"Những nhà truyền giáo thành thị" làm bạn với những người vô gia cư ở Baltimore
WGPSG / Aleteia -- Chương trình ‘Nguồn Mọi Hy Vọng’ bắt đầu với Chúa Giêsu Thánh Thể và lan tỏa đến những con đường đông đúc của thành phố.
Bất chấp đèn ở góc Đại lộ Martin Luther King Jr. và Phố Mulberry đã chuyển sang màu đỏ, một vài chiếc ô tô vẫn phóng nhanh qua giao lộ. Nhưng khi những chiếc xe khác đã dừng lại, Charley liền đi xuống lằn ranh giữa đường, cầm một tấm biển bìa cứng và nhìn vào cửa của bốn, năm chiếc xe gần nhất. Một người trong xe mỉm cười thông cảm, trong khi những người khác nhìn thẳng về phía trước. Có người tiếp tục đọc một văn bản có lẽ đã được bắt đầu ở đèn đường trước đó.
Charley đang đói, nhưng đây là một trong những thời điểm đông xe nhất trong ngày. Tốt hơn là nên kìm cơn đói lại để tận dụng khi lưu lượng giao thông đông đúc.
Rồi anh nhìn thấy một vài người bạn đang đi xuống đường Mulberry. Khi họ băng qua đại lộ, anh nghe thấy tiếng Colin gọi, "Này Charley, mọi chuyện thế nào?"
Colin và Abby nằm trong số những người bạn thường gặp nhất của Charley - ít là vài lần trong một tuần.
"Bạn có cần nước uống hay vớ tất gì không, Charley?" Colin hét lên. Charley nhận một chai nước và dành vài phút để trò chuyện với hai người. Anh biết họ mới đến sống ở Baltimore và muốn làm cho họ cảm thấy được chào đón. Anh biết họ dành nhiều sự quan tâm cho anh và những người sống ngoài đường phố.
Colin Miller, 29 tuổi, quê ở Maryland, và Abby Steele, 23 tuổi, quê ở Virginia, là hai trong số năm “nhà truyền giáo thành thị” có trụ sở tại Vương cung Thánh đường Mông Triệu, cách đây vài dãy nhà về phía đông. Hai chàng trai trẻ này sống trong một tu viện cũ phía sau Vương cung Thánh đường, và ba thiếu nữ sống trong một căn hộ gần đó. Cả năm người đến với nhau vào mỗi buổi sáng để cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, Chầu Thánh Thể, dự những khóa học tập và đào tạo.
Mặc dù những người trẻ này là những giáo dân độc thân, cuộc sống của họ lại gần giống như đời tu. Đời sống cầu nguyện của họ là nguồn của tình bác ái mà họ mang đến cho những người khó khăn nhất. Và ở Baltimore có rất nhiều người khó khăn.
Theo dữ liệu FBI công bố vào đầu tháng này, Baltimore là thành phố nguy hiểm thứ tư của Mỹ, với tỷ lệ tội phạm bạo lực là 1.859 trên 100.000 người. Năm 2019, 348 người ở Baltimore đã bị sát hại. Một bài báo trên Baltimore Sun ngày 20-11 cho biết thành phố đang trên đà ghi nhận ít nhất 300 vụ giết người trong năm thứ sáu liên tiếp.
Các vấn đề về tình trạng vô gia cư và nghiện ma túy đã trở nên tồi tệ hơn cách đáng kể trong vài năm gần đây. Linh mục James Boric hiện đang đảm trách Vương cung thánh đường. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Cha Boric nói rằng nguyên nhân chính yếu đó là tình trạng nghiện thuốc giảm đau, gia đình tan vỡ và gia tăng những bệnh nhân tâm thần. Từ cửa sổ cửa hàng quà tặng của Vương cung thánh đường, cha chỉ tay về một con hẻm - nơi có chương trình cung cấp bữa ăn của nhóm Từ thiện Công giáo “My Sister’s Place” – và nói với một phóng viên: "Có một vài phụ nữ ngủ ngay tại đó, và ở khắp nơi, kể cả ở trạm xe buýt bên kia đường, hay ngay tại hiên nhà của chúng tôi. Khắp nơi.”
Một linh mục khác trong thị trấn, cha Paschal Morlino dòng Bênêđictô kể lại rằng trên nhiều góc phố như đường Charley, hơn bốn lần mỗi ngày, có những người tuyệt vọng đến xin bất kỳ những gì mà những người lái xe có thể bố thí cho họ.
Tình hình này đòi hỏi sự đáp ứng, và Giáo Hội cảm thấy cần phải đưa ra một đáp ứng nào đó. Nhưng bằng cách nào? Và loại đáp ứng nào?
Cha Boric nói: “Trước khi có thể giúp đỡ người khác, trước hết, bất kỳ Kitô hữu chân chính nào cũng phải nghĩ đến việc đón nhận tình yêu của Chúa một cách thể lý trong đời sống bí tích; chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu về mặt thể lý, và tất nhiên cả về mặt thiêng liêng. Từ tình yêu mà Người dành cho ta, ta phải mang đến cho người lân cận. Ở thành phố Baltimore, rất nhiều người hàng xóm của tôi là người vô gia cư và nghiện ngập”.
Lấy cảm hứng từ một chương trình ở Denver được gọi là Đức Kitô Trong Thành Phố, cha Boric đã xin phép Đức Tổng Giám mục William E. Lori của Baltimore biến tu viện của Vương cung thánh đường trước đây trở thành một cơ sở tiếp cận như thế. Rồi ngài bắt đầu mời gọi và huấn luyện những người trẻ thực sự muốn phát triển đức tin và tận hiến đời mình cho việc phục vụ.
Chương trình ‘Nguồn Mọi Hy Vọng’ đã chính thức ra mắt vào Lễ Mông Triệu năm 2019.
Nó không đơn thuần là một chương trình từ thiện. Thực ra, mặc dù những nhà truyền giáo này đeo ba lô chất đầy nước và vớ - đây có thể là phương thế tốt để phá vỡ tương quan băng giá với những người sống ngoài đường phố, nhưng mục đích ưu tiên của ‘Nguồn Mọi Hy vọng’ không nhằm hỗ trợ vật chất cho người ta. Các nhà truyền giáo có thể và đang đưa những người vô gia cư liên hệ với các cơ quan có thể giúp họ theo cách đó, nhưng mục đích ưu tiên của họ chính là giúp những người sống ngoài đường phố phục hồi nhân phẩm của họ.
Nhưng điều này phải bắt đầu từ những nhà truyền giáo.
“Trước hết và quan trọng nhất, ‘Nguồn Mọi Hy Vọng’ chính là một chương trình đào tạo” - cha Boric giải thích. “Đó là một chương trình đào tạo những người trẻ của thế hệ Thiên niên kỷ trở thành những môn đệ lớn. Đó là công việc tuyệt vời. Hoa trái của việc này là họ đi ra ngoài đường phố Baltimore. Họ dâng Thánh lễ mỗi ngày. Mỗi ngày, họ viếng Thánh Thể một giờ. Mỗi ngày, họ lần hạt Mân Côi, cầu nguyện buổi sáng, cầu nguyện buổi tối."
Họ “đi trên phố” ba hoặc bốn lần mỗi tuần. Những nhà truyền giáo - những người cam kết phục vụ trong một năm, đã vạch ra bốn lộ trình, nhờ vậy, họ đã xây dựng được tính thường xuyên, giúp họ làm quen với mọi người trên đường đi. Họ biết tên và lai lịch của những người ấy và lắng nghe những câu chuyện, niềm hy vọng, nỗi sợ hãi và nhu cầu của họ.
Miller nói: “Chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ với họ. Chúng tôi quen biết họ như những người bạn. Và quả thực, tất cả những gì chúng tôi đang làm là kết bạn với những người này và cầu xin Chúa Thánh Thần đi vào trong những cuộc trò chuyện này. Chúng tôi nhấn mạnh vào mối quan hệ và tin rằng mối quan hệ có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi thực sự. Chúng tôi thấy điều đó đang xảy ra.”
Miller nói, mối liên hệ với người khác là thứ còn thiếu trong cuộc sống của rất nhiều người sống ngoài đường phố. Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng vô gia cư là các mối quan hệ bị rạn nứt.
Anh nói: “Hãy tưởng tượng nếu bạn rơi vào thời kỳ khó khăn mà lại có được những người bạn hoặc gia đình khác - những người ít nhất có thể giúp đỡ bạn đôi chút… Còn những người này thì đã mất hết những mối quan hệ như thế; họ bị bỏ rơi, bị từ khước nhiều lần… [vì vậy] họ đã chọn sống cô lập ngoài đường phố.”
Anh chỉ ra rằng, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã nói: không được yêu thương và không được quan tâm chính là sự nghèo túng lớn nhất. “Đó là một thực tế mà bạn sẽ thực sự thấy được, khi đi xuống phố. Bạn bè chúng tôi cho đó là nguồn gốc lớn nhất gây ra đau khổ của họ - sự cô lập, theo nghĩa đôi khi họ bị vứt bỏ như không phải là con người… Những gì chúng tôi đang làm chính là giải quyết những nhu cầu sâu sắc ấy của họ.”
Khi tập trung vào tình bạn, các nhà truyền giáo hy vọng tạo ra tình bạn đích thực và các mối quan hệ lành mạnh. Miller nói: “Chúng tôi có thể kết nối với họ theo những cách thức có thể sửa lại những dối trá đã khắc sâu trong trái tim họ.”
Colin Miller và Abby Steele đang gặp gỡ một người bạn đường phố của họ.
Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng, những nhà truyền giáo xác nhận như thế.
Caroline Boudreaux, 23 tuổi, một nhà truyền giáo đến từ Florida, cho biết: “Một ngày nọ bạn có thể đến thăm ai đó, họ có một nhân cách đẹp, rất điềm tĩnh, và bạn có một cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất. Bạn có thể lên kế hoạch với họ rằng: ‘Hãy gặp nhau ở đây và đi chơi,’ rồi ngày hôm sau bạn đến đó nhưng họ không còn ứng xử như thế nữa.”
Đối với Boudreaux và những người khác, đó là lý do tại sao việc đào tạo Kitô hữu là quan trọng.
Cô nói: Năm huấn luyện ở Baltimore dạy tôi rất nhiều về cách Chúa nhìn chúng ta. Tình yêu của bạn dành cho người bạn đó không mất đi. Vì tình yêu của Chúa cùng với sự kiên nhẫn của Ngài không mất đi. Tôi cũng không khác gì đâu. Tôi có thể quay lại với thói xấu của mình. Và Ngài vẫn yêu tôi.”
Nhưng cũng có những lúc vui mừng. Miller kết bạn với một người vào tháng Tư, và gần đây người đàn ông này đã có thể trở về nhà với gia đình.
Boudreaux nói: “Kết nối một người nào đó về lại được với gia đình của họ hoặc khuyến khích ai đó đi vào trại cai nghiện và cầu nguyện với họ trước khi cai nghiện, đây đúng là một thành quả đẹp.”
Các nhà truyền giáo thành thị cầu nguyện với bạn bè đường phố của họ. Nhiều người rất hạnh phúc khi cầu nguyện như thế.
Miller không ngần ngại nói về niềm hy vọng thôi thúc anh tạo ra một kết nối khác.
Anh nói: “Cuối cùng, đưa được các linh hồn về cho Đức Kitô là điều chúng tôi muốn làm. Chúng tôi đã nói chuyện với nhiều người muốn trở về với Giáo hội. Điều khó khăn là làm thế nào để hòa nhập cuộc sống của họ ngoài đường phố với những điều khác hẳn đang diễn ra trong Giáo hội.”
Đó là lý do tại sao các nhà truyền giáo đã mời người ta tham gia một lớp học Kinh Thánh, cũng như một cuộc họp mặt dành cho thanh niên tại Vương cung thánh đường. Và đôi khi, cha Boric đi với những nhà truyền giáo trên đường đi của họ và giải tội bên lề đường.
“Nếu Thành phố Baltimore sắp thay đổi, nó cần có Chúa Kitô,” vị linh mục nói. "Giải pháp thực sự duy nhất cho những phân biệt chủng tộc, bạo lực, sử dụng ma túy và gia đình tan vỡ là Chúa Giêsu Kitô."
Nói về phản ứng của giáo dân và thanh niên đến với Vương cung thánh đường, Miller nhận xét: “Tôi đã rất ngạc nhiên về mức độ hào hứng của mọi người đối với chương trình ‘Nguồn Mọi Hy Vọng’. Người ta phấn khởi khi thấy rằng Giáo hội không sợ bị lấm bẩn khi đi ra ngoài phục vụ dân Chúa, thu hẹp khoảng cách đôi khi tồn tại. Bạn biết đấy, bạn có khu vực riêng dành cho sinh hoạt xã hội và rồi bạn cũng có khu vực riêng dành cho phụng vụ. Người ta nghĩ rằng chúng đối kháng nhau. Điều chúng tôi đang cố gắng nói là: Không, chúng ở cùng nhau, chúng cần bổ sung cho nhau. Cả hai đều cần thiết."
Miller nói: “Đó là tầm nhìn ban đầu của Phúc Âm. Chúng tôi chỉ đang cố gắng sống như thế."
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban Tòa Thánh về ngày Thế giới Trẻ em
-
Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ phá thai cao hàng đầu thế giới, dẫn đầu sáng kiến của Liên Hợp Quốc về sinh non -
Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố hoàn tục một linh mục lạc giáo người Argentina -
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận -
Nhận định của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em -
Giáo hội và Nhà nước Pháp đang chuẩn bị sự kiện mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris -
Kitô hữu chiếm 75% tổng số các cuộc bách hại chống các tôn giáo thiểu số -
Ngày thế giới người nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dùng bữa trưa với 1.300 người nghèo -
Vatican tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII -
Tại sao Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho một bản dịch Kinh Thánh mới?
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô