Nghịch lý cây Thập tự

Nghịch lý cây Thập tự

“Thương ôi, con Đức Chúa Trời ra đời làm người, chịu trăm nghìn sự thương khó vì tội thiên hạ”.

Lời ngắm bi thương thống thiết đưa ta về với một hy lễ đẫm máu trên đồi Can-vê năm xưa. Trên cây thập tự, Đức Giêsu hiến mình làm giá cứu chuộc nhân loại. Có biết bao cái chết mỗi ngày mà sao cái chết của người có tên là Giêsu cách đây hai ngàn năm lại được lưu danh hậu thế? Có bao dụng cụ hành hình mà sao cây gỗ năm xưa lại trở thành biểu tượng của những cảm xúc thiêng liêng? Thưa, vì Đấng chịu treo trên cây gỗ là Con Thiên Chúa làm người. Có người phê phán các Kitô hữu “tôn thờ một dụng cụ hành hình, một biểu tượng của tội ác”. Không! Các Kitô hữu không thờ một cây gỗ, mà là thờ Đấng chịu treo trên cây gỗ đó. Không có Chúa Giêsu, cây gỗ sẽ trở thành vô nghĩa, vô hồn. Một Đức Giêsu không trải qua thập giá sẽ không còn là Đức Giêsu của đức tin. Chúa đã quở trách ông Phêrô là “Satan”, khi ông muốn can ngăn Người bước vào cuộc khổ nạn (x. Mt 16,21-23).
Từ hai ngàn năm nay, cây thập tự đã khơi nguồn gợi hứng cho biết bao tác phẩm văn chương nghệ thuật, làm cho chúng sống mãi với thời gian. Nơi cây thập tự, chúng ta học được nhiều bài học để sống làm con người và làm con Chúa. Một dụng cụ hành hình đã trở nên biểu tượng của tình yêu. Xem ra cây thập tự mang nhiều nghịch lý cuộc đời.
“Hận thù - yêu thương”: Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mc 15,14). Những tiếng la hét giận dữ, những nắm đấm giơ lên, những khuôn mặt hừng hực căm thù, đó là bức tranh diễn tả khung cảnh “pháp đình” vào lúc Đức Giêsu bị kết án. Những kỳ mục Do Thái đã căm thù và muốn giết Chúa, như thanh toán một nhân vật nguy hiểm đối với họ. Hậu quả là cái chết của một người vô tội. Bản án được tuyên là tử hình thập giá. Cả khi Đức Giêsu đã bị treo trên thập giá, họ vẫn còn nguyền rủa, thách thức: “Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!” (Mt 27,42). Tuy vậy, nếu con người muốn kết án Chúa bằng khổ hình thập giá để thỏa mãn sự ghen ghét của họ, thì Đức Giêsu lại muốn biến thập giá thành biểu tượng của tình yêu. Cây thập giá là nơi Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài đối với thế gian một cách mãnh liệt nhất. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đức Giêsu đã lấy yêu thương đáp lại hận thù. Người đã thể hiện điều đó qua lời xin Cha tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Người tín hữu hôm nay, khi cầu nguyện trước thập giá, được nghe lời mời gọi hãy yêu thương, tha thứ. Nếu biết sống sứ điệp của thập giá, thế gian sẽ hết hận thù, tình yêu sẽ tràn đầy mặt đất. Thập giá là bí quyết của sức mạnh vượt lên chính con người ích kỷ của mình, đem lại sự bình an và tha thứ cho anh chị em.
“Sự chết - sự sống”: Các tác giả Tin Mừng thuật lại, Chúa Giêsu đã làm cho nhiều người đã chết được sống lại. Qua những phép lạ này, Chúa chứng minh Người là Đấng đến để ban sự sống cho nhân loại. Như hạt lúa gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để nảy mầm, trên cây thập giá, nguồn sự sống đã chấp nhận chết đi để ban sức sống mới cho muôn người. Một số kỳ mục và người dân Do Thái đã hoan hỉ vì thấy người mà họ căm ghét đã bị giết chết. Họ trở về mừng lễ Vượt qua, kỷ niệm biến cố Chúa giải phóng tổ tiên họ năm xưa. Họ nhắc bảo cho nhau những điều kỳ diệu Chúa đã làm khi dẫn đưa cha ông họ ra khỏi Ai Cập. Ra khỏi Ai Cập là ra khỏi sự chết, là ra khỏi cảnh nô lệ. Cũng chính trong đêm kỷ niệm kỳ diệu ấy, Đức Giêsu đã ra khỏi mồ. Người ta đã giết Chúa, nhưng Người đã sống lại. Cái chết không phải là câu nói cuối cùng của Thiên Chúa. Ngôi mộ chẳng là chặng dừng vĩnh viễn của kiếp con người. Cây thập giá vừa là “giường Vua Cả nằm khi sinh thì”, đồng thời cũng là thửa đất phì nhiêu để hạt giống nảy mầm sinh sôi. Cây thập giá đã trở thành cây trường sinh, là phản diện của cây trái cấm ở thuở ban đầu của lịch sử. Ngôi mộ trống của ngày thứ nhất trong tuần là ngôn ngữ sống động minh chứng quyền năng Thiên Chúa. Từ ngôi mộ này, một cuộc sáng tạo mới đã được khởi đầu. Đó cũng là nơi con người tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn về sự chết và đau khổ đang giày vò biết bao thế hệ. Nhờ cây thập giá, sự chết được biến đổi thành sự sống, đau khổ đã trở thành niềm vui. Mỗi khi ngang qua những nấm mộ có cây thập giá, chúng ta nhìn thấy mầm sống tương lai đang hé mở, đem lại niềm hy vọng cho người đang an nghỉ. Triết lý “hạt giống mục nát để nảy mầm” cũng là ơn gọi của người tín hữu chúng ta. “Ai yêu quý mạng sống mình ở đời này, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Vâng, người tín hữu đang chết đi mỗi ngày qua sự sám hối hy sinh và dấn thân phục vụ, để họ được sự sống siêu nhiên, được hạnh phúc hôm nay và mãi mãi.
“Người kết án - Người bị kết án”: Philatô với cương vị là một người chủ tọa phiên xử cho bị cáo có tên là Giêsu, lại tỏ ra lúng túng trước những câu trả lời của Chúa. Vào lúc ông muốn chứng tỏ uy quyền của mình, thì ông được nghe Chúa đáp lại:“Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chăng ban cho ngài” (Ga 19,11). Chính Philatô cũng phải thừa nhận Đức Giêsu vô tội (x. Ga 19,4), nhưng vì hèn nhát trước làn sóng phản đối dữ dội kèm theo những lời đe dọa của người Do Thái, ông đã chấp thuận lên án tử cho Chúa. Ngàn ngàn năm sau, con người hèn nhát đó vẫn không thoát trách nhiệm: “Thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng …”. Đối diện với Philatô, Đức Giêsu nhắc ông hãy nhìn lại mình. Hãy nhận ra những quyền lực mình đang có chẳng phải do công lao cá nhân, nhưng là do Trời ban cho, vì vậy cần phải xử sao cho hợp với “lòng dân, ý Trời”. Trên cây thập giá, Đức Giêsu cũng đã hành xử quyền thẩm phán của Người. Thật là nghịch lý khi thấy một con người đang bị treo trên cây gỗ lại mạnh mẽ tuyên bố với một tử tội khác: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Đó chẳng phải là một lời cầu chúc mà là một lời tuyên bố dứt khoát. Đức Giêsu trên thập giá đã tỏ cho mọi người thấy vương quyền của Ngài. Vì thế, với ngọn bút của tác giả Tin Mừng Thánh Gioan, thập giá vừa là khung cảnh thương đau, nhưng cũng là nhạc khúc huy hoàng. Chẳng phải vô cớ mà tác giả ghi lại chi tiết tấm bảng trên đầu thập giá được ghi bằng ba thứ tiếng: Do Thái, La Tinh và Hy Lạp. Điều này mang ý nghĩa tượng trưng đặc biệt: tiếng Do Thái là ngôn ngữ của tôn giáo, của Thánh Kinh; tiếng La Tinh là ngôn ngữ hành chính, xã hội thời Đế quốc La Mã; tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ của một nền văn hóa đương thời phồn thịnh. Đức tin vào Đấng chịu đóng đinh đã, đang và sẽ được trình bày với mọi tôn giáo trong tinh thần đối thoại tương kính; được giới thiệu cho mọi nền văn hóa như chất men làm thăng hoa những giá trị nhân bản; được loan báo cho mọi giai tầng xã hội để cổ võ nhân ái, xây dựng một nền văn minh tình thương. Đức Giêsu đã qua đau khổ đạt tới vinh quang. Những ai muốn làm môn đệ của Người không thể chối từ thập giá, nhưng được mời gọi cùng Người vác thập giá đời mình, trong tình mến Chúa và những dấn thân phục vụ anh em.
“Điên dại – khôn ngoan”: Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa… vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,18. 25). Trải suốt bề dày của lịch sử, biết bao người đã “điên dại” chọn cây thập giá làm lẽ sống cho đời mình. Vào thời cấm cách, người ta không thể hiểu tại sao có những tín hữu Việt Nam, từ người học thức đến người bình dân, từ người làm việc triều đình đến người nông dân nghèo khổ, bị “nhiễm bệnh thập giá” đến nỗi thà chết chứ không bước qua cây gỗ. Họ bị kết án là những kẻ phản bội triều đình. Họ bị coi là những người điên. Ấy vậy mà họ vẫn vui vẻ và sẵn sàng đón nhận cái chết. Thánh Anrê Kim Thông (1790–1855) đã trả lời quan khi vị này ép ông đạp lên thập giá: “Thánh giá mà tôi tôn thờ hôm qua thì hôm nay tôi không thể bước lên được”. Cũng vậy, ở tuổi đời 72, Thánh Phêrô Tuần (1766–1838) đáp lại: “Tôi thật đã già yếu lại ốm đau, nhưng tôi tin Thiên Chúa sẽ ban cho tôi đủ sức mạnh để chịu mọi hình khổ và ngay cả cái chết vì Ngài nữa”. Và thế là, vì từ chối bước lên thập giá, “từng đoàn người anh dũng bước lên pháp trường” trước nỗi kinh hoàng và thán phục của những người đại diện cho quyền lực thế gian. Các thánh tử đạo đã chấp nhận tiếng người đời cho là điên dại để được khôn ngoan suốt đời, vì các ngài xác tín: chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ơn gọi của người tín hữu là bước theo Đức Giêsu. Nhưng con đường Người đã đi là con đường thập giá, vì thế mà chúng ta không thể chọn con đường khác. Muốn nhận nụ hôn của Chúa, thì phải chấp nhận sự đau đớn gây ra do những chiếc gai trên đầu Người. Đường thập giá là đường đau khổ, nhưng cũng là con đường đem lại cho chúng ta niềm vui thiêng liêng.
“Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, vì Chúa đã dùng thánh giá mà cứu chuộc chúng con”. Vâng, chúng ta hãy đến thờ lạy, hãy đến lắng nghe và đón nhận những bài học của thập giá. Câp thập giá là nguồn gợi hứng bất tận cho những suy tư đạo đức của chúng ta, nếu chúng ta đến với thập giá với đức tin, với lòng khiêm tốn và chân thành.

Top