Ngày ra mắt Ban MV đối thoại Liên Tôn TGP
WGPSG -- Vào 9giờ sáng Thứ bảy ngày 05/12/2009, tại phòng hội của Trung tâm Mục vụ Sài Gòn số 6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q. I, buổi họp mặt chính thức ra mắt Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP với sự hiện diện của Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn.
Giới thiệu thành phần tham sự: có sự hiện diện của cha Lâm, cha Dinh, quý thầy Dòng Tên, Dòng Đa Minh, Dòng Chúa Cứu Thế… Đặc biệt, sự hiện diện của Sơ Mai Thành, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu và kinh nghiệm đối thoại tôn giáo cùng một số nữ tu và giáo dân. Trong buổi ra mắt, linh mục Phêrô Giuse Hà Thiên Trúc (GX Thị Nghè) thuyết trình về đề tài: Quan niệm “Thiên nhân hiệp nhất” dưới hai cái nhìn của đạo Cao đài và đạo Công giáo. Sau đó là lời huấn từ của Đức Hồng y nói lên tâm tình thân ái từ vị chủ chăn cao nhất và cũng là người cha chung của Giáo phận nhà.
Những bông hoa tư tưởng của Mohamed, của Đức Cao Triều Phát, của Rabindranath Tagore và của Thánh Phêrô được viết trên giấy đỏ hình trái tim dán trên tường phòng hội, làm nên một không gian liên tôn giàu ý nghĩa:
* “Nếu Bạn đóng cửa lại, không cho một sai lầm nào vào được, thì Chân lý cũng sẽ bị ở ngoài” (Tagore).
* “Khoa học giúp con người đạt Địa, đạo lý sẽ giúp con người thông Thiên. Thế gian không còn là sông mê, bể khổ” (Đức Cao Triều Phát).
* “Người nào làm cho bạn hữu của mình cười vui, người đó xứng đáng được lên Thiên đàng” (Mohamed).
* “Vàng bạc thì chúng tôi không có, nhưng cái chúng tôi có, chúng tôi cho các bạn đây, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Bạn hãy chỗi dậy” (Cv 3, 6).
* Ban MV Đối thoại liên tôn gần 20 thành viên gồm giáo dân, quý linh mục và tu sĩ nam nữ
- Đặc trách: Lm Phanxicô Xaviê Bảo Lộc
- Phó Ban: Giuse Bùi Văn Hoá (Gx Bùi Phát)
- Thư ký - Liên lạc: Maria Lý Ngọc Anh (Gx Gò Vấp)
* Tổ chuyên trách
- Phật giáo: Lm. Đặng Chí San OP (Gx Tam Hà)
- Cao đài: Lm. Phêrô Giuse Hà Thiên Trúc (Gx Thị Nghè) + Thầy Đỗ Quang Dũng (SJ)
- Tài liệu: Anh Xuân – Ái Thiên – Sr Ngọc Lan (Fmm), Lm Đinh Ngọc Lâm (CSSR)
Mục đích
1/ Ban MV Đối thoại liên tôn quy tụ những Kitô hữu tha thiết và muốn dấn thân trong việc tìm hiểu, gặp gỡ các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, theo hướng dẫn của Hội Thánh Công giáo, nhằm thực hiện Giáo huấn của Công Đồng Vat II (Nostra Aetate)
2/ Học hỏi Giáo huấn và kinh nghiệm của Hội Thánh về đối thoại liên tôn, đồng thời tìm hiểu về giáo thuyết và thực hành của các cộng đồng tôn giáo lớn đang có mặt trong Giáo phận.
3/ Thăm viếng, tiếp xúc và trao đổi với các tôn giáo khác để xây dựng tình bằng hữu, huynh đệ, gia tăng hiểu biết lẫn nhau và nếu có thể được, cộng tác với nhau trong lãnh vực từ thiện và ích lợi cộng đồng.
4/ Tổ chức và sinh hoạt các cuộc gặp gỡ liên tôn. Đây cũng là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm sống đạo và chia sẻ niềm tin Kitô giáo cho những người khác đạo.
5/ Sưu tầm và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ liên tôn cũng như hiểu biết về các tôn giáo khác. Phổ biến thời sự và tài liệu liên quan đến mục vụ và đối thoại liên tôn.
Sinh hoạt
1/ Lần đầu: 15 giờ 30 – 17 giờ 30, ngày 10/9/2009 tại TTMV.
2/ Định kỳ: 1 lần / Quý, tại TTMV vào Thứ bảy, Tuần thứ hai các tháng 3,6,9,12.
Riêng vào Thứ bảy 5/12 này, có sự hiện diện của Đức Hồng y trong ngày ra mắt.
3/ Bất định kỳ: khi có nhu cầu tổ chức, thăm viếng hoặc gặp gỡ liên tôn.
Dự kiến
- Tìm hiểu về đối thoại liên tôn tại Việt Nam.
- Thăm chùa Kỳ Quang II 454/4 A Lê Hoàng Phái, do Thượng Tọa Thích Thiện Chiếu trụ trì (đã thực hiện)
- Thăm Chùa Hoằng Pháp, Quốc lộ 22, Thành Ông Năm Hóc Môn (ĐĐ Thích Chân Tính)
- Tiếp đón đại diện các tôn giáo trong ngày cầu nguyện cho các bệnh nhân trong Giáo phận nhân dịp Năm Thánh 2010 (11/2/2009)
* Quan niệm về “Thiên Nhân hiệp nhất” giữa hai cái nhìn của đạo Cao đài và đạo Công giáo
Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, đại diện Đức cha Phụ Tá và cũng là Phó Giám đốc Trung tâm MV, đã khai mạc với những lời khích lệ: không thể sống tốt nếu không biết mọi người xung quanh, không thể rao giảng hữu hiệu, nếu thiếu đối thoại tôn giáo. Nhưng đối thoại còn phải diễn ra ở góc độ cao hơn, trong các cuộc hôn nhân khác đạo. Giáo Hội phải chuẩn bị thế nào, trong hôn nhân khác đạo đang diễn ra tại nhiều gia đình ngay trong giáo phận?... Vì thế, buổi ra mắt của Ban Đối thoại liên tôn lúc này là rất kịp thời nhằm đáp ứng những nhu cầu thực tế của Giáo Hội.
Sau phát biểu khai mạc là phần thuyết trình đề tài “Thiên nhân hiệp nhất” do Cha Phêrô Giuse Hà Thiên Trúc trình bày. Bài thuyết trình đã được soạn công phu, với Slide Show minh họa rõ ràng. Bản thân linh mục thuyết trình viên đã có quá trình đối thoại liên tôn “tại gia” từ rất sớm, vì cha được sinh ra và trưởng thành từ một gia đình có 3 tôn giáo, ông cố theo đạo Cao đài. Hoàn cảnh đặc biệt đã trở thành một cái duyên rất lớn cho cả cử tọa được nghe.
Đạo Cao đài mang tính dân tộc rất lớn, vì do người Việt Nam sáng lập, trên cái nôi khai sinh là đất Sài Gòn miền Nam vào cuối năm 1926, từ đó đã lan tỏa đi khắp nơi trong và ngoài nước. Ba nhân vật trọng yếu đã góp phần quyết định sự ra đời của đạo Cao đài là các ông:
- Ngô Minh Chiêu, sinh năm 1878, tại Chợ Lớn.
- Lê Văn Trung, sinh năm 1875, tại Chợ Lớn.
- Phạm Công Tắc, sinh năm 1893, tại Tân An.
Theo thống kê năm 2004, số tín đồ hiện nay vào khoảng từ 3,5 đến 4 triệu người.
* Ý nghĩa hai chữ Cao đài
- Cao đài, nghĩa đen là cái đài cao, cái tháp cao ám chỉ cao nhất vũ trụ, là đích tiến hóa sau cùng của chúng sinh.
- Cao đài là tá danh của Đức Thượng đế khi mở Đạo kỳ thứ 3, nhằm nêu lên thiên ý là Đấng Tối cao đang đến dìu dắt nhân loại quay về nguồn gốc của mình là Thượng đế.
- Cao đài cũng chính là chỗ cao nhất trong tâm linh con người, đạo pháp gọi là Nê hoàn cung trong não bộ.
* Biểu tượng của Thượng đế và cơ bút
Biểu tượng tôn kính của Đạo Cao đài là Thiên Nhãn, nghĩa là mắt trời. Thiên Nhãn tượng trưng cho Trời, là trung tâm thần lực của vũ trụ, là Thái cực hay Chúa tể càn khôn, hay Thượng đế tức Đức Cao Đài.
Cơ bút trong đạo Cao đài là phương pháp thông công giữa các đấng thiêng liêng cõi vô hình và các chức sắc Hội Thánh tại thế gian. Cơ là dụng cụ đặc biệt để một hoặc hai đồng tử cầm, nương vào đó viết ra thánh ngôn khi tiếp điển thiêng liêng. Bút là loại dụng cụ khác tựa như cây viết. Đồng tử đứng cơ gọi là “thủ cơ”, dùng bút gọi là “chấp bút”
Mục đích hay cứu cánh của đạo Cao đài là Nhân hòa và Thiên nhân hiệp nhất. Thiên nhân hiệp nhất là sự phối kết giữa Người và Trời thành một cơ cấu duy nhất, quyền năng duy nhất, trong một sứ mạng duy nhất, điều ấy được thực hiện ngay chính nội tâm con người. Nhiều điểm tương đồng và khác biệt giữa hai đạo đã được vị thuyết trình nêu lên.
Đến 10 giờ. Đức Hồng y đến và dự phần cuối bài thuyết trình của cha Hà Thiên Trúc.
Sau phần thuyết trình là phần thảo luận. Dịp này, Đức Hồng y hỏi về kinh nghiệm ứng xử của cha Hà Thiên Trúc khi người cha theo đạo Cao đài, mẹ theo đạo Phật và có những khó khăn gì, cha Thiên Trúc chia sẻ: không có nhiều khó khăn, vì ba mẹ của ngài thương yêu nhau thực sự, tôn trọng sự khác đạo của nhau, đến năm 19 tuổi, khi vừa kịp trưởng thành, cha đã có sự lựa chọn độc lập của riêng mình. Lần lượt, cha Lâm, cha Dinh và nhiều vị khác đã chia sẻ suy nghĩ về bài thuyết trình và kể lại những hoàn cảnh thực tế khi cọ sát, chung đụng với các tôn giáo khác. Sơ Mai Thành nói đến trường hợp “Ba tôn giáo, một trái tim” trong một lần các tôn giáo cùng chung lo việc từ thiện và xã hội.
Huấn từ của Đức Hồng y nói đến sự cần thiết phải tôn trọng những khác biệt trong hoàn cảnh đa nguyên về văn hóa hiện nay. Văn hóa là những tấm áo được thể hiện qua hành vi ngôn ngữ. Trong mọi nền văn hóa đều có những hạt giống lời Chúa tiềm ẩn, làm sao phát hiện ra hạt giống ấy để phát huy và nhân rộng.
Huấn từ của Đức Hồng y cũng là những lời tâm tình, cùng với nhiều mẩu chuyện về Đối thoại liên tôn mà ngài đã kinh nghiệm đó đây, nhất là về những lời nhắn nhủ liên quan đến đối thoại liên tôn của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, cùng với mẫu gương sống động của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã nhắc nhở, còn thiếu người phụ trách về Islam (Hồi giáo) và đạo BaHa'i. Ngài lưu ý Nhóm Đối thoại liên tôn hãy cố gắng bổ sung điều ấy.
Buổi ra mắt Ban MVĐTLT kết thúc lúc 11 giờ 45, sau đó các thành viên cùng chia sẻ bữa cơm thân mật với Đức Hồng y tại nhà cơm của Trung tâm Mục vụ.
bài liên quan mới nhất
- Đại hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo hạt Tân Định mừng lễ Chúa Kitô Vua -
Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024 -
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023