Ngày Xuân
WGPSG -- “Chúa ơi! Nay ngày Xuân! Hồn con say sưa trong sắc hương. Thoáng muôn cung ca đàn. Nhịp lừng vang hoà với thiều quang… Xin Chúa khoan nhân, ban xuống muôn ân. Cho chúng con một năm thắm tươi. Xin Chúa khoan nhân, ban xuống muôn ân cho chúng con một năm sáng ngời… Xin cho sống trên trần gian. Đầy no phúc ân hồn xác. Nhất tâm phụng thờ CHÚA XUÂN.”
Bản Thánh ca “Ngày xuân cầu nguyện” của Hoài Đức vang lên trong dịp Xuân về, Tết đến thật vui tươi, đầm ấm; nâng tâm hồn người nghe hướng về CHÚA XUÂN, cùng dâng lời chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, tri ân Ngài và nguyện xin Ngài với bao ý tình dạt dào; bao ước mơ nồng thắm, bao hy vọng tràn trề.
Ngoài trời, nắng Xuân ấm áp, xua tan giá lạnh của buổi Đông tàn. Gió Xuân lay nhẹ những cành cây, ngọn cỏ. Chim hót líu lo, bướm lượn tung tăng, làm cho lòng người tạm quên đi những lắng lo, muộn phiền thường ngày, để hoà vào bầu khí tưng bừng, náo nhiệt, tươi vui của ngày Xuân với hương Xuân, sắc Xuân, có muôn hoa đua hương, khoe sắc, mà người người hân hoan, vui đón Xuân sang.
Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm. Những ngày đầu Xuân, đầu năm là những ngày vui nhất, được gọi là ngày TẾT. Ngày 01.01 Dương lịch là Tết Tây. Còn ngày đầu tiên của năm Âm lịch là TỀT NGUYÊN ĐÁN, còn gọi là TẾT Âm lịch, TẾT Ta, TẾT Cả, TẾT cổ truyền, TẾT Việt Nam hay chỉ ngắn gọn gọi là TẾT. Và là cái TẾT quan trọng nhất của người Việt Nam chúng ta đối với nhiều cái TẾT khác trong suốt năm.
Vậy TẾT là gì? Sao gọi là TẾT NGUYÊN ĐÁN? Mỗi năm, người Việt Nam chúng ta có bao nhiêu cái TẾT?
Tết do chữ Tiết đọc chại ra mà thành. Tiết là thời tiết, là khoảng thời gian được chia ra, được phân định sẵn trong lịch từ xa xưa. Theo đó, trong năm, chúng ta có tới 24 tiết khác nhau, kế nhau, qua bốn mùa trong năm.
Trong kinh “Xin ơn bằng yên” thường đọc trước đây, bây giờ ít đọc; chúng ta xin cho “Tứ thời, bát tiết yên hàn”, tức xin Chúa ban cho trong suốt năm được yên ổn, bình an. Tứ thời là bốn mùa trong năm. Đó là : Xuân, Hạ, Thu và Đông. Bát tiết là Tám tiết trong năm là: lập Xuân, lập Hạ, lập Thu, lập Đông; Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.
Còn Nguyên Đán là gì? Theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh thì: Nguyên là đầu, bắt đầu; Đán là buổi sớm. Nguyên Đán là buổi sáng sớm đầu tiên của năm mới. Người Hoa gọi là Xuân tiết.
Tết Nguyên Đán theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, là Lễ kỷ niệm ba ngày đầu năm Âm lịch: Mồng (mùng) một, mồng hai, mồng ba tháng giêng. Ngoài Tết Nguyên Đán, chúng ta còn có những ngày Tết khác trong năm như:
- Tết Thượng nguyên vào rằm tháng giêng (15.01 âl).
- Tết Trung nguyên vào rằm tháng 7 âl. Còn gọi là ngày xá tội vong nhân.
- Tết Hạ nguyên vào rằm tháng 10 âl. Thượng nguyên, Trung nguyên, Hạ nguyên là ba ngày rằm lớn trong năm:
- Tết Thanh minh: lễ thăm mộ (tảo mộ) tổ tiên vào tháng 3 âl.
- Tết Hàn thực: lễ kỷ niệm ngày Giới Tử Thôi và mẹ bị thiêu trong rừng vào 3-3 âl. Cũng gọi là ngày bánh trôi, bánh chay.
- Tết Đoan ngọ (ngũ) để nhớ ngày Khuất Nguyên trầm mình ở sông Mịch La bên Tàu vào ngày 5-5, cũng gọi là ngày giết sâu bọ.
- Tết Trung thu hay Tết Nhi đồng vào giữa mùa Thu 15-8 âl.
- Tết Cơm mới, lễ mừng vụ lúa mùa trong tháng 9 âl.
Trước Tết, người ta đi mua sắm những thứ cần dùng trong những ngày Tết, gọi là đi sắm Tết. Trong những ngày Tết, người ta ăn uống, vui chơi, giải trí gọi là ăn Tết, chơi Tết. Trước Tết hay trong Tết, người ta đem quà, đem đồ đến biếu ông bà, cha mẹ hay các ân nhân gọi là đi Tết. Gặp nhau, người ta chúc nhau những điều tốt đẹp, may lành gọi là chúc Tết. Ở xa, có thể gửi thư, gửi thiệp chúc Tết nhau.
Ôn cố
Những lễ tục, lề thói liên quan đến Tết thì có nhiều. Trước Tết, người ta trồng cây nêu trước nhà với ý nghĩa là đất có chủ, ma quỷ không được đến quấy nhiễu. Cây nêu trồng trễ lắm là vào trưa 30 hay 29 Tết, nếu tháng thiếu. Ngày khai hạ mồng 7 tháng giêng thì hạ xuống gọi là hạ nêu.
Trưa 30 hay 29 tháng chạp, nếu tháng thiếu, người ta sửa lễ cúng tất niên, rước tổ tiên, ông bà, ông vải về gia đình ăn Tết với con cháu.
Đêm Trừ tịch là đêm 30 hoặc 29, nếu tháng thiếu, đêm cuối cùng của năm cũ, Trừ là trao lại chức quan. Tịch là ban đêm. Là đêm mà vị quan Hành Khiển của năm cũ trao lại chức quan cho vị Hành Khiển của năm mới. Người xưa tin rằng mỗi năm có một vị thần Hành Khiển, coi việc nhân gian. Có 12 vị luân phiên nhau từ năm Tý đến năm Hợi. Hết lượt lại trở lại từ đầu.
Lễ Trừ Tịch là lễ tiễn đưa vị Hành Khiển của năm cũ và nghênh đón vị Hành Khiển của năm mới, cũng gọi là Đương Niên Chi Thần. Mỗi vị Thần này có một vị Phán quan làm phụ tá. Lễ này được xã, thôn tổ chức ở sân đình, văn chỉ, nơi trung thiên. Tư gia, tư nhân không làm lễ Trừ Tịch.
Giao thừa. Giao là trao cho; Thừa là tiếp lấy. Giao thừa là khoảng thời gian giữa năm cũ và năm mới, tức lúc 12 giờ khuya ngày cuối cùng của tháng Chạp âl. (30 hoặc 29 tuỳ năm). Người ta có tục đón Giao thừa, tức là thức đến 12 giờ đêm để tiễn năm cũ, đón năm mới.
Xông đất. Sau phút Giao thừa, ai đến nhà đầu tiên là người xông nhà, xông đất. Người xưa tin rằng: Người vui vẻ, dễ tính, tốt nết đến xông nhà thì cả năm mọi việc trong nhà đều tốt đẹp, dễ dàng. Gặp người khó tính, ác độc… đến xông nhà thì cả năm ấy làm ăn lụi đụi, lủng củng, khó khăn. Vì vậy, các cụ thường chọn người, nhờ đến xông nhà theo ý muốn. Có khi không chọn được người vừa ý thì chủ nhà tự xông nhà mình.
Người đến xông nhà đốt một bánh pháo mừng và cất cao giọng chúc chủ nhà mọi điều tốt lành. Và tuỳ từng nhà mà có lời chúc thích hợp như: “Tăng phúc, tăng thọ”. “Phong đăng hoà cốc”. “Tốt tài, sai lộc”. “Buôn may bán đắt”. “Nhất bản vạn lợi” hoặc “Thăng quan tiến chức” v.v… Chủ nhà hân hoan ra đón chào và cám ơn rối rít, rồi cũng chúc lại người vừa chúc mình.
Cầu phúc, hái lộc. Sau Giao thừa nhiều người đi lễ chùa, lễ đền, miếu để cầu phúc đầu năm. Khi về mang về vài, ba nén nhang (cây hương), gọi là hương lộc về nhà. Lửa đỏ ở mấy cây nhang là lộc thánh ban, tượng trưng cho hồng vận, cho thịnh vượng, cho sự may lành. Có người lễ xong ra sân, vườn chùa bẻ một cành lá, tục gọi là hái lộc mang về. Cành lá xanh tốt có ý nghĩa vui tươi.
Sáng sớm ngày mồng Một Tết, mọi người trong nhà vào làm lễ trước bàn thờ theo thứ tự trên dưới: cha trước, con sau; anh trên, em dưới. Lúc này, người ta đốt pháo bày tỏ sự vui mừng. Trong những gia đình lễ giáo, con cháu quy tụ đông đủ để chúc thọ ông bà, cha mẹ. Làm lễ hai lạy, một vái. Ông bà, cha mẹ răn bảo con cháu vài lời rồi mừng tuổi cho các cháu nhỏ, thường là bằng tiền mới, bỏ trong phong bao lì xì màu đỏ, bày tỏ niềm vui.
Chúc Tết trong gia đình rồi, các bậc hào trưởng, hương lý ra đình làm lễ tế thần. Lễ xong, một số quan viên, đại diện cả làng đi lễ yết các cửa họ, Những người cùng một họ, sau khi lễ tổ tiên các nhà chi trên, chi dưới, đồng thời chúc Tết.
Sang mồng Hai Tết là ngày đi lễ tổ bên ngoại, ứng với câu: “Mồng Một thì ở nhà cha, Mồng Hai nhà vợ, Mồng Ba nhà Thầy” hay: “Mồng Một Tết cha. Mồng Hai Tết chú. Mồng Ba Tết Thầy”. Rồi đi chúc Tết những chỗ ân tình, nhà những bạn thân. Ngày Mồng Ba là ngày của gia đình. Không ai đi lễ, đi chúc Tết ngày Mồng Ba.
Nhiều nhà ngày Mồng Ba, anh em ruột nếu đã ở riêng, anh em con chú, con bác ở gần, cùng đến nhà trưởng với cả vợ con, tiễn ông bà, ông vải, ăn bữa cỗ hết Tết, còn gọi là đốt Tết trong tình anh em thuận hoà. Có người để đến Mồng Bốn mới làm lễ này. Có người để đến Mồng Bảy khai hạ mới tổ chức lễ và bữa ăn này, rồi hạ cây nêu luôn. Coi như hết Tết, trở về với đời sống ngày thường.
Tri tân
Ngày nay, xã hội đã thay đổi quá nhiều, nên những tập tục nào không còn phù hợp nữa thì đã bị bỏ, thay thế bằng những lề thói khác hợp thời hơn, do xã hội tổ chức hay do mỗi người tự chọn. Ví dụ: Tết Hàn Thực, Tết Đoan Ngọ, Tết Cơm Mới đối với đa số người trẻ hôm nay, có lẽ chỉ còn trong sách vở hay trong lịch sử. Vì nó xa lạ với người Việt Nam chúng ta và không còn thích hợp với xã hội kỹ nghệ, công nghiệp nữa.
Người Công giáo, theo tinh thần “hội nhập văn hoá” cũng thích nghi với những mỹ tục của tổ tiên. Giáo hội cũng trân trọng những lễ tục của Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán nên cũng cử hành Thánh lễ tất niên tại các giáo xứ, các cộng đoàn để mọi người cùng hợp lời ngợi khen, tạ ơn Chúa vì bao ơn lành hồn, xác ta nhận được do tình yêu quan phòng của Chúa ban trong suốt năm qua.
Cũng cử hành Thánh lễ Giao thừa vào đêm 30, để mọi người có thể dự lễ với tâm tình “tiễn năm cũ, đón năm mới”. Xong lễ, có nhiều nơi tổ chức hái lộc Thánh. Lộc là những câu Lời Chúa được chọn, được in hay viết sẵn, trình bày đẹp, bắt mắt, ý nghĩa được cuộn lại treo trên cây hoa Mai hay hoa Đào nơi cung thánh hay trước bàn thờ Chúa. Sau lễ, mỗi người có thể hái lộc Thánh đem về đón Giao thừa tại gia đình mình. Lộc này có thể dán nơi trang trọng trong nhà để mọi người cùng thấy, cùng đọc, cùng suy gẫm và cùng sống Lời Chúa suốt năm.
Trong ba ngày Tết, mỗi ngày có một ý cầu nguyện riêng:
- Mồng Một Tết cầu bằng an cho năm mới;
- Mồng Hai Tết kính nhớ tổ tiên và ông bà, cha mẹ;
- Mồng Ba Tết thánh hoá công ăn việc làm.
Các mỹ tục khác của dân tộc thì “ai sao tôi vậy”, miễn là điều đó, việc đó không trái với đức Tin Công giáo. Có khác chăng là ở cách biểu lộ bên ngoài. Người khác cúng, tôi cầu vậy thôi. Còn đã là người Việt Nam, thì ai cũng nhớ, cũng biết, cũng thuộc nằm lòng câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. “Uống nước nhớ nguồn” hay:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” (Ca dao)
Quả thật, đối với hầu hết người Việt Nam chúng ta, ngày Tết Nguyên Đán là ngày thiêng liêng, đặc biệt nhất trong năm. Chỉ nghĩ đến thôi, tâm hồn ta đã cảm thấy lâng lâng khó tả! Nhưng vì hoàn cảnh, những người xa quê hương, vào những ngày thiêng liêng nhất trong năm này vẫn không được nghỉ, mà vẫn phải “đi cầy” thì không biết nói làm sao. Đành vậy thôi!
Nguyện cầu cho mọi người Việt Nam chúng ta, dù ở hoàn cảnh nào, vẫn cố gắng duy trì những tập tục tốt đẹp của tiền nhân, để những ngày Tết vẫn là ngày sum họp gia dình, tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta, và Tết cũng là cơ hội để con cháu có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đáp đền phần nào công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ còn sống bằng những cử chỉ, lời nói biểu lộ lòng hiếu thảo, tri ân Đấng sinh thành.
Nguyện xin CHÚA XUÂN ban cho muôn người, muôn nhà được phúc ân dồi dào, lai láng trong năm Quý Tỵ này.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Thông điệp của mùa xuân
-
Giờ kinh Giao Thừa -
Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam -
Lời kinh đêm Giao thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Mồng 3 Tết: Thánh hoá công ăn việc làm -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Đạo Hiếu theo quan niệm Công giáo -
Tại sao người ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út?