Những định hướng căn bản để bảo vệ trẻ vị thành niên trong Hội thánh

Những định hướng căn bản để bảo vệ trẻ vị thành niên trong Hội thánh

Những định hướng căn bản để bảo vệ trẻ vị thành niên trong Hội thánh

WHĐ (19/11/2024) – Đây là bài tóm lược diễn từ (*) của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Hội nghị các Chủ tịch Hội đồng giám mục (21-24 tháng 2 năm 2019) về việc bảo vệ trẻ vị thành niên trong Hội Thánh.

Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là hiện tượng trải rộng trong mọi xã hội và mọi nền văn hóa, từ châu Âu đến châu Á, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại dương. Hằng triệu trẻ em trên thế giới là nạn nhân của sự khai thác cũng như lạm dụng tình dục. Những nhận định, suy tư và gợi ý sau đây nhằm đưa ra định hướng cho việc bảo vệ trẻ vị thành niên trong Hội Thánh Công giáo.

1. Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, hiện tượng trải rộng trên thế giới

Sự thật đầu tiên phải nhìn nhận là những hành động bạo lực về mặt thể lý, tính dục, tình cảm, lại chủ yếu là của những người gần gũi với trẻ, cụ thể là cha mẹ, bà con, giáo viên, huấn luyện viên. Theo thống kê của UNICEF năm 2017 liên quan đến 28 quốc gia, 9 trên 10 trẻ nữ bị ép buộc quan hệ tình dục cho biết các em là nạn nhân của người gần gũi với gia đình các em. Tại Italia, 68,9% những vụ lạm dụng xảy ra ngay trong nhà các em. Ngoài gia đình ra, các trẻ cũng dễ bị xâm phạm do những người trong khu xóm, trường học, nơi tập thể thao, và buồn thay, cả nơi cơ sở của Hội Thánh. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy sự phát triển các phương tiện truyền thông đã góp phần đáng kể vào việc gia tăng các vụ lạm dụng. Phim khiêu dâm tràn ngập trên mạng internet và buồn thay, một phần không nhỏ những phim khiêu dâm là sự khai thác trẻ vị thành niên. Du lịch tình dục cũng là một hiện tượng đáng ngại trong thời đại ngày nay. Theo thống kê năm 2017 của Tổ chức du lịch thế giới, mỗi năm có 3 triệu người đi du lịch để tìm quan hệ tình dục với trẻ nhỏ.

2. Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, hiện tượng đau lòng trong Hội Thánh

Như đã trình bày, lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là hiện tượng trải rộng khắp nơi, tuy nhiên điều cần nhấn mạnh ở đây là sự ác này cũng diễn ra trong Hội Thánh. Đây là một thực tế hết sức trầm trọng và đau lòng bởi lẽ nó phá hủy thẩm quyền và tính khả tín của Hội Thánh trên bình diện đạo đức, luân lý. Những người đã dâng mình cho Chúa nay trở thành công cụ của Satan. Chúng ta thực sự đang đối diện với mầu nhiệm sự ác, Satan đánh vào chính tâm điểm của sứ mạng Hội Thánh.

Khi nói đến lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, không thể không nói đến việc lạm dụng quyền lực, tức là thao túng và khai thác thế yếu và sự dễ tổn thương của người bị lạm dụng. Cũng vì thế, lạm dụng quyền lực không chỉ có mặt trong quan hệ tình dục nhưng còn trong rất nhiều kiểu khai thác trẻ em: bắt trẻ em cầm súng, mãi dâm, bắt cóc trẻ em, buôn bán nội tạng...

3. Trong tầm nhìn đức tin Kitô giáo

Giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên không những là hiện tượng hết sức đau lòng mà còn gây tác hại rất lớn trên đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhìn thấy ở đó sự hiện diện và hoạt động của Thần Dữ và ngài nhấn mạnh điều đó đến độ khẳng định với các Giám mục rằng: “Tôi nói điều này với thẩm quyền của một người anh và một người cha, dù chỉ là con người nhỏ bé và tội lỗi nhưng là chủ chăn của Hội Thánh”. Nếu chúng ta không nhận ra điều này thì chưa nhận diện đúng vấn đề và không thể có những giải pháp rốt ráo. Cũng vì thế, ngài nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải áp dụng những phương thế thiêng liêng mà chính Chúa dạy chúng ta: khiêm tốn, tự cáo mình, cầu nguyện và đền tội. Đó là cách thế duy nhất để chiến thắng Thần Dữ. Đó cũng là cách Chúa Giêsu đã dùng để chiến thắng”.

Cùng với phương thế thiêng liêng trên là những chỉ dẫn thực hành:

- Ưu tiên việc bảo vệ trẻ vị thành niên: phải thay đổi não trạng, thay vì đặt ưu tiên cho việc bảo vệ cơ chế thì phải ưu tiên cho việc bảo vệ trẻ, bảo vệ các nạn nhân bị lạm dụng.

- Tuyệt đối nghiêm túc: Hội Thánh sẽ làm tất cả những gì có thể để đưa kẻ lạm dụng ra trước công lý, dù người đó là ai.

- Thanh luyện: các mục tử trong Hội Thánh phải không ngừng thanh luyện bản thân để sống thánh thiện. Sự kính sợ Thiên Chúa dẫn chúng ta đến chỗ khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình - cá nhân cũng như cơ chế, thay vì tìm cách đổ lỗi cho người khác.

- Đào tạo: trong việc tuyển chọn và huấn luyện các ứng viên chức thánh, không thể chỉ dựa vào những tiêu chuẩn mang tính tiêu cực (không phạm điều này, điều khác), nhưng cần cung cấp một tiến trình đào tạo quân bình, củng cố sự thánh thiện và đức khiết tịnh.

- Các Hội Đồng Giám Mục rà soát lại và củng cố những bản hướng dẫn: không chỉ là những chỉ dẫn mà phải đưa ra luật để áp dụng, dứt khoát không bao che cho trường hợp nào, đồng thời phát triển những cách tiếp cận mới và hiệu quả trong việc ngăn ngừa lạm dụng.

- Đồng hành với những người bị lạm dụng: những người bị lạm dụng phải chịu nhiều tổn thương sâu đậm, vì thế Hội Thánh có bổn phận cung cấp cho họ những hỗ trợ cần thiết.

- Thế giới kỹ thuật số: ngày nay việc bảo vệ trẻ vị thành niên phải quan tâm đến những hình thức mới trong việc lạm dụng tình dục cũng như những thứ lạm dụng khác đối với trẻ. Việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để lại những tác động sâu hơn chúng ta nghĩ. Cần phải cảnh giác và làm hết sức có thể để giúp người trẻ không bị vướng vào việc nghiện phim khiêu dâm, vốn để lại những thương tổn rất sâu trong tâm trí. Linh mục, tu sĩ, chủng sinh không thể là nô lệ cho những thứ nghiện ngập đặt nền trên việc khai thác và lạm dụng trẻ thơ vô tội.

- Du lịch tình dục: chính quyền dân sự phải chống lại loại hình du lịch này, đồng thời cần nâng đỡ các nạn nhân, đưa họ hội nhập lại đời sống xã hội. Các cộng đoàn Hội Thánh được mời gọi chăm sóc mục vụ cho những nạn nhân của loại hình du lịch này, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Kết thúc diễn từ, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân danh Hội Thánh “cảm ơn tuyệt đại đa số các linh mục không những trung thành với đời sống độc thân, mà còn dấn thân trong tác vụ linh mục đang trở nên khó khăn hơn do những gương xấu mà một số ít anh em gây ra”. Ngài cũng cảm ơn các tín hữu vẫn tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ các mục tử. Cùng với lời cảm ơn, ngài hướng mọi người đến chân trời hi vọng, bằng cách kêu gọi biến gương xấu hiện nay thành cơ hội thanh luyện và tin tưởng rằng “trong đêm tối dày đặc nhất, những thánh nhân và ngôn sứ vĩ đại nhất trỗi dậy” (Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVNSố 113 (Tháng 7 & 8 năm 2019)

(*) Bản tiếng Anh: Address of His Holiness Pope Francis at the End of the Eucharistic Concelebration, tại vatican.va

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top