Người khách lạ

Người khách lạ

Giáng Sinh đang về khắp muôn lối. Noel gõ cửa từng nhà. Lung linh ánh đèn, rực rỡ sắc màu, nhộn nhịp thanh âm, chan hòa niềm vui. Nhạc Giáng Sinh rộn ràng ngân vang mùa bình an.

Nhạc sĩ Thông Vi Vu (ĐGM Giuse Vũ Duy Thống) đã viết hơn 30 ca khúc kể chuyện Giáng Sinh. Những đêm nhạc Thông Vi Vu như “Réo Rắt Noel” - “Rộn Ràng Noel”- “Rộn Rã Noel”… đã được tổ chức đó đây vào Mùa Noel. Các đĩa nhạc “Réo Rắt Noel” - “Rộn Ràng Noel” đã được quần chúng đón nhận với tất cả lòng mến yêu ngưỡng mộ. Những ngày này, đi đâu cũng nghe âm vang những bài ca Giáng sinh, khi cầu nguyện thiết tha, lúc réo rắt câu chuyện kể, khi rộn rã niềm vui.

Tôi rất tâm đắc ca khúc “Người khách lạ”. Ns Thông Vi Vu đã dệt nhạc từ câu chuyện giàu ý nghĩa giáo lý và lịch sử cứu độ. Kể chuyện Thánh Kinh bằng ngôn ngữ âm nhạc là một cung cách chuyển tải Tin mừng vào cuộc đời. Gần gũi dễ hiểu, ai cũng có thể nghe và hát ngâm nga bất cứ ở đâu và lúc nào. “Người khách lạ” là một ca khúc sâu lắng dệt trên âm giai rê thứ như lời tự sự về nổi lòng của Eva. Giai điệu dìu dặt kể về gánh nặng Nguyên Tổ đã trở nên nhẹ nhàng khi “Người khách lạ” đến Máng Cỏ gặp Chúa Hài Nhi, dâng trao quả táo năm xưa thưở địa đàng. Một quả táo cám dỗ, đau khổ và sự chết tràn vào thế gian. Giờ đây dâng cho Hài Nhi, Đấng xóa tội thế trần, Eva hạnh phúc, đứng thẳng lên lòng ngập tràn niềm vui.

“Người khách lạ” được phổ nhạc từ câu chuyện “Người Khách Cuối Cùng” của Jérôme và Jean Tharaud thuộc Hàn lâm viện Pháp (Trích tuyển tập:Những mẫu chuyện Giáng Sinh của các tác giả lừng danh trên thế giới).

Câu chuyện xảy ra tại Bêlem vào lúc hừng đông. Ngôi sao vừa lặn, người hành hương cuối cùng đã rời chuồng bò, Người Trinh Nữ đã vun rơm lại, cuối cùng rồi Hài nhi cũng sắp ngủ. Nhưng một đêm Giáng Sinh thì có ngủ được chăng?…

Cánh cửa nhè nhẹ hé ra, cứ như là do gió thổi hơn là do một bàn tay đẩy ra, một bà lão xuất hiện nơi ngưỡng cửa, ăn mặc rách rưới; bà già nua và nhăn nheo đến độ miệng bà giống như một lằn nhăn thêm vào bao nét chằng chịt trên gương mặt bà.

Nhìn thấy bà, cô Maria hoảng sợ, như có một yêu tinh nào đó bước vào. May thay, Hài nhi Giêsu vẫn ngủ! Bò lừa nhai rơm trong bình yên và nhìn người lạ bước vào mà không hề ngạc nhiên gì, cứ như là chúng biết bà từ lâu lắm rồi. Trinh Nữ nhìn bà chằm chặp. Mỗi bước bà đi như kéo dài hàng thế kỷ.

Bà lão tiếp tục bước đến, và giờ đây đã ở cạnh máng cỏ. Đội ơn Chúa, Hài Nhi Giêsu vẫn ngủ. Nhưng một đêm Giáng Sinh thì có ngủ được chăng?…

Bất giác, cậu mở mắt ra, và người mẹ nhận ra rằng mắt của người phụ nữ và mắt của con mình giống hệt nhau và long lên cùng một niềm hy vọng.

Thế rồi bà lão cúi mình xuống lớp rơm; bà đưa tay lục lọi trong bộ đồ rách bươm của mình một vật gì mà dường như hàng thế kỷ bà mới tìm ra. Cô Maria vẫn lo lắng dõi mắt nhìn theo. Mấy con thú cũng đưa mắt nhìn, nhưng vẫn không ngạc nhiên gì, cứ như là chúng biết trước chuyện gì sắp xảy ra.

Cuối cùng, sau một thời gian thật lâu, bà lão rút ra từ lớp áo mình một vật bà giấu kín trong bàn tay và bà trao cho Hài Nhi.

Sau những vàng bạc của Ba Vua và của lễ các mục đồng, giờ đây Chúa nhận được quà gì? Từ nơi cô Maria đứng, cô không thể nhìn thấy món quà ấy. Cô chỉ thấy chiếc lưng vốn còng xuống vì tuổi tác càng còng thêm khi nghiêng mình bên nôi Hài Nhi. Bò lừa thì nhìn thấy, nhưng chúng cũng chẳng hề ngạc nhiên.

Việc này cũng kéo dài lâu thật lâu. Rồi bà lão thẳng người lên, như thể đã trút được gánh thật nặng kéo gập người bà xuống sát đất. Lưng bà không còn còng nữa, đầu bà gần chạm đến mái tranh, gương mặt bà đã trở lại nét tươi trẻ. Khi bà rời chiếc nôi để đi về phía cửa rồi biến đi trong đêm tối, nơi bà đã đến, bấy giờ Maria mới nhìn thấy quà dâng của bà.

Eva (vì bà là bà Eva) vừa trao cho Hài Nhi một quả táo, cái quả táo gây nên tội lỗi đầu tiên (và kéo theo bao tội lỗi khác !). Và quả táo đỏ lấp lánh trên đôi tay của Hài Nhi như quả địa cầu vừa ra đời cùng lúc với cậu.

Câu chuyện được chuyển thể âm nhạc thành bài ca tuyệt đẹp gợi những suy niệm về mầu nhiệm Giáng Sinh.

Tin mừng Lc 2,1-20, kể lại một câu chuyện tầm thường nhất nhưng cũng là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

1) Một biến cố tầm thường nhất:

Một gia đình nghèo khổ không tìm ra chỗ trọ trong lữ quán. Số người Do thái trở về Giêrusalem để làm sổ khai sinh quá đông. Hai ông bà Giuse, Maria không có tiền để vào khách sạn, vào các nhà nghỉ đắt tiền. Các quán trọ đã hết chỗ. Mùa tăng giá và bắt chẹt khách hàng. Tăng giá để loại trừ người nghèo. Ở đó không có chỗ trống cho tình người. Hai ông bà đành phải qua đêm ngoài đồng hoang tại Bêlem, trong một hang đá nơi dành riêng cho chiên bò nghỉ ngơi. Đêm đông hôm ấy trong cảnh sương tuyết gió lạnh, Maria đã hạ sinh một con trai. Bà đặt con trẻ trong máng cỏ. Bạn hữu thân nhân chẳng có ai. Chỉ có vài mục đồng đến thăm viếng. Sự kiện chỉ có thế. Thật đơn giản.

2) Một biến cố vĩ đại nhất.

Thế nhưng, em bé ra đời trong cảnh nghèo hèn đó lại là một vị Thiên Sai. Ngài đã cắt đôi dòng lịch sử loài người thành hai phần, trước công nguyên và sau công nguyên, trước và sau ngày giáng sinh của Ngài. Em bé ấy không phải là một nhà bác học, không phải là một nhạc sĩ mà chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng cao sang, quyền năng, Đấng sáng tạo vũ trụ hôm nay đã làm người. Ngài giáng sinh làm người trong thân phận một em bé yếu ớt nằm trong máng cỏ hang lừa chứ không phải trong một cung điện sang trọng lầu son gác tía. Thiên Chúa đã chọn làm một người nghèo, sinh ra trong một gia đình nghèo chứ không phải quyền quý giàu sang.

Bởi vậy, biến cố Giáng sinh hôm nay bên ngoài xem ra thật tầm thường nhưng lại là một biến cố vĩ đại. Quá vĩ đại đến nổi nhiều người đã không tin. Ngay trong số những người tin có Thiên Chúa cũng đã có người không dám nghĩ rằng Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Tin vào một Thiên Chúa là Đấng thần linh thì hầu hết các tôn giáo đều tin nhận; nhưng tin vào một Thiên Chúa nhập thể làm người, chấp nhận thân phận con người thì còn rất nhiều tranh luận. Làm sao một Thiên Chúa lại có thể làm những chuyện quá tầm thường như được cưu mang, được sinh ra? “Một sự kiện táo bạo, táo bạo đến độ sững sờ sợ hãi,chẳng phải vì khó tin giật gân cho bằng vì không dám tin vào điều vượt tầm quan niệm. Thiên Chúa Đấng khôn tả của triết học bỗng dưng trở thành diễn tả được, Thiên Chúa Đấng vô hình của tôn giáo đã chọn cho mình một thể thức xuất hiện hữu hình,và Thiên Chúa Đấng cứu độ trước đây chỉ muốn bày tỏ với con người khốn khổ qua trung gian của các thụ tạo được tuyển chọn,giờ đây lại ngõ lời trực tiếp với con người qua Hài Nhi bé bỏng nắm trong máng cỏ. Quả là sự kiện táo bạo”. (x. CG và DT số 1437,ĐGM Vũ Duy Thống).

Vậy mà Giáo hội chúng ta suốt hơn 2000 năm qua vẫn kiên trì bảo vệ niềm tin vững chắc vào Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Và để khẳng định niềm tin vào một Thiên Chúa nhập thể ấy, trong phụng vụ lễ Giáng Sinh khi đọc Tin mừng Gioan 1,14: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” thì mọi người đều quỳ gối; và trong Lễ Truyền Tin khi đọc Kinh Tin Kính, mọi người cũng quỳ gối khi đọc câu: “Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người”.

Vậy chúng ta tự hỏi: Niềm tin vào Thiên Chúa làm người mang lại cho chúng ta, cho nhân loại điều gì?

Ngôn sứ Isaia từ ngàn xưa đã nhìn thấy việc Hài Nhi sinh ra cho ta đêm nay như là một luồng ánh sáng mở mắt nhân loại đang bước đi trong bóng tối sự chết.

Nhìn vào xã hội Việt Nam, nhìn ra thế giới, ta thấy bóng tối của sự chết, chiến tranh hận thù đang đe dọa sự sống con người.

- Bão lụt Miền Trung gây thiệt hại tài sản nhân mạng, không biết bao nhiêu gia đình mất nhà mất cửa, thiếu thốn lương thực.

- Tội ác gia tăng đến mức báo động, sự xuống cấp của đạo đức xã hội nạn tham nhũng đã thành phổ biến, xì ke ma tuý len lỏi vào các trường học. (x Vài suy nghĩ về tình trạng suy đồi đạo đức xã hội hiện nay,Lm Thiện Cẩm, Nguyệt san CG và DT số 107). Nạn phá thai đến mức báo động như lời vị nữ bác sĩ giám đốc bệnh viện phụ sản Từ Dũ: “TP.HCM: tỷ lệ nạo phá thai cao nhất nước !” ( x.Ephata 144). Trong hai thập niên vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều điều đáng lo ngại cho tiền đồ của dân tộc. Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết”. (Sứ điệp Đại Hội Dân Chúa 2010, số 6).

- 20 thế kỷ qua, chiến tranh luôn diễn ra khắp nơi. Chưa một ngày nào thế giới hoàn toàn im tiếng súng. Hết chiến tranh thế giới lần I đến chiến tranh thế giới lần II. Hết chiến tranh giữa hai khối tư bản và chủ nghĩa xã hội đến chiến tranh diệt chủng ở Ruanđa. Chiến tranh giữa Israel và Palestin, chiến tranh Bosnia và Sesbia. Cuộc chiến Afganittan rồi Irắc. Xung đột bán đảo Triều Tiên. Khủng bố toàn cầu gieo rắc chết chóc sợ hãi…

Những cảnh tượng chết chóc đau thương của thiên tai, của chiến tranh làm chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu xuống thế làm người đêm nay. Đêm mà Thánh Gia đã phải sống kiếp bơ vơ không nhà, không cửa. Trẻ thơ Giêsu đã phải nếm mùi giá rét của mùa đông khắc nghiệt. Mùa giáng sinh năm ấy, Bêlem loang máu trẻ thơ vô tội, thành Rama vang tiếng khóc của trẻ thơ mới chào đời.

Mọi cố gắng xây dựng hoà bình của con người, của các tổ chức quốc tế đều không thể dập tắt hận thù và chiến tranh.

Chỉ khi nào tước bỏ khỏi lòng người sự thù hận, tham lam, kiêu căng thì mới có hòa bình. Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush (tổng thống bố) đã tặng cho Chủ tịch Liên Xô Gorbachov một viên gạch trơ trụi, không một lời ghi khắc trên đó, ngay sau cuộc họp thượng đỉnh cuối năm 1989 tại đảo Malta.

- Sao lại là một viên gạch chứ? không phải là một món quà sang trọng? - Nhiều người tự hỏi.

- Nó là một viên gạch nhưng khác với tất cả mọi viên gạch, vì ông ta lấy nó từ bức tường ô nhục Bá Linh sau khi bức tường sụp đổ.

Là gạch, là đá nhưng nó nói lên nhiều điều quá. Nó nói lên khát vọng sâu lắng của tâm tư: khát vọng hoà bình. Quà trơ trụi, nhưng lòng thì tràn ngập yêu thương. Nó là tiếng vọng công lý của những ai yêu chuộng hoà bình. Gói ghém trong mớ đất sét đã nung thành gạch ấy là tâm tình của những người có tâm hồn không còn khô như gạch, không còn cứng như đá, nhưng đong đầy cảm thông. Đã có một thời, nó là phần tử của bức tường ngạo nghễ vươn cao ngăn cách lòng người. Nay nó sụp xuống dưới đáy cuộc đời để mở lối cho hoà bình bước tới. Rồi người ta dùng nó để trao nhau tâm tình hoà bình. (Đỗ Thảo Nam SJ).

Chỉ khi nào con người nhận ra người khác là anh em con một Cha thì nhân loại mới hết hận thù ghen ghét, không còn chiến tranh giết chóc.

Chính Chúa Giêsu đến thế gian để thực hiện điều đó. Ngài đem hoà bình cho nhân loại. Ngài đến để tước bỏ khỏi lòng người sự thù hận. Ngài tỏ cho nhân loại biết: tất cả anh em là con cùng một Cha, Thiên Chúa nhân lành. Giáo lý quan trọng nhất của Chúa Giêsu là dạy cho mọi người biết Thiên Chúa là người Cha rất yêu thương và tất cả nhân loại là con cái của Người và là anh chị em ruột thịt với nhau. Chỉ có giáo lý cao đẹp này, chỉ có Tin mừng này mới giải thoát nhân loại khỏi chiến tranh để xây dựng hoà bình.

Sự sa ngã của người phụ nữ già nua còng lưng Eva đã làm cho tội lỗi vào trần thế gây nên hận thù và sự chết chảy dài trong lịch sử nhân loại. Đêm nay, Con Thiên Chúa làm người, Bà lão Eva đã dâng quả táo, quả địa cầu rực nóng cho Hài Nhi.Giờ đây Bà thanh thản, lưng đứng thẳng, nét mặt tươi trẻ lại vì đã trút được gánh nặng của năm tháng hối hận chồng chất đè nặng. Quả địa cầu lấp lánh tình thương và hoà bình trên tay Hài Nhi mở ra viễn ảnh an hoà cho nhân loại.

Trong đêm hồng phúc này, bên Hài Nhi trong máng cỏ. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người trên thế giới được đón nhận giáo lý cao đẹp của Chúa Giêsu. Đó là Tin Mừng dẫn đường soi lối cho nhân loại xây dựng hoà bình trên công lý và tình yêu, cùng nhau kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương.

Lạy Chúa Giêsu Hài Nhi, xin cho con mỗi lần dừng lại bên máng cỏ trong mỗi mùa Noel, con cũng biết dừng lại bên máng cỏ nơi chính lòng mình, để cảm nghiệm rằng có một Đấng yêu thương đang cư ngụ trong con. Xin cho đời con cũng là một mùa Giáng Sinh liên lỉ, đón Chúa và đem Chúa đến với anh em trong bình an và ơn thánh. Amen.

Top