Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXII Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN - B
Đnl 4,1-2.6-8
Gc 1,17-18.21b-22.27
Mc 7,1-8.14-15.21-23
Chủ đề:
LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH
LỜI CHÚA TRUYỀN DẠY
“Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành,
chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”
(Gc 1,22)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC 1: Đnl 4,1-2.6-8
Đệ Nhị Luật là quyển cuối cùng trong Bộ Ngũ Thư (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số và Đệ Nhị Luật). Sách Đệ Nhị Luật chứa đựng nội dung ba diễn từ của Môsê dành với dân Israel trước khi Môsê qua đời và trước khi dân Israel tiến vào Đất Hứa. Bài đọc 1 hôm nay phản ánh một phần diễn từ thứ nhất của Môsê (Đnl 1,1-4,43). Nội dung bài đọc 1 hôm nay xoay quanh những điểm chính sau đây:
1/ Môsê khuyên dân Israel không chỉ biết lắng nghe những điều Thiên Chúa truyền dạy, nhưng quan trọng hơn, còn phải biết đem ra thực hành (c1). Việc lắng nghe suông mà thôi chẳng khác nào tỏ sự thiếu kính trọng đối với Lời Chúa, và vì thế, sẽ không giúp ích gì cho cuộc sống của họ. Sách Đệ Nhị Luật thường dùng các hạn từ khác nhau, nhưng với ý nghĩa tương tự, như “thánh chỉ”, “quyết định”, “lệnh truyền” để chỉ Luật Giao Ước mà Thiên Chúa ký kết với dân Israel.
2/ Khi thực hành những điều Thiên Chúa truyền dạy, dân Israel sẽ được sống và được chiếm Đất Hứa làm gia nghiệp (c1). Được sống và được sở hữu Đất Hứa là niềm hạnh phúc vô bờ của một dân tộc vốn đã từng làm nô lệ trên đất Ai-cập và đã từng phải thực hiện cuộc đại hành trình 40 năm trong sa mạc. Khi được sống trong vùng Đất Hứa như những chủ nhân và những người tự do, dân Israel sẽ nhận biết những gì Thiên Chúa đã hứa ban cho các tổ phụ của họ là Abraham, Isaac và Jacob nay đã được thành toàn.
3/ Dân Israel cần phải tuân giữ một cách trung tín những gì Thiên Chúa truyền dạy. Hai câu mệnh lệnh “Đừng thêm” và “đừng bớt” những gì Môsê truyền đạt hàm ý điều này (c2).
4/ Việc tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa sẽ làm cho họ trở nên một dân tộc vĩ đại, khôn ngoan và thông minh dưới mắt mọi người. Sở dĩ như vậy, vì họ là dân được Thiên Chúa ở gần mỗi khi kêu cầu Người. Đấy là một đặc ân Thiên Chúa ưu ái dành cho dân tộc Israel bé nhỏ (cc6-8).
2. BÀI ĐỌC 2: Gc 1,17-18.21b-22.27
Bài đọc 2 hôm nay thuộc về những “lời mở đầu” trong bức thư của thánh Giacôbê, mà theo nhiều nhà chú giải, được thánh nhân viết cho những tín hữu đang phải đối diện với nhiều thử thách nghiêm trọng vì đức tin của họ – bị đe dọa, bị bách hại, chịu tử vì đạo. Đứng trước những thử thách trăm chiều ấy, người tín hữu được thánh Giacôbê khuyên dạy hãy kiên nhẫn trong đức tin (x.1,2-4); với lòng tin không chút do dự, hãy biết cầu xin Thiên Chúa ban cho mình ơn khôn ngoan (x. 1,5-6); và trên hết, hãy biết lãnh nhận và thực hành Lời Chúa (x.1,16-27). Lý do được nêu ra là: Vì Lời Chúa có sức cứu độ linh hồn người tín hữu. Tuy nhiên, tương tự như nội dung của bài đọc 1, việc lắng nghe Lời Chúa phải đi liền với việc thực hành. Nếu chỉ nghe suông mà thôi, thì người tín hữu đang tự lừa dối mình. Tự lừa dối mình khi họ cho rằng chỉ cần lắng nghe Lời Chúa là đủ sống tinh thần đức tin. Tuy nhiên, thánh Giacôbê muốn dạy chúng ta: việc lắng nghe Lời Chúa là cần thiết, nhưng việc sống Lời Chúa mới làm mang lại ý nghĩa đích thực cho việc lắng nghe. Ai tự hài lòng với việc lắng nghe mà thôi, mà phớt lờ việc thực hành, thì như Chúa Giêsu từng nói: họ chẳng khác nào kẻ dại xây nhà trên cát (x. Mt 7,26).
3. BÀI TIN MỪNG: Mc 7,1-8.14-15.21-23
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta biết một số người Pharisêu và kinh sư, vốn từ trung tâm tôn giáo của Israel là Jerusalem đến nơi Chúa Giêsu đang giảng dạy, hầu chắc tại Gennesaret, đã chất vấn Chúa Giêsu về việc một vài môn đệ của Ngài đã dùng bữa mà chưa rửa tay trước đó. Điều mà họ bận tâm không phải là vấn đề vệ sinh khi dùng bữa. Đúng hơn, họ đặt vấn đề tại sao các môn đệ của Chúa Giêsu lại không tuân giữ truyền thống mà các rabbi để lại: phải giữ cho đôi tay được “thanh sạch” trước khi dùng bữa.
Chúa Giêsu không phủ nhận việc một số môn đệ của Ngài đã không tuân giữ truyền thống này, nhưng Ngài cho biết đây chỉ là truyền thống của người phàm, chứ không thuộc về các lệnh truyền của Thiên Chúa. Hẳn là vào thời Chúa Giêsu có nhiều người đã tuân giữ những truyền thống phàm nhân tương tự như thế này một cách gắt gao, và nhân danh những truyền thống đó, họ cũng muốn hay đòi những người khác phải làm như vậy. Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy những truyền thống phàm nhân này có thể có giá trị nào đó đối với cuộc sống của con người, nhưng chúng không thể nào được đặt ngang hàng với Lời Chúa, và do đó chúng cũng không có tính “đòi buộc” người ta phải tuân giữ như thể tuân giữ chính Lời Chúa truyền dạy.
Chúa Giêsu còn chỉ ra sự kiện từ những gì Ngài đã quan sát thấy: nhiều người Pharisêu và các kinh sư, tuy rất cẩn thận tuân giữ các chi tiết truyền thống các rabbi để lại, nhưng không tôn kính và tuân giữ cho phải phép những gì chính Thiên Chúa truyền dạy họ. Thậm chí, họ dùng khối kiến thức Kinh Thánh của mình để giải thích sai lệch lệnh truyền của Thiên Chúa cho mọi người. Họ “đánh lận con đen” khi cho rằng chỉ cần dâng các corban (lễ phẩm) cho Thiên Chúa là đã chu toàn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ mình. Thi hành bổn phận đối với Thiên Chúa là điều phải làm, nhưng thi hành điều này không đồng nghĩa với việc đã chu toàn bổn phận làm con đối với cha mẹ. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết “mến Chúa và yêu người”. Cả hai bổn phận này phải song hành với nhau. Không biết phụng dưỡng cha mẹ mình khi cha mẹ đang thực sự cần đến mình đồng nghĩa với việc chưa thể yêu người thân cận nhất của mình. Nếu thế, làm sao yêu người khác được?!
Chúa Giêsu cũng nhân dịp này dạy cho dân chúng biết bản chất đích thực của việc ô uế là gì. Luật Cựu Ước nói nhiều đến sự ô uế mang tính nghi lễ, nghĩa là khi một ai đó “nhiễm uế”, thì trong thời gian bị nhiễm uế, họ không được đụng đến các vật thánh hay không được vào Thánh Điện. Có nhiều điều làm cho con người ra “ô uế” về mặt phụng tự, ví dụ như khi đụng phải xác chết một con vật hay ăn thịt xác chết của nó hay mang vác xác chết của con vật đó thì sẽ ra ô uế cho đến chiều (x. Lv 11,39-40). Điều họ cần làm là “thanh tẩy” mình qua các nghi thức tạ tội nếu là những trường hợp nhiễm uế kéo dài, ví dụ trường hợp người nữ sinh con, hay người bị bệnh phong, hay người bị bệnh rong huyết (x. Lv 12-15). Trong những trường hợp nhẹ, ví dụ mang vác xác chết con vật, thì họ cần phải giặt sạch quần áo và qua một chiều thì không còn bị nhiễm uế nữa (x. Lv 11,39-40). Luật Cựu Ước cũng cấm người ta không được ăn hay đụng đến xác chết những con vật được kể là ô uế, ví dụ như heo, lạc đà, thỏ rừng, các loài cá da trơn, đà điểu, v.v. (x. Lv 11).
Nhưng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh nhiều hơn đến sự ô uế nơi tâm hồn. Những thứ từ lòng người xuất ra như “những ý định tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”, những thứ này mới đáng sợ vì chúng làm cho con người ra ô uế về mặt luân lý. Những ý định xấu này một khi không được kiểm soát, mà biến thành hành động, chúng sẽ không chỉ làm cho kẻ thực hiện trở thành kẻ có tội, kẻ gian ác, mà còn gây hại biết bao cho xã hội và cho người khác. Chúng cũng làm cho kẻ phạm tội xa cách với Thiên Chúa là Đấng toàn thiện, xa cách với phẩm giá làm người của họ, vốn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng cũng có thể làm “lây lan” sự dữ nơi nhiều người khác.
II. CÂU HỎI PHẢN TỈNH
1/ Việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa là điều rất hệ trọng đối với người tín hữu, tôi đã sống hai chiều kích này như thế nào?
2/ Ông Môsê truyền dạy dân Israel: việc tuân giữ Lời Chúa sẽ giúp dân Israel được kể là một dân tộc vĩ đại, khôn ngoan và thông minh. Trong kinh nghiệm của tôi, việc tuân giữ Lời Chúa giúp gì cho tôi và cho xã hội hôm nay?
3/ Chúa Giêsu dạy chúng ta cần phải giữ mình cho thanh sạch khỏi các ý định xuất xuất phát từ tâm hồn. Theo bạn, làm sao có thể sống thanh sạch như lòng Chúa mong ước? Làm sao người Kitô hữu chúng ta có thể kiến tạo một xã hội bớt dần 12 thứ gây “ô uế” xã hội và con người hôm nay (x. Mc 7,21-23)?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã ban Lề Luật và Lời Chúa để hướng dẫn Dân Người theo đường công chính, hầu được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Với tâm tình tri ân và tín thác, chúng ta cùng tha thiết cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng rao giảng Lời Chúa và mời gọi mọi người tuân giữ Luật Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần của Hội Thánh luôn ý thức chu toàn sứ vụ ngôn sứ bằng lời rao giảng và gương sáng trong đời sống hằng ngày.
2. Con người thời đại đang tỏ ra thờ ơ với những giá trị thiêng liêng và dị ứng với lề luật. Chúng ta cầu xin Chúa soi dẫn những tâm hồn lầm lạc, để họ biết trân trọng đón nhận sứ điệp Tin Mừng và nhạy bén trước tiếng thôi thúc của lương tâm.
3. Gia đình Công Giáo là ngôi trường đầu tiên huấn luyện và đào tạo đức tin. Chúng ta cầu nguyện cho các kitô hữu với trách nhiệm làm cha mẹ, luôn quan tâm và tận tình hướng dẫn con cái trong việc thực thi Lời Chúa và tuân giữ lề luật.
4. “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông.” Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết yêu mến và say mê học hỏi Thánh Kinh, thực hành Lời Chúa, và nỗ lực sống giới răn mến Chúa - yêu người.
Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch sự sống, Chúa đã ban lề luật và Lời Chúa làm ngọn đèn dẫn đưa chúng con đến sự sống đời đời. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn giúp sức để chúng con luôn vững bước theo đường ngay nẻo chính. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Khai mạc năm Thánh 2025 tại hạt Thủ Thiêm
-
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024)
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023