Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM C
(Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11)
CHỦ ĐỀ:
THIÊN CHÚA KHÔNG KẾT ÁN,
NHƯNG XÓT THƯƠNG
“Tôi không lên án chị đâu.
Thôi chị cứ về đi,
và từ nay đừng phạm tội nữa.”
(Ga 8,11)
I. LỜI CHÚA
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta cảm nghiệm sâu xa tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người tội lỗi. Chỉ có tình yêu và lòng thương xót mới có khả năng thúc đẩy người khác biến đổi cuộc sống. Thiên Chúa quên đi quá khứ buồn tối của con người để mở ra cho họ một tương lai tươi sáng tốt đẹp và hạnh phúc bình an, được đặt nền trên tình thương và tha thứ. Những ai có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống, người đó sẽ được biến đổi. Những ai cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trong đời mình, người đó sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người khác.
1. BÀI ĐỌC I (Is 43,16-21)
Bài đọc này được trích trong phần sách Ngôn Sứ Isaia đệ II (các chương 40-55), là phần nói về bối cảnh và tình trạng Dân Dothái đang ở nơi lưu đày Babylon. Vào năm 587 trước Công Nguyên, dân Dothái bị bắt đi lưu đày tại Babylon. Lúc này, họ sống trong nỗi đau buồn, như lời Thánh vịnh 137 miêu tả: “Bên bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion... Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại” (Tv 137,1.4-5). Bị mất nước và đưa đi lưu đày là biến cố đau buồn nhất đối với dân Dothái. Họ biết đó là hậu quả của tội lỗi.
Tuy nhiên, bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã quên đi quá khứ của họ: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm những việc thuở trước”, vì Người đã chuẩn bị cho họ một tương lai tươi sáng. Do tình thương hải hà, lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện những điều mới lạ cho dân Người: “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.” Lời này rọi lên tia sáng hy vọng cho dân Dothái, họ sẽ được trở về lại quê hương xứ sở của mình. Sự kiện này nói lên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa: Người đã tha thứ tất cả lỗi lầm của họ trong quá khứ, để tái lập tương quan mật thiết với Người. Thiên Chúa sẽ khai mở một con đường trong sa mạc để dân lưu đày trở về, thoát khỏi ách nô lệ Babylon. Con đường địa lý đó cũng ám chỉ đến con đường thiêng liêng. Đây là một cuộc xuất hành mới, một lối sống mới để Dân Dothái trở về với Thiên Chúa.
2. BÀI ĐỌC II (Pl 3,8-14)
Là một người Pharisêu, Phaolô tuân giữ Lề Luật rất tỉ mỉ và hãnh diện về việc tuân giữ Lề Luật và các truyền thống của cha ông. Cũng như nhiều người Dothái cùng thời, Phaolô xem các điều trên là cứu cánh, và với sự hiểu biết và nhiệt tình, ông có rất nhiều cơ hội thành đạt trong dân. Tuy nhiên, khi được Đức Kitô kêu gọi làm sứ giả loan báo Tin Mừng của Người, Phaolô đã coi những gì mình có trước đây không còn có giá trị nữa. Đối với Phaolô lúc này, chỉ Đức Kitô là cứu cánh và mối lợi duy nhất: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô”. Đức Giêsu đã chiếm trọn hết con người của Phaolô:“bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt”, nên Phaolô sẽ dành cuộc đời và sứ vụ để dấn thân cho Người.
3. BÀI TIN MỪNG (Ga 8,1-11)
Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm này cho chúng ta thấy Đức Giêsu “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha” (Misericordiae Vultus, số 1). Mặc dù Tin Mừng Luca được mệnh danh là Tin Mừng của lòng thương xót, nhưng các Tin Mừng khác cũng đề cập đến khía cạnh này nơi chân dung Đức Giêsu. Hơn nữa, các học giả cho rằng Gioan chương 8 thuộc truyền thống Luca, vì đề cao lòng thương xót. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng là “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha”, nên Đức Giêsu đến thế gian không phải để kết án, nhưng để tha thứ và ban ơn cứu độ.
Trong bài Tin Mừng, có một sự khác biệt rất lớn giữa Đức Giêsu với các Kinh sư và Pharisêu. Họ đến với Đức Giêsu tìm bằng cớ để tố cáo Người, còn Đức Giêsu đối diện với họ để vạch trần thái độ giả hình của họ, khi đang đứng trước một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chị có tội. Vì muốn tìm cách gài bẫy để có cớ kết án Đức Giêsu nên họ tra hỏi quan điểm của Người về người phụ nữ này. Đức Giêsu đã không lên tiếng đáp trả. Người giữ thinh lặng, ngồi xuống và viết gì đó trên đất. Không ai biết Đức Giêsu đã viết gì, nhưng có thể tác giả Tin Mừng ám chỉ đến lời Ngôn sứ Gr 17,13: “Ai tráo trở với Người sẽ có tên viết mặt đất, vì chúng đã bỏ Yavê, mạch nước hằng sống” (theo Bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn).
Các Kinh sư và Pharisêu đòi dựa vào Lề Luật Môsê (x. Đnl 22,23-27; Lv 20,10) để kết án mà ném đá người phụ nữ, nhưng lòng dạ họ không gắn bó với Đức Chúa. Còn Đức Giêsu lại muốn dựa vào lòng thương xót để tha thứ cho người phụ nữ đó, vì người là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha. Các Kinh sư và Pharisêu chỉ xét theo hoàn cảnh bên ngoài. Còn Đức Giêsu lại chạm đến được những gì sâu thẳm trong lòng người.
Với sự khác biệt tới mức đối lập đó, Đức Giêsu đã trả lời cho họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Khi nghe câu trả lời này, từng người lần lượt bỏ đi, và không ai trong họ dám ném đá người phụ nữ đó nữa. Bắt đầu từ người già nhất, họ bị lời Đức Giêsu chất vấn và cảm nhận không ai trong số họ sạch tội trong lòng cả. Đức Giêsu đã không kết án người phụ nữ ngoại tình, Người đã dùng tình thương để làm thay đổi cuộc đời của chị. “Tôi không kết án chị đâu”. Không phải Đức Giêsu chẳng lên án việc phạm tội, nhưng Người mong chờ người tội lỗi biết hoán cải, qua việc dốc lòng chừa, để được thứ tha. Vì thế, Người căn dặn: “Từ nay đừng phạm tội nữa”.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”. Thiên Chúa quên đi tội lỗi quá khứ của dân Dothái. Người đi bước trước trong việc tha thứ và mở ra cho họ một viễn cảnh tốt đẹp. Chính Thiên Chúa sẽ mở một con đường trong sa mạc để họ quay bước trở về quê hương. Người mở ra một cuộc xuất hành mới, một lối sống mới để Dân Dothái trở về với Thiên Chúa để phục hồi những gì đã mất, để tái sinh những gì đã chết. Vậy, tôi có sẵn sàng để Thiên Chúa biến đổi quá khứ tội lỗi của tôi để phục hồi tình trạng sống trong ơn nghĩa Chúa?
2. “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô”. Đối với tôi, giờ này Đức Giêsu là ai, Người có phải là mối lợi duy nhất trong cuộc đời của tôi? Tôi có dám hy sinh những giá trị trần thế, chóng qua nếu các thứ đó cản trở tôi sống những giá trị Tin Mừng mà Đức Giêsu đã dạy bảo tôi?
3. “Tôi không kết án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. ĐGH Phanxicô nhắc nhở: “Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót. Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Lòng thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thương xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta” (Misericordiae Vultus, số 2). Tôi có cảm nhận một cách sâu sa về lòng thương xót và sự tha thứ mà Thiên Chúa đã dành cho tôi trong cuộc sống? Tôi có học cho biết xót thương và tha thứ cho người khác, như Chúa đã xót thương và tha thứ cho tôi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là vị thẩm phán công minh nhưng đầy lòng từ bi nhân hậu, hết mực yêu thương những kẻ khốn cùng và sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân. Tin tưởng vào lòng thương xót Chúa, chúng ta hãy chân thành và khẩn khoản cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo ơn tha thứ cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và các vị mục tử trong Hội Thánh luôn mặc lấy tâm tình thương xót của Thiên Chúa, hết lòng yêu thương chăm sóc những người tội lỗi.
2. Đời sống gia đình trong xã hội hôm nay đang gặp nhiều khủng hoảng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đã chọn bậc sống hôn nhân, luôn trung thành với lời hôn ước, biết ý thức chu toàn bổn phận vợ chồng và trách nhiệm làm cha mẹ trong gia đình.
3. “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá trước đi.” Chúng ta cùng cầu xin cho các kitô hữu biết ý thức lỗi lầm và thành tâm sám hối qua việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải trong mùa Chay thánh này, để được hiệp thông với Thiên Chúa và làm hòa với mọi người.
4. Chúa nói với người phụ nữ: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúng ta cùng cầu xin cho tư tưởng, lời nói và việc làm của từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn thấm nhuần tinh thần bao dung theo gương Chúa Kitô.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, xin nhận lời chúng con tha thiết cầu nguyện. Xin ban ơn nâng đỡ và hướng dẫn, giúp chúng con luôn trung thành sống theo ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm
-
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023