Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 3 Thường niên - năm A
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN A
Is 8,23b-9,3; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23
Chủ đề:
HOÁN CẢI ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG ƠN CỨU ĐỘ
TỪ ĐỨC GIÊSU KITÔ DUY NHẤT
“Anh em hãy sám hối
vì Nước Trời đã gần đến.” (Mt 4,17)
Các bài đọc Lời Chúa cho chúng ta thấy viễn ảnh và sứ vụ của Kitô hữu, hoán cải để bước vào một tương quan mới với Thiên Chúa và với Đức Giêsu, từ đó bắt đầu thi hành sứ vụ của mình là loan báo Tin Mừng Nước Trời cho tất cả mọi người.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Is 8,23b-9,3)
Bài đọc I trích từ sách ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết rằng tại đất Galilê, thời đó được kể là vùng đất của dân ngoại vì bị đế quốc Assyria xâm chiếm sau khi dân Israel bị đưa đi lưu đày, “dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Đám người đang sống trong bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Ở đây, ngôn sứ Isaia nhắc dân Israel vào thời ấy nhớ rằng ánh sáng của Thiên Chúa luôn chiếu sáng và hướng dẫn họ để giúp họ vượt ra khỏi bóng tối của tù tội, của áp bức và bạo tàn, của đau khổ và thất vọng ở chốn lưu đày. Ngôn sứ Isaia mời gọi họ hết lòng tin tưởng vào ánh sáng của Thiên Chúa, đó là ánh sáng đích thực có thể soi dẫn họ ra khỏi cảnh đen tối.
Lời ngôn sứ Isaia khi ấy tiên báo về một vị vua lý tưởng thuộc dòng dõi Đavít sẽ đến Galilê, khai mở thời công lý và hòa bình, nhưng vị vua ấy cũng được gọi là Emmanuel như đã tiên báo trước đó (Is 7,14). Thiên Chúa, qua vị vua này, sẽ giải thoát dân khỏi cảnh đen tối của áp bức lưu đày để khởi đầu một thời kỳ đầy tươi sáng và tràn niềm vui. Lời tiên báo đó đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu khi Người khai mở thời kỳ cứu độ từ Galilê, bằng việc khai sáng tâm hồn người ta để kêu gọi họ sám hối và tin vào Tin Mừng mà Người rao giảng.
2. Bài đọc II (1Cr 1,10-13.17)
Trong bài đọc II, thánh Phaolô cho thấy Đức Giêsu đã sai ngài đi làm phép rửa và rao giảng Tin Mừng để tiếp tục sứ vụ của Đức Giêsu xưa, qua đó cho thấy sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá. Còn đối với Kitô hữu, là những người đã được đón nhận ánh sáng Tin Mừng, cần hiệp nhất với nhau trong Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô cảnh báo tín hữu Côrintô hãy tránh sự chia rẽ trong cộng đoàn, vì như thế sẽ làm tổn hại đến sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô và làm mất ý nghĩa của sứ vụ loan báo Tin Mừng mà ngài và các tông đồ khác đã thực hiện.
Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy hiệp nhất với nhau trong lời ăn tiếng nói và cả hành động bằng cách không chia rẽ, nhưng sống hòa thuận và một lòng một ý với nhau ngay trong mỗi cộng đoàn và giữa các cộng đoàn khác. Quả thật, với cộng đoàn của Côrintô thời ấy, mỗi vị tông đồ đóng góp một vai trò nhất định nào đó cho cộng đoàn, vì thế nảy sinh sự phân rẽ trong dân: “tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Ðức Kitô”. Không thể xảy ra như thế, không thể để “Ðức Kitô bị chia năm sẻ bảy” mà tất cả đều thuộc về Đức Giêsu Kitô mà thôi. Bởi vì tất cả đều chịu một phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, có cùng một đức tin, chia sẻ chung một tấm bánh, cùng sống vì ích chung và nhất là được chính một Đức Giêsu đã chịu khổ nạn, chết và phục sinh để ban ơn cứu độ cho mọi người.
3. Tin Mừng (Mt 4,12-23)
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai tại miền Galilê. Sau khi chịu Phép Rửa của ông Gioan tại sông Giođan (Mt 3,13-17), Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1-11). Sau đó, khi nghe ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê, rồi bỏ Nadarét, đến Caphácnaum và từ đó, Người bắt đầu rao giảng Tin Mừng (Mt 4,12-17). Ngay khi vừa bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Mt 4,18-22), và dân chúng rất đông ở khắp miền Galilê đến để nghe Người rao giảng và được chữa lành (Mt 4,23-25).
Bài Tin Mừng trình thuật tóm lược sứ vụ của Đức Giêsu và nội dung lời loan báo của Người. Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ ở miền Galilê bằng việc “rao giảng Tin Mừng Nước Trời” và “chữa lành hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân”. Hành động này của Đức Giêsu là cách hiện thực hóa lời tiên báo của ngôn sứ Isaia trong bài đọc I, đã được Tin Mừng trích dẫn trước đó: “Hỡi Galilê, miền đất dân ngoại, đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.
Lời đầu tiên của sứ điệp Tin Mừng là kêu gọi người ta “sám hối” hay “hoán cải”. Sự hoán cái này không chỉ là hành động quay trở về qua việc ăn năn hối cải vì những tội lỗi trong quá khứ, mà còn là một lời kêu gọi thay đổi tận căn để bước vào một tương quan mới với Thiên Chúa và với Đức Giêsu từ nay về sau. Thật vật, “hoán cải” theo tiếng Hylạp là “metanoia”, nghĩa là một sự thay đổi tận căn trong tâm khảm, từ cách suy, nếp nghĩ, lời ăn tiếng nói và mọi hành vi. Đó là sự thay đổi toàn diện để bắt đầu một lối sống mới.
Ngay khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Việc các ông lập tức từ bỏ mọi sự mà theo Người vô điều kiện là một cách đáp trả tận căn lời kêu gọi “hoán cải” trong lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu. Các ông là những người dấn thân trọn vẹn qua việc từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ, của cải vật chất, nghề nghiệp và cả những tương quan trần thế, kể cả cha mẹ và anh em ruột thịt để theo Đức Giêsu, trở thành những môn đệ “kề cận” của Người. Ơn gọi này được khởi xướng từ Đức Giêsu, nhưng để thành sự thì hoàn toàn do thái độ đáp trả của người được gọi. Nhờ vậy, họ thiết lập với Đức Giêsu một sự hiệp thông sâu xa để có thể trải nghiệm được toàn bộ đời sống của Đức Giêsu qua các lời giáo huấn và hành động của Người, và tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân để quy tụ mọi người về trong một Giáo Hội duy nhất, như quy tụ “cá vào trong lưới”.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” Đức Giêsu chính là ánh sáng huy hoàng đã chiếu soi cho mọi người. Có nhiều thứ bóng tối đang bao phủ đời sống chúng ta: bóng tối của bất công và tàn bạo, ích kỷ và mưu mô, gian trá và lường gạt, ghen ghét và thù hận, đam mê và nghiện ngập…. Những bóng tối thường làm cho chúng ta cảm thấy cô đơn và sợ hãi, đau khổ và bệnh hoạn. Chúng ta có ý thức rằng Tin Mừng của Đức Giêsu là ánh sáng có thể soi chiếu để giúp chúng ta thoát khỏi những bóng tối đó hay không?
2. “Hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận một lòng một ý với nhau.” Nhờ cùng chịu một phép rửa và có chung một niềm tin, Kitô hữu được hiệp nhất với nhau như các chi thể trong một thân thể duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta có ý thức rằng chia rẽ chính là mầm mống làm tan nát thân thể Đức Giêsu Kitô là Giáo Hội hay không? Chúng ta có ý thức rằng phải loại bỏ mọi sự phân rẽ phe nhóm trong các giáo xứ, dòng tu, hội đoàn… vì bất cứ lý do và hình thức nào, vì nếu không, chúng ta sẽ làm cho “Đức Kitô bị chia năm xẻ bảy” hay không?
3. Đức Giêsu bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.” Sự từ bỏ mọi sự này như là một đòi buộc cốt yếu đối với sứ vụ của người làm môn đệ Đức Giêsu. Nhờ đó, họ được tự do thanh thoát và có thể mở ra một tương quan mới rộng lớn hơn hướng đến mọi người và giúp mọi người được đón nhận ơn cứu độ. Tin Mừng Mátthêu đã xây dựng hình ảnh người môn đệ như một mẫu gương lý tưởng cho mọi Kitô hữu. Do đó, cách đáp trả của các môn đệ và sứ vụ của họ cũng là của mỗi Kitô hữu chúng ta. Chúng ta có ý thức rằng Nước Thiên Chúa có được mở rộng hay không một phần tùy thuộc vào việc các môn đệ, là mỗi Kitô hữu chúng ta, có quảng đại đáp trả lời kêu gọi của Chúa và nghiêm túc thực thi lệnh truyền loan báo Tin Mừng để quy tụ mọi người vào trong Giáo Hội hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ đã ban tặng Đức Giêsu Kitô là ánh sáng chiếu soi và dẫn đường cho toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy đồng thanh cảm tạ Chúa và thân thưa với Người những tâm tình và ước nguyện chân thành:
1. “Ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng tối sự chết.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn ý thức sứ vụ giới thiệu và làm chứng về Đức Kitô là ánh sáng thật cho thế gian, để soi chiếu những người đang ở trong bóng tối của bất công, bạo lực, gian dối, và thù hận.
2. Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ với lời mời gọi: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới, cách riêng những tâm hồn thành tâm thiện chí nhưng chưa tin nhận Đức Kitô, được đón nhận Tin Mừng cứu độ, hầu thay đổi tận căn đời sống cho phù hợp với Nước Trời.
3. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình.” Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu biết vượt qua những khác biệt gây chia rẽ, tìm được sự đồng tâm nhất trí trong các cộng đoàn và với cộng đoàn khác, để giữ gìn và xây dựng sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô.
4. Các môn đệ đầu tiên đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người cùng các gia đình trong cộng đoàn chúng ta, biết quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa và dấn thân trọn vẹn cho Tin Mừng qua việc từ bỏ triệt để, luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong bổn phận hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin nhận lời chúng con chân thành cầu nguyện và rộng ban mọi ơn lành hồn xác, giúp chúng con luôn trung thành và sống xứng đáng là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, con Cha. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Bình An khai giảng khóa huấn luyện huynh trưởng cấp 1- 2025
-
Giáo hạt Gia Định hành hương Năm Thánh -
Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2025 -
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023