Sinh hoạt Liên Tôn: viếng thăm chùa Kỳ Quang 2

Sinh hoạt Liên Tôn: viếng thăm chùa Kỳ Quang 2

WGPSG -- Hồi 9 giờ sáng ngày 01/12/2009, linh mục PX Bảo Lộc hướng dẫn một phái đoàn đến viếng thăm chùa Kỳ Quang 2 tại 154/4A đường Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp, do Thượng tọa Thích Thiện Chiếu trụ trì.

Như báo đài đã nhiều lần đưa tin rộng rãi, đây là ngôi chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tâm thần và khuyết tật nhiều nhất Việt Nam.

Đôi nét về Kỳ Quang 2

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, năm nay 61 tuổi, thế danh là Trần Văn Châu, hiện là Phó ban Từ thiện và Xã hội Trung ương Phật giáo Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nuôi dạy và hướng nghiệp cô nhi khuyết tật, tư vấn HIV/AIDS và Tuệ Tĩnh đường. Phụ giúp với thầy trong mọi công việc gồm 2 vị Phó Giám đốc và 1 Thư ký.

Sau khi gởi biếu quà tặng của Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn gồm tập sách thuật lại chuyến đi Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam và sứ điệp Hội đồng Đối thoại Liên tôn, phái đoàn do cha Bảo Lộc hướng dẫn được tiếp đón rất ân cần hoan hỷ, Thượng tọa trụ trì nói về các mặt sinh hoạt của chùa, thầy giải thích và đích thân dẫn đoàn đi tham quan các nơi, thăm nhiều cơ sở trong khuôn viên chùa.

Phải đi qua một con đường nhỏ ngoằn nghèo mới gặp được chùa Kỳ Quang 2, nằm khiêm tốn trên một mặt bằng rất khiêm tốn, so với những gì đã được thể hiện bên trong và cả những gì đang ấp ủ trong lòng Kỳ Quang 2 lúc này.

Bốn hoạt động xã hội

1. Cưu mang và nuôi dưỡng chỉ một em tâm thần đã là một điều không dễ, nhưng việc cả chục em tâm thần đã được chữa trị và vượt qua cái nghiệt ngã bất thường trí não để có thể ngoan ngoãn, chuyên cần ngồi se từng cọng nhang đang làm trước mắt chúng tôi, việc này thật xứng đáng được gọi là những kỳ công. Song đây chỉ là một số nhỏ trong hàng trăm em (chính xác 232) mà chùa đang nuôi dạy lâu nay.

Dẫn chúng tôi được đi thăm nhiều nơi, từ phòng ăn, nhà bếp, đến phòng học và nơi ở của các em, đi tới đâu các em cũng xúm quanh “Thầy cả” (cách thân thương mà các em gọi thầy Thượng tọa), ôm ghì, đeo lưng, bá cổ, níu áo, sà vào lòng và bám riết chẳng muốn rời. Nhìn các em cùng hát vang và chơi đùa la hét với thầy, thì dù các em có gọi là cha, là ông, là thầy hoặc bất cứ một tên gọi nào khác, thì ai cũng biết ngay rằng, phải gần gũi lắm, phải thương yêu gắn bó lắm, mới được chúng dành cho những đối xử đặc biệt và hồn nhiên như thế.

2. Đến Tuệ Tĩnh đường là nơi nhận, khám và chữa bệnh mỗi ngày có trên dưới 500 lượt bệnh nhân gồm một đội ngũ gồm nhiều bác sĩ, lương y thăm khám và điều trị.

Đặc biệt, có một đội ngũ xoa bóp, bấm huyệt gồm toàn những người khiếm thị trực tiếp phụ trách điều trị. Thầy trụ trì hân hoan kể, có được điều đáng mơ ước này, chính là nhờ những trợ giúp và huấn luyện từ y tế của Nhật Bản. Một khóa huấn luyện như vậy kéo dài trong 2 năm.

3. Lớp học tình thương cho các em mồ côi, khuyết tật từ sơ sinh đến lớp 1, theo mẫu giáo dục SOS, một mẹ 15 con. Đặc biệt, hiện nay có một cô giáo người Công giáo đang cộng tác lo cho lớp học tình thương này.

4. Chăm lo và tư vấn cho người HIV/AIDS.

Một cái giường ấn tượng

Một căn phòng chật hẹp, xấu xí, cũ kỹ, cửa sổ thì long tróc chỉ còn một cánh; bên trong, đồ đạc lộn xộn, vài cái ghế bừa bãi lung tung, chỉ có cái tủ chứa sách vở và hồ sơ giấy tờ là “trật tự” hơn một chút.

Thật bất ngờ, khi biết đó là nơi ở của vị Giám đốc Thượng tọa Thích Thiện Chiếu.

Càng bất ngờ hơn, khi được thầy chỉ chiếc ghế bố đang chiếm một diện tích đáng kể trong căn phòng nhỏ bé và nói, “…đó là giường của tôi, mà cái giường này cũng mới có hồi đầu năm nay khi tôi ốm, bá tánh họ cho đó, vì trước đây, tôi chỉ ngủ trên ghế….

Giải thích về sự lộn xộn này, Thượng tọa Thiện Chiếu hồn hậu cười thật tươi: “Ôi! làm sao mà trật tự, ngăn nắp cho được, bọn trẻ ra vào đây tối ngày. Mới sắp xếp xong, chúng lại đến. Mấy đứa lớn thì còn biết dọn dẹp thu xếp dùm, còn bọn nhỏ mình luôn rất vất vả vì chúng…” Nghe thì biết vậy, nhưng vẫn thật khó hình dung.

Ngôi chùa 5 không và Khu rừng thiêng tâm linh

Dẫn mọi người đi vãn cảnh chùa, Thượng tọa đã nói về sự độc đáo trong kiến trúc của chùa, vì hoàn toàn chỉ dựa trên những tinh túy của Phật pháp và văn hóa ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Thượng tọa bảo, núi luôn là hình ảnh thánh thiêng của nhiều tôn giáo, với Phật giáo cũng không khác, núi là nơi tụ hội những khí thiêng của đất trời hội tụ, vì thế, những ngôi chùa nổi danh cổ kim thường được dựng trên đồi núi. Người ta thường nói, năm non bảy núi, thì Kỳ Quang cũng có Ngũ Hành Sơn bên phải và Thất Sơn bên trái ôm trọn khu chánh điện với rất nhiều hang động trong lòng.

Thượng tọa giải thích 5 điểm độc đáo không nơi nào có:

1/ Chùa không cột: Sự trói cột cầm buộc vật chất đã là nỗi khổ đáng sợ, nhưng cột trói tinh thần qua sự oán hận thù hằn còn khổ và đáng sợ hơn, vì vậy, nơi chùa này không xây cột.

2/ Chùa không cửa: Cửa tượng trưng cho sự ngăn che, co cụm. Cửa thiền luôn rộng mở cho thập loại chúng sinh, thì xây cửa làm gì cho tốn công thừa thãi.

3/ Chùa không đà: Đà, nói một cách bình dân như “kỳ đà cản mũi,” tượng trưng cho quẻ BỈ trong dịch học là ngăn trở, là tắc nghẽn xui xẻo, ngược với quẻ THÁI là hanh thông, là suông sẻ may mắn, nên chùa không xây ĐÀ là thế.

4/ Chùa không tường: Tường là bảo vệ, nhưng cũng là sự giới hạn chật hẹp. Phật pháp, Phật lực và Phật tâm vốn vô biên vô lượng, sao lại có tường?

5/ Chùa không mái: Nóc, mái chỉ gây ngáng trở sự vươn lên 10 phương Phật trời, dù chỉ là tượng trưng, nhưng nơi đây không tháp cũng giúp chúng sinh bá tánh thêm phần nào thuận tiện trong việc tu tâm sửa tánh theo gương chư tổ, chư Phật.

Thầy trụ trì cho biết, chùa Kỳ Quang 2 có nhiều cơ sở từ thiện xã hội ở Tân Định, Thủ Đức, Bình Chánh. Đặc biệt, Thượng tọa Thiện Chiếu hiện đang là Trưởng ban điều hành xây dựng công trình có tên: “Rừng thiêng tâm linh,” một khu rừng rộng 700 hecta tại Kontum, nơi đây thể hiện văn hóa, lịch sử Việt Nam hài hòa với triết lý hiện thực siêu thoát, nhân quả và đạo đức của Phật giáo Việt Nam.

Và Logo đã được phổ biến rộng rãi đã viết rằng, khi hoàn thành, công trình sẽ trở thành Kỳ tích, kỳ quang, kỳ duyên cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Đã hơn 10 giờ, đến Khóa lễ cúng rằm của chùa, nhiều Phật tử và các vị Tăng đã kín đáo nhắc nhở thầy điều đó.

Thấy vậy, cha PX Bảo Lộc đã ngỏ lời cám ơn về sự đón tiếp nhiệt tình của Ban Trị sự, chào tạm biệt Thày trụ trì, chào các vị Tăng và những Phật tử hiện diện đang chờ Thượng tọa hành lễ. Thượng tọa Thiện Chiếu đã cười thật tươi và hoan hỉ đưa tiễn.

Mọi người chia tay với nhiều ấn tượng tốt lành, buổi viếng thăm đã kết thúc vào lúc 10 giờ 15 cùng ngày.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top