Ngày nhà giáo: Tản mạn tình thầy trò giữa hai vị thánh tử đạo

Ngày nhà giáo: Tản mạn tình thầy trò giữa hai vị thánh tử đạo

Ngày nhà giáo: Tản mạn tình thầy trò giữa hai vị thánh tử đạo

NGÀY NHÀ GIÁO:
TẢN MẠN TÌNH THẦY TRÒ GIỮA HAI VỊ THÁNH TỬ ĐẠO

Đình Chẩn
Ngày Nhà giáo Việt Nam 2023

WGPPD (20.11.2023) – Vào buổi sáng cuối tuần vừa qua, khi mặt trời vừa lấp ló trên ngọn cây, cái rét đầu đông cũng dần nhường chỗ cho bầu khí ấm áp. Tôi may mắn được gặp một đoàn khách Pháp đến thăm quần thể nhà thờ Phát Diệm. Thú thực, khi được cha Giám đốc Trung tâm Hành hương nhờ đón đoàn, tôi cũng nghĩ đơn giản nên không chuẩn bị gì. Không ngờ cuộc gặp gỡ ấy thật ấn tượng, làm tôi nhớ về tình thầy trò cao cả giữa hai vị thánh, một người Pháp và một người Việt: Thánh Phêrô Dumoulin Borie Cao (1808-1838) và Phêrô Nguyễn Khắc Tự (1808-1840). Nhân dịp 20.11, tri ân nhà giáo, người viết xin tản mạn đôi điều về cuộc gặp gỡ, và cách riêng về tình thầy trò giữa hai vị thánh này.

Hơn 9g một chút, xe chở đoàn khách Tây đi vào bến đỗ. Tôi nhận thấy phần lớn là người cao tuổi. Tôi ra cửa xe chào đón đoàn, luyện lại mấy câu tiếng Pháp lâu nay bỏ quên. Tôi được gặp Đức cha Francis Bestion, Giám mục Giáo phận Tulle, miền trung nam nước Pháp, cùng với một số giáo dân của ngài đang đi hành hương theo dấu chân thánh Giám mục Pierre Dumoulin Borie.

Từ trái qua phải: Bà thánh Đê, thánh Hồ Đình Hy, thánh Borie Cao, Chúa Kitô Vua, cha thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, thánh Nicola Bùi Đức Thể, thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ.-Cung thánh nhà thờ chính tòa Phát Diệm.

Nghe đến thánh Borie Dumoulin, sau giây lát định thần “loát lại bộ nhớ”, tôi nghĩ ngay đến tên tiếng Việt của Ngài là Cao. Thật bất ngờ khi lần đầu tiên tôi được gặp những người đến từ giáo phận của vị thánh đang được tôn kính trong nhà thờ chính tòa Phát Diệm. Họ cũng ngạc nhiên không kém khi nghe biết ở đây có tôn kính chân dung Ngài. Đặc biệt hơn, trong đoàn còn có 2 người cháu dòng dõi của thánh nhân.

Sau khi dẫn đoàn đi thăm khuôn viên xung quanh, chụp hình kỷ niệm ở trước Phương Đình, chúng tôi dẫn đoàn vào trong nhà thờ chính tòa Phát Diệm, viếng nhà thờ và sau đó cử hành Thánh lễ ở nhà thờ cạnh, kính thánh Giuse. Họ hết sức xúc động khi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng dung nhan bậc tiền bối, vị thánh của họ ở một nơi xa xôi này.

Nhà nguyện kính thánh Giuse-Dành cho khách hành hương.

Hai người dòng dõi thánh Borie Cao.

Ông Blanc Xavier François Dumoulin, người cháu mang họ của Đức cha Borie Cao, năm nay có lẽ cũng phải 70 tuổi, không giấu được những giọt nước mắt xúc động. Khi tận mắt thấy chân dung vị thánh của họ được đặt ở vị trí danh dự, bên tay phải Chúa Kitô Vua- cùng với 5 vị thánh tử đạo Việt Nam, nhiều người ngạc nhiên đặt những câu hỏi như chưa tin vào mắt mình. Tôi cũng hơi bối rối khi nhận được nhiều câu hỏi như vậy.

Họ thắc mắc cũng phải thôi, vì trong số 117 Thánh Tử đạo Việt Nam, có 11 vị gốc Tây Ban Nha, trong đó có 6 vị Giám mục và 5 linh mục dòng Đa Minh; rồi trong 10 vị gốc Pháp thì có 2 vị Giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris. 96 vị còn lại là người Việt: 37 linh mục và 59 giáo dân - trong đó có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và một vị thánh nữ duy nhất là Anê Lê Thị Thành.

Tại sao vị thánh quê hương họ lại được xếp ở vị trí danh dự như thế ở trong nhà thờ chính tòa này?

Câu trả lời đơn giản có lẽ là vì Ngài là thánh Giám mục tử đạo duy nhất của địa phận Tây Đàng ngoài (Giáo phận Hà Nội ngày nay, bấy giờ bao gồm cả Phát Diệm). Được bổ nhiệm kế vị Đức cha Havard Du (1790-1838) nhưng khi đó cha Borie Cao đã bị bắt tống giam, dưới triều vua Minh Mạng khét tiếng bách hại đạo. Ngài chưa kịp chịu chức Giám mục thì đã lãnh phúc tử đạo.

Khi nói đến thánh Borie Cao, tôi thấy họ rất hào hứng kể về Ngài. Chứng tỏ lòng đạo của người Pháp ở giáo xứ miền quê của Ngài cũng còn rất khá. Trên kênh youtube của giáo phận Tulle cũng có một phim tài liệu ngắn và khá hay về thánh nhân. Hi vọng sẽ sớm có bản dịch lồng tiếng Việt.

Đôi nét về thánh Borie Cao

Thánh Borie Cao sinh năm 1808, trong một gia đình bình dân, đông con thuộc giáo xứ Beynat, giáo phận Tulle, trong tỉnh Corrèze. Do gia đình làm nghề xay lúa, nên ngài có biệt danh là Dumoulin, nghĩa là đứa con của Cối Xay lúa. Dòng họ Dumoulin này vẫn còn cho đến ngày nay.

Borie là người con thứ sáu trong gia đình có 12 người con. Thuở nhỏ, cậu đã được người bác là cha xứ Sionac nuôi nấng. Ơn gọi truyền giáo của cậu cũng nảy sinh từ khá sớm khi cậu đọc những thông tin của Hội Thừa Sai Paris.

Trước tiên, cậu theo học trường ở quê, rồi sau đó theo học ở Tiểu Chủng viện Servières. Một hôm bị ốm nặng, cậu đã trải qua một kinh nghiệm thiêng liêng giữa sự sống và cái chết. Cậu đã tuyên bố: “Nếu Chúa ban ơn chữa lành cho tôi, tôi sẽ hiến thân phục vụ Ngài”. Cậu nghĩ trước tiên trở thành bác sĩ để cứu chữa cho các bệnh nhân. Rồi sau đó cậu định trở thành thầy dòng Trappiste.

Gần như là bất đắc dĩ, thầy Phêrô phải vào đại chủng viện Tullle theo ý cha mẹ, nhưng đồng thời cũng báo cho cha biết rằng không có gì có thể ngăn cản cậu theo đuổi con đường riêng của mình, “Thậm chí đó là ơn gọi thừa sai nước ngoài”.

Thân phụ qua đời khi thầy đang học năm thứ hai đại chủng viện. Trước khi được chịu chức áp phó tế, thì một thử thách khác đã xảy đến với thầy. Thầy phải thuyết phục mẹ về lý do chắc chắn cho quyết định lên đường đi truyền giáo. Thời bấy giờ, những chuyến lên đường hầu như một đi không trở lại. Trong nhiều tháng trời, người mẹ này đã than khóc và nài nỉ để con mình ở gần bà, mà khi ấy bà đã góa chồng. Cuối cùng, thầy quyết định để lại lá thư vĩnh biệt mẹ và rời nhà trong đêm. Thầy đã chọn Chúa mãi mãi. Thầy đã sống Lời Chúa nói: “Ai thà mất mạng sống mình vì ta sẽ tìm được mạng sống ấy” (Lc 9,24).

Ngày 8 tháng 10 năm 1829, thầy Borie nhập Đại chủng viện Thừa Sai Paris và trải qua một năm đào tạo để chuẩn bị lên đường đi Đông Kinh (Tonkin), Đàng Ngoài, miền bắc Việt Nam. Thầy đã nghĩ tới phúc tử đạo, đã dự báo cách hài hước:

“Đó sẽ là điều khó khăn, tôi biết, tôi sẽ trốn đi, nhưng người ta sẽ tìm thấy tôi và sẽ cắt cổ tôi. Thiên Chúa sẽ ban ơn cho tôi tận hiến cuộc đời cho Ngài.”

Thầy được chịu chức linh mục năm 1830 ở Bayeux và xuống tàu đi đảo Havre, hướng tới Macao. Hành trình trên biển đưa ngài tới mũi Hảo Vọng, đảo của Pháp (ngày nay là đảo Maurice), rồi đảo Bourbon (Réunion), rồi tới Batavia (ngày nay là Djakarta) trước khi tới Singapore, và cuối cùng tới Macao ngày 18 tháng 7 năm 1831. Từ đó, cha Phêrô Borie chính thức được sai đến Đàng ngoài.

Đầu tháng 2 năm 1832, cha Borie cập bến ở Saigon, đó cũng là thời gian Vua Minh Mạng đang ra sức bách hại đạo. Ngài đợi ở đó hai tháng, chờ dịp đi Đông Kinh. Lần thứ tư, cha đi biển và hướng lên ven bờ, vượt qua cố đô Huế và cập bến ở Nam Đàng ngoài ngày 15 tháng 5 năm 1832, mất 18 tháng ròng rã kể từ khi rời nước Pháp.

Ngài viết khi gần tới nơi: “Trong gần 8 ngày nữa, tôi sẽ tới mảnh đất mà tôi sẽ tưới bằng mồ hôi của mình, rồi sẽ tưới bằng máu của mình!”

Cha Borie bắt đầu học ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Sau hai tháng, Ngài đã có thể rao giảng và giải tội bằng ngôn ngữ địa phương. Sau ít năm được bình an, hoàng đế Minh Mạng đã ra sắc chỉ bách hại đạo toàn quốc ngày 6 tháng giêng năm 1833. Từ đó, bắt đầu một thời kỳ sống lẩn trốn đối với các Kitô hữu và nhất là đối với các vị thừa sai. Cha Borie viết: “Điều đau buồn nhất trong những nỗi đau buồn của chúng tôi, cũng là thánh giá nặng nề nhất, đó là dân ngoại không còn được nghe rao giảng, các Kitô hữu không còn được nghe Tin Mừng và các trẻ em không được học giáo lý.”

Nhưng ngài luôn nói thêm: “Hãy sống niềm vui!”. Ngài đã xác tín nghịch lý của Tin Mừng, của Thập Giá như là chân lý sống cho cuộc đời: “Thà mất mạng vì Chúa thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Ngài khao khát có dịp để minh chứng tình yêu cho Chúa và cho tha nhân: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hi sinh mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,13).

Khi đang chịu án tù giam, cha Borie Cao được bổ nhiệm làm Giám mục Tây Đàng ngoài, kế vị Đức cha Havard Du (1790-1838). Ngài chưa kịp chịu chức Giám mục thì đã lãnh phúc tử đạo cùng năm1838.

Thầy trò trọn nghĩa vẹn tình

Những người con quê hương của thánh Borie Cao cũng rất xúc động khi nghe biết Ngài có một học trò cùng lãnh phúc tử đạo.

Vào tháng 7 năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh cho quan quân lùng bắt các linh mục, trong đó có cha Borie Cao, nghĩa phụ của thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự.

Về phần thầy Tự, thầy từng được sai đi giúp cha Cao được 4 năm ở trong Bố Chính, tỉnh Quảng Bình. Điều trùng hợp thật thú vị đó là hai thầy trò bằng tuổi nhau, cùng sinh năm 1808. Khi bị bắt, cả hai người mới ở tuổi tam thập nhi lập, nhưng lòng tin và ý chí xứng bậc anh hùng hào kiệt.

Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự - Giáo xứ Bình Hòa.

Khi hay tin cha Cao bị bắt, thầy Tự đã vội vàng chạy theo. Thấy cha bị xiềng xích, thầy chạy tới ôm gông lớn tiếng khóc lóc. Tức thì thầy cũng bị quân lính bắt. Cha Cao ái ngại, vì đã lường trước những thử thách, nên định dùng tiền để chuộc thầy. Nhưng khi thấy học trò trung kiên theo mình, cha Cao liền nói:

Nếu con muốn theo cha, con phải lấy can đảm làm vũ khí. Đừng nói điều gì liên luỵ đến người khác.

Thầy Tự liền đáp:

- Lạy cha, nhờ ơn Chúa, con trông cậy mình sẽ vững mạnh và theo cha đến cùng.

Thấy vậy, cha Cao lấy chiếc khăn quấn trên đầu xé ra làm hai, trao cho thầy Tự một nửa và dặn:

- Con hãy giữ lấy nửa tấm khăn này để làm bảo chứng lời con đã hứa với cha.

Thế là quân lính bắt thầy cùng với cha Cao, giải về Đồng Hới. Thầy bị tra tấn đánh đập bốn đợt, thân xác nhừ tử, bắt bỏ đạo và khai tên những người chứa các cha, các Thầy để quan quân lùng bắt. Quan hứa nếu thầy thật lòng khai báo, hoặc nếu chối đạo, thì quan sẽ tha ngay. Không cần đắn đo suy nghĩ, thầy đáp:

-Bẩm quan lớn, tôi thà chết còn hơn chối Đạo!

Nhớ lại, Đức cha Borie Cao lãnh phúc tử đạo vào ngày 24 tháng 11 năm 1838 tại Đồng Hới. Trước khi thi hành lệnh trảm quyết, Ngài đã nói với viên quan: “Từ thuở ấu thơ, tôi chưa bao giờ quỳ lạy trước một ai, ngoại trừ trước Thiên Chúa. Bây giờ tôi xin cám ơn quan lớn đã cho tôi được ơn này, xin cho tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình như thế với ngài”.

Hai năm sau đó, vì yêu mến và muốn nên giống cha nghĩa phụ, thầy Tự đã xin được xử ngay chỗ cha Cao đã đổ máu mình minh chứng niềm tin.

Đúng ngày 10 tháng 7 năm 1840, khi mới 32 tuổi, thầy Phêrô Tự đã quỳ gối cầu nguyện và nằm xuống để binh lính tròng dây qua cổ thi hành án lệnh tại pháp trường Đồng Hới dưới triều vua Minh Mạng.  

Khi đầu rơi máu chảy cũng là lúc chân lý của Tin Mừng, một tình yêu cao cả theo gương Đức Kitô được tỏa sáng: chết cho người mình yêu. Thánh Borie Cao đã nêu gương sáng ngời theo gương Chúa Kitô cho người học trò của mình. Đến lượt mình, học trò Phêrô Tự cũng nên như ngọn đuốc sáng cho muôn thế hệ về tấm gương trọn nghĩa vẹn tình với cha nghĩa phụ và với Thiên Chúa. Điều đó không chỉ nói lên tinh thần tôn sư trọng Đạo rất nhân bản trong truyền thống Việt Nam, mà trên hết là lòng trung tín với thầy chí Thánh Giêsu.

Cha Phêrô Borie được an táng ngay tại nơi ngài chịu hành hình. Năm sau đó, hài cốt của ngài được cải táng âm thầm, được đưa sang Macao và rồi gửi về Pháp. Cha Borie được tuyên chân phước năm 1900. Cả hai thầy trò đều được tuyên thánh năm 1988 và được mừng lễ ngày 24 tháng 11 hàng năm.

VÀNH KHĂN TRI KỶ

Vành khăn tri kỷ xé trao nhau,
Trọn nghĩa vẹn tình dẫu khổ đau.
Thử thách gôm cùm Thầy bước trước,
Gian nan ngục thất trò theo sau.

 

Lẫy lừng tử Đạo về Thiên Quốc,
Son sắt Tin Mừng vượt bể sầu.
Xin thánh Borie và thánh Tự,
Cầu cho hậu thế vững tin mau.

 

Đình Chẩn

Hai thầy trò -Thánh Borie Cao và Phêrô Tự, dù chẳng có bằng cấp, nhưng ngay ở tuổi 30 thôi, đã nên tấm gương chung cổ như những bậc thầy dám sống và chết cho những điều cao cả nhất.

Kính xương các thánh Tử đạo tại bàn thờ cạnh nhà thờ chính tòa Phát Diệm.

Ước mong, con cháu của các thánh Tử đạo Việt Nam hôm nay cũng biết noi gương các Ngài làm chứng cho niềm tin của mình vào những gì là: Chân-Thiện-Mỹ. Như ánh mặt trời xua tan đêm tối, như ngọn nến này thắp lên những ngọn nến khác, những tấm gương đẹp đầy hương thơm Tin Mừng cũng sẽ dần dần xua tan những chuyện tha hóa trong xã hội, cách riêng trong nền giáo dục Việt Nam hôm nay.

Mong thay!

 

Nguồn: phatdiem.org

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top