Ricci, người mở đường gặp gỡ liên văn hóa và liên tôn

Ricci, người mở đường gặp gỡ liên văn hóa và liên tôn

Zenit – Ngày 16-02-2010, tại Paris, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với Đức ông Francesco Follo, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại UNESCO, tổ chức cuộc Hội thảo về Matteo Ricci nhân Năm kỷ niệm 400 năm tạ thế của nhà truyền giáo – nhà khoa học này.

Sau cuộc Hội thảo, cơ quan thông tấn công giáo Zenit đã phỏng vấn Đức ông Francesco Follo, do Anita S. Bourdin thực hiện:

Zenit: Thưa Đức ông Francesco Follo, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại UNESCO, Paris, nơi đã diễn ra cuộc hội thảo vào ngày 16 tháng Hai vừa qua, về đề tài: “Tại giao lộ của lịch sử: linh mục dòng Tên Matteo Ricci (1552-1610) giữa Rôma và Bắc Kinh.” Do đâu UNESCO có sáng kiến này?

ĐÔ Francesco Follo: Trong Năm quốc tế Tiếp cận các nền văn hóa và nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày linh mục Matteo Ricci, dòng Tên, qua đời, là một cơ hội rất quan trọng và hữu ích, không chỉ để kỷ niệm một đại học giả đã có cống hiến lớn đối với công cuộc đem Trung Hoa xích lại gần phương Tây, đồng thời cũng cho thấy một bằng chứng điển hình về cuộc đối thoại liên văn hóa và liên tôn, nếu được thực hiện tốt, luôn luôn là một cuộc đối thoại về cứu độ. Vì thế công cuộc Phúc âm hóa giúp con người được thăng tiến, vì được thực hiện trong đức ái, tôi gọi là “đức ái đem lại hiểu biết”.

Zenit: Thưa Đức ông, tham dự hội thảo gồm những vị khách mời nào?

ĐÔ Francesco Follo: Tham dự hội thảo có Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Giáo Dân, Đức Tổng giám mục Claudio Giuliodori, giáo phận Macerata – quê hương của Matteo Ricci, Giáo sư Ratthé Philippe, đại diện bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, và ông Gjon Kolndrekaj, trợ lí đạo diễn, người đã trình bày bộ phim “Cha Matteo Ricci, linh mục dòng Tên tại Vương quốc của Rồng.” Sự kiện tiếp theo là cuộc triển lãm “Cha Matteo Ricci (Macerata 1552 - Bắc Kinh 1610). Phục vụ Đức Chúa Trời,” do giáo phận Macerata, vùng Marche (miền Trung Ý), Quỹ Giới trẻ Gioan Phaolô II và Ủy ban Kỷ niệm Matteo Ricci đồng thực hiện. Riêng tôi thì nhận trọng trách đúc kết hội thảo.

Zenit: Matteo Ricci là học giả của thời Phục Hưng Ý và là người châu Âu đầu tiên tiếp thu văn hóa Trung Hoa, đồng thời cũng là người đi tiên phong trong việc trao đổi kiến thức giữa Trung Hoa và Châu Âu. Vậy thưa Đức ông, đâu là tính thời sự của Matteo Ricci đối với hôm nay sau 400 năm tạ thế?

ĐÔ Francesco Follo: Trước tiên, Matteo Ricci đã diễn đạt một cách uyên bác và khiêm tốn về hội nhập văn hóa. Ngài đã học và giảng dạy để nhận ra những tiềm năng vốn có của tất cả các nền văn minh của con người, và làm tăng giá trị mọi yếu tố tốt đẹp tiềm tàng nơi các nền văn minh đó, không làm mất mát điều gì, trái lại, đưa tất cả tiến đến hoàn thiện. Thái độ này ngay lập tức được chính người Trung Hoa đánh giá cao. Và cha Matteo đã liên kết mật thiết với họ, để trở thành một trong số ít ỏi gương mặt Tây phương rất được ngưỡng mộ và kính trọng.

Ricci không lập thuyết cho phương pháp của mình, nhưng những gì ngài đã làm đều trở thành đá góc tường cho tiến trình đưa Tin Mừng hội nhập văn hóa. Ngài đã học ngôn ngữ của người Trung Hoa, không chỉ để nói chuyện, nhưng chủ yếu để lắng nghe vũ trụ Trung Hoa. Điều này có lẽ là khía cạnh độc đáo và sáng tạo nhất, đó là ngài bắt đầu trang bị mọi công cụ để có thể lắng nghe nền văn hóa cổ xưa của Trung Hoa. Sau khi vào đất nước Trung Hoa trong tư cách một tu sĩ phương Tây, ngài nhận ra mình phải vượt khỏi ước muốn được kính trọng để biết tôn trọng, biết đón nhận nền văn hóa và con người nơi mình đang có mặt. Ngài không chỉ mong ước được lắng nghe mà còn được đón nhận. Khả năng thích ứng, sự quan tâm đối với văn hóa và con người chính là phẩm chất của vị thừa sai này. Tiếp nhận nền văn hóa Trung Hoa bằng cách đi vào chiều sâu của nó, cha Matteo nhận thấy Nho giáo là đất màu mỡ và thuận lợi nhất để gieo trồng hạt giống của Tin Mừng. Ngài không chỉ quan tâm đến việc rao giảng, mà còn tìm cách để Tin Mừng nhập thể, đi vào trong tương quan với người Trung Hoa, để từ mối tương giao thân thiện này, hạt giống của việc loan báo sẽ nảy mầm.

Zenit: Tại sao tình bạn lại là một phương thức của gặp gỡ, thưa Đức ông?

ĐÔ Francesco Follo: Trong kiểu viết tượng hình của người Trung Quốc, chữ “tình bạn” gồm hai tay gặp nhau: một người chìa tay phải, người kia đưa tay mình nắm lấy. Thắt chặt tình bạn là kết hợp năng lực để tạo tác thế giới. Cộng tác vào việc chung là cùng trở nên tôi tớ của Đấng Tạo hóa.

Chữ “người bạn” được viết bằng hai kí tự giống nhau, tương tự nhau, và điều này có nghĩa bạn cũng là tôi, và tôi cũng là anh ấy, là bạn với nhau.

Trong chữ viết cổ, chữ tượng hình “người bạn” đã được tạo thành từ hai bàn tay đang cần đến nhau, và chữ tượng hình “đồng hành” gồm hai cánh chim, bởi vì chỉ với đôi cánh này chim mới có thể bay.

Vì vậy, tình bạn là đức tính giúp xây dựng nền văn minh tình thương, sự tương trợ, gặp gỡ. Bạn bè không chỉ đơn thuần biết tha thứ cho nhau, mà giúp nhau cùng tiến đến một cuộc đối thoại sống động, có sự thật, và tình yêu sẽ giúp để hiểu rõ nhau hơn. Thánh Augustinô đã viết: “Non intratur veritatem, nisi per caritatem.” Không qua tình yêu không thể tiến vào chân lý.

Zenit: Thưa Đức ông, công chúng đã đáp lại như thế nào?

ĐÔ Francesco Follo: Hiện diện tại cuộc hội thảo có đến hơn 800 người. Vì vậy, chúng tôi đã phải sử dụng phòng họp lớn “Hội trường 1.” Nhưng ngoài vấn đề số lượng tôi muốn nói đến chất lượng của cử tọa. Thật vậy, chúng tôi thấy có nhiều vị đại sứ, các quan chức UNESCO, các vị thức giả, tất nhiên cũng có những người ”bình thường”, Công giáo hay không, đều là những người rất quan tâm đến đề tài của cuộc hội thảo, đến nỗi họ tham dự từ đầu đến cuối, ngồi suốt ba giờ liền trong hội trường!

Zenit: Đức ông ước mong Năm kỷ niệm Matteo Ricci sẽ đem lại kết quả gì cho Giáo Hội cũng như cho những mối quan hệ với Trung Quốc trong thế kỉ XXI?

ĐÔ Francesco Follo: Mong sao công cuộc tiếp cận vẫn tiếp tục phát triển, qua sự đối thoại điềm tĩnh và xây dựng, đồng thời tiến đến việc bình thường hoá các quan hệ, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cầu chúc trong Sứ điệp gửi các tin hữu Trung Hoa.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top