghĩ đến việc trở thành một tu sĩ và linh mục, nhưng sức khỏe của ông không cho phép. Khi đó ông hiểu rằng ơn gọi của ông là nghề y, nơi đó ông đặc biệt cống hiến mình cách đặc biệt cho những người nghèo. Vào thời điểm đó, ông đã dấn thân hết mình cho những người bệnh do dịch cúm “Tây Ban Nha” lan rộng khắp toàn cầu. Ông chết vì bị ô tô đâm vào khi bước ra từ một hiệu thuốc, nơi ông mua thuốc cho một bệnh nhân lớn tuổi của mình. Chứng tá của ông là gương mẫu về ý nghĩa của việc chấp nhận lời kêu gọi của Chúa và đón nhận nó cách trọn vẹn, ông đã được phong chân phước cách đây một năm.
Được kêu gọi cùng nhau xây dựng một thế giới huynh đệ
Là Kitô hữu, chúng ta không chỉ được kêu gọi riêng biệt, nhưng chúng ta được kêu gọi cùng nhau. Chúng ta giống như những mảnh ghép của một bức tranh khảm, mỗi mảnh có một vẻ đẹp, nhưng chỉ khi được ghép lại với nhau, chúng mới tạo thành một bức tranh. Mỗi người chúng ta tỏa sáng như một ngôi sao trong cung lòng Thiên Chúa và trên bầu trời của vũ trụ, nhưng chúng ta được kêu gọi để tạo ra những chòm sao định hướng và soi sáng con đường của nhân loại, bắt đầu từ môi trường chúng ta đang sống. Đây là mầu nhiệm của Giáo hội: trong sự tươi vui của những khác biệt, Giáo hội là dấu chỉ và khí cụ của điều mà toàn thể nhân loại được mời gọi đến. Vì điều này, Giáo hội phải ngày càng trở nên hiệp hành hơn: có khả năng bước đi cùng nhau trong sự hài hòa của sự đa dạng, trong đó tất cả mọi người đều có đóng góp của riêng mình để thực hiện và có thể tham gia một cách tích cực.
Do đó, khi chúng ta nói về “ơn gọi”, không chỉ là vấn đề lựa chọn hình thức sống này hay hình thức sống khác, cống hiến cuộc đời mình cho một sứ vụ nào đó hoặc được lôi cuốn bởi đặc sủng của một dòng tu, phong trào hay cộng đoàn giáo hội. Đó là việc biến ước mơ của Thiên Chúa thành hiện thực, viễn tượng tuyệt vời về tình huynh đệ mà Chúa Giêsu đã ấp ủ khi cầu nguyện với Chúa Cha “xin cho tất cả nên một” (Ga 17:21). Mỗi ơn gọi trong Giáo hội, và theo nghĩa rộng hơn trong xã hội, đều góp phần vào một mục tiêu chung: làm vang lên nơi những người nam nữ sự hài hoà của nhiều ân sủng khác nhau mà chỉ có Chúa Thánh Thần làm được. Các linh mục, nam nữ thánh hiến, giáo dân bước đi và làm việc cùng nhau để làm chứng rằng một đại gia đình nhân loại hiệp nhất trong tình yêu không phải là viễn tượng không tưởng, mà là chính mục đích mà Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện để Dân Chúa, giữa những biến cố bi thương của lịch sử, có thể ngày càng đáp lại lời kêu gọi này. Chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để mỗi người trong chúng ta có thể tìm thấy vị trí của mình và cống hiến hết sức mình trong kế hoạch vĩ đại này!
Roma, Gioan Laterano, ngày 8 tháng 5 năm 2022, Chủ nhật thứ Tư Phục sinh.
Phanxicô
Nguồn: vaticannews.va
bài liên quan mới nhất
- Huấn dụ Lễ Thánh Stêphanô tử đạo (26/12/2024) - Tử đạo và tha thứ
-
Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha -
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô