Sống và chết
WGPSG -- Cuộc sống mong manh của con người cứ đều đều trôi theo tháng ngày, ít ai để ý. Chỉ khi đứng trước nấm mồ của người thân hoặc khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của sự chết, người ta mới có những giây phút lắng lòng để suy tư về nó.
“Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình”.
(Tv 103,14-16)
Ngày nay, con người vẫn “bó tay”, không thắng nổi cái chết dù có trong tay sức mạnh vạn năng của khoa học kỹ thuật tiên tiến. Quan quyền binh tướng, giàu sang nghèo hèn… ai ai rồi cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng - có khác chăng chỉ là những lễ nghi hoặc nấm mồ đơn sơ hay hoành tráng.
Nói như các triết gia bi quan, khi sinh ra là bắt đầu một tiến trình hướng về sự chết. Theo dòng thời gian, con người dần lớn lên với những buồn vui, sướng khổ của kiếp nhân sinh. Khi còn trẻ, sung sức người ta ít khi để ý đến những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Về già, con người cảm thấy yếu dần. Yếu dần là dấu hiệu của sự chết đang đến.
Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống. Theo quy luật tự nhiên mỗi người đều sinh ra, sống và tất cả đều ra đi âm thầm để chờ đợi hưởng nhan Chúa một cách trọn vẹn. Chúa Giêsu khi cầu nguyện cùng Chúa Cha đã không xin cho con người khỏi chết nhưng xin “Những kẻ cha ban cho Con, Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với Con” (Ga 17,24). Ước nguyện của Chúa là muốn ở với con người theo nghĩa siêu nhiên là đảm bảo được đón nhận trong tình yêu thương của Thiên Chúa.
Vì tình thương, Chúa luôn gởi đến cho chúng ta nhiều dấu hiệu báo trước cái chết. Những cái chết của người thân, một chứng bệnh xuất hiện, những sợi tóc bạc, mắt mờ chân mỏi, xương cốt rã rời… tất cả đều là những dấu hiệu. Vì thế, chúng ta đừng làm ngơ trước những dấu hiệu tình thương ấy. Hãy đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.
Khi được sống trong một xã hội văn minh, vật chất sung túc đầy đủ, không phải lo chiến tranh, loạn lạc… Người ta sẽ thoải mái, yên tâm giữ đạo thờ phượng Chúa. Nhưng mặt trái của nó là lối sống tự do, hưởng thụ đâm ra trụy lạc, tự mãn, coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa.
Ngược lại, nếu phải sống trong một môi trường bất ổn, nghèo đói. Người ta cảm thấy mạng sống mình mong manh, của cải vật chất thiếu thốn không thỏa mãn được nhu cầu sống. Khi đó người ta dễ chạy đến cầu xin với Chúa. Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, nghèo khổ, túng quẫn. Người ta thường dễ trách móc “ông Trời”, xa lìa đạo giáo và tiêu cực hơn là tự tìm đến cái chết để giải thoát.
Đời người có nhiều chuyến đi. Có những chuyến đi vội vã. Có những chuyến đi được lên kế hoạch, sắp xếp cẩn thận. Ra đi và trở về là công việc lập đi lập lại thường xuyên. Nhưng có một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đơn hành không trở lại và ta không thể mang theo những của cải vật chất đã gắn bó và gom góp suốt cả đời.
Một chuyến đi du lịch đôi ba ngày, vài tuần, vài tháng… đã khiến ta phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần. Còn chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời mình, ta đã chuẩn bị được những gì? Đã sắp xếp được bao nhiêu hành trang cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này?
Đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là cửa ngõ của sự sống mới - sự sống trường sinh bất tử được Thiên Chúa tái tạo. "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người" (Lc 21,34-36).
Vậy khi sống ở cõi tạm đời này không nên để mình bị cuốn hút vào những trào lưu của xã hội. Đừng quá chú tâm vào những việc thế gian để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện trần tục... Những nhân sinh quan này làm cho lòng con người ra nặng nề, chai đá và quên đi điểm cuối của cuộc lữ hành đời mình.
Sống và chết là hai kỳ công do Thiên Chúa an bài. Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống. Hãy cầu nguyện liên lỉ để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài. Bất cứ lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng theo tiếng Chúa gọi, dù bất thình lình, đột ngột. Hãy vững lòng trông cậy và phó thác cho Chúa cuộc sống và cái chết đời này để được sự sống đời sau bất diệt.
Đứng trước những nấm mồ của kẻ chết hôm nay, ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, luôn ưu tiên đặt Chúa lên trên hết mọi sự trong việc chu toàn bổn phận làm người. Xin tình thương Chúa luôn che chở và giúp chúng ta biết nhận ra những dấu hiệu của sự sống vĩnh cửu trong cuộc đời để đừng sống như đã chết. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19