Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Tưởng niệm cuộc Thương khó Chúa Giêsu

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Tưởng niệm cuộc Thương khó Chúa Giêsu

WGPSG -- Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh không chỉ giữ chay và kiêng thịt mà còn là thời gian Hội Thánh nhìn ngắm và kính thờ Thánh giá qua nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

Hầu như tại 201 giáo xứ của giáo phận TP.HCM đều tổ chức đi đàng Thánh giá, nhưng cũng có đông các thành phần dân Chúa trong thành phố đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn tham dự nghi thức này lúc 16g00 ngày 18.04.2014.

Chặng đàng Thánh giá

Chặng đàng thương khó bắt đầu với hai nến sáng rước cây thập giá lớn tiến ra. Chủ sự là linh mục Phêrô Đỗ Duy Khánh. Theo sau là 4 giáo dân đại diện cho nam, phụ, lão, ấu của giáo xứ Chính tòa. Mọi người được mời gọi đi theo Chúa trong giờ cuối cùng của Chúa Giêsu, được mời gọi vác thập giá của chính mình là bệnh tật, nghèo khó, lừa dối, phản bội, bất hiếu, nhẫn tâm, tàn bạo, phá thai... Trên con đường đau khổ ấy, mỗi Kitô hữu đều có thể hướng nhìn về Đức Giêsu là Đấng ban sự sống đời đời.

Điệp khúc bài hát “Con đường Chúa đi qua” dẫn cộng đoàn vào chặng đàng đầu tiên. Linh mục Phêrô Đỗ Duy Khánh xướng: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô”. Mọi người cất tiếng đáp lại: “Vì Chúa đã dùng Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ” và cùng quỳ gối. Một đại diện giáo dân đọc đoạn trích Tin Mừng phù hợp với chặng Thánh giá. Linh mục hướng dẫn suy niệm ngắn. Cộng đoàn cùng nhau đọc lời nguyện rồi đứng lên. Khi ấy vị chủ sự khẩn cầu: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con... Xin vì lòng từ bi của Chúa, cho linh hồn các tín hữu được nghỉ yên ở chốn bình an”. Các thành phần dân Chúa hân hoan đáp: “Amen”. Lời bài hát “Stabat Mater” dẫn đoàn rước lại tiến qua chặng sau.

Trong năm “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” 2014, nhũng suy niệm và lời cầu nguyện trong Thứ Sáu Tuần Thánh được dành cho những thành viên gắn kết xây dựng một Giáo hội tại gia.

Chặng thứ Nhất: Chúa Giêsu bị kết án tử, mọi người xin Chúa ban sức mạnh để trung thành với lời cam kết yêu thương nhau trong gia đình.

Chặng thứ Hai: Chúa Giêsu vác thập giá, cộng đoàn nhìn nhận rằng mình đã đặt thập giá lên vai Chúa khi không yêu thương, tha thứ cho nhau mà luôn tìm cách đổ lỗi, hạ nhục những người sống chung quanh.

Chặng thứ Ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất, xin cho mỗi người biết bắt đầu lại yêu thương, chăm sóc người thân trong sự quan phòng của Chúa.

Chặng thứ Bốn: Chúa Giêsu gặp Mẹ của Ngài, xin Mẹ Maria giúp các thành viên trong gia đình luôn đặt niềm tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa ngay trong lúc gặp khổ đau.

Chặng thứ Năm: Ông Simon thành Cyrene giúp Chúa Giêsu vác lấy thập giá, nhắc cộng đoàn nhớ tới những người đang sống chung trong gia đình, biết trợ giúp nhau khi gặp khó khăn.

Chặng thứ Sáu: Bà Veronica lau mặt Chúa Giêsu, các tín hữu xin hiểu biết và say mê Đức Tin, không bị sao lãng bởi vẻ bề ngoài vật chất.

Chặng thứ Bảy: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai, các thành viên trong gia đình xin Chúa ban ơn kiên nhẫn, biết đứng lên giữa những thử thách của cuộc sống.

Chặng thứ Tám: Chúa Giêsu gặp những người phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương Ngài, cũng là tâm tình của giáo dân nhận thức về tình trạng bất hạnh, xin ơn tha thứ để biến đổi thành con người mới.

Chặng thứ Chín: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba, cộng đoàn giang tay dâng lời nguyện cầu xin ơn kiên trì chống lại những cám dỗ hưởng thụ.

Chặng thứ Mười: Chúa Giêsu bị lột quần áo, nhưng từ thập giá, Chúa lại đan tấm áo choàng mới cho phẩm giá làm người, làm con cái Thiên Chúa luôn được tôn trọng với vẻ đẹp tinh tuyền, không bị xé rách.

Chặng thứ Mười Một: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, minh chứng rằng dù con người lừa dối và chối từ nhau thì tình yêu Thiên Chúa vẫn luôn trung tín, chẳng bao giờ đổi thay.

Chặng thứ Mười Hai: Chúa Giêsu chết trên thập giá, các tín hữu giang tay như muốn thưa lời đáp trả tình yêu Chúa trao, bằng việc hoàn tất ơn gọi, bổn phận, trách nhiệm trong đời sống.

Chặng thứ Mười Ba: Tháo xác Chúa Giêsu xuống và trao vào tay Đức Mẹ, giáo hữu cũng được Mẹ Maria bảo bọc trong cánh tay yêu thương, học cách quan tâm đến những người đau khổ, làm mới cuộc sống trong Đức Tin.

Chặng thứ Mười Bốn: Chúa Giêsu được đặt trong mộ đá, trở nên Adam mới, là hạt giống bị thối đi để trổ sinh nhiều bông hạt... Cộng đoàn thinh lặng khi kết thúc 14 chặng đàng tưởng niệm, lắng nghe tiếng trái tim thổn thức vì cảm nhận sự hy sinh và tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người.

Suy tôn Thánh giá

Nghi thức Suy tôn Thánh giá lúc 17g00 với 3 phần: Phụng vụ Lời Chúa, Kính thờ Thánh giá, Rước Mình Thánh Chúa. Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm mặc phẩm phục đỏ tiến ra trước bàn thờ, thinh lặng quỳ cầu nguyện. Ngài tiến lên Bàn Thánh, dâng lời nguyện để dẫn vào hai bài đọc Thánh Thư. Linh mục Phêrô Đỗ Duy Khánh cùng 2 người đọc Bài Thương khó theo Tin Mừng Thánh Gioan.

Đức Giám mục chia sẻ sau bài Phúc Âm về 2 cảm nghiệm khi chiêm ngắm Chúa Giêsu bị đóng đinh. Đó là: Tình yêu của Thiên ChúaTội lỗi của con người... Thánh giá bày tỏ khuôn mặt yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa dù con người luôn đắm chìm trong tội lỗi. Chúa Cha thương loài người đến nỗi chấp nhận cho thế gian đóng đinh Con Một Ngài. Chúa Giêsu thì chấp nhận làm của lễ hiến tế để cứu chuộc nhiều người. Chúa Thánh Thần là sức mạnh tác động yêu thương đến cùng. Lãnh đạo dân Do Thái vu khống, quan Philatô đồng lõa, Phêrô hèn nhát chối Thầy, người dân dửng dưng, binh lính hung dữ... đã dẫn đến cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Trong đó cũng có bóng dáng tội lỗi vu khống, đồng lõa, hèn nhát, dửng dưng, hung dữ... của mỗi người trong thế giới hôm nay. Để được đi trên con đường Cứu độ, người Kitô hữu cần có tâm tình hiếu thảo với Thiên Chúa, sống tình yêu thương với đồng loại, chấp nhận hy sinh để đem lại niềm vui cho người chung quanh...

Các thành phần dân Chúa hiệp cùng Đức Giám mục chủ tế dâng các lời cầu nguyện cho Hội Thánh luôn hiệp nhất và bình an, cầu cho Đức Giáo hoàng Phanxicô an khang để lãnh đạo Giáo hội, cầu cho hàng giáo sĩ và giáo dân khắp toàn cầu trung thành phụng sụ Chúa, cầu cho anh chị em Dự tòng được sớm gia nhập đoàn nghĩa tử, cầu cho các Kitô hữu được hợp nhất, cầu cho người Do Thái trung thành với giao ước của Chúa, cầu cho người ngoài Kitô giáo được Thánh Thần soi sáng vào đường cứu độ, cầu cho người vô thần sống theo lương tâm ngay thẳng, cầu cho các nhà lãnh đạo quốc gia tận tình lo cho người dân vui hưởng hạnh phúc, cầu cho những người đau khổ vượt qua khó khăn... Năm nay, Giáo hội Việt Nam tiếp tục hiệp thông với Kitô hữu ở Giêrusalem, quyên góp giúp Thánh địa như lời mời gọi của các mục tử trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Cây Thánh giá lớn có phủ khăn đỏ được rước ra trước bàn thờ. Đức Giám mục Phêrô tháo một góc khăn che và cất cao tiếng: “Đây là Cây Thánh giá, nơi treo Đấng Cứu độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Cả nhà thờ quỳ xuống tôn kính 3 lần. Đức Hồng y Gioan Bt. Phạm Minh Mẫn, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, linh mục chính xứ Chính tòa Gioan Bt. Huỳnh Công Minh, các linh mục đồng tế, tu sĩ nam nữ và một số giáo dân đại diện cộng đoàn đã tiến lên cung thánh hôn kính tượng Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh giá.

Rước lễ

Linh mục Giuse Vương Sĩ Tuấn đến bàn thờ tạm rước Mình Thánh Chúa lên bàn thờ chính. Đức Giám mục chủ tế xướng kinh Lạy Cha, tiếp tục phần phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, cho cộng đoàn rước Thánh Thể. Sau lời nguyện chúc lành, các thành phần Dân Chúa xếp thành những hàng dài, tiến lên hôn chân Chúa. Vương cung Thánh đường Sài Gòn mở cửa đón bà con giáo dân đến hôn kính Thánh giá cho đến 22 giờ đêm trong tâm tình sám hối ăn năn, vì đã làm cho Con Thiên Chúa phải chịu chết thê thảm trên Thánh giá; đồng thời, cảm tạ tình yêu của Thiên Chúa đã hiến mình chịu chết để cứu chuộc loài người tội lỗi.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top