Phố không đèn
WGPSG -- 17:30 – Sài Gòn hoa lệ, trung tâm kinh tế chiều 30 Tết. Vẫn là Sài Gòn tấp nập, vồn vã. Xe cộ đi lại như mắc cửi. Hình như mọi người vội vã hơn ngày thường, bởi vài giờ nữa thôi sẽ là thời khắc của năm mới. Cả năm làm lụng, chỉ mong chờ một vài ngày đầu năm, chờ một chút thời gian để nghỉ ngơi, để dành cho những quan tâm vốn dĩ quá xa xỉ trong những guồng quay tất bật của cuộc sống. Những mai vàng, những đào thắm, những bánh chưng xanh, những đèn hoa rực rỡ như hoà vào cái không khí náo nức của ngày cuối năm, của Sài Gòn từ lâu đã là biểu tượng của sự sầm uất.
22:00 – Đêm 30 Tết. Từng dòng người hối hả đổ về những con đường huyết mạch, về những khu trung tâm thành phố. Họ chờ những tiếng chuông, những tràng pháo hoa giòn giã đủ sắc màu cho một khởi đầu năm mới thuận lợi và tốt đẹp.
00:00 – Sài Gòn mồng một Tết Tân Mão. Khi chuông Nhà thờ Đaminh gõ từng hồi dài báo hiệu những giờ phút đầu tiên của năm mới, từng tốp người hối hả túa ra các ngả đường với những chồng bánh chưng xanh và phong bao lì xì đỏ. Họ là những tình nguyện viên của chương trình “Đêm đông không nhà”, được tổ chức lần thứ hai bởi nhóm hoạ sĩ Dominiart, Giáo xứ Đaminh Ba Chuông. Họ có người lớn tuổi, người trẻ tuổi, có nam, có nữ , họ đến từ mọi thành phần, là Linh mục, là hoạ sĩ, là bác sĩ, là kỹ sư, là giáo viên, là nhà báo, là sinh viên,… Có những gương mặt quen thuộc, lại cũng có những người lần đầu tham dự, như tôi. Nhưng tất cả họ giống nhau bởi ngọn lửa nhiệt huyết đang bừng bừng như muốn xua đi cái lạnh của Sài Gòn lúc nửa đêm. Họ sẽ qua các ngả đường, sẽ dừng lại, sẽ trao gửi chút yêu thương ấm áp, sẽ đưa tay sẻ chia để những người lang thang có thể nếm một ít hương vị Tết.
Đoàn chia thành bốn nhóm nhỏ theo 4 hướng chính: Nhóm 1 hướng về bến xe Miền Đông với sự đồng hành của Cha Giám đốc TTMV Đaminh Anphongso Vũ Đức Trung; nhóm 2 gồm Ca đoàn giáo xứ Tân Thành và đoàn Hoạ sĩ theo hướng bến xe Miền Tây với sự hướng dẫn của Cha Hoàng, Soeur Tâm và hoạ sĩ Lê Hiếu; nhóm 3 cùng các Soeur Dòng Mến Thánh Giá và Hoạ sĩ Lê Thừa Khiển xuất phát đến bến xe Tây Ninh; nhóm 4 gồm họa sĩ Lê Bình và anh Thuận xuất phát theo hướng Quận 4 và Nhà Bè. Trước đó, vào 12:00 trưa cùng ngày, nữ tu hoạ sĩ Vũ Dung và các soeur dòng Mân Côi hạt Chí Hoà đã đến phát quà cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM.
Khác với cảm giác háo hức, hăm hở lúc đầu, lòng tôi chùng xuống mỗi khi xe dừng lại bên đường bởi một Sài Gòn khác đang hiện ra trước mắt. Vẫn những đèn hoa lộng lẫy. Vẫn những toà nhà chọc trời. Vẫn những con phố dài… Có điều, đêm nay dường như phố dài hơn, hun hút, ít người hơn, lạnh và tối hơn…
Lác đác trên hè phố những dáng người xiêu vẹo. Họ là những người mà số phận định cho một chữ: “nghèo”. Vì nghèo nên chẳng có tiền về quê ăn Tết. Mà vì nghèo nên cũng chẳng có Tết. Hay cũng có, nhưng đã từ lâu rồi, cái không khí Tết với họ quá xa vời, quá “đắt”, nghèo quá mua không nổi. Vậy nên họ kệ cho dòng người nô nức đón Tết ngoài kia, hay là phải kệ thôi, vì có làm được gì đâu, năm nào cũng vậy… dù trong mắt vẫn ánh lên những hy vọng mong manh…
Là một ông lão ngày ngày gắn bó cùng chiếc xích lô, ngày đạp xích lô để nuôi thân, đêm đến lại lấy xích lô làm giường. Hôm nay, người ta về quê nhiều rồi, cũng chẳng ai đi bát phố đông, ông có đói lắm không? Là bà cụ nghèo bên vệ đường chung cư. Đã từ lâu bà cứ ở đó, dù nắng, dù mưa hay giông bão. Vì bà chẳng còn chỗ nào nữa mà về. Mấy hôm nay thấy người ta sắm Tết, chắc bà tủi thân nhiều…
Phố vẫn lạnh, vẫn dài… Tốp người vẫn cứ đi. Lâu lâu lại dừng lại. Một bác xe ôm cuộn tròn trong chiếc áo khoác mỏng manh, cố xua đi cái lạnh tê người, và cả cái lạnh của một đêm đông không nhà, không người thân. Một nhóm những người cùi, giai đoạn cuối. Họ sống với nhau. Vì xã hội đã tách họ ra bên lề. Họ sắp chết rồi. Chắc còn một ít thời gian nữa thôi. Một chiếc SH sang trọng dừng lại kế bên chúng tôi. Anh thanh niên bước xuống đưa một phong bao lì xì đỏ. Nhóm người cùi vui vẻ nhận lấy, rồi chiếc xe phóng đi. Một người trong số họ nhìn theo, tôi thấy một ánh mắt khát khao, hình như mắt anh ướt. Tôi không biết anh nghĩ gì, nhưng tôi thấy, những nụ cười kia đượm một nét buồn, và tôi cảm một chút đau… Trao bánh chưng xanh và bao lì xì đỏ, cổ họng chợt thấy đắng lại…
Gió vẫn thổi. Lả tả lá rơi vàng một góc phố vắng. Tiếng chổi tre của những màu áo cam công nhân vệ sinh lướt trên mặt đường khô khốc. Bên vỉa hè, đơn độc những tấm thân gầy co ro không mảnh chăn, không manh chiếu. Cái lạnh cô lập họ với xung quanh. Nhưng nỗi cô đơn lại khiến họ ước sao đèn đường đừng sáng. Tôi cũng vậy. Sao đèn cứ sáng rừng rực để ánh lên những giọt nước mắt rơi buồn, tủi. Mái đầu bạc khẽ cựa mình trong tấm nilon mỏng manh, lâu lâu mở hé cặp mắt ngước nhìn nhóm người bên ngoài vừa cho mình 1 phong bao đỏ. Rồi lại trở mình. Bà đang nghĩ gì vậy? Tôi cứ nhìn mãi hình ảnh ấy cho đến khi tiếng gọi của anh bạn đi cùng phá tan sự yên lặng.
Xào xạc gió đêm. Đèn vẫn sáng. Góc nhỏ công viên lạnh. Ánh đèn in bóng lá cây lên mặt đường tạo những mảng tối kỳ lạ. Ngoài góc sáng, những cô cậu nhỏ ăn xin lê lết, chờ đợi những người như chúng tôi, cho chút quà đêm Giao thừa. Nhưng mắt chúng chẳng sáng lên, cũng chẳng vui mừng. Vì có lẽ, chúng biết rằng chỉ chút nữa thôi, một chút nữa thôi, từ trong những mảng tối kia, sẽ có những người bước ra thu gom lại tất cả “chiến lợi phẩm”, và rồi, bọn nhóc vẫn tiếp tục ăn xin. Những người như chúng tôi đang làm gì vậy, phải chăng đang nuôi cho mập mạp những tấm thân vốn đã quá ì ạch do sức nặng của tiền, nuôi những bàn tay gom mồ hôi, nước mắt, gom tủi nhục của những kiếp người… Nhưng… biết làm gì đây…
Đến bao giờ cái khoảng cách này sẽ hẹp lại? Khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách của những bàn tay, những cái ôm dài… Cách đó 2 ngã tư thôi, là 1 thế giới khác, thế giới 5 sao. Ở thế giới đó, người ta sẵn sàng bỏ ra tiền triệu, vài triệu, vài chục đến vài trăm triệu cho một bó hoa, một chai rượu ngoại, một bộ quần áo hay một bữa ăn thịnh soạn. Ở đó, người ta ra vào không cần quan tâm đến giá cả, họ vào, chọn lựa và ra, nét mặt thản nhiên đến lạnh lùng. Còn ở đây, những người này tìm từng hạt cơm rơi, đổi cả sinh mạng cho kế sinh nhai, sống cho qua một ngày. Họ cũng không quan tâm đến giá cả thị trường. Nhưng là vì dù giá cả lên hay xuống với họ, đó cũng là những điều xa vời không tưởng…
Đêm như dài hơn, lạnh hơn… Đèn phố vẫn vàng, vẫn sáng…
Người đi xem pháo hoa giao thừa lũ lượt kéo nhau về. Kẻ đi Chùa, người viếng Nhà thờ, tìm cho mình 1 chút lộc đầu xuân.
Cách nhau một cánh cổng Chùa, dòng người thành tâm khấn vái những điều ước đầu năm nhưng lại lạnh lùng không nhìn đến một bàn tay gầy guộc chìa ra xin lấy chút gì để ăn đỡ đói. Trước cổng nhà thờ, cô bé nhỏ mặt mũi nhếch nhác gục đầu bên đứa em ôm bình sữa rỗng, cựa quậy không yên vì đói… Là như vậy sao? Chẳng lẽ Tết chỉ đến vậy thôi sao, có bên ngoài và chỉ dừng lại ở đó mà thôi… Có phải chăng khoảng cách mà tôi đang tự hỏi không rộng ra do cái giàu hay cái nghèo, mà do chính lòng người tự kéo nó xa ra. Ranh giới mong manh nhưng chẳng dễ dàng dùng gôm mà xoá đi. Dẫu có xoá đi, chắc gì chẳng để lại 1 vết hằn, trong ánh mắt, trên bàn tay, trong lòng người…
Đèn Sài Gòn rực rỡ, nhưng không đủ sáng để chiếu soi hết mọi nẻo đường. Có những đoạn tối tăm lẩn khuất. Có những hẻm dài hun hút không ánh sáng. Có những mảnh đời mãi mãi không nhìn thấy đèn Sài Gòn… Sài Gòn, những con phố đêm nay không đèn…
03:00 AM – Sài Gòn mồng một Tết Tân Mão. Hết bánh chưng, hết phong bao lì xì. Nhưng vẫn còn những người chưa có Tết.
Ai đó hỏi tôi về ước mơ, về hạnh phúc. Ngay lúc này đây, tôi ước cho ngày đầu năm.
…Tôi ước năm sau chẳng có Tết, để đừng thấy nước mắt rơi, vì tay không chạm vào được Tết…
…Tôi ước nếu có Tết, mỗi người có một tấm vé về quê…
…Tôi ước nếu có Tết, không còn những đoàn người đi phát quà đêm Giao thừa bởi vì chẳng còn ai để phát…
…Tôi ước nếu có Tết, mọi người đều ấm áp… Áo có thể không mới, nhưng đủ ấm, ấm da thịt, ấm lòng người…
… Tôi ước nếu có Tết, tất cả mọi người đều có lộc xuân, để mọi ước mơ đều thành hiện thực, để một năm mới khởi đầu an vui…
Sài Gòn ơi, năm mới an lành nhé… cho họ, cho bạn và cho tôi…
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Thông điệp của mùa xuân
-
Giờ kinh Giao Thừa -
Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam -
Lời kinh đêm Giao thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Mồng 3 Tết: Thánh hoá công ăn việc làm -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Đạo Hiếu theo quan niệm Công giáo -
Tại sao người ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út?