Niềm tin và lời đáp trả
WGPSG -- Chẳng ai can đảm để chết cho người mình yêu cả. Nói lý thuyết thì rất hay nhưng trong thực tế lại khác, đó là điều giằng co nhất trong đời của con người, bởi lẽ con người ai cũng mong muốn giữ gìn, bảo tồn cái thân xác của mình. Nói như thế nhưng vẫn có những người can đảm bước ra pháp trường để đón nhận cái chết một cách vui vẻ. Tại sao? Bởi vì những người đó đã tin vào Đấng đã sinh ra mình, làm chủ cuộc đời mình.
Trang sách Macabê khá quen thuộc, kể câu chuyện về một gia đình của bà mẹ và bảy đứa con. Chỉ vì cưỡng lại luật của vua Antiôkhô là phải ăn thịt heo mà trong luật Môsê cấm nên họ đã phải bị xử. Lần lượt từng người con của bà mẹ này đã phải chịu án tử. Con bà chịu án tử quả là điều ta đáng khâm phục nhưng cũng không quên được lòng quả cảm của người mẹ.
Bà là người ta đáng phải khâm phục. Nhìn bảy đứa con chết trong một ngày nhưng bà vẫn tin tưởng, chịu đựng vì bà trông cậy và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Bà còn nhắn nhủ các con như thế này: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."
Bà còn khuyên các con của mình rất chân thành, tha thiết: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."
Đỉnh điểm niềm tin của gia đình này là bà đã chết theo cùng các con của mình để tuyên xưng niềm tin, niềm hy vọng và niềm trông cậy vào Thiên Chúa.
Niềm tin vào Thiên Chúa khởi đi từ Cựu Ước điển hình như mẹ con nhà Macabê mà hôm nay chúng ta nghe lại. Niềm tin vào Thiên Chúa đó còn chuyển qua Tân Ước và trải dài cho đến ngày hôm nay.
Các môn đệ là những người đầu tiên nghe và tin theo Chúa. Các ngài đã đổ máu đào ra để minh chứng niềm tin vào Thầy Chí Thánh Giêsu. Đặc biệt, chúng ta còn nhớ hình ảnh của Stêphanô - vị tử đạo tiên khởi - đã đổ máu mình ra để tuyên xưng đức tin. Dòng máu tử đạo đổ ra đã lan tràn không chỉ gói gọi ở Giêrusalem mà đến tận cùng trái đất.
Hạt giống đức tin cũng đã được gieo trên quê hương đất nước hình chữ S thân thương này. Dĩ nhiên, cũng đi theo con đường của Tin Mừng là khi Tin Mừng được loan báo thì có người này người kia không đón nhận. Không chỉ không đón nhận mà còn chống đối, mà còn cấm cách, ngăn cản những ai đi gieo hạt giống ấy.
Khi hạt giống Đức Tin đã chọn cánh đồng Truyền Giáo Việt Nam "làm quê hương thứ hai rồi", thì dĩ nhiên, không còn gì có thể cản ngăn đồng lúa Việt Nam trổ bông thơm ngát. Tuy nhiên, lịch sử Giáo hội bao giờ cũng được viết bằng những dòng mực đẫm máu của các Anh Hùng Tử Ðạo. Các ngài đã sống cao thượng và biết hy sinh tính mạng vì Ðức Tin, thật xứng đáng để Thánh Vịnh 125,6-7 ngợi ca:
"Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau sẽ khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo
Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng".
Theo sử liệu, hạt giống đức tin đã được gieo rắc trên quê hương đất nước chúng ta với sự hiện diện của một thừa sai là giáo sĩ Inikhu vào năm 1533. Công cuộc truyền giáo mới ở trong giai đoạn khởi đầu mà đã bị thử thách nặng nề với cái chết vì đạo của chân phước Anrê Phú yên vào năm 1644. Từ đây, Giáo hội Việt Nam phải trải qua nhiều thời kỳ chịu bách hại, có lúc đẫm máu, qua các thời đại các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, đặc biệt với nhóm Văn Thân.
Nhà cầm quyền thời đó đã dùng mọi hình phạt dã man để khủng bố tinh thần các thánh Tử đạo Việt Nam, nhưng các Ngài đã anh dũng chịu đựng vì Chúa. Không có hình phạt nào có thể tách rời các Ngài ra khỏi tình yêu của Chúa.
Những hình phạt mà các Thánh Tử Đạo phải chịu là:
- Bá đao: Bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho dù 100 miếng. Cách chết này có một vị.
- Lăng trì: Chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị.
- Thiêu sinh: Bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị.
- Xử trảm: Bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị.
- Xử giảo: bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị.
- Chết rũ tù: Bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Chết cách này có 9 vị.
Giai đoạn lịch sử thời 117 thánh Tử Đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi 1745 (thánh Phanxicô Federich Tế và Matthêu Liciniana Đậu) đến vị cuối cùng 1862 (thánh Phêrô Đa), qua các triều đại vua Lê - chúa Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức).
Gương anh hùng của các Thánh Tử đạo Việt Nam thôi thúc chúng ta hãy theo gương các Ngài để biết tử đạo trong đời sống hằng ngày. Nếu ngày nay chúng ta không phải trải qua tử đạo như các bậc tiền nhân thì chúng ta có thể chấp nhận tử đạo trong đời sống thường nhật của chúng ta bằng cách sống lời mời gọi của Chúa qua trang Tin Mừng hôm nay: "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9,23).
Theo Chúa là phải từ bỏ mình, chấp nhận mọi gian nan khốn khó, vâng theo thánh ý Chúa, sống trọn cuộc sống Kitô hữu để làm chứng cho Chúa. Đó là chúng ta đang trải qua cuộc tử đạo tuy âm thầm nhưng đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều cố gắng trường kỳ. Nếu không phải đổ máu ra mà làm chứng cho Chúa thì chúng ta có thể làm chứng theo lời nói của thánh nữ Têrêsa Hài đồng: "Ơn gọi tôi ở trong Giáo hội là yêu mến".
Máu Tử Đạo của các thánh tại Việt Nam mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại niềm tin của mình. Lời đáp trả niềm tin này không phải chỉ một lần là xong nhưng là lời mời và lời đáp trong từng giây từng phút của cuộc đời. Tôi đang chọn Chúa hay tôi chọn tôi? Và nếu tôi chọn Chúa, tôi đã làm gì để chứng minh cho lựa chọn của mình? Chọn lựa của chúng ta hôm nay, có thể không đòi chúng ta phải đổ máu để làm chứng cho Chúa không kém phần gian khó. Đứng trước những bất công, ta có can đảm dám bênh vực, hay ta sợ phiền hà rồi im lặng? Trước một trận bóng đá, một bộ phim hay, một giấc ngủ ngon, một lời rủ đi chơi của bạn bè và tiếng mời gọi của Chúa để đến phụng thờ Chúa qua các bí tích, ta chọn điều gì?
Ước gì, nhờ lời cầu bầu của các thánh Tử Đạo tại Việt Nam và nhất là sức mạnh của Thánh Thần Chúa, chúng ta đủ sức thực hiện những chọn lựa của mình. Nhờ đó, vào ngày sau hết, tất cả chúng ta sẽ cùng được đoàn tụ với cha ông chúng ta như lời hứa của Chúa Giêsu: "Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó".
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19