Những câu chuyện giữa đời thường

Những câu chuyện giữa đời thường

WGPSG -- “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”

Bạn thân mến, đời người là một chuyến đi. Người đi thành phố. Người về thôn quê. Người đi Đà Lạt hay người về Cà Mau… Mỗi một chuyến đi là một hành trình quan sát, giao tiếp và học hỏi.

Thứ Bảy 22.09.2012 vừa rồi, tôi có chuyến đi về một xã miền Tây xứ dừa để tổ chức Trung Thu cho các em thiếu nhi nghèo, để nhìn lại con đường năm xưa đi học với bao kỷ niệm tuổi học trò, để gặp gỡ những người năm xưa với những khoảnh khắc ân tình thật khó quên. Nhân chuyến đi này, tôi nghe được những câu chuyện giữa đời thường. Chuyện của những người trẻ. Chuyện của những người già. Mỗi người một câu chuyện. Mỗi nhà một hoàn cảnh. Những câu chuyện đời thường như thế đọng lại trong tôi những bất ngờ, xót xa và tự hỏi: mình cần phải làm gì trong tương lai?

Chuyện người trẻ

Người dì của tôi kể lại rằng: Một đứa cháu hàng xóm của dì đi học Sài Gòn. Không chịu học chỉ biết lo ăn chơi hưởng thụ: đánh bài, nhậu nhẹt, trai gái, vũ trường v.v… Cuối cùng, túng quẫn. Bạn trẻ ấy gặp ai cũng muốn mượn tiền. Nợ nần chồng chất. Người mẹ của bạn ấy phải bán hết 1,5 hecta đất vườn để trả mà vẫn chưa hết nợ. Bây giờ cha mẹ bạn ấy nợ nần tứ phía. Lo lắng, thất vọng và xấu hổ với xóm làng. Một bạn trẻ khác là cháu ruột của dì lưu ban hai năm lớp 10 vì ham chơi game, bồ bịch. Một thời gian bạn trẻ ấy đi làm Sài Gòn nhưng cuối cùng, về quê xin đi học lại. Sống sung sướng quen rồi nên đi làm cực khổ không chịu nổi. Cha mẹ ở nhà vất vả lột dừa, nuôi heo nhưng bạn ấy học hành chẳng ra gì. Điểm thi học kỳ cuối năm không tới 0,5 điểm…

Những câu chuyện trên đây phải chăng là một tín hiệu đáng buồn cho gia đình và xã hội? Phần đông những bạn trẻ hôm nay sống không biết đến tương lai. Họ chỉ biết hưởng thụ trong hiện tại nhưng không biết đến hậu quả sau này. Không chịu khó học. Không nghề nghiệp. Không định hướng. Một lối sống như thế là gánh nặng làm khổ cho bản thân, cha mẹ và xã hội. Một bạn trẻ mới học lớp 5 mà đã “già trước tuổi”, nói chuyện với những lời lẽ như một người lớn. Không phân biệt trên dưới. Không lễ phép dạ thưa. Không nhẹ nhàng điềm đạm. Mở miệng ra là chửi thề, mã tấu và bạo lực. Dì tôi tâm sự: “Thôi dì cũng lắc đầu mấy đứa trẻ bây giờ. Bó tay… Tụi nó không ngoan bằng thằng con trai của dì. Nó rất hiếu thảo. Chịu khó học và học rất giỏi.” Vậy, điều gì dẫn đến những hiện tượng lệch lạc trong lối sống và nhân cách của phần đông người trẻ hôm nay? Phải chăng đó là vấn đề giáo dục. Giáo dục trong gia đình. Giáo dục trong nhà trường? Và quan trọng hơn cả là bản thân mỗi người trẻ cần ý thức rèn luyện chính mình.

Chuyện người già

Sát vách nhà người dì của tôi có một bà lão đã ngoài 70 tuổi. Bà sống trong một căn nhà lá nhỏ do bà con thương tình giúp đỡ. Không tiền. Không người thân. Không có một niềm an ủi từ con cháu trong lúc tuổi già. Cũng may là nhờ cha sở và mấy dì phước ở nhà thờ thăm hỏi, hằng tháng biếu một chút quà để giảm bớt phần nào nỗi cơ cực. Dì tôi cũng hay nấu món này món nọ đem qua cho bà ăn. Lâu lâu gửi bà chút tiền thuốc men, bánh kẹo. Con trai của dì làm ở Sài Gòn vừa rồi cũng gửi về biếu bà 1 triệu. Của ít lòng nhiều… Thật ấm áp!

Bạn thân mến, tuổi già thật cô đơn. Người già dễ tủi thân. Họ rất cần sự quan tâm. Họ cần tình cảm của con cháu, người thân và hàng xóm. Càng già càng trải nghiệm những đắng cay, vui buồn của cuộc đời. Càng già càng có nhiều kinh nghiệm như ông bà ta thường bảo: “Kính già già để tuổi cho.” Bạn cứ thử hình dung, một người cứ ví một ngày có 24 giờ, mỗi giờ là bao nhiêu bài học kinh nghiệm trong cuộc đời. Cứ thế mà nhân lên, 60 tuổi, 70 tuổi, 80 tuổi hay 90 tuổi v.v… Biết bao nhiêu là kinh nghiệm. Điều này cho thấy người già vẫn còn có giá trị trong cuộc sống.

Vậy mà mới đây, tờ báo “Dòng Đời” có đăng một câu chuyện kể về những người con bỏ rơi cha ruột của mình nằm ở trước hiên nhà. Không chăn gối. Không cơm cháo, thuốc men. Lạnh. Cô đơn… Thật xót xa!

Chuyện người nghèo

Dì tôi còn kể câu chuyện về hoàn cảnh nghèo của anh chị kia. Nhà dột, cột xiêu. Đi làm mướn. Không đủ tiền mua gạo để ăn cơm. Thật tội nghiệp! Lâu lâu người dượng và dì tôi gửi anh chị một chút quà để chia sẻ. Hôm đó, tôi cũng thấy chị ta. Người chị gầy, khắc khổ và vất vả.

Đa số bà con ở vùng quê này sống dựa vào cây dừa: Lột dừa. Bán dừa. Mua dừa. Một số hộ gia đình khác khá giả thì nuôi heo. Nhưng bây giờ giá dừa thấp. Giá heo xuống. Thức ăn lại tăng. Nhiều chủ dừa phải đổ nợ hàng tỉ đồng. Mất tiền. Mất nhà. Mất đất. Thật vậy, cuộc sống của bà con vùng quê này còn nghèo lắm. Bởi vậy, dì tôi mới nói: “Nhìn lên mình không bằng ai nhưng nhìn xuống thì mình vẫn còn hạnh phúc hơn rất nhiều người.”

Thay lời muốn nói

Bạn thân mến, những câu chuyện đời thường trên đây đọng lại trong ta những suy nghĩ gì? Nhiều người nghèo vẫn cứ nghèo vì nợ nần, lãi xuất cho vay. Nhiều người trẻ sống không biết đến ngày mai. Nhiều người già bị bỏ rơi, cô đơn và tủi thân. Dẫu biết rằng không ai sống thay cuộc đời của người khác nhưng cuộc đời này rất cần sự cảm thông và chia sẻ cho nhau. Vậy, bạn và tôi cần phải làm gì để xoa dịu phần nào những đau khổ, nghèo túng của những mảnh đời bất hạnh?

Một bạn trẻ Công giáo đã nói với mẹ bạn thế này: “Mẹ ơi, con có hai điều ước. Nếu sau này Chúa cho con có nhiều tiền thì con sẽ làm hai việc. Một là xây trường để dạy kỹ năng sống cho người trẻ. Hai là xây viện dưỡng lão để giúp đỡ những người già neo đơn.” Phải chăng đây là một nét đẹp của Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã dạy mỗi Kitô hữu chúng ta gần 2000 năm qua?

Top