Phúc Âm hóa đời sống là gì?

Phúc Âm hóa đời sống là gì?

WGPSG -- Dưới đây là bài nói chuyện của Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn giải thích Phúc Âm hoá đời sống là gì cho gần 300 đại diện 40.000 thành viên Gia Đình Phạt Tạ, trong 20 giáo phận (Xem: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu: Kỷ niệm 15 năm thành lập).

PHÚC ÂM HOÁ ĐỜI SỐNG LÀ GÌ?

1. Giáo Hội, cụ thể là Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM.VN), kêu gọi mọi tín hữu hãy Phúc Âm hoá đời sống. Vậy Phúc Âm hoá đời sống là gì?

Trong thánh lễ lúc nãy, cha sở chia sẻ Lời Chúa: cha sở đưa ánh sáng Lời Chúa - là ánh sáng chân lý, ánh sáng tình yêu, ánh sáng bình an, ánh sáng của Tin Mừng Chúa Giêsu - vào trong suy nghĩ, trong thực hành, trong việc làm của anh chị em. Khi chia sẻ Lời Chúa như thế là cha sở đang thực hiện việc Phúc Âm hoá đời sống của anh chị em. Cha sở có thể và có nhiệm vụ Phúc Âm hoá đời sống người tín hữu bằng giảng dạy, bằng chia sẻ Tin Mừng và dạy giáo lý.

2. Các tổ chức tín hữu, các đoàn thể trong giáo xứ, trong giáo phận có khả năng và trách nhiệm lo việc Phúc Âm hoá đời sống của mình. Cụ thể, có thể thực hiện hai cách Phúc Âm hoá đời sống của mình:

- Cách thứ nhất: Suy niệm Lời Chúa theo quyển “Gia Đình Sống Lời Chúa” do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm biên tập. Sau giờ kinh tối, gia đình có thể dùng quyển sách này, đọc đoạn Phúc Âm và bài suy niệm Lời Chúa ngắn gọn, đưa vào thực hành trong đời thường.

- Cách thứ hai: Suy gẫm 20 Mầu Nhiệm Mân Côi theo chỉ dẫn của Đức Gioan Phaolô II: Cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm Chúa Giêsu và xin ơn bước đi trên con đường tình yêu của Ngài: Tình Yêu Hoà Nhập (Năm Sự Vui); Tình Yêu Dấn Thân Phục Vụ (Năm Sự Sáng); Tình Yêu Hy Sinh (Năm Sự Thương); Tình Yêu Đổi Mới (Năm Sự Mừng).

3. Các tổ chức tín hữu, đoàn thể, hội đoàn, không những có khả năng Phúc Âm hoá đời sống của mình mà còn có thể đưa ánh sáng Lời Chúa, ánh sáng tình yêu vào trong đời sống người khác trong Giáo hội và xã hội.

Thí dụ: Một giáo xứ có Gia Đình Phạt Tạ trên 20 thành viên. Trong số 20 người đó, có thể có 5, 7 thành viên có khả năng, có điều kiện rộng rãi hơn, liên kết cùng nhau, lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc sức khoẻ cho những ông già, bà già neo đơn, bệnh tật trong giáo xứ. Cũng có thể vận động người ngoài Gia Đình Phạt Tạ liên kết và cùng phục vụ các ông già, bà già đó. Làm như thế chính là đưa ánh sáng tình yêu của Lời Chúa vào trong đời sống người khác trong Giáo hội và xã hội. Đó chính là Phúc Âm hóa đời sống xã hội.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top