Ném Đá

Ném Đá

WGPSG -- Ngày xưa, lúc còn nhỏ, tôi thường thắc mắc khi nghe các cụ ông, cụ bà nói với nhau khi tính toán thời gian đến Lễ Phục sinh qua các Chúa nhật: “Ném Đá, Lễ Lá, Lễ Phục sinh”. Lễ Lá, lễ Phục sinh thì dễ hiểu, nhưng làm gì có Lễ Ném Đá?!

Thì ra theo sự hiểu biết của các cụ, đoạn Tin Mừng Chúa nhật thứ V mùa Chay nói về người phụ nữ ngoại tình đã được tóm gọn bằng hai từ “ném đá” cho dễ nhớ. Cách nhớ thật đơn giản, vì lúc đó, lịch Phụng vụ chưa được phổ biến rộng rãi và các phương tiện truyền thông cũng chưa được như bây giờ.

Đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan thuật lại việc đang khi Chúa Giêsu giảng dạy cho đám đông dân chúng, thì các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" (Ga 8,4-5).

Lúc đó, ắt hẳn người phụ nữ ấy nhục nhã lắm, bởi vì cái tội bị khơi lên cho toàn dân thiên hạ biết là cái tội phạm một cách thầm kín. Chắc người đàn bà ấy sợ lắm vì theo luật, bà ấy sẽ bị ném đá cho đến chết. Bà đang đối diện với cái chết, không sợ sao được. Cái sợ ấy càng tăng lên gấp bội khi giờ đây bà đang đứng trơ trọi một mình giữa đám đông lăm le gạch đá, đối diện với người Thầy của sự Công chính chờ sự phán quyết.

Trước mặt Thiên Chúa, ai cũng giống ai, tất cả đều là tội nhân. Có khác chăng chỉ là người tội nhiều hay ít, kẻ tội này người tội kia. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về tội lỗi. Người càng lớn tuổi, chức càng cao, quan hệ càng rộng bao nhiêu thì cạm bẫy kéo theo cũng nhiều bấy nhiêu, và vì thế, bản thân sẽ rất dễ vướng vào vòng tội lỗi. Từ đó, dễ nhận ra càng nhiều tuổi, càng làm lớn… càng dễ gặp những thử thách cám dỗ, và như vậy, có khi tội càng nặng hơn!

“Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Tội lỗi làm cho con người sợ ánh sáng, sợ phải đối diện trước mặt Chúa. Thiên Chúa là ánh sáng, nên khi đối diện với Người thì mọi tội lỗi sẽ bị phơi bày như Ađam trần truồng trong vườn địa đàng thuở xưa sau khi phạm tội. Càng phạm tội, người ta càng che giấu; tội càng trọng, càng giấu diếm tinh vi. Cái giấu đáng sợ nhất là giấu chính Thiên Chúa, nhưng giấu giếm sao được, vì Thiên Chúa luôn luôn thấu suốt tâm hồn của con người!

Trước sự truy vấn gài bẫy nham hiểm của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, Đức Giêsu cứ cúi xuống và chậm rãi viết trên đất. Tâm tình như chùng xuống, không hừng hực như những người đang kết án, để làm cho mọi việc lắng đọng. Người chậm giận trước tội lỗi của người phụ nữ và bảo họ rằng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.

Câu nói nhẹ nhàng nhưng thật ý nhị đã đụng chạm vào lương tâm mỗi người trong bọn họ, bởi người ta rất thích ném đá nhau, kết tội nhau, nhưng luôn che giấu tội lỗi của mình cho thật khéo. Câu nói như tiếng chuông giúp lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi mê muội, nhận biết mình tội lỗi. Vì thế, khi nghe vậy, họ bỏ đi hết - kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi - không dám kết án người phụ nữ nữa.

Khi chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ, Người ngẩng đầu lên với ánh mắt hiền từ và nhẹ nhàng nói: “Tôi không kết án chị đâu!”. Vị thẩm phán giàu Lòng Thương Xót đã tha tội cho một kẻ đáng chết bằng lời tuyên án dịu dàng nhân hậu. Lời phán xét của Người không sỉ nhục nhưng phục hồi nhân phẩm, đã bỏ qua quá khứ u mê lầm lỗi và mở ra một tương lai hướng thiện: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Lúc còn là một cô, cậu thiếu nhi đến tòa giải tội, ta chỉ xưng những tội rất đơn sơ như: ham chơi, không vâng lời, chửi thề, thậm chí bỏ lễ Chúa nhật… Nhưng khi trưởng thành, chúng ta cảm thấy rất rõ tội lỗi không đơn giản như thế. Người ta có thể phạm tội một cách có ý thức, cố tình bỏ lễ Chúa nhật, hay có khi đặt một đam mê nào đó lên trên lề luật của Thiên Chúa. Người ta cố tình lẩn tránh, lần lữa việc xưng tội vì sợ ảnh hưởng đến địa vị, sợ bị chê cười… và an tâm với ảo tưởng mình không có tội trước mặt mọi người!

Chính vì thế, khi mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, ý định của Đức Thánh Cha Phanxicô là muốn khơi lên Lòng Thương Xót để con người đừng lẩn trốn, mà hãy quay về với Thiên Chúa hầu lãnh nhận lòng thương xót của Người. Có khi nào chúng ta bình tâm suy gẫm để nhận ra là mình đã được hạnh phúc dường bao khi được tha thứ và thoát khỏi án chết đời đời nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa?

Một chuyên gia trong các vụ trọng án cho biết: Khi tuyên án tử hình thì kẻ tử tội lúc ấy chưa thấy sợ hãi, có chăng chỉ là chút cảm xúc. Nhưng trước ngày thi hành án tử, kẻ tử tội vô cùng bấn loạn và sợ hãi, bởi vì lúc ấy anh ta biết là cái chết đã gần kề mà không thể thoát được. Kẻ lạnh lùng ghê gớm lắm cũng phải toát mồ hôi trước cái chết mà mình sẽ phải lãnh nhận.

Do vậy, chỉ khi nào chúng ta nhận thức được rằng án tử bởi tội lỗi sẽ làm cho mình chết đời đời, mà bây giờ lại được tha bổng, thì lúc bấy giờ, ta mới cảm nếm được cái hương vị hạnh phúc ngất ngây của sự tha thứ.

Năm Thánh Lòng Thương Xót quả là một năm hồng ân tuyệt vời, năm mà con người có thể sà vào lòng thương xót của Thiên Chúa để lãnh nhận tình yêu thương tha thứ, để được ra đi thanh thản như Chúa đã nói với người phụ nữ tội lỗi. Hãy quay về và giao hòa với Thiên Chúa để làm mới lại cuộc đời.

Trở về với Thiên Chúa để nhận ra con người thật của mình, để rồi không còn buông thả theo những đam mê trần tục tầm thường. Và một khi đã được sống trong lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, ta cũng phải biết đem Lòng Thương Xót nhân từ của Người đến cho hàng xóm láng giềng chung quanh ta, cho những ai đang cần đến Lòng Thương Xót.

Top