WHĐ (17.01.2010) – Cuối tuần qua, Đức Hồng y Godfried Danneels (Bỉ), đã tuyên bố ngài sẽ về hưu trong ít ngày sắp tới. Năm nay ĐHY đã bước vào tuổi 77. Hai năm trước, lúc 75 tuổi, ngài đã đệ đơn từ chức nhưng Tòa Thánh chưa chấp thuận.
Hiện danh tánh của vị mục tử kế nhiệm vẫn chưa được Tòa Thánh công bố.
ĐHY Godfried Danneels hiện đang đảm nhiệm cương vị Tổng giám mục Mechelen-Brussel (Malines-Bruxelles), kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bỉ.
Ngài là một trong những gương mặt lớn của Giáo Hội đương đại.
Tên tuổi của ĐHY Danneels được biết đến với những đóng góp của ngài vào sự hình thành văn kiện Hiến chế Công đồng Vatican II về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium.
Trong hơn ba thập niên đảm nhận vai trò mục tử của Giáo Hội tại Bỉ, kể từ năm 1977 khi ngài được ĐGH Phaolô VI đặt làm giám mục Antwerp và đến nay làm Giáo trưởng của Giáo Hội Bỉ, ĐHY đã có những đóng góp lớn cho Giáo Hội địa phương và thế giới trên các lĩnh vực mục vụ và nghiên cứu, học thuật.
Bài giảng của ĐHY trong Thánh lễ giã từ cộng đồng Dân Chúa tại Malines-Bruxelles, vào cuối tuần qua, có thể được coi như di chúc để lại cho cộng đoàn tín hữu của mình.
Trong bài giảng này, Đức Hồng y Godfried Danneels đã chia sẻ những suy tư sâu sắc về đời sống đức tin của người Kitô hữu trong thế giới hôm nay. Những suy tư rất đáng lắng nghe và chiêm nghiệm. WHĐ hân hạnh giới thiệu.
***
Sách Giảng viên nói rằng mọi sự dưới bầu trời này đều có thời điểm của nó (x. 3,2). Có một thời để bắt đầu và một thời để kết thúc, một thời để đến và một thời để đi, một thời để nói và một thời để im lặng. Các mục tử đến rồi đi. Chỉ có một Đấng còn lại: Đấng Chăn chiên lành, Đức Giêsu Kitô, “Vị Mục tử vĩ đại của đoàn chiên” (Dt 13,20).
Hãy tập trung nhìn vào Chúa Giêsu
Chính Người là Đấng phải nói đến: Đức Giêsu Kitô. Thưa anh chị em, trong ngày tôi ra đi, tôi xin nói với anh chị em: “Hãy tập trung nhìn vào Chúa Giêsu là Sứ giả, là Thượng tế cho lời tuyên xưng đức tin của chúng ta” (Dt 3,1). Hãy nhìn ngắm Người. Ngày nay có biết bao điều ta đang nhìn thấy: khủng hoảng kinh tế, Giáo Hội trong cơn bão táp, thiếu nhân sự và phương tiện, biết bao người đang sống trong cảnh cùng khổ vật chất và còn nhiều hơn nữa những người sống trong bất ổn về tinh thần, tất cả đều muốn tìm nhưng chẳng gặp được hạnh phúc bao nhiêu. Phải, tôi lập lại: hãy tập trung nhìn vào Chúa Giêsu. Vâng, hình như Người đang ở đàng lái, dựa đầu vào gối mà ngủ. Và cũng như các tông đồ trong Phúc âm, chúng ta la lên: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38). Và Người trả lời chúng ta ra sao trong cơn hoảng loạn: “Tại sao lại sợ hãi như thế?” Đó là lời trách cứ duy nhất Người sẽ nói với ta: “Tại sao lại sợ hãi như thế?” (Mc 3,40). Không, Người sẽ không trách chúng ta vì đã không chịu khó làm việc, vì thiếu kế hoạch, thiếu tổ chức, thiếu quản trị, thiếu dự án. Không, Người sẽ trách chúng ta vì sợ hãi và không nhận ra rằng Người vẫn đang ở trên thuyền với ta.
Vâng, Người ở đó, giữa chúng ta, trong những người nghèo và bé mọn; Người đang nhìn chúng ta qua cặp mắt của họ. Người ở đó trong lời của Người, trong Sách Thánh và lời rao giảng của Giáo Hội. Người hiện diện ở đó trong phụng vụ. Nhất là Người ở đó trong rượu và bánh Thánh Thể, trong Mình và Máu Người. Vâng, hãy tập trung nhìn vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Hãy trở nên một Giáo Hội thờ phượng như tôi đã xin anh chị em trong dịp lễ Các Thánh 2006 ở Bruxelles. Một lần nữa, tôi xin anh chị em điều đó như di chúc để lại của một vị tổng giám mục lên đường đi hưu.
Hãy yêu mến Giáo Hội
Hãy yêu mến Giáo Hội như Giáo Hội là, tuy đen đủi nhưng nhan sắc mặn mà như người thiếu nữ trong sách Diễm Ca: “Hỡi các thiếu nữ Giêrusalem, da tôi đen nhưng nhan sắc mặn mà… Xin đừng để ý nếu da tôi rám nắng, nếu mặt trời đã làm cháy da tôi, anh em tôi đã cắt đặt tôi canh giữ các vườn nho” (1,5). Ôi Giáo Hội, tôi yêu mến Giáo Hội suốt đời tôi như người ta yêu vợ mình. Tôi mang trên ngón tay mình chiếc nhẫn của cuộc hôn phối lâu dài này. Hãy yêu mến Giáo Hội. Chắc chắn rồi, Giáo Hội có những vết nhăn, đó là điều dễ hiểu sau 2000 năm. Nhưng Giáo Hội đẹp và trung tín.
Để thấy Giáo Hội thực sự, phải nhìn bằng con mắt đức tin, con mắt có khả năng nhìn thấy những sự vô hình, nhận ra mầu nhiệm vừa thần linh vừa nhân loại. Như thánh Augustinô đã nói: “Khi nói về Giáo Hội, tôi không thể ngừng nói về những điều thiện hảo”. Và mỗi khi tôi khám phá khiếm khuyết nơi Giáo Hội, đức tin lại biến đổi khiếm khuyết đó thành vết tích của cái đẹp. Khiếm khuyết này là vết nhăn trên khuôn mặt người mẹ. Có người mẹ nào lại không có vết nhăn. Nhưng đó là mẹ tôi. Và những vết nhăn thì sao? Nếu nhìn kỹ, tôi sẽ khám phá ra đó cũng là vết nhăn của tôi. Chúng ta đã đón nhận tất cả từ Mẹ Giáo Hội: Sách Thánh, các bí tích, cử hành phụng vụ, chăm sóc mục vụ, nhất là từ Mẹ Giáo Hội, chúng ta đón nhận biết bao anh chị em trong cùng một đức tin, và hơn nữa, cả các thánh.
Nhất là Giáo Hội ban cho chúng ta phụng vụ. Sức mạnh và vẻ đẹp của Giáo Hội là ở đó, trong mầu nhiệm phụng vụ thánh. Khi phụng vụ được cử hành với tất cả sự sốt sắng và cái đẹp, thì chiều sâu của Giáo Hội được biểu lộ ở đó. Vừa đơn sơ vừa vĩ đại. Sức mạnh lớn nhất của công cuộc phúc âm hoá cũng ở nơi phụng vụ. Vẻ đẹp của phụng vụ lôi cuốn tất cả. Phụng vụ có thể trở thành phương thế tuyệt vời nhất để loan báo Tin Mừng trong một nền văn hoá xa lạ, dửng dưng với tôn giáo, nếu không nói thẳng ra là thù nghịch.
Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian
Nhiều người đương thời với chúng ta không còn biết đến sứ điệp của Phúc âm. Ngay cả ngôn ngữ Phúc âm, người ta cũng không hiểu. Phải chăng chúng ta đang trở lại thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội khi chỉ có một nhóm nhỏ Kitô hữu giữa lòng thế giới ngoại giáo và dửng dưng với Kitô giáo? Và ngày nay là một thế giới không biết gì đến Kitô giáo. Phải làm gì?
Hãy bắt đầu bằng cách triển khai nơi chúng ta một ý thức đúng đắn về căn tính Kitô hữu của mình. Đây không phải là chuyện kiêu căng hay tự mãn; đơn giản chỉ là sống đúng căn tính của mình. Làm thế nào có thể đi theo một ai đó đang khi người đó chỉ là một bóng mờ như ảo ảnh? Hãy sống đúng như chúng ta là: là những môn đệ của Chúa Kitô và người mang Tin Mừng. Không mặc cảm cũng không ngạo mạn. Hãy là chính mình. Bởi vì như thánh Phaolô nói, “nếu kèn chỉ phát ra một tiếng vu vơ thì ai sẽ chuẩn bị chiến đấu?” (1Cr 14,8). Loan báo và thực hành Phúc âm cách triệt để. Đừng che giấu.
Nhưng còn phải hơn thế nữa. Đừng ngần ngại tham gia vào nền văn hoá trong thời đại chúng ta: khoa học của nó, những tiến bộ của nó, sự phát triển kỳ diệu của kỹ thuật, triết lý, nghệ thuật, cảm nhận của thời đại. Chắc chắn phải có sự phân định. Không phải mọi thứ được rao bán trên thị trường văn hoá thời đại đều đáng giá. Phải phân định. Nhưng làm sao phân định nếu không biết?
Người Kitô hữu sống trong nghịch lý này: ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Có những lúc ta cảm nhận như bị treo trên thập giá. Chúa Giêsu đã trải qua như thế: người ta đóng đinh Người trên thập giá, lơ lửng giữa trời và đất. “Người đã đến trong nhà Người, nhưng người nhà không đón tiếp”. Người đã yêu thương thế gian nhưng thế gian không yêu mến Người. Đó cũng là thập giá của tất cả chúng ta: bị treo lơ lửng giữa trời và đất. Nhưng chính trong tư thế bị treo trên thập giá như thế mà chúng ta đem đến cho thế giới sức mạnh của ơn phục sinh.
Chưa bao giờ có ai nói như người này. Người ta nhận định về Chúa Giêsu như vậy. Ước gì người ta cũng nói như thế về chúng ta, các Kitô hữu trong thời đại này. Phải chăng cần la lối cho lớn tiếng? Chắc chắn cũng có lúc phải như thế. Nhưng chủ yếu là như tiên tri Isaia nói về Người Tôi tớ: “Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường…” (42,2). Chúng ta cần có ơn biết ăn nói với thời đại này: mạnh mẽ và không thoả hiệp, nhưng không bao giờ lên giọng kẻ cả và khinh khi người khác. Chúng ta cần phải nói như Chúa Giêsu. “Người chạnh lòng thương đám đông dân chúng vì họ bơ vơ lạc lõng như những con chiên không có người chăn” (Mc 9,36). Hãy ngỏ lời với con người hôm nay để phục vụ chứ không để thống trị.
Ơn tha thứ và hoà giải
Có lẽ còn cần điều này nữa. Là Kitô hữu, có nhiều điều chúng ta phải làm cho thế giới này: dấn thân cho công lý, tình liên đới, chống đói nghèo và bạo lực, cứu lấy hành tinh. Đó là điều chúng ta làm. Nhưng có lẽ nhân loại còn cần điều gì khác hơn thế: hoà giải và tha thứ. Trong đất nước chúng ta và ở những nơi khác… Chắc chắn là ở nền tảng luôn luôn phải có sự tôn trọng luật pháp và công lý. Thế nhưng thế giới này chỉ sống được khi trên lớp phân bón của công bằng và bình đẳng, sẽ mọc lên loại thuốc chữa lành có tên là hoà giải và tha thứ…
Nhìn lại đời giám mục của mình, tôi thấy những điều đã làm được và những điều chưa làm được, tôi thấy những thành công và thất bại, những cơ hội tôi đã biết vận dụng và những cơ hội bỏ lỡ. Biết nói gì đây? Cùng với vị linh mục trẻ trong tiểu thuyết của Georges Bernanos “Nhật lý một cha sở miền quê”, tôi muốn nói: “Mọi sự là hồng ân”. Có phải là chuyện tình cờ khi thánh nữ Têrêxa Hài đồng cũng nói, “Mọi sự là hồng ân”. Vâng, mọi sự là hồng ân. Tạ ơn Chúa.
Hồng y Godfried Danneels
Tổng giám mục Malines-Bruxelles
HTT chuyển ý