Phỏng vấn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm về Hội nghị của Ủy ban Trung ương FABC

Phỏng vấn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm về Hội nghị của Ủy ban Trung ương FABC

WGPSG -- Được biết Đức Hồng y Tổng giám mục và Đức cha phụ tá giáo phận vừa đi dự hội nghị tại Thái Lan về, Trang tin điện tử của TGP TP. HCM đã có cuộc trò chuyện thân tình với Đức cha phụ tá:

– Chúng con được biết Đức Hồng y và Đức cha vừa đi dự hội nghị ở Thái Lan về?
– Vâng, Đức Hồng y và tôi dự cuộc họp Ủy ban Trung ương của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, quen gọi tắt là FABC (Federation of Asian Bishops’ Conferences).

– Đức cha có thể giải thích một chút về Ủy ban Trung ương?
– FABC không có chủ tịch, chỉ có Tổng thư ký điều hành mọi việc, hiện nay là Đức Tổng giám mục Orlando B. Quevedo, người Philippines. Thẩm quyền cao nhất thuộc về Ủy ban Trung ương, gồm các vị chủ tịch các Hội đồng Giám mục thành viên của FABC.

– Vậy Đức Hồng y và Đức cha dự hội nghị với tư cách gì?
– Hội nghị lần này bàn đến nhiều vấn đề, trong đó có việc liên quan trực tiếp đến Việt Nam, vì thế họ mong muốn Đức Hồng y Gioan Baotixita của Việt Nam có mặt để xin ý kiến. Ngoài ngài ra còn có hai vị hồng y khác, một vị người Ấn độ, một vị người Sri Lanka. Về phần tôi, vì Đức cha chủ tịch HĐGMVN không đi được, Đức cha phó chủ tịch và Đức cha tổng thư ký cũng có công tác khác, nên tôi phải đi thay.

– Vấn đề liên quan đến Việt Nam là chuyện gì vậy?
– Vào năm 2012 tới đây, FABC muốn tổ chức Hội nghị khoáng đại tại Việt Nam, nên họ muốn hỏi ý kiến của chúng ta.

– Việc này có mới mẻ quá không, thưa Đức cha?
– Vừa mới vừa không mới. Mới vì chưa bao giờ làm ở Việt Nam. Không mới vì đây là sinh hoạt bình thường của FABC. Bốn năm một lần, FABC tổ chức Hội nghị khoáng đại (plenary assembly). Như thế, trong gần 40 năm qua, đã có nhiều Hội nghị khoáng đại, mỗi lần tổ chức ở một quốc gia. Bản thân tôi cũng đã từng dự ít là hai lần, ở Hàn quốc và Philippines. FABC đã bày tỏ ý muốn tổ chức tại Việt Nam từ lâu nhưng trước đây chúng ta chưa có khả năng đón tiếp. Bây giờ, HĐGM thấy có thể đón tiếp được nên chúng ta nhận lời.

– Như thế sẽ có khoảng bao nhiêu vị tham dự hội nghị?
– Chưa thể biết con số chính xác nhưng thông thường, mỗi HĐGM thành viên sẽ cử một số đại biểu (tùy theo số giám mục tại mỗi quốc gia), tổng cộng có thể khoảng trên 100. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các chuyên viên thuộc các văn phòng của FABC, cho nên con số có thể khoảng 150.

– Chính quyền Việt Nam có ý kiến gì về việc này không, thưa Đức cha?
– Theo tôi được biết, Chính quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu đến dự hội nghị. Đức Hồng y Gioan Baotixita có nói với Ủy ban Trung ương FABC đôi điều: (1) nên gửi danh sách các đại biểu trước một tháng, (2) HĐGM sẽ thông báo cho Chính quyền biết, đồng thời sẽ gửi thư mời đến các đại biểu.

– Đức cha có cảm nghĩ gì về việc này?
– Vừa đến hội nghị, chúng tôi được biết tin Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chính thức bổ nhiệm vị đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam. Sự kiện đó cho thấy Việt Nam ngày càng mở rộng ra với thế giới. Nếu FABC tổ chức Hội nghị khoáng đại tại Việt Nam, sự kiện này cũng nói lên ý hướng mở ra như vậy và có thể nói đó là tiến trình bình thường trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay.
Về mặt Giáo Hội, tôi nhớ một nhà thần học người Ấn đã có nhận xét này từ khá lâu: các giám mục Á châu quen biết với các giám mục ở châu Âu và Bắc Mỹ nhiều, đang khi ít biết đến anh em giám mục ở những nước láng giềng tại châu Á. Âu cũng là cơ hội để chúng ta biết nhau nhiều hơn, những anh chị em tín hữu sống chung trên miền đất Á châu với những nét chung về địa lý, văn hóa, xã hội, để chia sẻ cho nhau và học hỏi từ nhau những kinh nghiệm trong việc thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên đất nước mình cũng như tại châu Á nói chung.

– Chân thành cảm ơn Đức cha.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top