Rao giảng Tin Mừng giữa lòng Giáo Hội và dân tộc khi bị “mất nhà, mất đất”

Rao giảng Tin Mừng giữa lòng Giáo Hội và dân tộc khi bị “mất nhà, mất đất”

Rao giảng Tin Mừng giữa lòng Giáo Hội và dân tộc khi bị “mất nhà, mất đất”

Làm thế nào để khi “mất nhà, mất đất” mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vẫn đoàn kết, hạnh phúc, rao giảng Tin Mừng giữa lòng Giáo Hội và dân tộc?

Vài cảm nghĩ…

Mọi người Công giáo Việt Nam chúng ta đều biết rất rõ: trong lịch sử Giáo Hội Công giáo toàn cầu, từ cổ chí kim, từ thời Cựu Ước đến thời Tân Ước và đến ngày nay, việc Giáo Hội bị bắt bớ, tù đày, bị lưu đầy, bị mất nhà thờ, mất “hòm bia”, mất đất, mất đền thờ các thánh, mất cơ sở văn hóa, giáo dục, mất cơ sở kinh doanh, vv… là chuyện xảy ra rất nhiều lần, ở nhiều nơi, vào nhiều thời điểm, trên toàn thế giới.

Chính Chúa Giêsu cũng bị bắt bớ, giết chết trên thập tự, quần áo cũng bị họ chia nhau lấy hết (Ga 15:20).

Tất cả những sự thật quen thuộc đó làm chúng ta xác tín rằng: đời sống đạo của Giáo Hội Công giáo luôn được gắn liền với Thánh Giá của Chúa Kitô. Vì thế, muốn được sống lại vinh quang và vào Nước Trời thì trước hết phải chịu đau khổ và chết với Người.

Tuy không còn là chuyện xa lạ nữa, nhưng cho đến ngày nay, cứ mỗi lần Giáo Hội ở nơi này, nơi kia bị ngược đãi, bị chèn ép, bị mất nhà thờ, mất đất như thế thì linh mục, tu sĩ và giáo dân ở đó vẫn không thể không rơi vào tâm trạng bị “stress”, đứng ngồi không yên, mất ăn mất ngủ.

Riêng ở Việt Nam, Giáo Hội Công giáo Việt Nam chúng ta, trong hơn ba thập niên qua, đã chứng kiến nhiều vụ đau khổ như trên thế giới…

Mỗi lần xảy ra sự kiện như vậy, mỗi nơi thường có những phản ứng khác nhau, nơi thì sau nhiều lần làm đơn xin lại nhưng không được nên đã xuống đường đòi đất, đòi đền thờ, tay cầm Thánh Giá, tay cầm ảnh Đức Mẹ, vừa đi vừa hát to những bài ca rất cảm động như bài Kinh hòa bình. Nhưng cũng có nhiều nơi phản ứng cách ôn hòa hơn, họ làm đơn xin lại, trường hợp không xin lại được thì họ cũng vui vẻ, và chấp nhận coi như là ý Chúa.

Có những vấn đề đã được tạm giải quyết như vấn đề quyền sở hữu những mảnh đất này, trường học kia … Nhưng có những vấn đề quan trọng hơn còn tồn đọng lại nơi một số linh mục, đó là sự chưa hoàn toàn thông suốt đường lối của Chúa, và đã đánh mất sự bình an quí báu trong tâm hồn gây ra sự ”rạn nứt” nội bộ thường xảy ra ở những nơi có đông giáo dân khiến họ phải lo sợ vì không biết linh mục hành động như thế có ảnh hưởng gì xấu đến đường lối của Chúa, của Giáo Hội Việt Nam không?

Nguyên nhân của sự thiếu thông suốt đường lối của Chúa, nơi một số linh mục, thường bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và khả năng tự làm chủ những giá trị nhân bản, thần học mục vụ dấn thân, thiếu am tường về đường lối của Giáo Hội giải quyết những vấn đề xã hội. Vì thế, thật đáng tiếc, đã để xảy ra những mâu thuẫn tệ hại giữa một số linh mục với nhau từ vấn đề đòi nhà, đòi đất …

Theo tôi, những vấn đề còn tồn đọng đó rất nguy hiểm, làm gương mù gương xấu cho nhiều người có đạo và không có đạo, vì thế, cần phải được giải tỏa càng sớm càng tốt để việc sống đạo của toàn thể Giáo Hội Việt Nam được thăng hoa tối đa giữa lòng Hội Thánh toàn cầu và dân tộc Việt Nam...

Vậy, cần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng đó dựa trên cơ sở nào?

Thưa, phải tuyệt đối dựa trên Lời Chúa, trên giáo huấn của Giáo Hội, của Công Đồng Vatican II, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, vì chỉ có như thế chúng ta mới giải quyết được hoàn toàn tận gốc những vấn đề đó. Chúng ta phải hiểu đúng ý Chúa thì mới hành động đúng…

Vì thế, chúng ta cần đọc lại Cựu Ước, Tân Ước nói về những vấn đề mất đất đai nhà cửa. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải đọc lại những giáo huấn của Công đồng Vatican II, của các Đức Giáo Hoàng và của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và những Lá thư mục tử, hay những chỉ dạy trực tiếp và gương sáng của các vị Hồng Y, Giám Mục về vấn đề này… để giải quyết những vấn đề tâm lý, tôn giáo, xã hội, chính trị còn tồn đọng và để khi hữu sự, chúng ta đã có sẵn “kim chỉ nam” đúng đắn nhất, khôn ngoan nhất, hợp với thánh ý Chúa nhất để sống tốt đạo đẹp đời, để tâm hồn được bình an, đời sống nội bộ được hoàn toàn ấm êm…Và đây cũng là mục đích của bài viết này.

Chúng tôi chia bài viết này làm hai phần chính:
Phần I : Những con đường quen thuộc dấu yêu…
Phần II : Con đường mới.

PHẦN I: NHỮNG CON ĐƯỜNG QUEN THUỘC DẤU YÊU

Đạo Công Giáo là ĐƯỜNG dẫn ta đến với NƯỚC TRỜI.

Trong Cựu Ước, đường là những lệnh truyền của Thiên Chúa Yahvê cho dân riêng của Người là dân Israel. Những lệnh truyền đó phát xuất từ Thiên Chúa là Tình Thương chỉ dẫn cho Dân Chúa nhận ra ý của Người trong những biến cố lịch sử để sống theo Lề Luật của Chúa (Tohra) và tiến về Đất hứa.

Trong Tân Ước, đường là những mặc khải của Chúa Giêsu về Thiên Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, về Nước Trời; đường là Lời Chúa, lệnh truyền, giới răn của Chúa Giêsu; đường là những giáo huấn của các thánh Tông đồ…

Và trong thời hiện đại, đường là ánh sáng của Công Đồng Vatican II, là những giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng, các Đức Hồng Y, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và những đề nghị nho nhỏ, khiêm tốn, đóng góp xây dựng của giáo dân Việt Nam.

Toàn phần lịch sử này bao la nhưng đã rất quen thuộc với chúng ta, vì thế tôi chỉ khái quát lại những điều rất quan trọng, rất cần thiết trong Kinh Thánh, trong Công Đồng Vatican II, trong những giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến vấn đề “mất đất, đòi đất, đòi nhà thờ…” ở Việt Nam ngày nay.

I. Đường trong Cựu Ước

Trong thời Cựu Ước, dân Israel đã nhiều lần “mất đất”. “mất nước”, mất lều, mất hòm bia Thiên Chúa, mất mạng sống, mất gia súc … nhất là bị đi lưu đầy làm kiếp nô lệ ở Ai Cập. Những đau khổ khốn đốn ấy đã được kể lại rất rõ ràng, trung thực.
Mời xem những sự kiện lịch sử điển hình:
- Am 1
- 2V 15:29 ; 17:6 ; 24: 10 – 17 ; 25: 1 – 21.
- Gr 52: 1 – 34
- 2Sb 36: 22 (tiếp theo)

Đứng trước những biến cố cực khổ, những kiếp sống lưu đầy, những mất mát đó, Dân Chúa đã phản ứng ra sao? Đã sống Lề Luật (Torah) của Yahvê mặc khải cho Mai-sen như thế nào?

1/ Vì sao Dân Chúa bị khổ, bị lưu đầy bởi các thế lực ngoại bang như thế?
Thưa, toàn Dân Chúa đều công nhận đó là vì Dân Chúa có tội với Yahvê, nhiều tội lỗi nên đáng bị Yahvê phạt.
Mời xem: Gr 29: 1 – 32.

2/ Nhưng nhờ bị phạt lưu đầy mà Dân Chúa mới ý thức được sự cần thiết phải ăn năn tội lỗi, quay về với Lề Luật của Yahvê…
Mời xem:
- Gr 5 – 19 ; 16: 12 tt
- Ed 17: 19 tt ; 22 ; 16: 38
- Is 1: 23 ; 5: 8 ; 8: 6 ; 10: 1 ; 30: 1 tt
- 2 Sb 36: 16
- Hs 2: 1 tt
- Đnl 28: 63 – 68
- Br 1: 15

3/ Nhờ bị lưu đầy, sống kiếp nô lệ mà Dân Chúa mới biết xưng thú tội lỗi, dâng của lễ đền tội thường xuyên hơn.
Mời xem:
- Gr 31: 19
- Er 9: 6 15
- Nkm 1: 6 – 7 ; 9: 1 – 37
- Đn 9: 5

4/ Nhờ bị sống lưu đầy, sống kiếp nô lệ giữa đầy rẫy các thần ngoại bang, Dân Chúa mới quí mến đời sống tự do của con cái Chúa, hướng về miền đất hứa của Yahvê. Đấy là thời gian Chúa thử thách Dân của Người, nhưng Chúa không bỏ rơi mà vẫn cho các tiên tri nâng đỡ, an ủi, dạy dỗ Dân Người.
Mời xem:
- Ed 1 ; 11 – 15 ; 37: 11 ; 11: 16
- Is 49: 14; 11: 11 ; 44: 9
- Gr 10 ; 31: 20
- Hs 2: 1 – 16 ; 11: 8

5/ Thiên Chúa Yahvê thử thách, tôi luyện Dân của Người là để dọn đường cho Dân Người hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, vững mạnh hơn để tiến về miền đất hứa…
Mời xem:
- Is 40 – 55 ; 42: 6 ; 45: 14 ; 49: 6
- Ed 34: 11 ; 37: 1 – 14
- Er 1 – 4
- Tv 126

Tóm lại, Dân Chúa trong Cựu Ước bị lưu đầy, mất đền thờ, mất lều bạt, đàn gia súc, gia tài, phải chết chóc vv… Họ nghĩ gì về những đau khổ mất mát chết chóc đó? Thưa: Dân Chúa đón nhận những hình phạt đó vì họ đã phạm tội chống lại Lề Luật của Yahvê, chấp nhận đền tội để được Chúa tha thứ và cuối cùng là số người sống sót (le reste) (Is 4:3; Er 1: 4 ; Nkm 1: 2) đã được Chúa Yahvê đem về đất hứa…

Còn trong Tân Ước, Dân Chúa, Hội Thánh thì sao?

II. Đường trong Tân Ước

Như chúng ta đều biết, thời kỳ Chúa Giêsu và thời Hội Thánh tiên khởi của các Thánh Tông Đồ, là thời kỳ mà Hội Thánh chưa có cơ sở vật chất gì đáng kể, chưa có tấc đất để mất, nhưng vẫn bị bắt bớ gay gắt, các thánh đoàn phải làm lễ trong các hang toại đạo, bị bạo chúa Néron đốt phá nhà cửa…

Trước những đau khổ to lớn đó, Hội Thánh tiên khởi đã chỉ chú tâm vào việc suy niệm Lời Chúa, việc “bẻ bánh” và rao giảng Tin Mừng, và cầu nguyện để xin Chúa tha tội và giải thoát cho.

Những kinh nghiệm đau khổ của kiếp sống nô lệ, lưu đầy của Dân Chúa trong Cựu Ước đều là những dấu hiệu báo trước cho mầu nhiệm cứu chuộc của Hội Thánh. Chúa Giêsu đến, chịu chết, cứu chuộc thế gian, đem Hội Thánh về Nước Trời. Những mất mát về mạng sống, những đau khổ to lớn mà Hội Thánh phải gánh chịu thời đó là dấu hiệu tốt cho sự thanh tẩy toàn diện, rũ bỏ mọi sự dính líu, bám víu vào của cải thế gian. Có được như thế, Hội Thánh mới có thể vác thánh giá mà theo Chúa và được Nước Trời, được sự sống đời đời.

Trong hoàn cảnh nhà bị đốt, bị bắt bớ, phải sống đạo chui lủi trong các hang toại đạo, các Thánh Tông Đồ dạy các tín hữu rằng:

1/ Luôn sống gương mẫu để dân ngoại tin vào Chúa, tôn vinh Thiên Chúa. Nhất là những khi bị đốt nhà, bị bắt bớ, tù đày, chết chóc, linh mục và giáo dân vẫn phải sống gương mẫu, có hạnh kiểm hoàn hảo, không sống theo những thói đam mê xác thịt …
Mời xem: 1 Pr 2: 11 – 12

2/ Sống vâng phục mọi chế độ, không chê trách, không nổi loạn, và tham gia vào công cuộc xóa ác, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, vì mọi thể chế có trong nhân loại đều do “ý muốn của Thiên Chúa”
Mời xem:
- 1 Pr 2: 13 – 17
- Mt 22: 16 – 21
- Nhất là: Rm 13: 1 – 7

3/ Đối với tha nhân : Linh mục, giáo dân phải yêu mến mọi người, yêu mến cả kẻ đốt nhà mình, bách hại mình, chiếm đoạt tài sản, mạng sống của mình để trở nên giống Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu.
Mời xem:
- Lc 6: 27 – 36
- Dt 10: 19 -25 ; 11 – 16
- Ga 14: 6 ; 17: 16
- 2 Cr 5: 1 – 10
- Tt 3: 1
- 1Tm 2 : 1 tt
- Ga 19: 11; 1Pr 3: 13

Nói tóm lại, Dân Chúa thời này được dạy: phải từ bỏ tất cả để theo Chúa, để được vào Nước Trời…

III. Đường của Công Đồng Vatican II

Sau nhiều thế kỷ, thế giới văn minh hơn, dân chủ hơn, Giáo Hội cũng tiến bộ sâu sắc hơn trong việc dẫn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa, xây dựng Nước Trời, trong việc nhận trách nhiệm về tương quan giữa Giáo Hội và các quốc gia có giáo dân sống trong đó. Vì thế, Giáo Hội đã đưa ra nhiều giáo huấn. Giáo huấn của Công Đồng Vatican II về vấn đề này thì rất phong phú, sâu sắc, rõ rang.
Mời xem: sách Concile oecuménique Vatican II, Editions du Centurion, Paris 1967.

1. Về nhiệm vụ của Hội Thánh trong xã hội:
- GS (Gaudium et Spes): số 23, trang 238; số 63, trang 301; số 76, trang 326.
- CPE (décret sur la charge pastorale des Evêques dans l’Eglise – Christus Dominus) số 12, trang 359.
- AM (décret sur l’activité missionnaire de l’Eglise – Ad gentes) số 31, trang 533.
- DOE (décret sur l’oecuménisme – Unitatis redintegratio) số 6, trang 616.

2. Về công bằng xã hội:
- GS số 29, trang 244 – 246; Số 69, trang 308; Số 90, trang 344.

3. Về đối thoại xây dựng với xã hội, với các thể chế chính trị: Giáo Hội phải đi bước đầu…
- CPE - số 12, trang 259; số 13, trang 360; số 16, trang 364.
- AM – số 20, trang 574.
- GS – số 11, trang 222.

Và rất nhiều giáo huấn khác mà chúng ta ai cũng đã được nghe các linh mục giảng giải và đã hiểu cặn kẽ…Ví dụ: “Lời chủ chăn…Giáo dục Kitô giáo và giáo huấn của Giáo hội về xã hội…” của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục GB. Phạm Minh Mẫn, Lời giới thiệu của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI về Thông điệp “Bác ái trong chân lý” của Ngài.

Sau đây là giáo huấn của Đức cố Giáo Hoàng Gioan PhaoLô II, được lặp lại bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI hiện nay, và được Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn tóm gọn lại như một giáo huấn chỉ đạo về lãnh vực tài sản, đất đai của Giáo Hội ở Việt Nam trong Lá Thư mục tử ngày 1 – 9 – 2008, mục 5 như sau:

“…..Ngoài những thông tin trên, là người công giáo, chúng ta cần phải biết những giáo huấn của Giáo Hội về lãnh vực này. Theo tinh thần của Công Đồng Vaticanô II mà Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu rõ, và được Đức Bênêđitô XVI nhắc lại, chủ trương của Giáo Hội là đối thoại với các bên liên hệ để giải quyết mọi vấn đề xã hội, đối thoại thẳng thắn với ý thức tôn trọng chân lý, công lý và bác ái. Chân lý là điều phản ánh thực tại cách trung thực. Công lý là điều phù hợp với đạo lý, lẽ phải và công ích. Bác ái là tình huynh đệ tương thân tương trợ nhằm phục vụ cho sự sống và hạnh phúc của mọi người trong cộng đồng dân tộc cũng như trong thế giới hôm nay. Việc đối thoại như thế sẽ dẫn đến sự hợp tác với nhau trong việc xây dựng và phát triển đất nước cách vững bền.”

Như thế, những giáo huấn trên đây chỉ ra cho chúng ta con đường khôn ngoan nhất, sâu sắc và đi sát với thực tế của Giáo Hội Việt Nam ngày nay nhất.

Một trong những điều quan trọng mà ta cần lưu ý: trong bất cứ hoàn cảnh bi đát nào, giáo hội vẫn phải chú trọng việc Đối thoại - Xây dựng Hòa Bình – Hợp tác Phát triển – Bác ái – Tôn trọng sự thật.
Mời xem:
- Mt 26: 52 – 53.
- Ga 18: 11 ; 18: 36.
- Nhất là : GS.(Gaudium et Spes) số 27, trang 243; số 78, trang 326; số 83, trang 335; số 92, trang 347…vân vân…

Vì nước của Chúa Giêsu, Hội Thánh ngày nay, sống giữa thế giới, là muối cho thế giới, có nhiệm vụ xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp hơn… nhưng lại thuộc về Nước Trời, chứ không thuộc về thế gian này.

PHẦN II: ĐỀ NGHỊ MỚI

Tôi xin đưa ra một đề nghị mới được xây dựng trên thần học mục vụ dấn thân và nếu được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận thì lúc đó sẽ phổ biến rộng rãi…Vì Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là người đại diện chính thức, khôn ngoan và chắc chắn nhất của Đức Giáo Hoàng ở Rôma, nghĩa là của Chúa Kitô.

Lý do: những giáo huấn của Công Đồng Vatican II và của các vị Giáo Hoàng, các vị Hồng Y Việt Nam là rất đầy đủ để ngày nay chúng ta sống đạo có hiệu quả tuyệt vời theo từng mục tiêu của công việc, ví dụ việc đòi đất, đòi nhà…

Tuy nhiên, theo nhiều giáo dân nhận xét thì vấn đề “đòi nhà, đòi đất” đã gây ra sự chia rẽ ngấm ngầm nhưng trầm trọng và còn kéo dài giữa một số linh mục với linh mục, giữa linh mục với giáo dân trong vài giáo xứ, vì thế, tôi thấy cần trình bày thêm một nét mới, đó là quan điểm Thần học mục vụ dấn thân của riêng tôi (Théologie pastorale engagée) để mong góp phần nhỏ bé với các linh mục, giáo dân đó vào việc phải tự giải quyết cụ thể và tận gốc như thế nào những tồn đọng, mâu thuẫn ấy để Giáo Hội Công Giáo ngày mai, trong vài ba thập niên tới, được phát triển rực rỡ và sâu sắc hơn nữa.

Vì đã có dịp trình bày Thần Học Mục Vụ Dấn Thân trong bài “Làm thế nào để trở thành Linh Mục tuyệt vời của Giáo Hội Công Giáo ngày nay”, nên trong bài này, tôi chỉ nhắc lại mục tiêu của thần học mục vụ dấn thân liên quan đến vấn đề “ đòi nhà, đòi đất “ ở Việt Nam hiện nay là:

1/ Lấy giáo dân làm gốc

u tiên hàng đầu là tìm mọi cách in dấu ấn Lời Chúa vào tâm hồn, vào những sinh hoạt bình thường của giáo dân để giáo dân sống Lời Chúa, tuyên xưng Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa, để tham gia tận tình vào công việc tư vấn, làm chỗ dựa cho linh mục ngày nay. Ví dụ tư vấn và chỗ dựa trong việc đòi nhà, đòi đất…

2/ Lấy dân tộc làm gốc

u tiên song song với việc lấy giáo dân làm gốc là tìm mọi cách in dấu ấn cuả Lời Chúa vào những cơ cấu kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam và vào những nét đặc thù của đời sống trí thức, nghệ thuật, tôn giáo của người Việt Nam ngày nay…để từ đó giải quyết vấn đề “đòi đất” cho hợp tình hợp lý, có lợi cho cả hai bên, trong công bằng, bác ái, công lý hòa bình, như Chúa mong muốn. Nếu chúng ta không chú trọng đúng mức mục tiêu này thì chỉ trong vài ba thập niên nữa, Đạo Công Gíao Việt Nam chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng sa sút trầm trọng như ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Mông Cổ hiện nay, tìm đỏ con mắt mới thấy người đi lễ...

3/ Lấy đối thoại làm gốc

Mục tiêu chính của thần học mục vụ dấn thân là đem Lời Chúa cho dân tộc Việt Nam, không phải bằng phương pháp truyền thống, mà bằng cách đối thoại trong việc tìm kiếm Nước Trời, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, tiến bộ và nhất là trong việc áp dụng Lời Chúa một cách thành công tốt đẹp, trong việc giải quyết những vấn đề xã hội như đòi đất, đòi nhà …

Như thế, đối thoại là một vấn đề quan trọng và cấp bách. Tại sao ?

- Quan trọng vì trên thế giới ngày nay tất cả mọi quốc gia đều quí trọng đối thoại, vì đối thoại là giải pháp tốt nhất để xóa bỏ những bất đồng ý kiến chính trị, xóa bỏ những giải pháp quân sự gây nhiều chết chóc, mất mát, đổ vỡ, để xây dựng một thế giới hòa bình, tốt đẹp hơn.

- Đối thoại cũng là con đường của Công Đồng Vatican II. Thật vậy, Công Đồng Vatican II luôn luôn đề cao đối thoại như một giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất trong việc rao giảng Lời Chúa vào các quốc gia. Con đường truyền giáo xưa kia nay không còn thích hợp vì thế giới đã thay đổi.

- Cấp bách: đối với linh mục Việt Nam, tôi nhận thấy cần phải có một quan niệm đúng đắn hơn về đối thoại, vì hoàn cảnh gia đình, xã hội ở nhiều nơi, còn chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ phong kiến: Cha mẹ nói, con cái phải nghe, nếu không ngoan ngoãn nghe theo thì bị cho là bất hiếu, mất dạy; bề trên nói, người dưới nghe răm rắp; người có quyền nói, người dưới không được cãi lại. Linh mục nói, giáo dân không dám cãi. Nghĩa là trong liên hệ công việc giữa người trên và người dưới còn thiếu tinh thần đối thoại độc lập. Giữa Nhà Nước và Giáo Hội cũng thiếu đối thoại chân thành…

Thực tế hiện nay ở Việt Nam chứng minh điều đó. Nhiều khi giáo dân đưa ra một ý kiến mới thì lại bị cho là lạc đạo, còn linh mục có khi có những lối suy nghĩ lạc hậu thì vẫn được cho là thánh thiện.

Nói chung, chúng ta còn thiếu đối thoại, chưa có thói quen đối thoại, vì thế muốn rao giảng Lời Chúa cho dân tộc Việt Nam ngày nay, chúng ta không nên theo phương pháp cổ truyền là linh mục đứng trên nói xuống, giảng thao thao bất tuyệt, người nghe không dám có ý kiến công khai góp ý. Linh mục giảng thuyết là trung tâm còn người nghe là phụ, không có vai trò gì ngoài thụ động nghe và chấp nhận. Ngày nay phương pháp đó không còn hiệu quả cao nữa, mà phải lấy người nghe làm trung tâm và sự đối thoại giữa người nghe và người giảng là cần thiết. Rao giảng Lời Chúa bằng phương pháp truyền thống chỉ còn hợp với những ông bà già; còn đối với giới trẻ thì chúng ta phải tổ chức cách khác, đó là đối thoại.

Mời xem trong sách Concile oecuménique Vatican II, Editions du Centurion, Paris 1967:
- Đối thoại là đường lối tốt nhất để tìm ra chân lý…Xem LR. số 3, trang 675.
- Đối thoại là sự trưởng thành của con người. Xem GS. Số 25, trang 240.
- Đối thoại giúp sự thông cảm hiểu biết lẫn nhau được dễ dàng hơn. Xem GS. Số 28, trang 244.
- Đối thoại giúp con người sống trong hòa bình dễ dàng hơn, tránh được giải pháp quân sự. Xem GS. Số 21, trang 234; GS. Số 56, trang 287; GS. Số 90, trang 344.
- Đối thoại để giải quyết những vấn đề khủng hoảng kinh tế xã hội toàn cầu. Xem GS. Số 68, trang 308.
- Đối thoại là con đường mà Giáo Hội phải đi theo để giải quyết các vấn đề xã hội. Xem CPE. Số 13, trang 360.

Như thế, Thần học mục vụ dấn thân giúp đem lại lợi ích gì và bằng cách nào cho việc giải quyết những tồn đọng của linh mục, giáo dân… ?

a/ Lợi ích 1: chủ động hơn

Linh mục được chủ động hơn trong việc rao giảng Lời Chúa bằng cách – nếu được phép của Tòa Thánh – đi bước trước trong việc giải quyết vấn đề đất đai, nhà cửa của Giáo xứ. Như thế, Giáo hội sẽ được Chúa chúc lành, được dân tộc Việt Nam ghi đậm công lao và nhất là có cơ hội để ta rao giảng Lời Chúa bằng việc làm thiết thực.
Từ thực tế đó, tâm lý của Linh mục cũng thoải mái hơn, lòng đạo đức cũng được nâng cao hơn, đời Linh mục cũng thấy có ý nghĩa hơn. Và những thái độ nghi kỵ, cử chỉ nhăn nhó cau có với anh em Linh mục, giáo dân khác cũng dần dần biến mất…
Mời xem: GS. Số 93, trang 347 – 348.

b/ Lợi ích 2: sâu sắc hơn

Linh mục giải quyết mọi vấn đề xã hội trên bình diện thần học mục vụ dấn thân chứ không dừng lại ở bình diện đạo đức học, vì đạo đức học là do con người làm ra, thay đổi theo từng chế độ chính trị, từng thời điểm. Đạo đức học chỉ có thể là bước đầu trong việc giải quyết mọi vấn đề xã hội theo thần học mục vụ dấn thân được xây dựng trực tiếp trên Lời Chúa, trên Mặc Khải của Chúa Giê-su. Như thế ta mới tránh được nguy cơ “đạo đức học hóa” đạo Công giáo mà Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh báo: “Hội Thánh quá thiên về khuynh hướng giản lược Kitô giáo thành một đạo đức học” (“L’Eglise a trop tendance à réduire le Christianisme à une morale”).

Mời xem Le point ra ngày 3/3/2005, trang 44, bài Le “Testament” de Jean-Paul II.

Nếu không giải quyết mọi vấn đề xã hội trên bình diện thần học mục vụ dấn thân mà chỉ dừng lại ở phương diện đạo đức học thì ai cũng như ai, có đạo hay vô thần cũng giải quyết giống nhau.

Cách giải quyết theo thần học mục vụ dấn thân sẽ giúp ta trình bày dung mạo yêu thương rạng rỡ cứu chuộc của Chúa Kitô cho muôn dân, cho mọi quốc gia, mọi thể chế chính trị.

Thần học mục vụ dấn thân hoàn toàn và chỉ dựa trên Lời Chúa và những giáo huấn tiến bộ của Giáo Hội. Như vậy, theo thần học này, đơn vị nào của Giáo Hội bị mất đất, mất nhà, mất trường, mất cơ sở kinh doanh… mà không thể đòi lại được bằng cách đối thoại thì phải có trách nhiệm chủ động theo dõi, giám sát xem đất đó có được sử dụng đúng mục đích là phục vụ lợi ích chung của dân tộc hay vào việc khác chỉ có lợi cho một số cá nhân nào đó. Trong trường hợp đất đó bị sử dụng sai mục đích thì đơn vị giáo hội đó phải đấu tranh cho tới cùng, không để thua bất cứ một thế lực nào.

Như thế, việc làm đó được xây dựng vững chắc và trực tiếp trên Lời Chúa và rất phù hợp với lệnh truyền của Chúa trong hoàn cảnh hiện nay mà Hội Thánh dạy ta phải bác ái với những công trình phục vụ toàn dân …

Mời xem: Lc 6: 27 – 36, nhất là câu 30 Chúa Giêsu dạy như sau: “Phàm ai xin, ngươi hãy cho; và kẻ đoạt của ngươi, ngươi chớ đòi lại.”

Tại sao Chúa Giêsu lại dạy”…ngươi chớ đòi lại”?
Thưa, có nhiều lý do:

. Lý do thứ nhất là vì Chúa Giêsu muốn Giáo Hội, con cái của Chúa thoát ra khỏi cái ảo tưởng về giá trị của tài sản của Giáo Hội. Mất đất, mất nhà như thế là một cách lột xác, làm cho đơn vị Công giáo đó được phơi bày ra trần trụi cái “tôi” của mình, không còn nại vào cớ gì, vật chất gì để huênh hoang về quá khứ, hiện tại “vinh quang” của mình: nào là có đền thờ thiêng lắm, xin gì được nấy, mỗi năm rửa tội được bao nhiêu ngàn người, nhiều hoạt động bác ái, nhiều đoàn người hành hương đến từ khắp mọi miền đất nước, vv…

Sự kiện mất đất, mất nhà chẳng hạn của đơn vị đó làm cho họ ra “trắng tay”, nhưng chính nhờ sự trắng tay mà đơn vị đó, nhờ vào ơn Chúa, mới thấy được rằng:

- Tự bản chất, đời sống đạo của cả Giáo Hội Công giáo, không nhất thiết luôn luôn phải là sở hữu, sở hữu trí tuệ hay vật chất (les avoirs intellectuels ou matériels), không luôn luôn phải là thành công, phát đạt. Thật ra, lẽ sống, cách sống trung thực, thánh thiện của cộng đoàn giáo xứ đó mới là quan trọng hơn và là cách duy nhất để khẳng định đức tin của mình. Vì thế trong nội bộ không được chia rẽ tuy có thể có những ý kiến khác nhau.

- Sở hữu vật chất nhiều khi trở thành “nơi tung hoành” của những bài giảng chỉ biết chạy theo “bả phú quí” rất tầm thường, vì thế có nguy hiểm này: nó có thể bóp chết lòng tin của giáo dân vào Lời Chúa, vào Giáo Hội, và từ đó dần dần chán nghe giảng, chán linh mục. Quả thật, ở Việt Nam ta hiện nay vẫn còn những người rất nghèo. Họ đang khao khát lắng nghe Lời Chúa thì rất nhiều khi họ lại phải nghe những bài giảng kém chất lượng, thao thao bất tuyệt, rỗng tuếch, không có “lửa”, chỉ xây dựng trên đạo đức học của một vài linh mục phát ra từ những ngôi nhà thờ tráng lệ. Trong trường hợp này, linh mục chính là người chạy theo “bả phú quí” mà bỏ rơi giáo dân…
Mời xem: Mt. 13: 22.

Một xứ đạo nghèo khó, không dính líu vào đam mê vật chất thì dễ tiến vào Nước Trời hơn…
Mời xem: Mt. 6: 24; 13:45 tt.

Tài sản vật chất của giáo xứ không phải là bản chất, là linh hồn của đời sống đức tin của giáo xứ, tuy nó cần thiết cho đời sống đạo bình thường của giáo xứ.

. Lý do thứ 2 : khi bị mất nhà, mất đất chẳng hạn, nếu ta đòi thì phải đòi theo tinh thần phù hợp với Tin Mừng, với Công Đồng, nói cách khác phải làm theo Lời Chúa dạy ta là đối thoại trong Bác ái và không được làm hoen ố dung mạo nhân lành của Chúa. Nếu việc đòi đất làm cho dung mạo của Chúa bị biến dạng thì bị cấm: “…ngươi chớ đòi lại.”

Tóm lại: Sau đây là nguyên tắc vàng để ta hành động cho đúng ý Chúa:

Nếu “mất đất” mà làm cho dung mạo của Chúa Kitô nhân hậu (Mt.11:29) được thêm rạng ngời thì phải biến “mất đất” thành “ hiến đất”, nghĩa là trong lòng ta phải vui, phải cảm thấy hạnh phúc; ngược lại, nếu “hiến đất” mà lại thấy đất đó làm biến dạng, hoen ố khuôn mặt nhân từ, rạng ngời của Chúa Kitô thì lúc ấy, ta phải “phát huy quyền làm chủ “ của ta đòi chính quyền địa phương đó phải chỉnh sửa lại quyền sử dụng đất sao cho có ích lợi chung cho toàn dân tộc. Thật vậy, cha ông chúng ta từ thời xa xưa đã không tiếc mạng sống để tuyên xưng Đức Tin vào Chúa Kitô, thì chuyện “hiến đất” để làm cho dung mạo của Chúa Kitô ra sáng láng, rực rỡ hơn, tuy chỉ là “chuyện nhỏ” nhưng lại mang một ý nghĩa quan trọng là cho ta được tham phần vào “ phúc lớn” như cha ông chúng ta.

Mời xem:
. Cách riêng 2 Cor. Đoạn 4, câu 6.
. Lc 6: 27 – 36
. GS (Gaudium et Spes), sách Concile oecuménique Vatican II, nhà xuất bản Centurion – Paris – 1967, trang 347 – 348, số 92 và 93.
. Mt 26: 52 – 53.
. Yn 18: 11.

Nói tóm lại một cách dễ hiểu là: nếu bằng con đường đối thoại đầy bác ái, hiểu biết lẫn nhau, hợp tình hợp lý, không làm hoen ố khuôn mặt của Chúa Kitô, mà ta có thể đòi lại được thì ta hãy làm. Còn nếu việc đòi lại có hậu quả xấu cho việc rao giảng Lời Chúa thì ta không làm. Vì thế, để có một quyết định đúng đắn, khôn ngoan về việc nên đòi hay nên hiến thì giáo xứ, dòng tu mọi cấp bậc phải xin ý kiến của Hội Đồng Giám Mục trước khi đòi. Tất cả những điều đó chỉ có một mục đích duy nhất là rao giảng Tin Mừng cho có hiệu quả tối đa. Nói cách khác, chúng ta phải sống thần học mục vụ dấn thân trước tất cả mọi mục tiêu khác.

Vậy cách sống Đạo tốt nhất là: dựa vào Lời Chúa, ta nhận ra sự mất mát đó là do ý Chúa thử thách, tôi luyện ta, và ta sống theo ý Chúa chứ không theo ý ta. Sống theo ý Chúa, ta sẽ được Nước Trời như lời Đức cố Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã chỉ dạy.

Có ý thức được rõ ràng như thế, chúng ta mới có thể ghi sâu vào tâm hồn mình lệnh truyền của Chúa để giới thiệu dung mạo nhân từ, rạng ngời của Chúa Kitô cho muôn dân, và nhờ đó, chúng ta vốn là những người hay nghĩ đến cái lợi vật chất trước mắt, thì giờ đây mới vững vàng trong đời sống đạo là luôn hướng tới phần thưởng lớn lao hơn, đó là Nước Trời (Lc 6: 35) và được trở thành những người con của Đấng Tối Cao, vì Người nhân lành với những kẻ vô ơn, độc ác (Lc 3: 35) và sẽ được trở nên người biết thương xót “như Cha các ngươi là Đấng thương xót” (Lc 6: 36).

Từ đó ta thấy: Sống thần học mục vụ dấn thân là sống đời sống Tin Mừng cách sâu sắc, nhờ vậy, ta sẽ dần dần khắc phục được những tồn đọng…

c/ Lợi ích 3: sống đồng hành

Sống đạo là sống với (être avec), sống đồng hành với dân tộc trong bác ái, công lý, hòa bình. Đạo của Chúa Kitô là đường, là sự thật, là sự sống (Yn 14: 6) chứ không phải là một “ghetto”, một lô cốt, một nhóm người sống co cụm, khép kín, ích kỷ. Sống đạo là sống Lời Chúa với xã hội, với dân tộc, giữa lòng xã hội, giữa lòng dân tộc, trong một thế giới được toàn cầu hóa. Sống đạo là sống mở lòng mình ra, yêu mến tha nhân, yêu mến mọi người vì trong tận cùng thâm tâm của họ vẫn có sự hiện diện tiềm ẩn (en puissance) của Chúa. Chúa khẳng định điều đó ngay khi dựng nên con người theo hình ảnh của Chúa (Gn 1 : 26 – 27).

Và trong cuộc phán xét cánh chung, Chúa cũng khẳng định điều đó rất rõ (Mt 25 : 31 – 46) khi Ngài nói: “Những gì các ngươi đã làm cho một người trong số các anh em hèn mọn nhất này của Ta là các ngươi đã làm cho chính mình Ta” (Mt : 25 : 40) và “… những gì các ngươi đã không làm cho một người nào trong các kẻ hèn mọn nhất này là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta.” (Mt 25 : 45).

Hơn nữa, trong Sách Sáng Thế đoạn 1, câu 26 – 27, chúng ta thấy Chúa phán: ”…Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…” ( câu 26 ). Như thế, Chúa dùng chữ “chúng ta” là để nói rằng Chúa không sống cô độc một mình, mà sống với triều thần thánh, thiên thần trên trời.

Vì thế, chúng ta cũng phải sống mở với tha nhân, sống mở với dân tộc, bằng cách đối thoại với tha nhân, với dân tộc để dễ dàng tuyên xưng Lời Chúa, rao giảng Lời Chúa cho tha nhân, cho dân tộc, để cùng nhau kiến tạo Hòa Bình, Thịnh Vượng. Và Công Đồng cũng nói rất rõ về nhiệm vụ đó. Như thế, đối thoại với tha nhân, với dân tộc để góp phần vào công cuộc xây dựng Đất Nước Việt Nam giàu đẹp, để hướng về Chân Thiện Mỹ, về Nước Trời...là một mục đích quan trọng của đời sống đạo của chúng ta và là một mục tiêu của Thần học mục vụ dấn thân vậy…

Từ đó ta cũng có thể khẳng định: Sống theo thần học mục vụ dấn thân là phương pháp tuyệt hảo để ta biến thù thành bạn…

Mời xem:
. GS, số 77, trang 324
. GS, số 92, trang 346
. CPE 13, trang 360
. St 1 : 26 – 27; 3 : 1 – 24; 5 : 1
. Tv 8 : 6; 29 : 1
. Dt 2 : 7

d/ Lợi ích 4: đi bước đầu

Thần học mục vụ dấn thân chủ trương: mỗi linh mục, giáo dân phải tự chủ động đi bước đầu trong việc hòa giải với anh em mình, mỗi cộng đoàn phải tự tiên phong trong việc hòa giải với cộng đoàn khác, mỗi giáo xứ phải tự động đi làm bác ái với giáo xứ khác như Giáo Hội cũng phải tự mình đi bước trước trong việc làm hòa với Giáo hội bạn, với chính quyền địa phương vv… Chúng ta không chờ đối thủ của ta đến xin lỗi rồi ta mới tha thứ hoặc xin lỗi … Có như thế chúng ta mới là người tác tạo hòa bình, được Chúa chúc phúc, (Mt 5 : 24 về Tám mối phúc thật ).
Mời xem:
. GS, số 72, trang 314;
số 77, trang 324.
số 78 trang 326;
số 93, trang 336 t.
số 90, trang 344;
số 92, trang 346.
. AM, số 12, trang 558.
. RNC, số 5, trang 699.


Có tự chủ động đi bước đầu trong việc hòa giải với anh em mình, như Chúa dạy, thì mới dễ dàng xóa bỏ hận thù như trong câu nói: “Tôi không bao giờ làm lễ chung với mấy ông cha ấy!…”, một câu nói có thể được ghi vào sách guinness của Bêeldêbul ( Mc 3 : 22 ).

Chỉ có tự chủ động đi bước đầu trong việc hòa giải với anh em mình thì giáo dân mới hy vọng không bao giờ còn phải chứng kiến cảnh tượng nổi da gà giữa cha sở và cha phó ở một xứ đạo nọ, giành nhau một cái micro để “to tiếng” với nhau giữa nhà thờ đang có nhiều giáo dân đọc kinh.

Như thế, chủ động đi bước đầu sẽ làm cho Linh mục ngày càng nên giống Chúa Kitô hơn, vì Chúa luôn luôn là Người đi bước đầu… (Mt14:14)


Đôi lời kết luận

Ước gì mỗi lần mất đất, mất nhà…linh mục, tu sĩ và giáo dân, tuy tâm lý bị xáo trộn, bị nhiều đau khổ, nhưng vẫn nhận ra đó là Ý Chúa gửi đến để thanh lọc, thử thách mình, và coi đó là cơ hội tốt để sám hối ăn năn tội lỗi, khuyết điểm của mình, của tập thể mình, của Cộng đoàn mình để được “nhẹ nhõm”, dễ dàng bước theo Chúa.

Ước gì trước khi đi đòi đất, đòi nhà… những linh mục, tu sĩ có trách nhiệm luôn luôn tỏ ra mau mắn xin sự chỉ giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, người đại diện khôn ngoan của Đức Giáo Hoàng ở Rôma.

Ước gì trước và sau khi đòi đất, đòi nhà, bất chấp kết qủa tốt hay xấu, linh mục, tu sĩ, giáo dân luôn giữ được tâm hồn bằng an, đoàn kết vui vẻ, sống Lời Chúa, tuyên xưng Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa giữa lòng dân tộc một cách tuyệt vời.

Ước gì sau mỗi lần đòi đất, đòi nhà, sự đoàn kết thánh thiện càng sâu sắc hơn giữa cộng đoàn Dân Chúa, nhất là giữa linh mục với linh mục, linh mục với giáo dân. Ước gì linh mục luôn là người dẫn đầu trong việc làm gương sáng này…

Ước gì sự đối thoại trong chân lý, hợp tác trong công bằng, bác ái, đoàn kết, xây dựng giữa Giáo Hội Việt Nam và Nhà Nước Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn…để mọi sự đều được thực hiện cách tuyệt hảo đúng với Ý Chúa, làm vinh danh Chúa và ngày càng in dấu ấn của Lời Chúa cách sâu đậm hơn vào văn hóa, văn minh tiến bộ của dân tộc Việt Nam chúng ta ngày nay để tất cả mọi người đều được hạnh phúc.

Ước gì Lời Chúa là Sức Sống, là Ánh Sáng, là Hy vọng, là Đường để chúng con hằng dõi bước, là Niềm Vui, là Hạnh Phúc cho mọi người trên toàn thế giới trong tất cả mọi hoàn cảnh…

Tác giả: Trịnh Nhất Định

Top