Ngây thơ hay ngây ngô?

Ngây thơ hay ngây ngô?

Một vòng tròn nho nhỏ, một không khí ấm cúng, cởi mở, rất thuận lợi cho một buổi thực tập kỹ năng nói tiếng Anh. Mọi người có vẻ hưng phấn khi chủ đề hôm nay là “Gender Roles”, vai trò của nam và nữ” trong đời sống.

Nhưng còn hưng phấn hơn nữa khi, đển lúc cần mở ra một hướng mới cho cuộc trao đổi, tôi đưa ra câu hỏi “Do you remember situations in which you felt gender was an issue?”, để các học viên của tôi phải sử dụng tiếng Anh mà kể lại những tình huống trong đó các em “cảm thấy vấn đề giới tính trở nên một vấn đề gây suy nghĩ”.

Thế là đa số các cô gái thay phiên nhau kể ra những bất công liên quan đến chuyện làm công việc nhà như là rửa chén, lau nhà, quét sân…vận vân. Họ cho là thật bất công vì ở Việt Nam việc dọn dẹp lau chùi là việc đương nhiên của phụ nữ cho dù họ cũng phải ra ngoài xã hội làm thêm để chia sẻ gánh nặng tài chính với nguời chồng. Các chàng trai thì ngồi im lặng nghe một cách thật chăm chú và cũng rất…ư là “gentleman”!

Đến một lúc, bỗng một em gái nói đến quyển tiểu thuyết ‘Oxford Thương Yêu’ của Dương Thụy, trong đó nhân vật nam là một anh chàng người Anh tuyệt vời được mô tả như một người đàn ông lý tưởng, một người chồng luôn chia sẻ công việc nhà với người vợ, vốn là một cô gái Việt Nam mà anh đã gặp khi họ cùng học tại Oxford. Thế là như nước vỡ bờ các cô bé nhao nhao lên và có một cô kêu lên bằng tiếng Anh (vì đang là giờ thực tập tiếng Anh mà!) “Me too, I want to go overseas to find someone like Fernando!”, (“Em cũng vậy, em muốn ra nước ngoài để tìm được một người như Fernando”)!

Thế là bỗng nhiên đề tài xoay 180o qua việc lấy chồng người nước ngoài! Các chàng nước ngoài biết chiều chuộng và chia sẻ với vợ hơn, các cô nói chắc như đinh đóng cột. Trời đất! Tôi lắng nghe các em và thấy thương cái lãng mạn đến mức ngây thơ (hay ngây ngô?) của các cô gái trẻ này.

Tôi đặt câu hỏi để từ từ các em ‘lần’ ra là ‘Oxford Thương Yêu’ là một tiểu thuyết tình cảm, mà đã là tiểu thuyết thì phải là hư cấu, cho nên từ tiểu thuyết đến cuộc đời thật thì xa vô cùng. Tôi không hề có thành kiến với hôn nhân đa chủng tộc hay màu da vì tôi tin và đã chứng kiến tình yêu đích thật nhưng khi sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm trời, tôi cũng đã thấy nhiều cảnh đời bên ấy đủ để hiểu là thực tế phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi người phụ nữ ngày nay phải thông minh, tỉnh táo và biết mình muốn gì.

Tôi kể cho các em nghe một câu chuyện tôi gặp khi còn ở Luân Đôn về một cô gái Việt Nam lấy một anh chàng cũng người Anh (như Fernando!). Họ gặp nhau trong một quán cà-phê ở Việt Nam rồi họ trao đổi thư từ và cuối cùng thì anh trở lại Việt Nam để cưới và đem nàng về nước Anh. Thế nhưng vài tháng sau, cô gái ấy gọi cho tôi và tâm sự là rất buồn vì chồng không cho đi học thêm tiếng Anh và ra ngoài xã hội. Tôi trao đổi với một chị bạn có kinh nghiệm sống hơn tôi vể câu chuyện và thắc mắc không hiểu tại sao. Tôi nghĩ là điều kiện để học và trau dối tiếng Anh ở ngay tại Anh thật là lý tưởng. Chị bạn tôi nhún vai rôi buông thõng một câu: “Cho học để khôn ra à?” rồi chị không nói gì nữa.

Tôi cũng chẳng cần thêm gì nữa vì trong ánh mắt của các cô hoc trò thông minh của tôi, tôi thấy là họ đã hiểu.
 

Top