Ngày hội gia đình trẻ 19.12.2010
WGPSG -- Để đi vào chủ đề của ngày Đại hội “Gia đình ơi! hãy trở về” (FC 17), Ngày hội Gia đìnhTrẻ mời gọi hãy tha thứ để hạnh phúc… đời sống vợ chồng và gia đình, các bạn trẻ gọi đó là hành trình tha thứ, là gạn đục khơi trong dòng chảy tình yêu vợ chồng, là bắt sâu, nhổ cỏ, vun bón cho vườn hoa gia đình trổ hoa trở lại, hương sắc của hoan lạc, bình an, hạnh phúc được lan toả….
Cử hành ngày Gia đình trong Năm Thánh tại Tổng Giáo phận Sài-gòn trong hai Chúa nhật cuối năm (19 và 26/12/2010) nhằm giúp các gia đình ý thức và sống mầu nhiệm của chính mình xuất phát từ chính Thiên Chúa, là nguồn cội mầu nhiệm của mọi gia đình, của tình phụ tử, mẫu tử trên trời dưới đất. Trở về với mình là trở về với Chúa. Như thế, gia đình đồng thời cũng trở nên chứng từ, bí tích của Tình Yêu hiệp thông của Thiên Chúa giữa trần gian. (Lời giới thiệu của Ban MVGĐ)
***
Chúa nhật 19/12/2010, 104 gia đình trẻ từ 15 giáo hạt thuộc Tổng Giáo phận Tp. HCM đã về Trung tâm Mục vụ tham dự Ngày hội Gia đình. Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã đến dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình.
Đây vừa là dịp tĩnh tâm Mùa Vọng vừa là dịp hành hương Năm Thánh, dịp hành hương cuối cùng của các hội các giới trong Giáo phận, vừa là ngày hội Noel cho các thiếu nhi đi theo ba mẹ. Chương trình diễn ra trong một ngày, từ 8g30 đến 18g00. Buổi sang, mọi người cùng trao đổi với nhau ở hội trường và kết thúc bằng giờ Chầu Thánh Thể. Buổi chiều, chia sẻ ở các tổ, đúc kết ý kiến và kết thúc bằng Thánh lễ đồng tế. Gần 200 thiếu nhi từ 3 đến 9 tuổi (đi theo ba mẹ) được các anh chị tình nguyện viên chia thành từng nhóm tuổi để hướng dẫn vui chơi, thi làm hang đá, vẽ thiệp Noel, viết các lời cầu nguyện, hát múa tập thể…
Mở đầu chương trình, cha Trưởng ban Mục vụ Gia đình Luy Nguyễn Anh Tuấn đã mời gọi các gia đình chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Giáng sinh. Đại Hội Dân Chúa vừa qua đã nhắc nhiều tới hình ảnh gia đình và hôm nay chúng ta tiếp tục thảo luận về chủ đề rất đáng quan tâm là “Tha thứ trong gia đình”. Cha giới thiệu vợ chồng anh chị Ngọc - Giao triển khai đề tài này cùng với sự cộng tác của vợ chồng anh chị Oanh - Xuyên.
Tha thứ trong gia đình
Anh chị Ngọc đã trình bày 3 phần:
1. Xung đột và tổn thương
Xung đột, xung khắc vợ chồng là chuyện đương nhiên phải có, là không thể tránh khỏi. Một cử chỉ hoặc một lời nói sơ suất, vô tình cũng có thể dẫn đến cảm giác chán chường, đổ vỡ, dẫn đến phản ứng trách móc, xỉ vả hay giận dỗi, câm lặng.
Tự sự của một người vợ trên VnEpress đã minh họa cho điều đó. Chị bị đau bụng nằm đó mà chồng chỉ quăng cho lọ dầu gió, không một lời hỏi han. Chị nghĩ lỡ đau ruột thừa hay bao tử cấp thì sao? Hay vì cưới nhau đã lâu nên chồng chẳng còn quan tâm. Tự cuộn nỗi buồn vào sâu trong lòng, vợ gọi điện thoại kể cho mẹ nghe chứ không hé với chồng lời nào…
Như vậy, với xung đột cần tránh hai khuynh hướng. Hoặc nghiêm trọng, bi đát hóa vấn đề hoặc xem nhẹ coi thường nó. Cuộn lấy nỗi buồn hoặc nhường nhịn thái quá đều có thể giết chết tình yêu.
Xung đột không được hóa giải sẽ làm tồn thương nội tâm. Ba loại tổn thương nội tâm là những áp lực từ trước khi cưới, áp lực từ cuộc sống về tiền bạc về công việc. Những dấu ấn từ tuổi thơ bé. Hậu quả từ tội nguyên tổ kèm theo bản tính kiêu ngạo.
2. Tha thứ là gì?
Có xung đột bất hòa thì phải có tha thứ. Tình yêu vợ chồng bao gồm chính tổn thương do chúng ta gây ra cho nhau. Xin được tha thứ là khách quan nhìn nhận điều xấu mình gây ra, là hành trình đi tìm sự thật đón nhận sự thật, là buông vũ khí để cầu hòa. Xin lưu ý những hành vi có vẻ tha thứ mà không tha thứ: “Thôi, quên đi” mà chẳng hề quên, “bỏ qua” mà chẳng bỏ qua… Tha thứ thật sự là khởi đi từ vết thương, từ nỗi đau để trổ thành hoa nhân ái.
3. Làm sao để tha thứ?
Vạn sự khởi đầu nan, nên bắt đầu tha thứ những việc nhỏ nhặt. Tha thứ mỗi buổi tối “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26).
Để có sự tha thứ đích thực, mỗi người cần nhìn nhận, xác nhận và chấp nhận những lầm lỗi, thiếu sót, bất hòa của mình và của vợ/chồng. Buông xả hết những suy nghĩ tiêu cực như xem mình là nạn nhân, buông xả hận thù, hiềm thù để mở rộng lòng đón nhận tình thương yêu. Nhưng tự sức riêng mình thì không thể vượt qua được, phải có những ơn siêu nhiên từ bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể. Nếu không chịu tha thứ và không xin tha thứ thì làm sao mình xứng đáng để Thiên Chúa thứ tha?
Anh Ngọc nói thêm là anh chị cùng làm trong ngành giáo dục nên khá bận bịu, tuy vậy vợ chồng vẫn dành riêng cho nhau ngày 6 mỗi tháng để cùng nhau làm mới lại bí tích Hôn Phối. Có thể cùng đi shopping, ăn tối, dã ngoại, xem TV hay đọc sách chung…
Thảo luận nhóm
Ban tổ chức chia ra 8 nhóm cho các ông chồng và 8 nhóm cho các bà vợ. Mỗi nhóm thảo luận riêng với nhau về đề tài vừa nghe và dựa vào 3 câu hỏi. 3 câu hỏi này được in trong một tấm card nhỏ phát ra lúc sáng kèm theo lời đề nghị mỗi người hãy viết câu trả lời trung thực vào đó. Phẩm chất nào của người vợ/chồng của tôi mà tôi từng quý nhất? Phẩm chất ngày ấy bây giờ ra sao? Nếu anh/chị có một mong ước cụ thể đối với một phẩm chất/tính cách của vợ chồng mình, thì đó là gì?
Sau đó, các nhóm cử đại diện trình bày lại các ý kiến của mình. Rất nhiều nguyên nhân của xung đột và nhiều hướng giải quyết được nêu ra. Các ý kiến phong phú đa dạng dưới nhiều góc nhìn về tâm sinh lý, tự nhiên, siêu nhiên… Đức Hồng y đã hiện diện cùng nghe với mọi người. Trong Thánh lễ chiều, ĐHY đã phát biểu: “Nên chăng có một câu lạc bộ gặp gỡ cho các trưởng nhóm theo định kỳ để cùng trao đổi những vấn đề gia đình trẻ như hôm nay”.
Cùng lúc đúc kết thảo luận nhóm bên Nhà Truyền Thống, thì bên Hội trường TTMV có các cha ngồi tòa Giải tội và có chuyên viên tư vấn về tâm lý cho những ai có nhu cầu.
Các gia đình đã có khoảng khắc gặp gỡ riêng tư trước Thánh lễ để vợ chồng cảm thông nhau hơn. Bất ngờ là Ban Tổ chức yêu cầu mỗi vợ/chồng trao cho nhau tấm card có 3 câu trả lời của mình lúc sáng, ai cũng tưởng chỉ cất đi làm kỷ niệm…
Làm theo ý Chúa
Chia sẻ trong Thánh lễ, ĐHY đã phân tích thêm về đề tài tha thứ. ĐHY nói gia đình là cái nôi Sự Sống, là Mái ấm tình thương, là Mái trường đầu tiên về Đức Tin & văn Hóa. Chúng ta tạ ơn về món quà Gia đình, món quà Sự Sống mà Thiên Chúa đã tặng ban.
Đức Maria đã suy nghĩ và chấp nhận làm theo ý Chúa, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa cho nên Đức Mẹ là mẹ của Niềm tin. Thánh Giuse cũng làm theo ý Chúa khi đón tiếp Đức Mẹ về nhà. Các tông đồ đi theo Chúa nhưng có lúc lại làm theo ý mình. Chúa đến Samari lần thứ nhất, không được dân làng tiếp đón, các tông đồ xin Chúa đem lửa từ trời xuống thiêu hủy dân làng. Chúa đến Samari lần thứ hai và xin nước của một phụ nữ. Tính đối kháng lúc đầu làm chị ta đã phản ứng và thắc mắc, nhưng sau đó chị đã biến đổi khi thấy mình được trân trọng, không bị khinh rẻ, không bị phân biệt đối xử. Nơi vườn Cây Dầu, thánh Phêrô lúc đầu đã hăng hái rút gươm chém đứt tai người đầy tớ nhưng sau đó lại sợ hãi chối Chúa. Chúa không hành xử và không cho chúng ta hành xử theo tính đối kháng cố hữu. Chúa đến để đem Tình thương, An bình và Sự sống cho muôn người.
Các nhóm gia đình đã nêu lên nhiều nguyên nhân bất hòa xung đột, nhưng sâu xa nhất là thiếu vắng Thiên Chúa Tình thương. Chúa chính là món quà Sự sống và Tình thương. Hậu quả của tội nguyên tổ đưa đến tính đối kháng nơi mỗi người. Khủng hoảng xảy ra khi mọi người trong gia đình hành xử theo ý của con người chứ không theo ý Chúa.
Với sức tự nhiên, các gia đình không thể giải quyết được bất hòa xung khắc. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào ơn Chúa, trong khi bản thân mình không nỗ lực cộng tác vào, thì bất hòa xung khắc sẽ vẫn còn đó. Mọi người hãy cộng tác với Chúa, hãy hợp tác với nhau để xây dựng nền văn hóa Sự sống, nền văn minh Tình thương nơi gia đình, xã hội và đất nước…
Cảm ơn và lãnh ơn Toàn xá Năm Thánh
Cha Luy đã thay mặt ban tổ chức Ngày hội Gia đình trẻ chân thành cảm ơn ĐHY đã dành thời gian đến tham dự, đã lắng nghe và nhắn nhủ các gia đình. Cảm ơn quý cha và cha Giuse Thụ vừa đi xa về vẫn đến để hiệp dâng Thánh lễ. Cảm ơn cộng đoàn Emmanuel đã giúp đỡ tổ chức. Cảm ơn các gia đình tham dự…
Trước khi ra về, mọi người cùng nhau đọc kinh Lạy Cha, Tin Kính và nhận lãnh Phép lành Toàn xá Năm Thánh từ ĐHY.
bài liên quan mới nhất
- Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm
-
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023