Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM A
(Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42)
Chủ đề:
KHAO KHÁT NƯỚC HẰNG SỐNG: ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
“Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.
Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy
một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 5,17).
I. CÁC BÀI ĐỌC
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về tình yêu liên lỉ và mang tính cá vị giữa Thiên Chúa với từng người chúng ta, thể hiện qua việc Người muốn ban cho chúng ta nguồn sống, thần khí sự sống để chúng ta được sống và sống đời đời. Một trong những biểu tượng của sự sống mà Chúa Nhật hôm nay nhấn mạnh, đó là nước. Nước là một nhu yếu phẩm cho cuộc sống. Không có nước, con người sẽ chết. Trong hành trình sa mạc để tiến về Đất Hứa, Dân Israel đã khát vì không có nước. Thiên Chúa đã làm thỏa cơn khát của họ bằng cách cho nước chảy ra từ tảng đá ở núi Khôrép. Tuy nhiên, ai uống nước đó, vẫn còn khát. Đức Giêsu đã ban một thứ nước hằng sống mà ai uống vào sẽ không bao giờ khát nữa. Nước đó chính là ơn cứu độ của Thiên Chúa.
1. Bài đọc I (Xh 17,3-7)
Thiên Chúa yêu thương dân Israel, đã chọn họ làm dân riêng của Người, nên đã nhớ lại lời giao ước với tổ phụ Abraham mà giải phóng họ khỏi ách nô lệ của người Aicập để đưa họ về Đất Hứa. Trên cuộc hành trình về Đất Hứa, chẳng hạn khi dân đói, Người đã nuôi họ bằng manna và chim cút (Xh 16); và Bài đọc I hôm nay đề cập tới một nhu cầu thiết yếu khác của dân: khát nước, và Người đã cho họ hết khát.
Cựu Ước đề cập đến ba sự kiện dân khát nước. Lần đầu tiên ở Mara. Dân lẩm bẩm kêu trách Đức Chúa vì họ khát, và Người đã truyền cho ông Môsê làm nước đắng hóa ngọt để dân uống thỏa lòng (Xh 15,22-27). Lần thứ hai được thuật lại trong bài đọc hôm nay (Xh 17,3-7). Dân lại khát và kêu trách Đức Chúa. Đức Chúa đã truyền lệnh cho ông Môsê cầm gậy đập vào tảng đá, nước liền vọt ra để dân hết khát. Lần thứ ba xảy ra tại Cađê (Ds 20,1-3). Bối cảnh cũng tương tự lần thứ hai. Ở đây, dân lại kêu trách Đức Chúa và Người lại truyền cho ông Môsê cầm gậy đập vào tảng đá để nước chảy ra cho dân uống.
Ẩn dưới ba sự kiện đó là sự thiếu lòng tin của dân Israel, thể hiện qua việc họ luôn cằn nhằn với ông Môsê, nổi loạn, kêu trách và thử thách Đức Chúa. Chính vì thế mà trong sự kiện thứ hai được thuật lại ở bài đọc hôm nay, ông Môsê đã đặt tên cho nơi đó là Maxa và Mơriva, nghĩa là gây sự và thách thức, vì dân Israel đã gây sự và thách thức Đức Chúa. Dầu vậy, Chúa vẫn giàu kiên nhẫn, đầy yêu thương mà đáp ứng nhu cầu khát của họ: Người ban nước để họ thỏa lòng. Nhờ những sự kiện này mà dân nhận biết rằng Thiên Chúa luôn ở với họ để họ vững tin mà tiến về Đất Hứa.
2. Bài đọc II (Rm 5,1-2. 5-8)
Bài đọc II trích thư gửi tín hữu Rôma cho thấy: Tình yêu Thiên Chúa là nền tảng của niềm cậy trông cho người tin để chúng ta vững vàng tiến về phía trước. Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, tình yêu thể hiện qua từng Ngôi Vị Thiên Chúa làm cho chúng ta được nên công chính.
Con người là tội nhân, không có khả năng tự làm cho mình nên công chính trước nhan Thiên Chúa. Nhờ ân sủng tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta đã nhận cách nhưng không đức tin, và nhờ tin, chúng ta sống niềm trông cậy và lòng yêu mến. Nhờ đức tin, chúng ta được nên công chính, được bình an với Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô; cũng nhờ tin, chúng ta được Đức Giêsu mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa.
Vì tin vào tình yêu của Thiên Chúa như thế, chúng ta không phải thất vọng. Nếu chúng ta đang thất vọng và bất lực vì đã bị án chết do nguyên tổ Ađam bất tuân Thiên Chúa, thì thánh Phaolô cho thấy theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Như thuở xưa Đức Chúa đã đến đúng thời đúng buổi để ra tay cứu giúp dân Israel khi họ gặp cảnh khốn cùng tuyệt vọng trong sa mạc, thì nay thiên Chúa cũng đến đúng thời đúng buổi để cứu thoát chúng ta.
3. Bài Tin Mừng (Ga 4,5-42; ngắn: Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42)
Bài Tin Mừng hôm nay rất giàu về ý nghĩa thần học nhưng phụng vụ muốn nhấn mạnh đến chủ đề khát nước và diễn tả cách thế Thiên Chúa thông truyền nguồn sống là ơn cứu độ cho con người. Chủ đề này đã được đề cập ở trong Bài đọc I trích từ sách Xuất Hành, nhưng trong bài Tin Mừng, có mức độ và ý nghĩa lớn hơn nhiều. Thật vậy, nước ở đây là nước đem lại sự sống đời đời (nước hằng sống) và đối tượng được hưởng không chỉ riêng dân Israel mà còn cho dân ngoại (Samari) và người ban nước là Đức Giêsu (không phải ông Môsê).
Đức Giêsu đã chủ động đến gặp người phụ nữ Samari khi bà đang làm công việc thường nhật là đi kín nước từ giếng Giacóp để đem về uống. Cuộc gặp gỡ bên bờ giếng trong Cựu Ước thường gợi lên việc thiết lập tương quan, nhất là tương quan tình yêu hôn nhân, chẳng hạn như trường hợp của Isaác (St 24,10-61) và Giacóp (St 29,1-20) hoặc Môsê (Xh 2,15b-21). Ở đây, có thể là tương quan tình yêu cứu độ giữa Thiên Chúa và con người.
Đức Giêsu đã chủ động xin nước uống để giải khát. Đây là một hành động không thể chấp nhận được, làm cho các tông đồ và ngay cả người phụ nữ Samari này cũng ngạc nhiên, thậm chí gây cớ vấp phạm. Thật vậy, theo truyền thống, không thể có chuyện một người đàn ông Dothái như Đức Giêsu lại xin nước uống từ một người phụ nữ Samari, vì cả hai đều coi nhau như thù địch. Hành động của Đức Giêsu cho thấy tình yêu cứu độ của Thiên Chúa sẽ vượt qua mọi rào cản và định kiến của xã hội, miễn sao có cơ hội để họ tìm kiếm và xin để Người ban. Còn về người phụ nữ Samari, điều đáng lưu ý ở đây là bà đã nhận ra tình trạng thật của bản thân, đã tự xưng thú tội lỗi của mình, đã tin vào Đức Giêsu, đã dám xin Người ban nước hằng sống, và sau đó bà đã ra đi loan báo về Người. Vì thế, Đức Giêsu đã ban nước hằng sống, là ơn cứu độ, không những cho bà mà cho cả những kẻ qua trung gian lời loan báo của bà mà đến tìm gặp Người và tin rằng Người là Đấng Kitô.
Nước trong câu chuyện này là một hình ảnh ẩn dụ để diễn tả về lòng nhân từ tha thứ và ân huệ lớn lao của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ là sự sống đời đời cho tất cả mọi người khao khát Chúa, chẳng phân biệt ai cũng không phân biệt nơi chốn (cho dù ở Giêrusalem hay ở Gơridim) nếu họ tin nhận Đức Giêsu là Đấng cứu độ.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Con cái Israel đã gây sự và thử thách Đức Chúa”. Trong cuộc sống hằng ngày, có khi nào vì chúng ta gặp những khó khăn thiếu thốn trước mắt, hay cứng lòng do thiếu đức tin, mà dám kêu trách, thử thách và gây sự với Thiên Chúa hay không? Chúng ta có biết rằng Thiên Chúa có quyền thử thách con người để thanh luyện đức tin hầu xứng đáng đón nhận phần thưởng cao quý là sự sống đời đời, còn con người không có quyền thử thách Thiên Chúa hay không?
2. “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa”. Dân Israel do không có lòng tin, dẫn đến thiếu niềm trông cậy và mất lòng yêu mến nên đã dám gây sự và thử thách Đức Chúa, hậu quả là họ không được lãnh nhận ân sủng mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ qua tổ phụ Abraham. Đời sống đạo của chúng ta dựa trên đức tin, đức cậy và đức mến. Ba nhân đức này luôn đi với nhau. Nếu không tin vào Thiên Chúa thì làm sao có thể trông cậy vào Người, và cũng từ đó, việc bác ái của chúng ta không còn có ý nghĩa trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta có ý thức rằng nếu thiếu hoặc chỉ chú trọng một trong ba nhân đức mà thôi, thì đời sống đạo của chúng ta trở nên khập khiễng và mất ý nghĩa hay không?
3. “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta lo tìm kiếm thỏa mãn những cơn khát nhu cầu vật chất tạm thời, hay tạo ra những nhu cầu giả tạo và dồn hết tâm trí để đáp ứng những nhu cầu đó. Nếu bước vào cuộc chạy đua như thế, chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn, không bao giờ lấy làm đủ, và cứ phải lao vào tìm kiếm vì những thứ mới vì tất cả chỉ tạm bợ chóng qua nên lại cứ “khát”. Chúng ta có ý thức rằng có một thứ cần thiết và vĩnh cửu, đó là “nước đem lại sự sống đời đời” mới là thứ đáng cho chúng ta kiếm tìm và làm cho chúng ta “không bao giờ khát nữa” hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa yêu thương và muốn tặng ban cho chúng ta nguồn sống là chính Con Một yêu dấu của Người. Trong tâm tình cảm tạ và với khao khát nên công chính để được sự sống đời đời, chúng ta cùng hiệp ý dâng lời cầu nguyện:
1. Tình yêu Thiên Chúa là nền tảng niềm cậy trông của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh biết dùng thời gian thuận tiện của mùa Chay để sám hối trở về với Chúa, và luôn là chứng tá sống động cho tình yêu Chúa giữa thế giới hôm nay.
2. Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ là sự sống đời đời cho mọi người khao khát Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc và những ai chưa nhận biết Chúa luôn khao khát tìm kiếm những điều thiện hảo, tích cực sống ngay lành hầu được muôn phúc lộc và bình an.
3. Nhờ đức tin, chúng ta được Đức Giêsu mở lối vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết ý thức củng cố và nuôi dưỡng đức tin, luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô qua đời sống cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích.
4. Thiên Chúa muốn chúng ta thờ phượng Người trong thần khí và sự thật. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta ngày càng trưởng thành hơn trong đời sống đạo, qua việc tham dự cử hành phụng vụ và tham gia các hoạt động bác ái xã hội.
Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng cứu độ và là Cha chúng con, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn huệ Thánh Thần, giúp chúng con biết thờ phượng và phụng sự Chúa cho phải đạo, hầu đáng hưởng sự sống muôn đời mà Chúa hứa ban qua Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Bình An khai giảng khóa huấn luyện huynh trưởng cấp 1- 2025
-
Giáo hạt Gia Định hành hương Năm Thánh -
Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2025 -
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023