Nhìn Thập giá...
Thập giá, tự ngàn xưa là biểu tượng của Kitô giáo.
Thập giá được treo khắp mọi nơi. Mỗi nhà thờ, mỗi gia đình và ngay trên người kitô giáo, người ta sẽ bắt gặp một cây Thập giá được dành một vị trí đặc biệt, được treo nơi trang trọng nhất để mọi người có thể chiêm ngắm, suy tư. Trên cây Thập tự đó, ai ai cũng nhìn thấy một Con Người bị treo lên trên đó và rồi ai nhìn lên cây thập tự ấy với lòng tin thật sẽ được cứu độ.
Thật kinh khủng và khó hiểu với những người không tin. Vì sao lại đi tin nhận cái con người chịu chết treo trên cây thập tự cùng với các tên trộm cướp? Có gì đâu nơi các xác khô tiều tuỵ và bị lưỡi đòng đâm thâu?
Đúng thật, dưới con mắt người đời, quả là khùng để tin người chết treo trên ấy! Nhưng không, nếu ta dừng lại, ta chiêm ngắm Con Người đang bị treo trên ấy với tâm hồn sâu lắng, với cõi lòng lắng đọng, ta sẽ thấy thật là kỳ diệu. Người ta vẫn nói cái chết của Người treo trên ấy và cây thập tự ấy là mầu nhiệm, nên rằng không có sách vở, không có trí khôn nhân loại nào có thể giải thích được cái mầu nhiệm đau khổ ấy. Chỉ trong lòng tin và chỉ những ai cảm nhận được cái gọi là mầu nhiệm Tình Yêu ở trên cây thập giá ấy thì mới phần nào thấu hiểu được thôi. Nếu không ngắm, không chiêm ngưỡng, không lắng đọng thì khó có thể hiểu được mầu nhiệm Tình Yêu trên thập giá ấy.
Trong tâm tình suy gẫm ấy, linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã mời gọi mọi người :
“Nhìn thập giá ngất cao Giêsu chịu treo. Con ngẫm suy sao Chúa yêu con làm chi? Kìa trên thiên quốc cõi phúc vinh quang nào thiếu đâu, mà đến đây chung cùng chia sẻ kiếp người.
Đường lên núi, dốc cao Calvê chiều nao. Lê bước đi nghiêng ngã trên con đường gai. Này sao hỡi Chúa, mang lấy bao nhiêu là đớn đau? Lòng xót xa nghẹn ngào không nói lên lời.
Mặc ai đó bỉu môi khinh khi cười chê. Tin nổi sao một Chúa ngô nghê chịu treo? Phần con chỉ biết một Chúa Kitô chịu đóng đinh, và chết treo thập hình để cứu muôn người.
Kìa trông Chúa, mắt môi như đang gọi ta. Yêu trách ta, sao nỡ vô tâm thờ ơ? Vòng gai, đinh sắt, chưa đủ lên lòng cảm thương sao? Nào hãy mau quay về bên Chúa nhân từ !”
Để rồi, sau cái nhìn, sau cái suy, sau cái gẫm đó con người phải thốt lên : “Giêsu, Giêsu, con muốn yêu Ngài tha thiết, ôi Giêsu Giêsu, tình Chúa xiết bao diệu kỳ. Giêsu, Giêsu vì sao Ngài hy sinh chết? Chết treo khổ đau. Thập giá ngất cao chiều nao”.
Rõ ràng rằng, chỉ có tình yêu mới có thể lý giải được mầu nhiệm Tình Yêu. Thế nhưng, tình yêu, tự muôn thuở, nó mênh mông quá, nó bao la quá. Chẳng có ai hiểu được tình yêu là gì nếu như người ấy chưa yêu. Và những ai không yêu, không cảm sẽ cho rằng những ai yêu và nhất là những người chết vì yêu là những người điên.
Thật vậy, chẳng có trí khôn nào của nhân loại có thể giải thích được mầu nhiệm Tình Yêu của người chịu chết treo trên thập tự được. Chỉ những ai cảm nhận mình yếu đuối, chỉ những ai cảm nhận mình tội lỗi thì mới biết được tình yêu cứu độ trên Thập tự giá mang con người sống vì yêu, chết vì yêu là gì.
Cũng như Thánh Phaolô đã nói nhiều lần cái mầu nhiệm Thập giá cũng như Con Người treo trên Thập giá ấy. Với thế gian thì thế gian gọi là điên rồi còn với Thiên Chúa đó chính là sự khôn ngoan. Cái khôn ngoan của Thiên Chúa thì xa vời vợi cái điên rồ của con người. Như trời cao bao nhiêu thì sự khôn ngoan của Thiên Chúa cũng xa vời vợi cái mà con người cho là điên rồ ấy. Cũng vậy, tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người cũng xa thăm thẳm với tình yêu của con người. Con người, khi yêu còn tính toán còn Thiên Chúa thì lại không. Thiên Chúa yêu bằng một tình yêu tuyệt hảo. Và với tình yêu tuyệt hảo ấy, đỉnh điểm nhất trên cây thập tự lại là tình yêu cứu độ, tình yêu đưa con người qua khỏi tội lỗi, qua khỏi sự chết và đến bến vinh quang.
Cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã viết : “Sống trên đời chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn còn tình yêu thì vô cùng, ta hãy sống làm sao với cái tình yêu để tình yêu có thể cứu ta trên cây thập giá đời”.
Vâng! thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Phận của con người quá nhỏ bé, quá tù túng nhưng tình yêu thì lúc nào cũng tràn đầy, cũng dào dạt. Ai biết sống tròn đầy tình yêu có trong mình, sẽ thấy cuộc đời này sao mà vui quá, sao mà hạnh phúc quá, sao mà đáng sống quá.
Là một con người, ai cũng mang trong mình thân phận, cũng như mang trong mình tình yêu. Nếu như trong mọi nơi, mọi lúc và mọi sự, con người sống tràn ngập niềm vui, và tình yêu mà Người chịu chết treo trên thập giá mời gọi, thì con người cũng sẽ thấy hạnh phúc và vinh quang.
Cái gì trong cuộc đời này đều có cái giá của nó cả. Đã hơn một lần Chúa Giêsu mời gọi mỗi người kitô hữu hãy vác thập giá, hãy bước theo Ngài trên con đường thập giá thì sẽ được cứu và sẽ được hạnh phúc. Hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ngược với hạnh phúc của thế gian như trong Tin Mừng Matthêu : “Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ”.
Ngày hôm nay, con người vẫn bị giằng co giữa cái hạnh phúc thế gian và hạnh phúc Nước Trời. Hạnh phúc thế gian thì sẽ không có thập giá còn hạnh phúc Nước Trời thì ngược lại. Nếu cứ mãi đi tìm hạnh phúc của trần gian thì đừng mong có hạnh phúc của Nước Trời. Hạnh phúc của trần gian được trải đầy những hình bóng của vật chất, tiền tài, danh vọng và sắc dục, còn hạnh phúc của Nước Trời thì được trải bằng những hình bóng của thập giá phảng phất trong đời ta.
Ngày mỗi ngày, kitô hữu vẫn được mời gọi, vẫn được thúc bách để sống cái công chính ở ngay cái cõi tạm này. Và rồi, những ai bị bách hại hãy kiên tâm : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 6, 1-11).
Chúng ta vẫn được mời gọi để chết đi với con người cũ, con người tội lỗi để được đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa nhưng thực tế nó làm sao ấy. Tâm trạng của chúng ta vẫn mang trong mình tâm trạng của thế gian. Chúng ta muốn giũ bỏ cái thập giá mà Chúa gửi đến cho cuộc đời mỗi người chúng ta. Chúng ta vẫn thường so đo, tính toán thiệt hơn với người này người kia. Chắc gì thập giá đời của ta nặng hơn người khác mà chúng ta vẫn mãi than van. Cứ nhìn cuộc đời, cứ nhìn con người quanh ta, ta hạnh phúc lắm mà ta không biết đó thôi. Thánh giá mà Chúa gửi cho ta còn nhẹ lắm mà ta cứ mãi than.
Thử một lần vào các bệnh viện, thử một lần vào trung tâm ung bướu, vào viện mắt, vào trung tâm nuôi bệnh nhân sida, hay vào những trung tâm nuôi người khuyết tật, ta sẽ thấy ta hạnh phúc là dường nào?
Thánh giá mà Chúa đang gửi cho ta chẳng là gì so với những người lân cận cả, ấy vậy mà chúng ta cứ mãi kêu than.
Cố lên và cố lên để vác cây thập giá mà Chúa gửi đến cho đời ta, để ta cảm nghiệm được những đau đớn mà ngày xưa con người chết vì yêu đã gánh chịu, và chúng ta cố vác cây thập giá mà Chúa gửi đến, để ta cũng được hưởng vinh quang phục sinh với Ngài.
Mỗi lần mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá là mỗi một lần chúng ta có dịp nhìn thập giá ngất cao Giêsu chịu treo ấy, để rồi ta cùng thốt lên với Cha Thành Tâm: “Giêsu, Giêsu con muốn yêu Ngài tha thiết”. Và khi chúng ta yêu Ngài tha thiết thì Ngài cũng sẽ yêu chúng ta thiết tha. Khi Chúa yêu chúng ta thiết tha rồi thì chẳng còn chi, chẳng có ai làm hại chúng ta được.
bài liên quan mới nhất
- Những người thợ thầm lặng bên “nôi hèn”
-
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas? -
Ngôn sứ Isaia - Ngôn sứ của Mùa Vọng -
Bài giảng Mùa Vọng, mở lòng ngạc nhiên thán phục trước sự mới mẻ của Thiên Chúa -
Hành hương thời Cựu ước - Phần 2: Về miền đất hứa -
Mùa Vọng và Lời Hứa với Nhà Đavít
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19