Sống đức tin nơi môi trường giáo dục

Sống đức tin nơi môi trường giáo dục

Là giáo viên Công giáo, tôi đã làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy trên mười năm, nhưng lúc nào tôi cũng luôn tự hỏi: “Mình có thực sự yêu thương trẻ không? Yêu trẻ như thế nào là đúng?” Chúng ta hãy thử xét xem tình yêu của ta đối với trẻ thuộc loại tình yêu nào?

Có phải ta đã yêu quý học sinh của chúng ta như người ta yêu một con búp bê hay một món đồ chơi nào đó không?

Ta yêu chúng vì vẻ bề ngoài khôi ngô, dễ thương, đáng yêu của chúng, khiến ta muốn vuốt ve, ôm hôn chúng ư? Nếu chỉ có vậy, thì thật là một tình yêu nghèo nàn. Vì không phải lúc nào học trò của chúng ta cũng dễ thương, xinh đẹp như một con búp bê.

Ta yêu thương con trẻ vì chúng ngoan ngoãn, lễ phép, thông minh? Yêu trẻ như thế thì ai cũng có thể yêu được. Thế còn đối với những trẻ bướng bỉnh khó dạy thì sao? Như vậy dần dần ta sẽ đi đến chỗ thiên vị.

Ta yêu mến chúng vì chúng thuộc về ta, và ta muốn đào tạo chúng theo sở thích của ta? Nếu thế thì sớm muộn rồi ta cũng sẽ thất vọng trong việc giáo dục, vì đến một lúc nào đó, con trẻ sẽ tỏ ra độc lập, và muốn thoát khỏi ảnh hưởng của ta.

Hoặc ta chỉ yêu mến chúng ta khi ta thành công trong việc dạy dỗ chúng biết cư xử cho phải phép, làm vừa lòng mọi người? Điều này quả thật là rất tốt, nhưng các nhà giáo dục và cha mẹ còn nên hướng các em đến những điều lý tưởng hơn nữa.

Vậy đâu là điều chính yếu mà các nhà giáo dục phải vươn tới? Bí quyết trong việc giáo dục thanh thiếu niên phải là:

- Đến với giới trẻ bằng tấm lòng yêu thương, rộng mở.

- Cố tìm cách phát hiện ra nét tốt đẹp còn tiềm ẩn trong tâm hồn các em, và làm cho tỏa sáng nét đẹp này.

- Hướng dẫn chúng đến những điều cao đẹp hơn nữa. Cho trẻ thấy được tình yêu của Thiên Chúa.

Hiện nay, nền kinh tế phát triển và khoa học kĩ thuật tiến bộ như vũ bão, đã lôi kéo con người vào cuộc cạnh tranh sinh tồn gay gắt khiến người ta không còn thời gian và sức lực dành cho việc giáo dục con trẻ. Có người nhận xét rằng: “Người thầy giáo Xã hội chủ nghĩa của chúng ta có quá nhiều “dương đức” nên chẳng còn mấy âm đức để lại cho học trò. Khi một thầy giáo dạy giỏi, nhà trường tặng cho thầy danh hiệu “thầy giáo ưu tú”, đồng thời người thầy đó cũng được hưởng nhiều quyền và nhiều lợi. Khi đó, việc dạy học tốt của thầy giáo là một việc làm có đức, nhưng cái đức ấy “lồ lộ, lù lù”, được cụ thể hoá bằng những bằng khen, bằng tuyên dương, tăng thu nhập, tăng uy tín trong ngành nghề của mình. Người ta tạm gọi đó là “dương đức”.

Nhưng cũng có những vị thầy tận tụy vì học trò, dám chấp nhận cả những khó khăn của cơ chế, của dư luận, để dám làm điều gì thực sự mang lại sự tiến bộ, về tài về đức cho học trò. Người thầy giáo ấy không quan tâm đến những cái “dương đức” lồ lộ ra đó, mà chỉ mong cho học trò được nên người, được tiến bộ thực sự trong học tập; rồi người học trò lớn lên, ra đời, và dù thành đạt hay không, vẫn nhớ ơn thầy, vẫn ghi khắc hình ảnh người thầy trong tâm hồn, sẽ cố gắng đền đáp công ơn của thầy bằng cách sống của mình hay một công việc nào đó... Người thầy giáo này cũng làm việc có đức, nhưng đây là “âm đức”, cái đức này không giới hạn trong những phần thưởng mà thầy được lãnh nhận nhưng thấm sâu vào lòng học trò, và trổ sinh hoa trái thực sự trong một tương lai lâu dài hơn.

Một nhà tâm lý giáo dục đã khôi hài: “Người ta chỉ có thể giáo dục được giới trẻ, nếu biết có sự kiên nhẫn của một nghệ nhân điêu khắc, sự bình tĩnh của một nhà du hành vũ trụ và sự tỉnh táo của một người lính gác.” Đúng hơn, có thể nói rằng giáo dục trẻ là một chuyện không khó lắm đối với người nào biết dành cho chúng lòng tin tưởng và thật sự yêu thương chúng đến độ dám sẵn sàng hy sinh chính bản thân nếu cần.

Trẻ em cần phải được yêu thương. Đúng thế. Nhưng không chỉ có vậy, mà chúng cần phải nhận ra mình được yêu. Thầy cô cần biết tìm cách yêu quý những gì mà con trẻ yêu thích, có như vậy, chúng mới biết yêu quý những gì mà người lớn yêu quý. Ai muốn được yêu, cần phải tỏ ra mình biết yêu. Ai được yêu mến và biết yêu mến, sẽ làm được mọi sự. Nhất là đối với thanh thiếu niên, khi các nhà giáo dục làm được như vậy, chúng có thể cởi mở, giãi bày được những ưu tư, lầm lỗi của chúng. Chính nhờ có tình yêu thương, các nhà giáo dục mới có khả năng chinh phục được giới trẻ; đồng thời, chịu đựng được những lao nhọc, nhàm chán, vô ơn, quậy phá, cẩu thả, thiếu sót của thanh thiếu niên.

Tóm lại, giáo dục chính là giúp cho người được giáo dục trở nên chính họ, chứ không phải là trở nên giống y như mẫu người mà nhà giáo dục muốn đúc khuôn đối với họ. Vì vậy, là người giáo viên Công giáo, chúng ta phải chấp nhận hy sinh “danh vọng - tiền tài - chức vụ” để sống và thể hiện đức tin của mình nơi nhà trường, để trở nên ngôn sứ của Chúa trong cuộc sống đời thường. Phải tràn đầy yêu thương và phải hóa mình ra không để học trò nhìn vào khoảng không đó để thấy được “Tình Yêu Chúa” mà tự quyết định bước đi cho chính mình.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top