Sống hết lòng với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu

Sống hết lòng với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu

Sống hết lòng với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu

TGPSG/Wau.org --- Từ thuở xa xưa, những câu chuyện cảm động luôn có sức lay động lòng người. Nhưng giữa muôn vàn câu chuyện ấy, cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô vẫn là mầu nhiệm chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn và có thể biến đổi cả cuộc đời. Cho đến hôm nay, một cuốn sách hay bộ phim kể về Đức Giêsu - dù qua trang sách hay thước phim - vẫn đủ sức khiến ta rơi lệ và thầm tự vấn về đời sống đức tin của mình.

Cuộc Thương Khó - với đỉnh cao là cái chết đau thương trên thập giá - khiến lòng người xót xa khôn nguôi. Nhưng chính trong nỗi đau ấy, một niềm hy vọng mới âm thầm bừng lên. Đức Giêsu đã sống lại đúng như lời Người phán hứa: Người đã chiến thắng sự chết và mở lối cho nhân loại bước vào sự sống mới. Cuộc Phục Sinh là chiến thắng tưởng như âm thầm nhưng thật sự rực rỡ, vinh hiển và đầy quyền năng - một chiến thắng của sự sống trước tội lỗi và cái chết.

Từ đó, chúng ta nên tự hỏi lòng mình đã có bao nhiêu lần nghẹn ngào khi suy niệm cuộc Thương Khó của Chúa? Đã có bao nhiêu lần tâm hồn tràn trề xúc động khi xem một bộ phim về Đức Giêsu và cảm nhận tình yêu Thiên Chúa đang âm thầm thấm vào trái tim mình? Những cảm xúc ấy không chỉ là dấu chỉ của lòng đạo đức tự nhiên, mà còn là hoa trái của Chúa Thánh Thần - Đấng giúp ta nhận ra rằng cuộc Thương Khó của Đức Giêsu chính là trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Chính nơi thẳm sâu ấy - nơi Thánh Thần hoạt động cách thân tình nhất - chúng ta được soi sáng để hiểu rằng: Thiên Chúa, trong tình yêu và sự khôn ngoan vô biên, đã từ muôn đời định liệu kế hoạch cứu độ nhân loại qua thập giá - con đường mà Người chọn để biểu lộ trọn vẹn tình yêu của mình.

Mùa Chay này, hãy sống lại câu chuyện cứu độ

Vậy trong Mùa Chay này, chúng ta được mời gọi sống lại câu chuyện cứu độ. Hãy đọc lại các trình thuật cuộc Thương Khó và cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí khi chúng ta chiêm niệm. Xin Ngài ban cho chúng ta một cái nhìn thiêng liêng - không chỉ để hiểu bằng lý trí, mà còn để rung động bằng cả trái tim. Hãy thưa với Chúa rằng: “Con khao khát cảm nghiệm tình yêu của Ngài sâu sắc hơn”, khi suy niệm câu chuyện đằng sau lời tuyên bố quen thuộc của Tin Mừng Gioan:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Mầu nhiệm tình yêu và cứu độ qua đau khổ

Hãy chiêm ngắm cuộc Thương Khó dưới hai góc độ: một mặt là chiều kích lịch sử và tâm lý; mặt khác là chiều sâu thần học và thiêng liêng ẩn hiện trong từng chi tiết Tin Mừng.

Về mặt lịch sử, Đức Giêsu bị kết án tử vì lời rao giảng của Ngài gây bất an cho giới lãnh đạo tôn giáo và chính trị thời bấy giờ. Ngài khiến họ tức giận vì cách hành xử và những người Ngài gần gũi: người Sa-ma-ri, người thu thuế, kẻ tội lỗi. Với Đức Giêsu, họ là những người con đang cần được chữa lành và ban sự sống mới.

Ngài còn công khai vạch trần sự đạo đức giả: tố cáo vẻ ngoài giả hình, chất vấn sự thiếu nhất quán giữa lời nói và việc làm, cảnh báo về án phạt dành cho kẻ giả hình (x. Mt 23). Ngài cũng làm lung lay cách giải thích Lề Luật của họ: bênh vực các môn đệ trong ngày sabát (x. Mt 12,1-8), chữa lành người bệnh (x. Lc 13,10-17), tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8,2-11), và khẳng định quyền tha tội (x. Mc 2,1-12). Đỉnh điểm là khi Ngài cho Ladarô sống lại - từ đó, các thủ lãnh quyết định giết Ngài:

“Nếu cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh và dân tộc ta” (Ga 11,48).
Thượng tế Caipha nói: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn cả dân tộc bị tiêu diệt” (Ga 11,50).

Từ đó, hành trình cứu độ bước vào giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Đức Kitô.

Mầu nhiệm cứu độ

Ẩn sau những xung đột bề ngoài là một cuộc chiến thiêng liêng - giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự thật và dối trá. Dưới ánh sáng đức tin, ta nhận ra: thập giá không phải là thất bại, mà là con đường Thiên Chúa đã chọn để thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại trong tình yêu và sự khôn ngoan vô biên. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, ta hiểu rằng cuộc Thương Khó là chiến thắng của Đức Kitô, là giờ phút vinh quang của tình yêu tuyệt đối.

Càng chiêm ngắm cuộc Thương Khó, ta càng nhận ra Đức Giêsu vì yêu thương nhân loại mà tự hiến trọn vẹn cả thân xác lẫn linh hồn. Bề ngoài, Ngài có vẻ bị kết án bởi âm mưu con người, nhưng sâu xa hơn, đó là cuộc chiến quyết liệt với ma quỷ. Satan đã nhập vào Giuđa, gieo hận thù trong lòng những kẻ chống đối, và làm gia tăng áp lực khiến các môn đệ hoảng loạn. Phêrô, vì yếu đuối và sợ hãi, đã chối Thầy. Nhưng Đức Giêsu, Đấng vâng phục Chúa Cha cách trọn vẹn, đã không lùi bước trước thập giá, nhờ đó, kế hoạch cứu độ đã được hoàn tất.

Cầu nguyện với cuộc Thương Khó

Mùa Chay này, chúng ta hãy đồng hành với Đức Giêsu trong những giờ phút cuối cùng của đời Ngài. Càng cảm nghiệm thực tại đau thương ấy, chúng ta càng thấm thía tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho mình.

Làm sao để sống Mùa Chay cách trọn vẹn? Hãy xin Chúa Thánh Thần giúp ta nhận ra cuộc chiến thiêng liêng ẩn sau những mâu thuẫn bề ngoài. Xin Chúa mở mắt chúng ta thấy sự lừa dối của ma quỷ, thấy sức nặng của tội lỗi và bóng tối nơi lòng người - tất cả đã góp phần tạo nên cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Nhưng trên hết, hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta chiêm ngắm vẻ đẹp của kế hoạch cứu độ, để sống sứ điệp ấy bằng một đời sống yêu thương và vâng phục Thiên Chúa.

Tin Mừng kể rằng trước cuộc khổ nạn, một người phụ nữ đã lấy dầu thơm quý giá xức chân Đức Giêsu (x. Mc 14,1-9). Hành động ấy là biểu hiện của tình yêu và tận hiến. Là người sống giữa trần thế, ta có thể tự hỏi: tôi sẽ dâng “bình dầu quý” đời mình như thế nào, trong việc phục vụ người nghèo, giáo dục tha nhân, chăm sóc gia đình…?

Giữa những khi ta bon chen, mệt mỏi, giữa những lần ta quỳ gối sau một ngày dài đầy áp lực, ánh mắt của Đức Giêsu trên thập giá vẫn âm thầm nói với ta:

“Thầy ở đây. Và Thầy đã yêu con đến cùng.”

Trong những ngày còn lại của Mùa Chay, mỗi lần rước lễ, cầu nguyện hay suy niệm cuộc Thương Khó của Chúa, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đưa ta đến gần Thánh Tâm Đức Giêsu hơn. Để khi mầu nhiệm thập giá thấm sâu vào lòng mình, chúng ta có thể hiến dâng điều quý giá nhất: dâng chính cuộc đời mình như một lời đáp trả đầy yêu thương, tri ân và vâng phục, dành cho Đấng đã yêu chúng ta đến tận cùng trên thập giá.

Xuân Đại (TGPSG) lược dịch từ Wau.org

Top