Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN C
(Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20)
CHỦ ĐỀ:
NHỮNG SỨ GIẢ BÌNH AN CỦA ĐỨC KITÔ
“Bình an cho nhà này” (Lc 10,5)
Những ai tin vào Đức Giêsu được mời gọi trở nên những sứ giả đem bình an của Người đến cho thế giới. Đây là sự bình an đích thực mà con người khao khát. Do đó, chúng ta cầu xin Thiên Chúa sai nhiều sứ giả đem bình an và lòng thương xót của Người đến với muôn dân.
I. BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
1. BÀI ĐỌC I (Is 66,10-14c)
Vào năm 587 trước CN dân Dothái bị bắt đi lưu đày tại Babylon; họ sống trong nỗi đau buồn, như lời thánh vịnh 137 miêu tả: “Bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion... Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại” (Tv 137,1.4-5). Giữa bối cảnh đau thương thê thảm đó, Thiên Chúa đã cho xuất hiện vị Ngôn Sứ để loan báo những thông điệp của niềm vui và bình an đến cho dân đang sống nơi lưu đày. Những đau khổ mà họ gánh chịu hiện nay sẽ không còn nữa bởi vì Thiên Chúa đã xót thương đoái nhìn đến họ: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy”. Thiên Chúa sẽ đem họ trở về Giêrusalem. Thành thánh sẽ trở nên như người mẹ hiền ấp ủ, bồng ẵm, nuôi dưỡng con cái bằng chính dòng sữa mẹ: “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối”. Dân Chúa lại được sống trong cảnh yêu thương chở che quan phòng của Thiên Chúa.
2. BÀI ĐỌC II (Gl 6,14-18)
Cộng đoàn Kitô hữu ở Galát đang gặp phải tình trạng chia rẽ giữa các Kitô hữu gốc Dothái và gốc dân ngoại liên quan đến nguồn gốc và giáo lý (cắt bì hay không cắt bì khi một người dân ngoại vào Kitô giáo), nên một vài lần trong thư Phaolô có nhắc tới vấn đề này: “Quả thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6). Rồi ngài nhấn mạnh thêm: “Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới” (Gl 6,15). Thánh Phao lô cho thấy rằng lòng thương xót, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa được dành cho tất cả những ai đặt niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Chính tình yêu cứu độ này làm cho chúng ta trở nên những thụ tạo mới, những thụ tạo được sống trong bình an và hoan lạc. Để được điều đó, các Kitô hữu cần biết sống yêu thương nhau như Đức Giêsu thể hiện qua hiến tế của Người trên thập giá: “Chúc cho những ai sống theo những quy tắc ấy được hưởng bình an và lòng thương xót của Người”.
3. BÀI TIN MỪNG (Lc 10,1-12.17-20)
Thánh sử Luca thuật về sứ vụ loan báo Tin Mừng của 72 môn đệ. Con số 72 này là con số biểu tượng của các nước trên thế giới. Theo danh sách liệt kê chương 10 sách Sáng Thế (bản Hípri ghi 70 dân tộc, trong khi bản LXX ghi 72) có 72 dân tộc trên thế giới. Luca dùng con số 72 môn đệ này để nói tới sứ vụ rao giảng Nước Trời giờ đây được rao giảng khắp hoàn vũ cho tất cả mọi người, mọi dân tộc. Đức Giêsu sai từng hai người đi chung với nhau để nói lên rằng lời chứng của họ về Đức Giêsu và ơn cứu độ của Người là chứng thật, và sứ vụ này không phải là của riêng cá nhân, nhưng là sứ vụ của cộng đoàn.
Sứ vụ này thật rộng lớn, vì thế Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy cầu xin Thiên Chúa là Đấng sai những người loan báo Tin Mừng. Qua đây chúng ta thấy rằng ơn gọi làm người loan báo Tin Mừng là ơn gọi đến từ Thiên Chúa: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Các môn đệ là những người loan báo lòng thương xót sự bình an của Thiên Chúa và của Đức Giêsu: “Bình an cho nhà này”. Người cũng cho các môn đệ biết những khó khăn, thử thách của sứ vụ khi nói: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Nhờ đó, khi đối diện với khó khăn hay cảnh bách hại, họ không hề nao núng.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối”. Thiên Chúa dùng hình ảnh rất cụ thể để nói lên tình yêu của Người dành cho dân Người và mọi người. Cách riêng Thiên Chúa yêu thương tôi khi Người ban sự sống cho tôi, khi Người luôn quan phòng cuộc sống của tôi trong mọi hoàn cảnh. Tôi có xác tín và luôn cảm nhận tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc sống?
2. “Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới”. Qua bí tích Thanh Tẩy, tôi đã trở nên một thụ tạo mới trong Chúa Giêsu Kitô. Tôi có biết cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa để thay đổi con người cũ, trở nên những con người giao hòa trong Thiên Chúa và với người khác? Là một thụ tạo mới, tôi có biết sống tinh thần của Chúa, đó là biết thương xót người như Chúa là Đấng đã thương xót tôi hay không?
3. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Tôi có sẵn sàng cộng tác với Chúa để trở nên những thợ gặt tốt của Người trong cánh đồng truyền giáo, trong sứ vụ loan báo Tin Mừng? Đời sống của tôi có là dấu chứng của lòng thương xót và sự bình an của Thiên Chúa cho mọi người? Tôi đã dùng khả năng, ơn gọi, môi trường hoạt động và sinh sống, để quan tâm giúp đỡ người nghèo khổ, bất hạnh và những ai đang bị gạt ra bên lề của cuộc sống, như là cách góp phần nhỏ bé để phác thảo nên Dung Mạo của Lòng Chúa Thương Xót cho con người và thế giới hôm nay hay chưa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ và trở nên sứ giả đem bình an đến cho muôn dân. Trong tâm tình tri ân cảm tạ, chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu nguyện.
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo tin mừng cứu độ cho mọi người. Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các thành phần trong Hội Thánh luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng, bằng lời giảng dạy, lời cầu nguyện và gương sáng trong đời sống hằng ngày.
2. Thiên Chúa là nguồn mạch bình an và hạnh phúc đích thực. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho tất cả những ai đang đau khổ hay gặp gian nan thử thách biết chạy đến với Chúa, và đặt hết tin tưởng phó thác vào tình thương quan phòng của Người.
3. “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến gặt lúa của Người.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban ơn thánh hóa cùng trợ giúp các nhà truyền giáo và hàng linh mục của Chúa, để các ngài chu toàn sứ mạng qui tụ và chăm sóc đoàn chiên mà Chúa đã trao.
4. “Nước Thiên Chúa đã đến gần.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta được sống trong bình an đích thực, và biết tích cực dấn thân trong công việc tông đồ, luôn là dấu chỉ sống động của tình thương Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con ý thức thân phận yếu hèn cùng với sứ mạng cao cả mà Chúa ủy thác. Xin Chúa nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn nâng đỡ để chúng con chu toàn sứ mạng ấy bằng đời sống bác ái yêu thương. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023