Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đi thăm Phi Châu. Cả vạn bài báo đưa tin, hàng ngàn bài viết bình luận. Không chỉ từ giới truyền thông công giáo mà cả những nguồn truyền thông ngoài công giáo. Khen cũng lắm mà chê cũng nhiều. Nhưng dù khen hay chê thì vẫn cứ phải nhìn nhận một sự thật hiển nhiên là vị lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội công giáo luôn là điểm nhắm của cả thế giới. Dù nhắm đến để bắn phá hay để chiêm ngưỡng, để công kích hay để lắng nghe… thì vẫn cứ coi ngài như nhân vật phải quan tâm, từng lời nói, từng cử chỉ, từng thái độ.
Trong rất nhiều bản tin, bỗng quan tâm đặc biệt đến bài viết của John Allen. Chỉ nguyên tựa đề bài viết cũng đã thu hút sự chú ý: Đức Bênêđictô ở Cameroun, một câu chuyện về hai chuyến đi. Sao lại những hai chuyến đi? Hoá ra chỉ có một chuyến đi nhưng cách đưa tin của các phương tiện truyền thông khiến người ta có cảm giác đây là hai chuyến đi hoàn toàn khác nhau.1 Các phương tiện truyền thông của phương Tây chủ yếu tập trung vào việc Đức Giáo hoàng trả lời câu hỏi của một anh phóng viên trên chuyến bay từ Rôma sang Cameroun. Ngày nay, người ta cho rằng sử dụng bao cao su là phương thế bảo đảm nhất, an toàn nhất, hữu hiệu nhất để chống lại sự lan tràn của cơn dịch HIV/AIDS. Thế mà Đức Giáo hoàng lại dám bảo rằng, “Chúng ta không thể thắng được cơn dịch này chỉ bằng việc phân phát bao cao su. Ngược lại, nó còn làm cho vấn đề trầm trọng thêm.” Thế là cả một chiến dịch truyền thông được phát động để công kích vị lãnh đạo của Giáo Hội. Nhưng đấy là chuyện của phương Tây, còn ngay tại Cameroun, John Allen tận mắt chứng kiến một quang cảnh hoàn toàn khác: dân chúng từ khắp nơi cuồng nhiệt kéo đến để mong được chiêm ngưỡng Đức Giáo hoàng và lắng nghe ngài nói, những cuộc quy tụ ngập tràn tiếng hát và niềm vui, những giờ cử hành phụng vụ với cảm thức linh thánh rất sâu xa. Và trong các diễn văn chính thức của ngài, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng Kitô hữu không bao giờ được phép câm lặng trước tình trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Tắt một lời, như John Allen nhận xét, nhìn từ phương Tây, chuyến đi của Đức Thánh Cha là chuyến đi về bao cao su! còn ngay tại chỗ lại là sự cử hành đầy phấn khởi của Kitô giáo Phi châu. Hoàn toàn trái ngược. Một chuyến đi mà lại thành hai là thế.
Lại nhớ đến nhận định của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: “Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những thông tin bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Toà Khâm Sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.” 2
Hoá ra tây hay ta thì cũng giống nhau ở chỗ không sử dụng phương tiện truyền thông để thông truyền sự thật, nhưng để phục vụ cho ý đồ và tính toán của phe nhóm mình. Đã đành khi nhìn một sự vật hay một biến cố, bao giờ cũng phải nhìn từ một điểm nào đó, thế nên mới gọi là quan điểm. Cũng vì thế, khó lòng có cái nhìn khách quan thuần tuý. Tuy nhiên, chối bỏ hoàn toàn sự thật khách quan như nó là và nhào nắn sự việc theo ý mình muốn thì lại là chuyện khác. Có ai cấm anh nói lên quan điểm và lập trường của mình về bao cao su đâu, nhưng tường thuật về chuyến đi của Giáo hoàng như thể chỉ là chuyến đi để nói về bao cao su thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Khi đó truyền thông lỗi hẹn với sứ mạng của mình, lại còn có nguy cơ trở thành kẻ huỷ diệt chân lý và tàn phá cuộc sống con người, không chỉ người đọc thông tin mà còn chính người làm thông tin, bởi lẽ truyền thông như thế giết chết cảm thức của con người đối với sự thật, cũng là giết chết nhân tính của mình. Thế nên dù có niềm tin tôn giáo hay không, mọi người đều nói đến đạo đức truyền thông, một đòi hỏi gắn liền với phẩm giá của con người.
Lại có người bảo, Đức Giáo hoàng này ăn nói không được khéo, nên từ hồi làm giáo hoàng đến giờ, sinh ra bao nhiêu chuyện. Chắc chắn ngài không có tài truyền thông như vị tiền nhiệm của mình, nhưng cũng không chỉ là thế mà còn vì ngài chủ trương phải can đảm và thằng thắn nói lên tiếng nói của sự thật. Sẽ thấy rõ hơn khi đọc lại những dòng này của hồng y Ratzinger từ trước khi làm giáo hoàng: “Một đàng, tính cách không hợp thời của Giáo Hội nói lên thế yếu của mình vì Giáo Hội bị gạt ra bên lề; đàng khác, đó có thể lại là thế mạnh của Giáo Hội. Có lẽ con người cảm nhận được rằng, để chống lại thứ hệ tư tưởng tầm thường đang thống trị thế giới, cần phải có đối lập, và Giáo Hội có thể trở thành hiện đại bằng cách không chạy theo lối sống hiện đại cũng như lên tiếng chống lại trào lưu tư tưởng đang thống trị. Giáo Hội mang sứ mạng ngôn sứ phản kháng và phải có can đảm đóng đúng vai trò của mình. Chính sự can đảm nói lên sức mạnh vững bền của Giáo Hội, cho dù lúc đầu nó có vẻ tác hại, làm mất vẻ thân thiện của Giáo Hội, đẩy Giáo Hội đến chỗ cô lập. Tuy nhiên, tôi không muốn bao quát sứ mạng của Giáo Hội vào vai trò đối lập. Giáo Hội luôn tham gia vào những việc xây dựng tích cực. Giáo Hội sẽ luôn tìm cách hành động tích cực, để mọi việc được thi hành đúng đắn. Nghĩa là, để bảo vệ cái cốt yếu của mình, Giáo Hội không được phép thu mình vào vai trò đối lập toàn diện, nhưng phải biết cân nhắc kỹ, ở đâu cần phản kháng, ở đâu cần tiếp tay, ở đâu cần tiếp sức và chung vai sát cánh, ở đâu phải nói có và ở đâu phải nói không”.3
Đức Bênêđictô diễn tả suy tư của ngài bằng những lập luận có vẻ phức tạp nhưng thực ra cũng chỉ là khai triển điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy: Anh em ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 15,18-25). Người môn đệ Chúa Giêsu sống trong thế giới vật lý này nhưng lại không chấp nhận sống theo não trạng tính toán vụ lợi, ích kỷ và vô đạo của nó. Chính vì thế, có thể nói là tính đối lập và phản kháng đã gắn liền với bản chất của Đạo Kitô. Và khi tính đối lập và phản kháng ấy được nhìn từ lăng kính chính trị, thì rất có thể người ta sẽ gán cho Giáo Hội nhãn hiệu “phản động”!
Hãy thử nhìn lại chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng tại Cameroun làm minh hoạ. Ông tổng thống của nước này, Paul Biya, là người công giáo và đã từng là chủng sinh nữa! Thế nhưng suốt từ năm 1982 đến nay, triều đại của ông ngập đầy những đàn áp và tham nhũng. Giữa một xã hội như thế và với nhà cầm quyền như thế mà Đức Thánh Cha lại nói với Giáo Hội ở Cameroun rằng, người Kitô hữu không bao giờ được phép câm lặng trước tình trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực, thì rõ là “phản động”! Và nếu ông tổng thống Paul Byia lại vỗ ngực bảo rằng “Dân tộc Cameroun chính là tôi đây”, thì rõ ràng Giáo Hội công giáo tại Cameroun làm sao được gọi là “đồng hành với dân tộc” khi Giáo Hội lên tiếng chống lại tình trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Thế nhưng điều hiển nhiên là trước khi ông Paul Byia sinh ra thì dân tộc Cameroun đã có rồi, có từ rất lâu rồi, và trong suốt chiều dài lịch sử, chính những tiếng nói phản kháng trước cái ác và cái xấu trong xã hội đã trở thành sức mạnh giữ gìn căn tính và đắp xây sự phát triển của dân tộc. Như thế, phải phân biệt hai phạm trù dân tộc và chế độ. Chế độ chính trị thay đổi theo thời gian, còn dân tộc thì trường tồn. Không có sự phân biệt này, Giáo Hội sẽ có nguy cơ tự biến mình thành công cụ cho những chế độ chính trị, đánh mất sứ mạng đích thực của mình, và thất hẹn với chính đất nước, dân tộc mà Chúa đã đặt mình hiện diện ở đó.
Kết luận
Người công giáo khắp nơi đang sống trong mùa Chay với Thánh Giá là trung tâm. Thánh Giá vừa là biểu tượng của tình yêu đi đến cùng vừa là dấu hiệu của phản kháng. Xem ra có vẻ mâu thuẫn nhưng lại là thuận lý nếu hiểu rằng tình yêu ấy sánh đôi cùng chân lý. Caritas in veritate, yêu thương trong sự thật là thế. Nghe đâu cũng là tựa đề thông điệp xã hội mà Đức Bênêđictô XVI sẽ ban hành vào tháng năm. Vì tình yêu sánh đôi cùng chân lý nên nhân danh chân lý, tình yêu lên tiếng phản kháng. Vì chân lý gắn bó với tình yêu nên chân lý được loan báo và bảo vệ không bằng bạo lực và căm thù, nhưng bằng tình yêu chấp nhận hi sinh và đau khổ. Cũng vì thế, những ai ấp ủ Thánh Giá trong trái tim mình sẽ bước đi trong cuộc đời như những kẻ ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian. Nhưng cũng nhờ đó, họ nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.
25.3.2009
------------------------------------------
1 John Allen, Benedict in Cameroon a tale of two trips, ncronline.org
2 Quan Điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Một Số Vấn Đề trong Hoàn Cảnh Hiện Nay
3 Joseph Ratzinger, Muối Cho Đời, Nxb. Phương Đông, 2009, t. 240
bài liên quan mới nhất
- Những người thợ thầm lặng bên máng cỏ Hài Nhi Giêsu
-
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas? -
Ngôn sứ Isaia - Ngôn sứ của Mùa Vọng -
Bài giảng Mùa Vọng, mở lòng ngạc nhiên thán phục trước sự mới mẻ của Thiên Chúa -
Hành hương thời Cựu ước - Phần 2: Về miền đất hứa -
Mùa Vọng và Lời Hứa với Nhà Đavít
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19