Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên C
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN C
Xh 17,8-13; 2 Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8
KIÊN TÂM CẬY TRÔNG VÀO CHÚA
“Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét
cho những kẻ Người đã tuyển chọn,
ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?”
(Lc 18,7).
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Hành trình Dân Chúa chinh phục Đất Hứa không hề là điều dễ dàng. Họ phải chiến đấu với nhiều vua chúa và dân tộc bản địa. Nhưng trên hết, trong tâm thức của Dân Chúa, Thiên Chúa mới là Đấng chiến đấu và giúp họ chiến thắng.
Amalếch là một nhóm dân du mục trong vùng đất Canaan, kiếm sống một phần bằng cách tấn công những nhóm dân cư khác và chiếm tài sản của họ (x. Tl 3,13). Dân Amalếch thuần dưỡng lạc đà và dùng nó để thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ. Tuy bị tấn công bởi một nhóm dân khá hùng mạnh như thế, nhưng xem ra Môsê không chuẩn bị kỹ càng cho cuộc chiến: Ông không đích thân chỉ huy mà cử Giôsuê, một phụ tá trẻ, phụ trách việc chiến đấu; hơn nữa, ông chỉ ra lệnh cho Giôsuê “chọn một số người” ra nghênh chiến. Như thế, đối với Môsê, đây không phải là một cuộc chiến dựa vào chiến thuật của con người.
Thay vào đó, trong vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, hành động của ông Môsê mới là yếu tố quyết định của cuộc chiến thắng. Từ trên đồi cao, ông Môsê, với sự trợ giúp của hai ông Aharon và Khua, đã giương cao cây gậy như là dấu chỉ quyền năng của Thiên Chúa. Và bao lâu cây gậy còn được giương cao, thì bấy lâu Ítraen còn chiến thắng. Như thế, đây không phải là cuộc chiến thắng của những cố gắng của con người mà là cuộc chiến thắng nhờ sức mạnh của Thiên Chúa. Bao lâu Dân Chúa biết cậy dựa vào Thiên Chúa, thì Ngài sẽ ra tay chiến đấu và giúp họ chiến thắng.
Kinh nghiệm của bao thế hệ Dân Chúa dạy họ rằng nếu dân tin tưởng, cậy trông vào sức mạnh của Thiên Chúa, và biết kêu cầu danh Ngài, thì Ngài sẽ giúp họ chiến thắng mọi quân thù.
2. Bài đọc 2:
Trong bối cảnh của những lung lạc có thể xảy ra vào thời cuối cùng, tác giả thư thứ hai gửi ông Timôthê cho thấy Sách Thánh có nguồn gốc thần linh và có sức giáo huấn người ta trở nên khôn ngoan, công chính mà đón nhận ơn cứu độ. Vì thế, Sách Thánh cần được rao giảng cho người khác.
Trước hết, Sách Thánh có nguồn gốc thần linh. Quả vậy, tác giả thư thứ hai gởi ông Timôthê khẳng định cách chắc chắn rằng tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều được Thiên Chúa linh hứng (2 Tm 3,16). Dù được viết ra bởi tác giả nhân loại, nhưng Sách Thánh chính là Lời Chúa, Lời được viết ra theo ý định của Thiên Chúa vì ơn cứu độ của con người. Vì thế, Sách Thánh chính là chuẩn mực cho đời sống đức tin, là kim chỉ nam hướng dẫn con người đường về với Thiên Chúa.
Sau nữa, Sách Thánh có chức năng giáo huấn. Thật vậy, Sách Thánh “có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô” (2 Tm 3,15). Đối với tác giả thư thứ hai Timôthê, ơn cứu độ được hứa ban cho những ai có lòng tin vào Đức Giêsu Kitô (x. Mc 16,16; Rm 1,16; 10,9); và người ta chỉ thật sự trở nên khôn ngoan khi được sự dạy dỗ của Sách Thánh, để có thể hiểu, tin và đón nhận ơn cứu độ. Vì thế, Sách Thánh được xem như phương tiện hữu hiệu và “có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (3,16), nghĩa là được biến đổi để trở nên xứng đáng với cứu độ.
Sau cùng, Sách Thánh cần được rao giảng cho người khác. Ông Timôthê được tha thiết mời gọi hãy rao giảng lời Chúa, dù thuận tiện hay không. Một khi biết dùng Sách Thánh mà “biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (4,2), thì Sách Thánh trở nên chuẩn mực hướng dẫn đời sống. Để Sách Thánh được người khác nhận biết và yêu mến đòi hỏi nỗ lực của người rao giảng, có khi chấp nhận vượt qua những khó khăn, những bất tiện.
3. Bài Tin Mừng:
Dụ ngôn cho thấy sự đối nghịch giữa một vị quan tòa đầy quyền lực, ở địa vị cao và thuộc tầng lớp trên trong xã hội với một bà góa yếu ớt, thấp kém và bị coi thường. Vì bà thuộc tầng lớp thấp trong xã hội, nên chắc chắn sẽ phải chịu thiệt thòi khi khiếu kiện. Dẫu vậy, với sự kiên trì, bà đã đạt được điều bà muốn. Khi kể dụ ngôn này, chắc hẳn Chúa Giêsu không có ý đánh đồng các môn đệ với bà góa, hay Thiên Chúa với ông quan tòa bất chính, nhưng đặt các môn đệ trước những thái độ sống khác nhau.
Một là thái độ sống của vị quan tòa. Ông ta là hiện thân của một lối sống thực dụng của kẻ có quyền. Vì có quyền nên ông không thừa nhận bất cứ một thứ quyền bính nào ở trên ông (không kính sợ Thiên Chúa), nhưng lại biết dùng quyền cách hiệu quả với những kẻ ở dưới ông (không coi ai ra gì). Với quyền bính trong tay, ông không cần tin ai mà cũng chẳng phải sợ ai, nên ông chẳng bận tâm đến việc thực thi công lý. Điều ông quan tâm chỉ là một cuộc sống thoải mái, yên bình. Do vậy, dù “không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng coi ai ra gì”, ông đã minh xét cho bà góa chỉ vì muốn có một cuộc sống không bị phiền hà, quấy rầy. Hai là thái độ sống của bà góa. Bà góa không có tí quyền bính hay chút địa vị nào, nhưng lại đầy quyết tâm và tin tưởng rằng công lý sẽ được thực thi; và bà sẽ không từ bỏ cho đến khi đạt được mục đích. Bà bất chấp mọi khó khăn, bà không sờn lòng nản chí vì thân phận thấp kém của mình, mà quyết tâm đòi hỏi cho đến khi được đáp ứng mới thôi.
Ngay từ đầu dụ ngôn, tác giả Luca đã xác định rõ rằng, mục đích của dụ ngôn này là để dạy các môn đệ “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn mời gọi các môn đệ bắt chước thái độ của bà góa trong đời sống cầu nguyện. Bà goá được lắng nghe vì bà đã kiên trì kêu cầu. Nếu một ông quan tòa chẳng ra gì, mà còn chịu khuất phục trước sự bền bỉ kêu cầu của bà góa, thì chẳng lẽ “Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” Câu hỏi tu từ cũng là lời khẳng định rằng Người sẽ “mau chóng minh xét” cho họ.
Vậy trong hai thái độ đó, người môn đệ của Chúa sẽ chọn lối sống nào? Liệu họ có chọn một lối sống tiện nghi, thoải mái như ông quan tòa, mà từ bỏ những đòi hỏi khắt khe của Tin Mừng? Hay họ chấp nhận mọi khó khăn, thiệt thòi mà sống trung tín cho đến cùng như bà góa? Liệu người môn đệ của Chúa có hoàn toàn tin tưởng vào một Thiên Chúa luôn yêu thương lắng nghe những lời cầu nguyện tha thiết của họ? Liệu họ có bền bỉ đợi chờ cho đến khi Người trở lại?
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Dân Chúa chiến đấu và chiến thắng dân Amalếch không phải nhờ chiến thuật hay sức mạnh quân sự, mà nhờ biết tin tưởng và cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Kinh nghiệm của bao thế hệ Dân Chúa dạy họ rằng nếu họ tin tưởng, cậy trông vào sức mạnh của Thiên Chúa, và biết kêu cầu danh Ngài, thì Ngài sẽ giúp họ chiến thắng mọi quân thù. Hằng ngày tôi phải chiến đấu với những quân thù nào? Tôi thường dựa vào sức mình, hay dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa?
2/ Tác giả thư thứ hai gửi ông Timôthê cho thấy Sách Thánh có nguồn gốc thần linh và có sức giáo huấn người ta trở nên khôn ngoan, công chính mà đón nhận ơn cứu độ. Do vậy, Sách Thánh cần được rao giảng cho nhiều người, để họ cũng nhận biết, yêu mến và nhờ đó mà được ơn cứu độ. Tôi có xác tín vào sức mạnh biến đổi của Sách Thánh? Tôi có để cho Sách Thánh giáo huấn tôi nên người công chính? Tôi có sẵn sàng rao truyền Sách Thánh cho người khác?
3/ Nhờ kiên trì thỉnh cầu mà bà góa đã được ông quan tòa minh xét, dù ông ta “chẳng kính sợ Chúa cũng không coi ai ra gì”. Tôi có sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, thiệt thòi mà kiên tâm cho đến cùng như bà góa? Tôi có hoàn toàn tin tưởng vào một Thiên Chúa luôn yêu thương lắng nghe những lời cầu nguyện tha thiết của tôi? Tôi có thật sự bền bỉ và trung tín đợi chờ cho đến khi Người trở lại?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Cầu nguyện là hơi thở đời sống đức tin của người tín hữu nên Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải cầu nguyện không ngừng. Với tâm tình của người môn đệ quyết tâm theo Chúa, cộng đoàn chúng ta hãy tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Lời cầu nguyện của Môisen đã đem lại chiến thắng cho con cái Israel. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn là mẫu gương sống động về đời sống cầu nguyện, để Dân Chúa được hưởng nhờ muôn vàn ơn ích cho đời sống thiêng liêng.
2. “Khi Con Người đến, liệu sẽ còn thấy được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Chúng ta cùng cầu xin cho các dân tộc và quốc gia có truyền thống Kitô giáo lâu đời luôn biết trân trọng và gìn giữ di sản đức tin mà bao thế hệ cha ông đã tuyên xưng và làm chứng.
3. Nhờ kiên trì kêu cầu mà bà góa nghèo đã được toại nguyện. Chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho Chúa bao nạn nhân trong các trận bão lụt ở nhiều nơi trên thế giới thời gian qua. Xin Chúa xoa dịu những đau khổ mất mát và chúc lành cho công cuộc khắc phục tái thiết.
4. Cầu nguyện giúp con người duy trì tương quan sống động với Thiên Chúa. Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết siêng năng đến với Chúa qua những cử hành phụng vụ, và luôn kết hợp mật thiết với Người trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa biết rõ những gì cần thiết và hữu ích cho con cái Chúa, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban dồi dào Thánh Thần để chúng con luôn tìm kiếm và thi hành điều Chúa muốn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm
-
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023