Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 Phục Sinh, năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 Phục Sinh, năm A

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH A

(Cv 6,1-7; 1Pr 2,4-9; Ga 14, 1-12)

NHƯ VIÊN ĐÁ SỐNG

“Hãy lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống”
(1Pr 2,4)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở nên như những viên đá sống mà xây dựng ngôi nhà thiêng liêng trần thế - Giáo hội Chúa Kitô Phục sinh - và hướng lòng về ngôi nhà thiêng liêng đích thực trên trời - nhà Cha - trong đó Đức Giêsu Kitô là đường để ta đạt tới mục đích tối hậu này.

1. Bài đọc 1 (Cv 6,1-7)

Trong bài trích sách Công vụ Tông đồ, chúng ta nhận ra những bối cảnh khó khăn đầu tiên trong ngôi nhà của cộng đoàn các Kitô hữu sơ khai. Cộng đoàn này bao gồm những người Do Thái bản xứ nói tiếng Aram; một số khác là những người Do Thái sống trong các vùng Hy Lạp hóa và nói tiếng Hy Lạp. Hai nhóm người này, mặc dầu đều rất chân thành trong niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh, nhưng họ đã gặp phải những thách đố trước khi đạt đến một ý chung. Có vẻ như trong việc phân phát các lương thực hằng ngày, các bà góa nhóm Do Thái gốc được ưu tiên hơn so với các bà nhóm thuộc văn hóa Hy Lạp, là những người cảm thấy bị bỏ quên.

Để giải quyết vấn đề này, các Tông đồ đã triệu tập toàn thể các môn đệ và tiến hành việc phân chia công việc tông đồ. Họ vẫn duy trì cho mình trách nhiệm chính yếu, đó không phải thuộc về vật chất, mà về thiêng liêng. Họ nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải” (Cv 6,2). Các Tông đồ là những người phải chăm lo cho việc cầu nguyện và tác vụ Lời Chúa, bởi đó là phận vụ chính yếu của Giáo hội.

Tuy nhiên, cũng có những trách vụ về vật chất cần phải làm. Vì thế các Tông đồ đề nghị “tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó” (Cv 6,3). Ở đây bản văn chưa dùng từ ‘phó tế’, nhưng chính họ là những người khởi đầu cho chức vụ phó tế ở cộng đoàn sơ khai.

Và như vậy, vấn đề đã được giải quyết và cộng đoàn Kitô hữu tiếp tục phát triển trong việc xây dựng ngôi nhà của Giáo hội, như lời của sách Công vụ: “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (Cv 6,7).

2. Bài đọc 2 (1Pr 2,4-9)

Thánh Phêrô Tồng đồ đã viết trong thư thứ nhất của mình rằng, Giáo hội trước tiên, không phải là một tổ chức từ thiện, nhưng đúng hơn là “ngôi nhà thiêng liêng” (οἶκος πνευματικὸς) với nền móng là Đức Kitô, trong đó, mỗi Tông đồ là một “viên đá sống” (λίθοι ζῶντες). Đức Giêsu được xem như là “viên đá sống”, “đá gốc tường”, dù bị con người từ chối, nhưng lại được Thiên Chúa chọn và xem là quý giá (x.1Pr 2,4-6). Và tiếp theo, cũng chính viên đá ấy lại trở thành “viên đá làm cho vấp ngã” đối với những người không tin và không tuân thủ Lời Chúa. Chắc chắn xuyên suốt lịch sử Giáo hội, có thể có một vài hòn đá tách rời và đổ xuống, nhưng ngôi nhà Giáo hội vẫn mãi luôn đứng vững, vì luôn có Đức Giêsu là viên đá gốc tường.

3. Bài Tin Mừng (Ga 14, 1-12)

Bài Tin Mừng được trích từ những lời nói từ biệt của Chúa Giêsu trong buổi Tiệc ly, qua đó, Người nói sẽ đi dọn chỗ cho các môn đệ trong ngôi nhà của Chúa Cha và Người cũng mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha.

Trước đó, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về số phận bi đát đang đợi Người và về việc Người phải ra đi (x. Ga 13,33). Nghe vậy các môn đệ cảm thấy buồn rầu và sợ hãi. Nhưng Đức Giêsu đã bảo đảm với các ông và khuyên các ông hãy tin vào Chúa và tin vào Người, bởi chính Người sẽ đi dọn chỗ cho các ông trong “nhà của Cha tôi” (οἰκίᾳ τοῦ πατρός μου), sau đó Người sẽ trở lại và sẽ mang theo các ông và như thế Đức Giêsu và các môn đệ sẽ được ở cùng nhau (x. Ga 14,1-3).

Ở đây chúng ta thấy một hình ảnh như một gia đình rất thân thương, đó là Đức Giêsu sẽ đi dọn chỗ cho các môn đệ nơi nhà Cha Người. Nhưng dọn bằng cách nào? Người dọn bằng những đau khổ, cuộc thương khó và sự phục sinh của Người. Rồi chúng ta cũng có thể hiểu rằng chỗ mà Chúa Giêsu dọn cho chúng ta nằm ngay trong chính thân thể khổ nạn và phục sinh của Người. Vì lẽ chúng ta được kể như là chi thể trong thân thể Đức Kitô, cho nên Người chuẩn bị cho chúng ta một chỗ trong thân thể ấy.

Trả lời cho nghi vấn của Tôma: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”, Đức Giêsu đã hé lộ một trong những mạc khải trọn vẹn và mầu nhiệm hơn về bản thân Người: “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,5-6).

Ở đây chúng ta thấy rằng Đức Giêsu với chúng ta là tất cả: Người là cùng đích mà chúng ta phải đến, nhưng cũng là đường chúng ta đi để đạt tới đích đến. Vì thế, chúng ta phải bước theo Người như bước theo một con đường và bắt chước Người đi. Và chúng ta sẽ bắt chước được Người nếu chúng ta sống trong tình yêu thương, hiệp nhất.

Tiếp theo Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha. Người nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Nếu chúng ta muốn biết Thiên Chúa, chúng ta phải chiêm ngắm Đức Giêsu, biết lắng nghe và bước theo Người.

Người còn nói thêm: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12). Rõ ràng là các môn đệ đã làm được nhiều việc hơn Đức Giêsu, vì Đức Giêsu trong cuộc sống trần thế của Người chỉ giới hạn ở vùng Palestin, và chỉ thỉnh thoảng Người mới đi ra một chút khỏi ranh giới này. Còn các tông đồ đã thực thi sứ vụ của mình ở nhiều nơi khác nhau. Và như thế những việc làm của chính Giáo hội Chúa cũng nhiều hơn Đức Giêsu.

Nhưng thực tế, việc làm của Giáo hội cũng chính là việc làm mà Đức Giêsu tiếp tục thực hiện, đó là việc làm của Đấng Phục Sinh. Bởi thế Người nói thêm: “bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm” (Ga 14,13). Chính nhờ Đức Giêsu, là đường, sự thật và sự sống, chúng ta có thể làm được mọi sự, thậm chí là có thể đạt tới một đời sống kết hiệp với Chúa Cha.

Cũng như các tông đồ, chúng ta là những khí cụ, được mời gọi cụ thể hóa nơi đời mình những việc làm của Đức Giêsu. Trong đời sống gia đình, cộng đoàn, trong công việc hay bất cứ môi trường nào, chúng ta cần phải thực hiện những hoạt động thánh thiêng: là chầm chậm cải biến và xây dựng ngôi nhà thế giới này theo kế hoạch của Chúa Cha, nhờ lời cầu nguyện của chúng ta và qua sự kết hiệp với Đức Kitô trong tình yêu bao la của Người.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải” (Cv 6,2). Câu Kinh Thánh này gợi lại cho tôi hình ảnh và vai trò của Maria và Mátta trong một cộng đoàn gia đình Kitô hữu hôm nay. Vậy đang khi phải góp phần xây dựng cộng đoàn Kitô hữu của Đấng Phục sinh, tôi và những cộng sự của tôi có “chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42)?

2. “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống mà xây nên ngôi nhà thiêng liêng” (1Pr 2,5). Là những chi thể trong một thân thể là ngôi nhà chung thiêng liêng, tôi được mời gọi nhìn lại và kiểm định xem tôi đã và đang là viên đá sống góp phần xây dựng và làm vững chắc cộng đoàn, hay tôi đang như là những viên đá to lớn nhưng lạnh lẽo và trơ trọi?

3. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Hành trình của tôi nơi quê hương trần thế có cùng đích là hướng về nhà Cha trên trời. Vậy đâu là vai trò của Đấng Phục sinh trong hành trình này của tôi? Tôi có tin thật Đức Giêsu Kitô và cảm nghiệm được rằng Người vẫn đang yêu thương, đồng hành và nâng đỡ tôi mỗi ngày trong hành trình đức tin?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” đã đến để chỉ lối, và đi trước để dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa Cha là nguồn mạch sự sống và mọi ơn lành. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa và tin tưởng dâng lời cầu nguyện.

1. “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn đầy khôn ngoan và Thánh Thần, để qui tụ và hướng dẫn mọi người trong bổn phận thờ phượng và tích cực xây dựng nước Chúa.

2. Chúa Giêsu nói: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho con người thời đại hôm nay biết tin nhận Đức Kitô Phục Sinh, luôn gắn bó và trung thành tuân giữ giáo huấn của Ngài, để xứng đáng được hưởng sự sống đời đời.

3. “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là dân riêng của Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết ý thức ơn gọi cao quý do bí tích Rửa tội, luôn nỗ lực tuyên xưng và làm chứng cho đức tin qua bổn phận và trong hoàn cảnh riêng của mình.

4. “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta ngày càng trưởng thành trong đức tin, và biết diễn tả đức tin ấy bằng một đời sống thấm nhuần yêu thương và dấn thân phục vụ theo gương Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần giúp chúng con luôn vững bước trên hành trình đến với Thiên Chúa Cha. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top