Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 26 thường niên - Năm C
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Am 6,1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16,19-31)
CHỦ ĐỀ:
BIẾT QUAN TÂM VÀ SỐNG BÁC ÁI VỚI NGƯỜI KHÁC
“Có một người nghèo khó tên là Ladarô,
mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,
thèm được những thứ trên bàn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”
(Lc 16,20-21).
Con người thời nay đang mắc một chứng bệnh nan y, đó là sống dửng dưng, vô cảm vô tâm trước những khó khăn, đau khổ và bất hạnh của đồng loại do virus “ích kỷ” gây ra. Sự ích kỷ đã khóa chặt cánh cửa của tâm hồn và làm cho con người không còn khả năng để lắng nghe tiếng thổn thức của người khác và chia sẻ với họ.
I. BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
1. BÀI ĐỌC I (Am 6,1a.4-7)
Qua miệng Ngôn Sứ Amốt, Thiên Chúa kết án những kẻ giàu có sống trong sự tiện nghi và thừa thãi: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Sion và sống an nhiên tự tại trên núi Samaria”. Vì ích kỷ nên họ đã khép tầm mắt yêu thương và đóng chặt cửa tâm hồn quảng đại. Đây là lỗi phạm lớn nhất của người giàu có khi họ dửng dưng trước những khó khăn, đói rách, đau khổ của người nghèo. Sự giàu có là nguy cơ đối với con người, bởi vì nó đóng cửa lòng con người lại và làm cho lòng tham của họ mỗi ngày một lớn thêm. Những lời của Ngôn Sứ mô tả đúng thực trạng và đời sống phung phí của những kẻ giàu có: “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ”. Họ chỉ biết hưởng thụ, phung phí của cải mình mà chẳng biết chia sẻ với những người nghèo khó. Thiên Chúa kết án những kẻ giàu có và ích kỷ này. Họ sẽ lãnh nhận những hậu quả cho chính lối sống ích kỷ và dửng dưng của mình: “Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn”. Những người này vẫn mang danh là công dân của nước Thiên Chúa, nhưng họ đã quên mất việc thực hành điều cốt lõi nhất của một công dân nước này, đó là “Mến Chúa yêu người”, được thể hiện qua việc thực thi bác ái đối với tha nhân trong cuộc sống hằng ngày. Thực trạng này cũng được phản ánh trong bài Tin Mừng.
2. BÀI ĐỌC II (1Tm 6,11-16)
Thánh Phaolô mời gọi ông Timôthê tìm kiếm những điều thiêng liêng và cao cả trong đời sống, đồng thời tránh xa những điều xấu: “Hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa”. Để đạt tới những điều cao cả này, Timôthê cần phải chiến đấu vì đức tin để đạt tới sự sống đời đời mà Thiên Chúa đã hứa. Cuộc chiến đấu đó được cụ thể hóa bằng cách sống và tuân giữ lề luật của Thiên Chúa để xứng đáng trong ngày Đức Giêsu trở lại: “Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta xuất hiện”. Nói cách khác, đó là nỗ lực sống giới răn “mến Chúa yêu người” mỗi ngày trong đời sống cho đến khi Chúa lại đến.
3. BÀI TIN MỪNG (Lc 16,19-31)
Đứng trước thái độ giả hình và ham mê tiền bạc của những người Pharisêu (x. Lc 16,14), Đức Giêsu đã kể dụ ngôn “Ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khổ”. Dụ ngôn này thật ấn tượng vì nó để lại cho mọi người nhiều bài học quí giá. Dụ ngôn xoay quanh câu chuyên về hai nhân vật chính: ông nhà giàu và người hành khất nghèo. Hai người có hai tình cảnh tương phản ở đời này, và cũng tương phản nhưng đảo ngược ở đời sau. Ông nhà giàu được mô tả là người có lối sống xa xỉ: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Một cảnh tượng khác trái ngược, đó là hoàn cảnh của người hành khất nghèo khổ, lâm vào tình cảnh khốn cùng: “Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được ăn những thứ trên bàn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”. Hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau.
Trên thực tế, quả thực, ông nhà giàu không làm điều gì xấu xa cả. Ông ta tiêu xài tiền bạc của mình. Tuy nhiên, một lối sống như thế vẫn chưa đủ. Ông ta bị kết án bởi sự vô tâm, vô cảm, dửng dưng của ông đối với một người nghèo khổ, đói rách đang nằm trước cổng nhà mình. Người hành khất nghèo này chỉ cần những gì thừa thải rớt xuống từ trên bàn ăn của ông nhà giàu để có miếng ăn qua ngày nuôi sống bản thân, nhưng anh ta cũng không thể kiếm được. Vẫn còn đó sự dửng dưng, vô cảm vô tâm trước những khó khăn, đau khổ và bất hạnh của đồng loại. Thiên Chúa kết án sự dửng dưng vô cảm này. Hậu quả mà ông nhà giàu sống dửng dưng vô tâm vô cảm này phải lãnh nhận ở đời sau đó là những cực hình ông chịu dưới âm phủ, và phần thưởng rất lớn lao của người hành khất nghèo Ladarô nhận lãnh là được ngồi trong cung lòng yêu thương của Ábraham trên thiên quốc. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một sứ điệp rất mạnh mẽ và rõ ràng: giàu có không phải là điều đáng trách, nhưng giàu có mà không biết quan tâm, bác ái và chia sẻ với những người túng thiếu thì mới đáng tội và nhận hình phạt tương ứng ở đời sau.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ”. Tôi có tìm kiếm sự tiện nghi, phung phí của cải mà Thiên Chúa ban cho tôi không? Tôi có tìm kiếm sự an phận và an toàn trong của cải vật chất, sống ích kỷ mà quên đi vận mạng chung của anh em đồng loại?
2. “Hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa”. Tôi có cố gắng nỗ lực để đạt tới những giá trị cao cả thiêng liêng mà một Kitô hữu cần phải có không? Hay tôi vẫn còn chìm đắm vào những giá trị, đam mê của trần thế?
3. “Có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”. Tôi có chạnh lòng trước những người khó khăn, đau khổ về vật chất và tinh thần không? Tôi có những hành vi giúp đỡ cách cụ thể những người khác?
4. “Chúng đã có Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Ngày nay chúng ta vẫn có Hội Thánh luôn đồng hành và nhắc nhở chúng ta. Trong năm thánh Lòng Chúa Thương Xót, ĐGH Phanxicô khẳng định rằng “sứ mạng của Hội Thánh là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim sống động của Tin Mừng, đang muốn nhờ lòng thương xót để chạm được đến con tim và khối óc của con người” (x. DMLTX, số 12). Do đó, ĐGH mong ước rằng: “nơi đâu có Hội Thánh hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải được tỏ hiện” và “ở đâu có Kitô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một điểm quy tụ chan hòa lòng thương xót” (x. DMLTX,số 12). Chúng ta có được đánh động về những lời này không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa hằng yêu thương và bảo vệ những người bé mọn thấp hèn; Người cũng muốn tất cả chúng ta biết quan tâm và cư xử bác ái với nhau. Với quyết tâm thực thi lời Chúa dạy, chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin:
1. “Chúng đã có Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn đầy tràn ơn Chúa soi sáng và nâng đỡ, để các ngài chu toàn bổn phận qui tụ, chăm sóc và hướng dẫn đoàn chiên được Chúa ủy thác.
2. Sự ích kỷ góp phần làm gia tăng nạn nghèo đói. Chúng ta cùng cầu xin cho các quốc gia phát triển và những cá nhân giàu có, biết quảng đại chia sẻ của cải vật chất cùng những thành tựu khoa học, nhằm đẩy lui đói nghèo bệnh tật và thăng tiến đời sống con người.
3. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa của đức tin.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu, cách riêng những người đang chịu bách hại vì đức tin, luôn can đảm vượt qua mọi thử thách và trung thành tuân giữ lề luật Chúa.
4. Đức tin được năng động nhờ đức ái. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn khắc ghi lời Chúa dạy, biết sống tinh thần trách nhiệm đối với tha nhân bằng việc quan tâm chia sẻ trước những nhu cầu vật chất lẫn tâm linh của người chung quanh.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và ban Thánh Thần giúp chúng con hăng hái sống giới răn “mến Chúa yêu người” trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023