Sinh hoạt chuyên đề về Đức tin tại Học viện Mục vụ TGP.TPHCM
WGPSG -- Hướng đi của Công Nghị Giáo Phận 2011 về việc “Đổi mới để Hiệp thông và chu toàn Sứ vụ” là nhấn mạnh đến vai trò của Lời Chúa trong đời sống của người Kitô hữu. Lời Chúa phải được đề cao trong cầu nguyện, trong thánh lễ, trong việc dạy giáo lý cũng như trong gia đình và giáo xứ.
Trong tinh thần đó, vào lúc 18g30 ngày 21.02.2012, tại hội trường Gioan Baotixita Trung tâm Mục vụ (TTMV) TGP Tp.HCM đã diễn ra buổi sinh hoạt với chủ đề: “Để làm người cách chân thật nhất, đúng nghĩa nhất mà chúng ta cần đến LỜI”, nhằm giúp các tham dự viên ý thức hơn về việc sống Lời Chúa trong đời sống hằng ngày. Noi gương Mẹ Maria, luôn lắng nghe, suy niệm và đem ra thực hành, nhờ đó Mẹ được Thiên Chúa chúc phúc: “Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện.” (Lc 1,45)
Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc TTMV - đã thuyết trình đề tài trên, với sự tham dự của hơn 300 người gồm các giảng viên, các học viên và một số khách mời.
Chủ đề buổi sinh hoạt được trích dẫn từ chương dẫn nhập trong cuốn sách “Đức Tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay” của nhà thần học Joseph Ratzinger (đương kim Giáo hoàng Bênêđictô XVI). Chủ đề này rất phù hợp với tinh thần của Công nghị nhấn mạnh đến Lời. Hơn nữa, Giáo phận chúng ta đang ở trong năm đầu tiên của kế hoạch mục vụ 2012-2018: “Xây đắp mối hiệp thông với Chúa qua việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.”
Đức Thánh Cha diễn giải trong phần dẫn nhập của cuốn sách:
“Con người không chỉ sống bằng cơm bánh
và bằng những gì họ làm ra mà thôi,
mà còn sống như một con người,
và để làm người cách chân thực nhất,
đúng nghĩa nhất mà họ cần đến Lời,
cần đến Tình yêu và Ý nghĩa.
Nếu không có Lời, không có Ý nghĩa, không có Tình yêu
thì dù cuộc sống có thừa mứa tiện nghi đi nữa,
con người vẫn rơi vào tình trạng vô vọng,
không thể sống nổi…
Tin theo nghĩa Kitô giáo là tín thác
vào Ý nghĩa có sức đỡ nâng tôi và cả thế giới này.
Tin là đón nhận Ý nghĩa đó như nền tảng vững vàng
mà tôi an tâm tựa nương…
Tin đối với Kitô hữu là biến cuộc đời mình thành tiếng xin vâng,
là đáp lại Lời, đáp lại Logos là nền tảng đỡ nâng và gìn giữ mọi sự.
Tin là đón nhận và tín thác trọn vẹn bởi hiểu rằng,
ý nghĩa là quà tặng chứ không phải là sản phẩm của chúng ta.
Và tôi muốn chia sẻ với các bạn niềm vui của tôi, tựa niềm vui của người vừa tìm được viên ngọc quý.”
Dẫn giải chi tiết cho câu chủ đề: “Để làm người cách chân thật nhất, đúng nghĩa nhất mà chúng ta cần đến LỜI”, Cha Phê rô Nguyễn Văn Hiền đã trình bày qua 3 phần:
Thứ nhất, quan niệm của con người hiện đại.
Thứ hai, chỗ đứng của đức tin.
Thứ ba, những nét đặc thù của đức tin Kitô giáo.
Ngài nhấn mạnh về “đức tin” mà chúng ta tìm thấy trong định nghĩa của Đức Thánh Cha, đó chính là đón nhận Lời, bởi vì khi chúng ta thấy được chỗ đứng của đức tin và hiểu được đức tin là gì thì tức khắc Lời sẽ có một chỗ trong cuộc đời chúng ta.
Quan niệm của con người hiện đại
Để đi tìm lại chỗ đứng của đức tin, Đức Thánh Cha khởi đầu từ chỗ khám phá lại quan niệm hiện đại ngày hôm nay. Ngài nói: “Quan niệm của con người hiện đại được hình thành qua 2 giai đoạn từ quan điểm duy lịch sử đến quan điểm duy kỹ thuật”.
Con người thời thượng cổ và trung cổ đi tìm bề sâu để hiểu sự vật ấy và nhờ đó có thể sống với thế giới đó một cách tốt đẹp. Một vị thánh đã nói: “Chúng ta nhìn vào các sự vật và nhìn qua sự vật ấy để thấy được ý nghĩa của sự vật, thấy được bản chất của nó, bề sâu của sự vật mà chúng ta thấy trước mắt”.
Con người thời hiện đại không còn quan tâm đến ý nghĩa, mà người ta chỉ dừng lại ở hiện tượng, không muốn đi vào chiều sâu nữa. Triết gia Vico người Ý: “Tôi không thể nào biết chắc về sự vật, tôi chỉ biết chắc về sự vật khi tôi biết rõ nguyên nhân của nó”. Theo Vico sự kiện có vai trò quan trọng trong cách suy nghĩ của con người.
Đức Thánh Cha cho chúng ta thấy quan điểm duy lịch sử đi vào sự kiện, giới hạn sự thật vào sự kiện, nó hạ thấp phẩm giá con người và nhìn con người như là một sự kiện lịch sử. Người ta không đón nhận Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, mà con người chỉ là kết qủa của một quá trình tiến hóa, một sản phẩm, một sự kiện và là một hiện tượng xảy ra trong lịch sử mà thôi.
Chỗ đứng của đức tin
Đức Thánh Cha định nghĩa: “Tin là chọn lựa, không tin cũng là một chọn lựa”.
Chọn lựa của người có đức tin là tin vào những cái mình không thấy và điều đó là nền tảng cho mình hiểu được chiều sâu, hiểu được ý nghĩa giúp mình có được sức mạnh và sống một cách trọn vẹn với niềm tin trong đời sống đức tin, vì: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29)
Chọn lựa của người Kitô hữu là một chọn lựa khó khăn. Một chọn lựa không chỉ dừng lại ở cái mình thấy mà phải vượt lên trên điều mình thấy, Đức Thánh Cha gọi đó là bước nhảy của Đức Tin, từ một thế giới thấy được sang một thế giới không thấy được trong cuộc sống đời thường.
Niềm tin của mọi người cần đến một Lời. Lời đó chính là lẽ sống, là ý nghĩa trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta cũng cần một lẽ sống như thế để làm kim chỉ nam cho đời sống tinh thần của mỗi người chúng ta.
Đâu là đức tin Kitô giáo
Nét đặc thù của niềm tin Kitô giáo: Thứ nhất: Lời mà chúng ta tin, đón nhận từ nơi Chúa không phải là ý tưởng hay một ý niệm mà là một Đấng, là Đức Giêsu. Thứ hai: “Lời làm Người”, chúng ta không chỉ tin một Đấng là Lời ở trên cao mà Lời của Thiên Chúa đã đến ở trong con người và trở thành một người ở giữa chúng ta, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14a).
Đức Thánh Cha nói: tin vào một Đấng vô hình là Đấng tỏ ý nghĩa trong cuộc đời đã khó rồi; tin vào Đấng ở trên cao bây giờ lại xuống thế gian trở nên gần gũi với chúng ta đến độ bị con người đóng đanh, bị đòn roi, bị sỉ nhục rồi bị giết chết, điều này càng khó hơn.
Nhưng chính niềm tin Kitô hữu ấy lại làm nên điều rất hay, bởi vì trong Đức Giêsu, cái cao cả nhất, cái vô hình nhất trở thành cái hữu hình của ngày hôm nay. Trong Đức Giêsu, ta thấy sự hội tụ của vô hình và hữu hình. Trong Đức Giêsu, chúng ta thấy Trời và Đất gặp gỡ nhau nơi trần gian này. Vậy chúng ta phải cảm tạ Chúa vì Lời trở thành Người đó là một quà tặng quí giá mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, một Lời đã làm Người để chúng ta có lẽ sống trong cuộc đời chúng ta.
Buổi thuyết trình kết thúc lúc 20g15. Mọi người ra về trong hân hoan vì được khám phá những điều thú vị cho đời sống đức tin của mình. Anh Anphongso Nguyễn Hoàng Ngọc Anh, giáo xứ Phát Diệm bộc bạch: “Qua buổi thuyết trình, em được đào sâu hơn về đức tin. Em nhận thức được đức tin là một hồng ân Chúa ban. Đức tin mình không cô đơn khi có nhiều người cùng đồng hành với mình trong đời sống đức tin”.
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ tạ ơn mừng Ngân khánh linh mục Giuse Trần Văn Hiển SDB - 29-10-2024
-
Thánh lễ Tạ ơn mừng Bổn mạng và kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn -
Chúng ta đều cần đến nhau - Thông điệp từ phim “The Letter” -
Thông điệp phim "The Letter" được chiếu tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Ảnh hưởng niềm tin Kitô Giáo trên đời sống người Công Giáo -
Trung Tâm Mục vụ TGPSG: Tọa đàm “Đào tạo giáo dân và kinh nghiệm truyền giáo” -
Thánh lễ khai giảng - Học để hiểu hơn Mầu Nhiệm của Chúa -
Học viện Mục vụ TGPSG: Họp Tổng kết và Thánh lễ Bế giảng năm học 2023-2024 -
Đêm Thánh nhạc: Đấng Mêsia - Tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa -
Khai giảng khóa đào tạo Giáo lý viên và Huynh trưởng đặc cách
bài liên quan đọc nhiều
- Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2019
-
Tân linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J. dâng lễ Tạ ơn -
Học viện Mục vụ: thông báo chiêu sinh các khóa học mới (Niên học 2022-2023) -
Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Thăm Mái ấm 'Tình Mẹ' -
Thông báo về các lớp nhạc và Thánh nhạc HKI năm học 2020-2021 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn sinh hoạt trở lại từ 4-5-2020 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Thông báo Tuyển sinh Học kỳ I nk. 2023-2024 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Bế giảng năm học 2018-2019 -
Thông báo: Học viện Mục vụ tạm ngừng sinh hoạt từ ngày 2.2.2021 -
Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn tạm ngưng hoạt động đến hết ngày 1-3-2020