Sợ hãi
WGPSG -- “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn để đón nhận Đức Kitô.”
Trên đây là những lời xác tín mạnh mẽ của Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Phải chăng khởi đi từ thực tế cuộc sống phức tạp, lo lắng và sợ hãi mà ngài đã để lại cho thời đại một câu nói sâu sắc như thế? Quả thật, nếu nhìn từ góc độ tôn giáo hay cuộc sống thường ngày, phần đông con người hôm nay thường sợ hãi nhiều thứ: sợ tiền giả, hàng giả, sợ bệnh tật, sợ trộm cướp, sợ mất tiền, mất việc, mất người yêu, mất cha mẹ, con cái thân yêu, hay mất nhà cửa đất đai, hoặc sợ bị mất mạng sống để đi đến cái dốc bên kia của cuộc đời v.v… Vậy, nguyên nhân cốt lõi của những nỗi sợ hãi như thế là gì? Dưới cái nhìn đức tin, làm thế nào để mỗi Kitô hữu chúng ta dám chấp nhận và vượt lên trên những nỗi sợ hãi trong đời sống thường ngày?
Lo sợ của người mẹ
Trước hết, mẹ tôi thường lo sợ vì thương anh em chúng tôi đang sống ở Sài Gòn. Mẹ tôi lo sợ hai người em của tôi không chịu học hành, lười biếng làm việc, suốt ngày chỉ biết lo giao lưu, chơi bời với bạn bè, sợ bị người ta dụ dỗ lâm vào những tệ nạn không có con đường quay đầu trở về như xì ke, ma túy, hay Siđa. Mẹ còn sợ tôi mất việc vì thường xin nghỉ phép để đi đám tiệc người thân hay bạn bè, hoặc mẹ sợ tôi lái xe bị tai nạn, ăn uống không đàng hoàng, bị bệnh không người chăm sóc… Vì thế, tuy ở xa chúng tôi nhưng lòng mẹ luôn gắn bó mật thiết với tương lai và mạng sống của anh em chúng tôi như cá với nước. Nhiều đêm mẹ lo lắng mất ngủ khi mỗi lần điện thoại không thấy anh em chúng tôi bắt máy trả lời dù chỉ với hai tiếng “Mẹ hả!” Thiết nghĩ đây cũng là nỗi lo sợ của biết bao người mẹ luôn dạt dào tình thương dành cho hạnh phúc và tương lai của những người con thân yêu của mình.
Lo sợ của người thành thị
Tiếp đến, cuộc sống đô thị hiện đại hôm nay làm cho người ta lo lắng và sợ hãi nhiều thứ. Anh giám đốc công ty của tôi thường căn dặn phải luôn cẩn thận chuyện cất bóp hay điện thoại trong túi vì sợ người ta giật trên đường đông đúc xe và tấp nập người qua lại. Một buổi sáng nọ ngồi uống cà phê ở đường Lý Thường Kiệt, quận 11, Tp. Hồ Chí Minh, tôi thấy một chiếc xe honđa do hai thanh niên điều khiển phóng thật nhanh, tấp vào một nhà chờ xe buýt, để kéo thật mạnh chiếc giỏ xách của một sinh viên đang đón xe đi học. Một lần, người chị của tôi đang đậu xe ở một con hẻm đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, bị hai thanh niên lạ mặt, người ốm như mấy tay nghiện xì ke, giật dây chuyền, nhưng rất may chị đã kịp đề phòng và kêu người dân trợ giúp. Vì thế, trong đầu của những người đang sống ở Sài Gòn, bao giờ cũng có những lo sợ vì không biết tai nạn, nguy cơ rủi ro xảy đến với họ lúc nào. Bởi vậy, ai cũng sống trong tư thế đề phòng, hoài nghi, cẩn thận là tốt nhất.
Thật vậy, phải chăng cuộc sống phức tạp vì đồng tiền, vì vòng xoáy bon chen nghiệt ngã của kiếp mưu sinh tất bật và gian dối mà con người ta thường sợ hãi và lo lắng nhiều thứ? Con người không còn tin tưởng nhau, giả dối với nhau, chà đạp nhau, và nhất là không dám mở lòng, hòa đồng, thân thiện và cư xử với nhau thật lòng. Thế nên, nếu con người sống theo sự thật, lẽ phải, đạo lý và tình yêu thì làm gì có chuyện trộm cướp, giật nợ, giết người, hối lộ v.v… Phần đông, họ chỉ biết đến giá trị của tiền, ngoài tiền ra thì không còn một giá trị nào quan trọng cho cuộc sống. Thì ra, nguyên nhân cốt lõi làm cho con người ta lo sợ là khi người ta không sống đúng với phẩm giá, nhân cách của một con người biết tôn trọng bản thân và người khác, biết yêu thương và cư xử với nhau bằng cả tấm chân tình để giúp nhau vượt qua những nghịch cảnh éo le trong cuộc sống phức tạp muôn màu như hôm nay.
Lo sợ của người Kitô hữu
Cuối cùng, dưới góc nhìn đức tin, mỗi Kitô hữu chúng ta thường lo sợ điều gì? Phải chăng bạn và tôi cũng đang bị cuốn vào những nỗi sợ hãi như bao người đang sống trong dòng chảy cuộc sống tất bật, phức tạp, giả dối như hiện nay? Nói đến đây làm tôi nhớ lại câu nói của một vị linh mục: “Con người hôm nay thường sợ nhiều thứ, nhưng có bao giờ mỗi Kitô hữu chúng ta sợ mất linh hồn.” Vậy, suy cho cùng thì con người thường sợ hãi vì không xác định được cái đích điểm cuộc đời của mình là gì. Họ thường bị cuốn hút vào những vòng xoáy cơm áo gạo tiền, công việc, vật chất, hưởng thụ, mà quên đi một ngày nào đó ai cũng phải trở về với đáy huyệt sâu với ba tấc đất. Thế nên, một người có đức tin là người cũng lo sợ như bao người, nhưng họ luôn tin tưởng, phó thác và xác định được điều cốt lõi làm mình sợ là cái gì như lời của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn để đón nhận Đức Kitô.” Vậy, phải chăng vì chúng ta đang sống không đúng theo ánh sáng của sự thật nên vẫn còn đó nhiều nỗi sợ hãi trong cuộc đời?
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19