Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 31 thường niên - Năm C
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C
Kn 11,22-12,1; 2 Tx 1,11-2,2; Lc 19,1-10
Chủ đề: Đức Giêsu tìm gặp và biến cải đời ta
“Thiên Chúa xót thương hết mọi người”
(Kn 11,22)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Từ đoạn Tin Mừng thật đẹp ghi lại cảnh gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Giakêu tại thành Giêricô và kết thúc là một sự biến cải cuộc đời của ông, chúng ta có thể đọc được sứ điệp nổi bật mà cả ba bài đọc của Chúa Nhật 31 thường niên hôm nay muốn gởi đến cho chúng ta: “Thiên Chúa xót thương hết mọi người” (Kn 11,22).
1. Bài đọc I (Kn 11,22-12,1)
Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta một đoạn của sách Khôn ngoan, diễn tả tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với con người chúng ta. Tác giả đã ví thân phận con người khi đứng trước Đấng Tạo hóa thật nhỏ bé, chỉ tựa “hạt gạo trên bàn cân” hay “giọt sương sa trên mặt đất lúc rạng đông” (11,22).
Dù nhỏ bé như thế, nhưng “Thiên Chúa đã hằng thương xót hết tất cả mọi người”, không chừa một ai. Không những thế, Ngài lại còn “nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (11,23).
Vậy tại sao Thiên Chúa lại yêu thương loài thụ tạo bé nhỏ và tội lỗi như chúng ta nhiều như thế? Tác giả sách Khôn ngoan đã đưa ra một lý do rất đơn giản, nhưng thật nền tảng, đó là: “nếu như Chúa ghét bỏ loài nào, thì Ngài đã chẳng dựng nên” (11.24).
Vì thế, do bởi tình yêu này, đứng trước tội lỗi và sự phản nghịch của con người, Thiên Chúa vẫn “tốt lành và hiền hậu”. Ngài “từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa” (12,2).
2. Bài đọc II (2 Tx 1,11-2,2)
Vậy dựa vào đâu mà Thiên Chúa lại tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi sự biến đổi của con người tội lỗi chúng ta?
Thánh Phaolô tông đồ trong đoạn trích từ thư thứ hai gởi tín hữu Thêxalônica đã trả lời cho chúng ta: Thiên Chúa, một khi đã đoái thương và kêu gọi chúng ta làm nghĩa tử, thì chính Ngài sẽ làm cho chúng ta trở nên xứng đáng với ơn gọi đó, bằng cách dùng quyền năng của Ngài mà kiện toàn chúng ta, đặc biệt là nhờ Đức Giêsu và ân sủng của Đức Giêsu (x. 2Tx 1,11-12).
3. Bài Tin Mừng (Lc 19,1-10)
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Giakêu trong bài Tin Mừng hôm nay như là một sự minh chứng cụ thể cho những điều được tuyên bố trong bài đọc I và II: Thiên Chúa xót thương hết mọi người. Qua Đức Giêsu Kitô, Ngài sẽ tìm gặp và biến cải đời chúng ta.
Tin Mừng kể về thân phận Giakêu như hạt gạo và sương mai trong bài đọc I. Ông là một người thấp bé; không chỉ vậy, ông lại là một người thu thuế, mà còn là đầu sỏ, và lại là một người giàu có, và chắc chắn là bất chính. Với những đặc tính này chắc chắn ông sẽ bị liệt vào hạng tội lỗi, hạng bị khinh miệt tột cùng trong xã hội lúc bấy giờ. Và như thế chắc chắn ông sẽ không có có cơ hội nào để đứng cùng với đám đông trong mọi sự kiện.
Thấp bé về thể lý có thể chấp nhận được, nhưng thấp bé về nhân cách, về thân phận, chắc chắn sẽ làm con người xa rời đám đông, xa rời cộng đồng. Đó là những thách đố và chướng ngại không dễ gì vượt qua.
Nhưng vì khao khát muốn gặp gỡ Đức Giêsu, Giakêu đã không quản chướng ngại đời mình, tận dụng cơ hội và khéo léo chọn cho mình một giải pháp hay: đó là giải pháp chạy trước và trèo lên cây vả, một giải pháp “hiệp thông từ xa”, vừa an toàn tránh khỏi đám đông, nhưng lại vừa thỏa mãn ước mơ của đời mình, đó là gặp Chúa.
Trong bối cảnh tưởng chừng như rất bi đát của một con người với một niềm hy vọng mong manh nhỏ bé, thì tác giả Luca lại tường thuật cho ta một bức tranh trái ngược với những điều xảy ra tiếp theo: đó là một bức tranh rất lạc quan và đầy niềm vui hoán cải. Đức Giêsu nhìn lên Giakêu. Thay vì truy vấn danh tính và thân phận, nhất là lỗi lầm của người ẩn mình mà ta hay thường làm, Chúa Giêsu lại im lặng bỏ qua và nói một câu đầy ân sủng làm mọi người bất ngờ: "Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (19,5).
Trái ngược với thái độ mở lòng và đầy yêu thương của Đức Giêsu với Giakêu, đám đông ở đây lại khinh miệt và càm ràm: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ” (19,7).
Nhưng dường như Đức Giêsu và Giakêu không quan tâm lắm đến đám đông thị phi, vẫn tiếp tục tiến trình đối thoại, hoán cải và trao ban. Giakêu thì trao ban niềm vui hoán cải và tài sản của ông: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (19,9). Đức Giêsu thì trao ban ơn cứu độ và một thông điệp xót thương quan trọng của Thiên Chúa: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (19,10).
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Thiên Chúa hằng xót thương hết mọi người. Vậy, là thụ tạo bé nhỏ của Ngài, tôi có cảm nghiệm được Chúa vẫn đang ân cần yêu thương tôi không?
2. Thiên Chúa đã đi ngang qua đời Giakêu và biến đổi ông. Vậy tôi có nhận ra những lần Thiên Chúa đi ngang qua đời tôi, qua Lời Chúa, qua Thánh Thể, hay qua các vị đại diện của Ngài, với lời mời gọi tôi biến cải cuộc đời không?
3. Thay vì cứ phải co mình và than trách số phận và hoàn cảnh, tôi có như Giakêu, mạnh dạn vượt qua những trở ngại đời mình để đến với Chúa và gặp gỡ Ngài không?
4. Là con cái Chúa, tôi có chia sẻ phẩm tính yêu thương tốt lành của Ngài với hết mọi người, nhất là đối với những người tôi cho là “Giakêu” không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Những người thành tâm tìm kiếm chân lý sẽ được Chúa ban ơn cứu độ. Tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, chúng ta cùng hiệp lời cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ vụ diễn tả dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa cho thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục, và mọi thành phần dân Chúa luôn ý thức thực thi sứ vụ cao quí ấy qua những nỗ lực “tân phúc âm hóa” đời sống xã hội và gia đình.
2. Chúa nói với ông Giakêu: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc và quốc gia chưa được đón nhận đức tin, xin cho các nhà lãnh đạo tại đó có thêm thiện chí và những chính sách phù hợp để người dân có điều kiện lắng nghe và đón nhận Tin Mừng cứu độ.
3. “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người lầm lạc tội lỗi, cách riêng những bạn trẻ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn minh sự chết, biết tin tưởng cậy trông vào lòng thương xót Chúa, quyết tâm hoán cải và tích cực làm lại cuộc đời.
4. Kitô hữu được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức và hoàn tất ơn gọi của mình qua việc chu toàn bổn phận hằng ngày, luôn nỗ lực sống đức ái với mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ thiếu thốn.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu, xin thương nhận lời chúng con thành tâm kêu cầu và giúp chúng con khi sống ở đời biết lo tìm kiếm và sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ Cha ban qua Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023