Ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời - Hãy tin vào Chúa (Ga 6, 37-40)

Ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời - Hãy tin vào Chúa (Ga 6, 37-40)

Ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời - Hãy tin vào Chúa (Ga 6, 37-40)

“Tất cả những người Chúa Cha
ban cho tôi đều sẽ đến với tôi,
và ai đến với tôi,
tôi sẽ không loại ra ngoài”.
(Ga 6,37)

 

BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao: vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

A+B=Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 5).

A. Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

B. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

A. Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

B. Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

 

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 5-11

“Chúng ta đã nên công chính trong Máu của Người, và nhờ Người chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.

Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Ga 6, 37-40

37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.

39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.

40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chết không phải là hết, nhưng là ngưỡng cửa đi vào đời sau vĩnh hằng. Sự sống đời đời bắt đầu từ hôm nay khi ta tin Chúa và đón nhận Bánh Hằng Sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chỉ khi bước qua ngưỡng cửa sự chết, con mới hiểu trọn vẹn được ý nghĩa của sự sống đời đời mà Chúa hé mở cho con trong Tin Mừng. Đây không còn là sự sống thể lý mà con có thể kinh nghiệm bằng cảm giác. Sự sống đây là chính sự hiện hữu với Chúa và trong Chúa. Chúa là Bánh mang Sự Sống từ Trời xuống. Do vậy, con hiểu rằng sự sống mai sau có được là nhờ sự sống mà con người đã bắt đầu ngay bây giờ nhờ ơn Chúa.

Hôm nay là ngày cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục. Các Ngài là những người khi sống trên trần gian này đã bắt đầu được sự sống đời đời nhờ kết hiệp với Chúa, sống với Chúa và sống trong Chúa.

Con là kẻ đi sau, đang được Chúa mời gọi bước vào sự sống của Chúa, sự sống mà các định luật tự nhiên không thể chi phối. Cái chết khi đó chỉ còn là cởi bỏ thân xác biến dịch và hữu hạn để tiếp tục bằng một sự sống trường tồn trong một thân thể vinh quang bất diệt.

Hôm nay, Chúa đang ban cho con Lời Chúa, Lời ban Sự Sống đời đời. Đồng thời Chúa đang ban cho con Thánh Thể Chúa là Bánh ban Sự Sống đời đời. Đó là những mầm sống đời đời Chúa gieo vào cuộc đời con. Con sẽ được hưởng nếm sự sống đời đời ngay tại trần gian nhờ được sống với Chúa và trong Chúa bằng cách thực thi Lời Chúa và lãnh nhận bí tích Thánh Thể.

Xin Chúa thêm đức tin cho con để con luôn biết tận hưởng sự sống Chúa ban và phát triển sự sống đời đời đó ngay trong cuộc sống hôm nay. Amen.

Ghi nhớ: “Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Là việc rất hợp lý, khi chúng ta mừng lễ các thánh ở trên trời ngày hôm qua, thì ngày hôm nay chúng ta lại kính nhớ các linh hồn ở trong luyện ngục. Ðó có thể nói chỉ là hai mặt của một mầu nhiệm, mầu nhiệm các thánh cùng thông công.

Chúng ta tin rằng tất cả những ai đã an nghỉ trong Chúa vẫn còn hiệp thông với cộng đồng các tín hữu Chúa đang sống ở đời này. Hết thảy mọi người còn liên kết với Ðức Yêsu, thì cho dù họ chết hay họ sống, họ vẫn ở trong Thân Thể mầu nhiệm của Người. Và vì thế họ vẫn liên hệ với nhau như các tế bào và bộ phận trong cùng một thân thể.

Mầu nhiệm hiệp thông này, cộng đồng Dân Chúa không bao giờ muốn quên. Ðặc biệt mỗi khi họp nhau cử hành phụng vụ, những người sống vẫn nhớ đến những anh em đã ra đi trước về đời sau. Trong số những người này, theo quan niệm thông thường, một phần giờ đây đang ở trên Thiên quốc, tức là đã xứng đáng ở trước mặt Chúa, diện đối diện; phần còn lại đang chờ được tinh luyện thêm để đáng được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa mà không phải hổ ngươi.

Người ta phân chia ra như vậy căn cứ vào lòng tin đánh giá rất cao sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự yếu đuối của con người trong cuộc sống ở trần gian này. Nhưng chẳng ai có thể biết tỷ lệ giữa hai thành phần như thế nào. Chỉ biết đang khi Lời Chúa mạc khải về số các thánh trên trời thì nhiều không thể đếm được, chẳng có mạc khải nào về số các tín hữu ở trong luyện ngục. Ðó có thể là một điều phấn khởi cho chúng ta mỗi khi nghĩ đến số phận anh em đã ra đi trước chúng ta về đời sau.

A. Chúa Sẽ Tế Ðộ

Thật vậy, ngay Isaia cũng đã rao giảng cho Dân Chúa một niềm tin vô cùng phấn khởi. Có lẽ bấy giờ ông chỉ thấy Yêrusalem tiêu điều tang tóc vì bị quân thù tàn phá. Ông đã nói lên những lời tiên tri của Chúa để Dân đang khóc lóc tin tưởng vào Ðấng có thể tế độ. Ông nhìn thấy Chúa sẽ thết muôn dân một tiệc linh đình trên núi Sion. Các nước sẽ đổ về. Tiệc đầy cao lương. Rượu hãm từ lâu. Không còn thấy ưu sầu tang tóc nữa. Mọi người được lau sạch nước mắt. Dân Người hết mọi tủi nhục. Và đặc biệt nhất chính tử thần cũng bị vùi đi.

Như đã nói, có lẽ lúc đầu Isaia chỉ muốn đem lại cho con cái Yêrusalem một niềm tin vào sự thay đổi vận mạng trong một tương lai gần. Nhưng Thánh Thần đã đưa tâm trí ông đi thật xa và đã hướng dẫn tư tưởng ông về thời cánh chung, ông không nói riêng về vận mạng Yêrusalem nữa; nhưng đã nhìn thấy tương lai cuối cùng của moị dân tộc. Chúa sẽ ngự xuống trên Núi Thánh của Người để tế độ mọi dân nước. Người làm như một hoàng đế lớn mở tiệc đãi muôn dân thiên hạ, vì chính Người đã giơ tay gỡ đi cái khăn liệm phủ khắp muôn dân và cái màn sô đan khắp các nước, đã từng che mắt con người khi còn sống và phủ lên thân thể họ khi đã chết. Người sẽ vùi dập tử thần, là kẻ thù cuối cùng của con người. Người sẽ ban lại cho nhân loại nhục nhã và khóc lóc vì tội lỗi, vẻ mặt hân hoan sáng sủa của dân được cứu độ.

Viễn tượng ấy thật là táo bạo. Người ta không thể nghĩ ra được. Ðó thật là mạc khải của Chúa. Người cho chúng ta thấy lòng thương bao la của Người. Và cả quyền năng cao cả của Người nữa, vì không oai hùng và kỳ diệu sau khi vùi dập được tử thần, nhấc được khăn tang che khắp mặt đất, làm cho nhân loại khóc than, tủi hổ được hân hoan tươi sáng? Chắc chắn Isaia có thể tin như vậy là vì ông biết Chúa là Ðấng tín thành sẽ giữ mọi lời giao ước. Ngay từ ngày gọi Abraham, Người đã chẳng hứa sẽ chúc phúc cho dòng dõi của ông và muôn dân thiên hạ sao? Quang cảnh thời cánh chung mà Isaia mô tả trong bài sách hôm nay đã tựa vào Lời Chúa và vào chính Người. Thế nên ông đã kết thúc bằng những câu:

“Trong ngày ấy, người ta sẽ nói: này đây Thiên Chúa của ta; chính nơi Người, ta trông cậy… Ta hãy hân hoan sung sướng trong ơn tế độ của Người”.

Tuy nhiên, đối với chúng ta hiện nay, niềm tin vào hạnh phúc mai ngày còn có những cơ sở rõ ràng và chắc chắn hơn nữa, mà bài Tin Mừng hôm nay là một. Chúng ta hãy nghe Lời Chúa theo tác giả Yoan.

B. Người Ta Sẽ Ðược Sống Ðời Ðời

Theo mạch văn, hôm ấy Ðức Yêsu đang nói với người Do Thái về Bánh hằng sống… Họ đã đến tìm Người vì hôm trước thấy phép lạ Người nuôi mấy ngàn dân với 5 cái bánh và 2 con cá. Người bảo họ hãy tìm kiếm Bánh hằng sống chứ đừng chỉ lo có bánh ăn vào rồi lại đói. Họ xin Người giới thiệu thứ Bánh ban sự sống muôn đời đó. Và Người đã làm cho họ hiểu: Bánh đó là chính Người đã được Chúa Cha sai đến trần gian. Người đã nói lời hằng sống cho họ. Họ hãy tin và giữ Lời Người để được sống muôn đời.

Nhưng Bánh hằng sống cũng còn là chính Người nơi mầu nhiệm Thịt và Máu Người… Ðó là điều Người muốn tuyên bố trong đoạn Tin Mừng Yoan hôm nay.

Ðối với chúng ta đã có đức tin, những lời này thật là sáng sủa. Nhưng đối với người Do Thái thời bấy giờ và người chưa có đức tin ngày nay, đó là những lời rất sống sượng. Ai mà chấp nhận được? Trước hết, ai có thể lấy thịt máu mình cho người khác ăn? Họa chăng chỉ có nơi những bộ lạc man rợ ăn thịt người. Và cho dù có như vậy đi nữa, thì kết quả cũng chẳng thể nào có sự sống đời đời.

Thế nên, ở đây Ðức Yêsu đã không nói theo nghĩa đen. Chẳng bao giờ Người nghĩ đến chuyện có thể đem máu thịt trong thân thể hữu hình của Người cho người ta làm của ăn và của uống. Tuy nhiên khi nói như vậy, Người đã chắc chắn sẽ ban Thịt Máu của Người cho người ta. Và Người đã làm điều đó trong cuộc tử nạn. Người đã nộp mình và đổ máu ra vì phần rỗi của mọi người.

Cụ thể, việc ấy đã xảy ra một lần trong lịch sử, bởi vì Ðức Yêsu chỉ có một thân thể hữu hình thôi. Thân thể thịt máu ấy, Người đã ban cho nhân loại khi chấp nhận chịu nộp trong tay lý hình để chúng làm cho Người phải đổ máu ra cho đến giọt cuối cùng. Nhưng vì là Thiên Chúa, Người còn làm được việc mà chẳng con người nào có khả năng làm. Người có thể làm cho việc ban Thịt và Máu cho loài người vượt ra khỏi khuôn khổ thời gian và không gian.

Quả vậy, chiều tối trước ngày chịu nạn, Người đã ngồi bàn ăn với môn đệ. Và trong bữa ăn này Người đã cầm lấy bánh rượu đưa cho môn đệ và bảo họ hãy cầm lấy mà ăn mà uống vì đó là Mình và Máu Người sẽ bị nộp và sẽ đổ ra vì phần rỗi của loài người. Lúc ấy, Lời Người nói trong đoạn Tin Mừng hôm nay mới rõ ràng. Người ta mới thấy làm sao Người có thể ban Thịt và Máu Người làm của ăn của uống. Và bí tích Thánh Thể này ban sự sống, vì Mình Máu Chúa ban nơi đây là để chịu nộp và đổ ra trong mầu nhiệm Thánh giá vì phần rỗi của loài người.

Chúng ta tin như vậy và không cần giải thích thêm. Chúng ta chỉ cần lưu ý một điểm: Chúa đã ban Thịt Máu Người không những cho người ta được sống, sống sự sống Thiên Chúa, mà còn cho được sống đời đời, là sống mãi mãi; không phải sống sự sống trần gian nhưng là sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chính tư cách trường sinh này làm cho “Bánh hằng sống” của Chúa ban khác với mọi lương thực khác, kể cả manna mà người Do Thái đã được ăn nơi sa mạc, vì những kẻ ăn manna cũng đã chết; nhưng những người ăn Bánh của Chúa sẽ được sống muôn đời. Và để khẳng định rõ hơn, Người đã nói: Người sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết; nghĩa là Mình-Máu Chúa không giữ người ta trong sự sống ở đời này, mà chỉ đảm bảo sự sống đời đời của họ. Hiện nay sự sống ấy còn bị che giấu trong thân xác của họ, nhưng khi xác đất vật hèn này đã bỏ sự hư nát đi, sự sống ấy sẽ tỏ hiện và tồn tại muôn đời.

Ðó là niềm tin của chúng ta. Nó củng cố và giải thích niềm tin của Isaia cũng như của mọi người công chính. Ai ai cũng muốn sự sống đời đời và hạnh phúc trường sinh. Nhưng phải đợi Chúa Yêsu đến đem lại bảo chứng cho lòng trông đợi của người ta. Người thí mạng sống mình để tiêu diệt tội lỗi và sự chết. Việc phục sinh của Người làm chứng Thiên Chúa đã vùi dập tử thần và cất nhắc chiếc khăn tang trùm trên các nước. Người ban Thịt Máu Người cho chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể để chúng ta được sự sống đời đời ngay từ bây giờ. Chúng ta hãy đón nhận, giữ lấy và phát triển cho đến ngày đi vào cõi trường sinh. Bao giờ và thế nào?

Chúng ta hãy nghe lời thư Phaolô.

Với những tâm tình như vậy, chúng ta hôm nay hãy dâng lễ và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, đặc biệt cho bà con quyến thuộc và bằng hữu của chúng ta.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Lễ Các Linh Hồn (Ga 6,37- 40)

  1. Kinh nghiệm hằng ngày cho chúng ta thấy mọi người giàu nghèo sang hèn, giỏi dốt, ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì, thì rồi cũng có ngày phải rời bỏ cõi đời này để trở về với thế giới bên kia, vì đây là án lệnh của Thiên Chúa đã ra cho loài người sau khi nguyên tổ Adong Evà sa ngã phạm tội: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” (St 4,19).
  2. Thánh Phaolô cũng triển khai tư tưởng ấy trong thư gửi cho tín hữu Côrintô: “Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người đều liên đới với Adong mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống lại” (1Cr 15,21-22).
  3. Không ai có thể phủ nhận được cái chết vì chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người chết trong những hoàn cảnh khác nhau. Người ta cố níu lấy sự sống mà không được, vì thần chết luôn rình rập chung quanh, như “thợ gặt không có ngủ trưa” (Cervantes). Mọi người đều phải chết, chỉ khác nhau ở chỗ là vui lòng đón nhận cái chết hay chấp nhận một cách miễn cưỡng.
  4. Đứng trước thực tế của cái chết, trước cuộc đời vắn vỏi như bóng câu, nhiều người từ xưa đến nay đã nỗ lực tìm phương thế để kéo dài cuộc sống, thậm chí có thể đạt tới trường sinh bất tử. Nhưng cho đến nay mọi nỗ lực đã thất bại. Con người dù có sống đến ngàn năm rồi cũng chết. Không ai có thể chống lại được án lệnh của Thiên Chúa.
  5. Truyện: Không tin sự sống lại

Tại một nghĩa trang bên Đức, có một ngôi mộ rất được chú ý, đó là mộ được làm bằng đá hoa cương, bên dưới xây bằng xi măng cốt sắt rất kiên cố. Ngôi mộ được nhiều người chú ý, vì đó là một ngôi mộ của một người đàn bà giàu có nhưng không tin có Chúa, cũng chẳng tin có sự sống lại. Trong chúc thư, bà yêu cầu người ta xây cho bà một ngôi mộ kiên cố, để nếu có sự sống lại của người chết, thì bà vẫn nằm yên dưới mồ. Trên mộ, bà xin được ghi: “Đây là ngôi mộ sẽ không bao giờ cậy mở ra”.

Thời gian trôi qua, ngôi mộ xem ra vẫn kiên cố, thế nhưng một hôm có một hạt giống rơi vào khe đá của ngôi mộ, gặp đất bên dưới, nó bắt đầu nảy mầm, lớn lên thành cây, rễ của nó đâm xuyên qua ngôi mộ, để rồi cuối cùng làm cho quan tài của người đàn bà vỡ ra.

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tháng 11 là đang giữa mùa thu, nếu bạn ở châu Âu hay ở miền Bắc Việt Nam, bạn sẽ thấy được toàn khung cảnh lá vàng rực mọi nơi, nhà thơ Lưu Trọng Lư trong Tiếng thu đã diễn tả mùa thu:

“Em không nghe mùa thu,

Lá thu kêu xào xạc,

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô”.

Một cơn gió thổi đến những chiếc lá vàng rơi tung bay, lá vàng rơi tung bay trong gió giữa thu trong tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn: “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” (Thu điếu - Nguyễn Khuyến).

Lá thu rơi xuống làm trơ trụi lá cành, không còn sức sống trong băng giá của mùa đông (ở châu Âu), biểu tượng của thân phận các tín hữu đã qua đời đang thanh luyện cho ngày sum họp bên Chúa.

Mong trở về bên Chúa như cây cối đợi xuân sang: Tất cả đều trổ bông tươi nở với một sức sống mới như các thánh Nam Nữ đang được hưởng Nhan Thánh Chúa, nơi Chúa Giêsu hứa và dọn sẵn (x. Ga 14,2-4), Ngài xin cùng Chúa Cha cho chúng ta (x. Ga 17,24).

Suy niệm

Chúng ta thường tuyên xưng đức tin trong kinh Tin Kính của các thánh tông đồ: ”Tôi tin các thánh cùng thông công”. Bởi lẽ đó, tin tưởng như vậy, ngày 1/11, đức tin chúng ta hướng về trời, chiêm ngưỡng các thánh Nam Nữ trên trời để tạ ơn, với tâm hồn quyết tâm noi gương các ngài - những người đã chiến thắng trên Thiên quốc được gọi là Giáo hội Chiến Thắng, xin các ngài phù trợ cho những người đang sống trên đường lữ thứ trần gian được gọi là Giáo hội Chiến Đấu, để được về trời gia nhập Giáo hội Chiến Thắng khi “nhắm mắt lìa đời”. Nhưng chúng ta cũng không thể quên hiệp thông với các linh hồn nơi luyện hình là Giáo hội Đau Khổ - “Các thánh đang còn lữ thứ”.

Việc cầu nguyện cho các tín hữu qua đời có nguồn gốc từ thời rất xa xưa: Bắt đầu ở thời Cựu ước xuyên qua Tân ước và là niềm tin của Giáo hội trải qua thời gian:

  • Trong Cựu ước, Giuda Macabê, nhà lãnh đạo Do Thái, đã dâng lễ tế đền tội cho những tử sĩ (x. 2Mc 12,38-46), ông xác tín rõ: “Cầu nguyện cho người đã chết là một ý tưởng lành thánh và đạo đức, để họ được tha thứ tội lỗi” (2Mc 12,45).
  • Chúa Giêsu đề cập đến một ngục tù nơi linh hồn sẽ bị tống vào vì một số tội: Họ sẽ chẳng được ra khỏi đó cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng (x. Mt 5,26).
  • Theo thánh Phaolô, những người sống ở thế gian này không hoàn thiện, tuy nhiên họ sẽ được cứu độ như bằng lửa thử luyện (x. 1Cr 3,13).

Chính vì thế Giáo hội định tín: “Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là “Thanh Luyện” (DS 856/464). Cho nên, Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế về mầu nhiệm Giáo hội nói lên niềm xác tín: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh.”...

Thật thế, bằng lời cầu nguyện và hy sinh của anh chị em đang sống, các linh hồn được gia nhập vào hàng ngũ Giáo hội Chiến Thắng và bầu cử lại cho anh chị em đang ở Giáo hội Chiến Đấu như thánh Công đồng tuyên tín: “Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha.”...

Giữa ba Giáo hội: Chiến Thắng - các thánh Nam Nữ, Chiến Đấu - chúng ta, những người đang sống lữ hành trần gian và Giáo hội Đau Khổ là các tín hữu đang thanh luyện, liên đới hiệp thông bằng tình yêu, tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính tình yêu thúc đẩy làm cho những người đang sống nhớ đến những người đã khuất, làm những hy sinh và cầu nguyện cho các đấng đang thanh luyện, được vào cõi hằng sống gia nhập Giáo hội Chiến Thắng, và cũng chính tình yêu, các thánh Nam Nữ nơi Giáo hội Chiến Thắng cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta những người đang sống chiến đấu. Chỉ có tình yêu mới làm cho con người được bất tử khi nhớ tới nhau qua sự hy sinh với lời cầu nguyện hàng ngày.

Ý lực sống

“Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta sẽ không chết bao giờ, cả những ai tin vào Người Con thì được sống muôn đời (Ga 11,25-26)

Top