Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN - NĂM A
Is 58,7-10 – 1Cr 2,1-5 – Mt 5,13-16
HỘI NHẬP ĐỂ LOAN BÁO
“Họ xem thấy những việc lành của các con
mà ngợi khen Cha các con trên trời” (Mt 5,16)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Is 58,7-10
Với sắc chỉ của hoàng đế Kyrô thuộc đế quốc Ba tư năm 538 TCN, người Do thái được hồi hương trở về để tái thiết đất nước. Và chính trong bối cảnh ấy tác giả sách Isaia III đã không ngừng đề cao việc củng cố mối tương quan của mỗi người với mọi người, đặc biệt những người đang lâm vào cảnh cơ cực, khốn quẫn.
Điều gì làm cho ta trở nên ánh sáng bừng lên như rạng đông? Điều gì làm cho lời cầu xin của ta đáng được Chúa mau nhậm lời? Điều gì làm cho đức công chính của ta đi trước dọn đường và vinh quang của Chúa đi sau nâng đỡ cuộc đời ta? Tác giả sách Isaia III đã đưa ra một loạt những việc làm cụ thể như con đường để dẫn đến sự hoàn thiện: Chia cơm cho người đói, đón tiếp người không nơi nương tựa, cho áo người mình trần, lưu tâm đến những người cốt nhục; loại bỏ gông cùm, cử chỉ đe dọa, lời nói hại người; làm thỏa lòng người bị hạ nhục.
2. Bài đọc II – 1Cr 2,1-5
Lời rao giảng về Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh được giáo đoàn Côrintô đón nhận là nhờ vào điều gì? Thánh Phaolô ý thức về hai điều:
a. Mình chỉ là ‘không’: ý thức mình không hùng biện, không khôn ngoan, không quyến rũ, nhưng yếu hèn, sợ hãi và run rẩy.
b. Chúa là ‘tất cả’: Ngài chỉ cậy dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa.
3. Bài Phúc Âm – Mt 5,13-16
Sau khi trình bầy ‘tám mối phúc’ như một chuẩn mực ắt có và đủ cho những ai muốn bước theo Ngài, Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra hai khái niệm chính để nói về bản chất của người môn đệ:
a. Muối cho đời: Muối là một trong số những phẩm vật thiết yếu cho đời sống con người (Hc 39,26). Nhưng khi nói ‘muối cho đời’ thì khái niệm muối ở đây lại mang một ý nghĩa biểu tượng. Vị mặn và khả năng hòa tan chính là bản chất của muối, và khi không còn giữ được hai đặc tính trên muối sẽ không còn là muối nữa. Đây chính là ý nghĩa mà Chúa Giêsu muốn sử dụng khi nói về thân phận người môn đệ. Một phẩm vật nào được ướp muối nó sẽ được bảo vệ để tránh hư thối, cũng thế người môn đệ cũng sống hòa đồng với mọi người và chính đời sống đức ái của họ sẽ góp phần lành mạnh hóa môi trường sống.
b. Ánh sáng cho thế gian: ‘ánh sáng’ là khái niệm rất quen thuộc của kinh thánh: Thiên Chúa là ánh sáng (Tv 27,1; Ga 1,5), Lề Luật của Chúa là ánh sáng (Tv 119,105), dân Israel khi thực hành và giảng dạy Lề Luật cũng được ví như ‘ánh sáng cho mọi dân tộc’ (Is 42,6;49,6). Trong viễn tượng của Tân Ước, ánh sáng chính là Đức Kitô (Lc 2,32; Ga 8,12: Mt 4,16). Đến lượt mình, Chúa Giêsu dùng lại khái niệm này để nói về bản chất người môn đệ. Điều làm cho họ trở nên ánh sáng chính là những việc lành mà họ thực hiện cho người khác. Và nhờ đó danh của Chúa Cha được nhận biết.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Anh em là muối cho đời’: Mặc dù phải luôn hòa tan thì muối mới có thể phát huy tác dụng, nhưng nếu muối không còn mặn thì khả năng hòa tan chẳng còn ích lợi gì. Người môn đệ cũng được mời gọi sống hòa mình để hội nhập cách tích vào môi trường sống, nhưng không vì thế mà đánh mất bản chất của mình là người môn đệ Chúa Kitô. Hội nhập không làm người môn đệ đánh mất đi chính mình, nhưng hội nhập là để giúp người khác cũng trở nên môn đệ Chúa Kitô giống như mình.
2. ‘Anh em là ánh sáng cho trần gian’: Người ta thật khó để nhận ra thế nào là ánh sáng, nhưng khi đôi mắt nhận biết mọi sự rõ ràng người ta nhận ra sự hiện diện của ánh sáng. Như thế ánh sáng không hiện diện như một mục đích nhưng là một phương tiện giúp con người sống và hoạt động. Khi không có ánh sáng thì cũng sẽ không có sự sống. Những việc tốt lành của người môn đệ chính là ánh sáng giúp thế gian nhận ra và ngợi khen Thiên Chúa Cha.
3. Bí quyết giúp thánh Phaolô chu toàn sứ mạng loan báo về ‘Đức Giêsu Kitô chịu đóng đính’ đó chính là khi ý thức mình chẳng là gì: yếu đuối, sợ hãi, run rẩy… khi ấy Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa sẽ hoạt động. Đây cũng là kinh nghiệm đắt giá mà Thi sĩ Tagore đã diễn tả qua bài thơ ‘Lời dâng 34’:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế gọi được người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế cảm thấy người ở mọi chốn, mọi nơi,
đến với người trong mọi thứ mọi điều
và dâng người tình tôi lúc nào cũng được.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì
nhờ thế không bao giờ lẩn tránh được người.
Chỉ mong ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế trói buộc được thân mình vào ý người muốn,
và nhờ thế thực hiện ý người trong suốt đời tôi
ý ấy là tình yêu người ràng buộc thân tôi.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên muối cho đời, và ánh sáng cho trần gian qua các việc lành thánh, để làm vinh danh Thiên Chúa và làm chứng cho Đức Kitô. Chúng ta cùng chung lời cảm tạ và hiệp ý cầu xin:
1. Chúa Giêsu nói: “Các con là sự sáng thế gian.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn là những mục tử tận tụy, nêu cao gương sáng, hầu dẫn đưa mọi con chiên trong ràn cũng như ngoài ràn về qui phục Thiên Chúa là chủ chiên duy nhất.
2. Xã hội hiện đại đang bị đe dọa bởi những trào lưu trái với tinh thần Tin Mừng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí ở khắp nơi trên thế giới biết can đảm khước từ bóng tối, luôn kiên trì tìm kiếm và quảng đại bước đi trong ánh sáng Đức Kitô.
3. “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu luôn ý thức thực thi tinh thần yêu thương phục vụ của Đức Kitô, trở nên gương sáng cho mọi người, nhằm khơi dậy lòng tin - cậy - mến nơi nhiều tâm hồn.
4. Người môn đệ của Chúa Kitô phải thấm nhuần tinh thần nhập thể của Thầy mình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi gia đình và từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống hòa đồng với mọi người, và góp phần lành mạnh hóa môi trường chung quanh.
Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch Chân - Thiện - Mỹ, xin thương chúc lành cho những ý nguyện chân thành của chúng con, và ban ơn trợ giúp để chúng con luôn biết làm sáng danh Chúa qua bổn phận hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Bình An khai giảng khóa huấn luyện huynh trưởng cấp 1- 2025
-
Giáo hạt Gia Định hành hương Năm Thánh -
Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2025 -
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023