Sám hối

Sám hối

Mỗi khi Mùa Chay về, lời mời gọi sám hối lại vang lên, như tiếng nhắc nhở thúc giục chúng ta canh tân thay đổi cuộc đời. Sám hối là hành vi nhận ra những lỗi lầm thiếu sót của mình, đồng thời trở về với Chúa để nối lại tình thân nghĩa với Ngài. Sám hối cũng giúp chúng ta trở về với anh chị em để sống trong hòa thuận an vui. Thực ra, người tín hữu được mời gọi sám hối mỗi ngày, bởi lẽ họ sống trong cuộc đời đầy những cám dỗ bon chen tính toán. Tuy vậy, Mùa Chay là “mùa thuận tiện” để chúng ta sám hối chân thành, nhờ đó, nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sám hối, chay tịnh và nguyện cầu, đó là ba thực hành truyền thống có liên quan mật thiết với nhau, đồng thời diễn tả vẻ đẹp của đức tin và tính toàn vẹn của đời sống người Kitô hữu, trong mối tương quan hướng về Chúa và tha nhân.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải đối diện với biết bao cám dỗ. Trước những mời gọi ngọt ngào mà chứa đầy nọc độc nguy hiểm, chúng ta dễ bị ngã gục và đánh mất chính mình. Nói cách khác, chúng ta dễ phạm tội xúc phạm đến Chúa và mất lòng anh chị em. Sám hối là chân thành thẳng thắn nhìn nhận những tội lỗi của mình, nghiêm túc theo ánh sáng của lương tâm soi rọi vào tâm hồn, để lượng giá những hành vi cử chỉ là tốt hay xấu. Giáo lý công giáo dạy chúng ta, khi phạm tội, chúng ta không chỉ xúc phạm đến những người bị thiệt thòi xung quanh, nhưng còn xúc phạm đến Chúa. Bởi lẽ Chúa dạy chúng ta hãy làm điều lành, tránh những điều dữ, nhưng chúng ta thường có khuynh hướng làm ngược lại điều Chúa dạy. Một khi thẳng thắn nhận ra những khuyết điểm của mình, chúng ta mới có thể đón nhận ơn tha thứ của Chúa cũng như sự thông cảm của anh chị em, đồng thời thay đổi cuộc sống, từ bỏ tội lỗi và nên hoàn thiện. Chân thành nhận ra lỗi lầm của mình cũng giống như một bệnh nhân đến gặp thày thuốc. Thiếu sự chân thành, thày thuốc không thể đoán bệnh và đề nghị một phác đồ chữa trị hiệu quả.

Sám hối không chỉ dừng lại ở một tình trạng tâm lý hối tiếc về những điều xấu đã làm, nhưng lòng sám hối đích thực được thúc đẩy bằng lòng yêu mến Chúa. Khi chúng ta cảm nhận được sự tốt lành của Chúa, chúng ta càng đau buồn vì đã xúc phạm đến Ngài. Tâm trạng hối tiếc này cũng giống như cảm nhận về sự lạm dụng lòng tốt của một người làm ơn cho mình, đi ngược lại với ý muốn và đã phản bội người đó. Giáo lý truyền thống phân biệt ăn năn tội “Con-tri-xong - Contritio” (ăn năn tội cách trọn) và ăn năn tội “A-tri-xong - Attritio” (ăn năn tội cách chẳng trọn). Ăn năn tội cách trọn là hối tiếc về những lầm lỗi, vì nhận ra Chúa tốt lành vô cùng. Ăn năn tội cách chẳng trọn là cảm thấy sợ hãi vì những hình phạt của Chúa sẽ giáng xuống trên những ai đã phạm tội. Nói cách khác, ăn năn tội cách trọn là hành vi được thúc đẩy bằng lòng mến, và cố gắng xa lánh tội để chuộc lỗi và để thể hiện lòng mến Chúa. Ăn năn tội cách chẳng trọn là sợ hãi Chúa và hình phạt của Ngài. Lối phân biệt này hiện nay không còn thông dụng nữa, nhưng thiết tưởng, chúng ta có thể coi đó như từng bước của tiến trình sám hối. Trước hết là sợ hãi, sau đó là mến yêu. Trước đó thuần túy là tình trạng tâm lý, sau đó là sự sám hối chân thành, với thiện ý chừa bỏ tội lỗi.

Sám hối không chỉ là một công thức hay một thói quen chiếu lệ, nhưng là một thực hành đạo đức, đi liền với tâm tình cầu nguyện, việc xưng thú tội lỗi và hứa với Chúa sửa lại những lỗi lầm. Giáo lý truyền thống nhắc đến 4 bước của lộ trình hòa giải: Một là xét mình, hai là ăn năn dốc lòng chừa, ba là xưng tội, bốn là đền tội (Kinh Bản hỏi). Như thế, hành vi sám hối chỉ mang lại những hiệu quả thiết thực, khi chúng ta thành khẩn xưng thú với Chúa qua thừa tác viên của Bí tích Hòa giải, đồng thời hứa với Chúa chừa bỏ tội lỗi và những cơ hội có thể dẫn đến việc phạm tội. Khái niệm “đền tội” lâu nay cũng bị nhiều người hiểu lầm. Khi một hối nhân xưng tội, các cha giải tội thường chỉ dẫn việc đền tội. Mục đích của việc đền tội là để làm nguôi cơn giận của Chúa, đồng thời sửa lại những lỗi lầm đã xúc phạm hoặc những thiệt hại lỗi công bằng đối với người bị thiệt thòi. Thông thường, các cha giải tội thường khuyên hối nhân đọc một vài kinh như kinh Lạy Cha, kinh Mười Điều răn hay kinh Tin Kính… Trong suy nghĩ của nhiều người, việc đọc kinh đó là “đền tội”. Vô tình chúng ta coi việc thân thưa với Chúa những lời kinh lại là những hình phạt. Tâm tình con thảo đối với Cha hiền trở thành một gánh nặng. Hơn nữa, nếu lăng mạ người khác hoặc lỗi công bằng với những người xung quanh, mà chỉ đọc một hai kinh như vậy, thì quá dễ dàng! Điều này đã gây nên quan niệm sai lạc nơi một số tín hữu. Họ cho rằng cứ phạm tội, thậm chí những tội trọng như phá thai, trộm cắp, rồi xưng tội và chỉ đọc vài kinh đền tội là xong, quá nhẹ nhàng và dễ dãi! Thực ra, nếu hối nhân được đề nghị đọc một vài kinh sau khi xưng tội, thì đó chỉ là những gợi ý cầu nguyện để xin ơn tha thứ, đồng thời thể hiện thiện chí của mình. Xin đừng coi lời cầu nguyện là “hình phạt”, nhưng đó là tâm sự thân thiết của chúng ta với Chúa, như tâm tình của một người con thảo với cha hiền, để giãi bày lòng yêu mến biết ơn chân thành. Việc đền tội đúng nghĩa, đó là sửa lại những lỗi lầm, đền bù những thiệt hại về tinh thần cũng như vật chất, làm hòa với những người mình đã lỡ xúc phạm. Bí tích Hòa giải giúp chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa vì các tội chúng ta đã phạm, nhưng còn hậu quả của tội (ta thường gọi là vạ, hoặc hình phạt do tội), chúng ta có được tha hay không còn tủy thuộc mức độ thành tâm và thiện chí sửa lại hậu quả tội lỗi của chúng ta.

Nơi não trạng của một số tín hữu ngày nay, việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải bị lơ là, thậm chí coi thường. Xin nhắc lại Luật của Giáo Hội “xưng tội trong một năm ít là một lần”. Trả lời câu hỏi trong cuộc phỏng vấn của Radio Renascença ngày 14-9-2015: “Đức Thánh Cha xưng tội bao lâu một lần?”, Vị Giáo Hoàng mang tên Phanxicô đã trả lời: “Mỗi 15 hay 20 ngày. Tôi xưng tội với một cha người Pháp, cha Blanco, người ân cần đến đây và nghe tôi xưng tội. Và tôi chưa bao giờ phải gọi xe cứu thương để đưa cha về nhà, trong trường hợp cha sốc vì nghe các tội của tôi cả”. Những bậc thày về tu đức cũng khuyên chúng ta thường xuyên giao hòa với Chúa qua Bí tích này, nhờ đó, chúng ta tìm được tâm hồn thanh thản, an vui, vì “phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa” (Mt 5,8). Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: tòa giải tội không là tòa để lên án, nhưng là nơi trải nghiệm lòng thương xót và ơn tha thứ. Ngài nói với các linh mục: “Truyền thống dạy cho chúng ta biết, khi ngồi tòa giải tội, anh em có hai vai trò, vai trò bác sĩ và vai trò quan tòa. Bác sĩ để chữa lành, quan tòa để xá tội”.

Như đã nói ở trên, sám hối không chỉ là thực hành đạo đức của Mùa Chay, nhưng là việc làm hằng ngày của người tín hữu. Cụ thể, trước khi cử hành thánh lễ, chủ sự cùng với cộng đoàn phụng vụ, đều khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm của mình qua kinh “Thú nhận” và kinh “Thương xót”. Thanh tẩy tâm hồn trước khi tế lễ là một nghi thức có thể thấy trong nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Nghi thức này giúp cho con người trở nên tinh tuyền, xứng đáng trình diện trước các vị thần linh. Một khi tâm hồn được thanh tẩy, lòng thành của con người được Thượng đế chứng giám và những ước nguyện của họ được Ngài chấp nhận. Người nào nghiêm túc xét mình và năng sám hối sẽ dễ dàng tiến thân trong hành trình hoàn thiện. Họ dễ dàng lượng giá những hành vi và lối sống hiện tại của mình, nhận ra con đường của mình đang đi là đúng hay sai, kịp thời sửa lại nếu có những lạc lối và bước đi trên con đường ngay thẳng chính trực.

Top