Nảy Lộc

Nảy Lộc

WGPSG -- Giáo xứ Vườn Xoài bên cạnh đời sống đạo đức tinh thần, vẫn luôn có những hoạt động bác ái chăm lo cho bà con giáo dân nghèo cũng như những người nghèo không cùng tôn giáo thuộc địa bàn giáo xứ.

Qua một con hẻm ngoằn nghoèo khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi, thuộc Phường 13, Quận 3, và qua lời giới thiệu của bà Cecilia Kim (trưởng khu Thánh Mẫu), chúng tôi tìm đến gia đình bà cụ Dương Thị Hường, 94 tuổi. Tiếp chúng tôi là con trai duy nhất của bà, ông Đặng Văn Dự, 70 tuổi. Hiện nay, sức khỏe của ông đã yếu sau hơn 20 năm cày ải bằng nghề đạp xích lô để nuôi 2 người con cùng Mẹ già thường xuyên đau ốm. Hằng ngày, công việc chính của ông là chăm sóc người Mẹ đang trải qua những ngày cuối đời trên gường bệnh.

Vừa lui cui chăm Mẹ già và sắp xếp lại những túi quà mà ông vừa nhận được của giáo xứ nhân dịp lễ hội “Xuân yêu thương”, ông tâm sự với chúng tôi: “Nhận được quà của giáo xứ, tôi rất xúc động, dù không có đạo nhưng chính sự quan tâm của nhà thờ, của cộng đoàn tôi càng được tiếp thêm sức mạnh ý chí để vượt qua khó khăn của cuộc sống”.

Năm 2008, cụ Hường đã gặp phải căn bệnh tai biến khiến cụ không thể gượng dậy và mọi sinh hoạt của đời sống thực vật đều do một tay ông Dự, ông đang làm nghĩa vụ một người con hiếu thảo cũng như một người cha đảm đang “Chính lúc này, tôi cảm thấy mình không đơn độc, và ấm áp khi nhận được sự chia sẻ của giáo xứ trong dịp Tết này”. Ông chia sẻ.

Địa bàn giáo xứ Vườn Xoài hiện nay trải dài khắp 5 phường: phường 12, phường 13, quận 3; và phường 11, phường 12, phường 13, quận Phú Nhuận. Tình hình đời sống của bà con tương đối ổn định, nhưng còn nhiều gia đình vẫn còn đó những khó khăn rất cần sự trợ giúp. Và như thế, bên cạnh đời sống đạo đức tinh thần, giáo xứ vẫn luôn có những hoạt động bác ái chăm lo cho bà con giáo dân nghèo cũng như những người nghèo thuộc địa bàn giáo xứ.

Từ cha nguyên chánh xứ Phêrô Phan Khắc Từ cho đến cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ luôn trăn trở với những công việc nhân đạo, bác ái cho người nghèo trong giáo xứ và xem đó là một hoạt động truyền thống của giáo xứ. Đặc biệt, với Tết Nguyên đán 2012, cha chánh xứ Vinh Sơn cùng với Ban Caritas giáo xứ triển khai ý tưởng “Chợ Phiên”. Đây là một sáng kiến độc đáo, giúp người nghèo thay vì “nhận” một cách thông thường, thì nay họ sẽ tham gia “đi chợ Tết”, nghĩa là họ sẽ dùng tiền (đã được chuyển đổi thành mệnh giá) để mua những thứ thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày với giá thấp, bên cạnh đó họ còn nhận được những quà tặng từ những tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm. Lễ hội sẽ là một hoạt động bác ái mang tính chủ động “người nghèo, họ là những con người được Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người, vì thế họ có phẩm giá, giá trị riêng, chúng ta phải tôn trọng họ”. Cha chánh xứ Vinh Sơn tâm sự về cách làm mới này.

Con đường Lê Văn Sỹ hôm nay bỗng trở nên nhộn nhịp hơn trong ngày “ông táo” về Trời, khắp những hang cùng ngõ hẻm xung quanh, mọi người nô nức phấn khởi bàn tán rôm rả về lễ hội và nhà thờ chính là “điểm đến nhân ái”. Giờ khai mạc rộn rã trong tiếng kèn tây và trống lân cùng các con lân của các em lễ sinh, với sự chứng kiến của Cha Vinh Sơn Giám đốc Caritas Việt Nam, cha chính xứ Vinh Sơn và ông Bí thư phường 12 quận 3 cùng vị Chủ tịch Hội đồng Mục vụ và hàng ngàn giáo dân đã tạo nên bầu khí chan hòa, đầy tình thân ái. Thật dễ thương và xúc động biết bao!

Với hơn 40 gian hàng của giáo xứ cũng như các giáo xứ bạn như: Hàng Xanh, Tân Việt, Tân Chí Linh, Tân Định, Regina Mundi, Tân Sa Châu, Bắc Dũng, Caritas Tổng Giáo phận, dòng tu Trinh Vương đã tạo nên một bức tranh đẹp cả về nội dung lẫn ý nghĩa của truyền thống tương thân tương ái trong văn hóa Việt Nam, một vườn hoa đầy màu sắc của tình nhân ái.

Chỗ này là quày hàng rau củ quả của khu giáo Thánh Tùy, nơi kia là quày hàng bán kim chi, dầu ăn của Ca đoàn Têrêsa, dưới chân tháp chuông là nơi bán dưa hấu giá rẻ của giới trẻ giáo xứ Tân Sa Châu, tầng hầm nhà thờ là khu vực dành riêng cho người nghèo tha hồ chọn lựa cho mình những bộ áo quần, đồ dùng sinh hoạt cần thiết do Ban Caritas giáo xứ quyên góp được… Tại các quày hình ảnh, các “tình nguyện viên không chuyên” thuộc các đoàn thể trong giáo xứ đang nhiệt tình hướng dẫn các cụ già cách mua sắm như: chị Thủy, chị Quảng (Caritas giáo xứ), anh Tân (ca đoàn Têrêsa), chị Hải (hội các Bà mẹ Công giáo), chị Thảo, chị Lan (nhóm Kinh Thánh)… Dù mệt vã mồ hôi nhưng các anh các chị “tình nguyện viên không chuyên” vẫn tươi cười, thoăn thoắt di chuyển giữa các quày. Nhìn vào ánh mắt của các anh các chị, ta thấy ánh lên niềm vui và hạnh phúc khi được phục vụ người nghèo. Chị Marta Ngô Thị Thảo trong hơi thở hổn hển chia sẻ: “Mầy hôm nay tôi bị cảm, nhưng thấy lễ hội của giáo xứ lo cho người nghèo tôi cố gắng tham gia cùng các chị trong nhóm Kinh Thánh, thấy vui lắm!”. Hay như cách nói đơn sơ, bộc bạch của anh Gioan Baotixita Maria Nguyễn Đức Hòa (cộng đoàn Gia trưởng): “Nhiệt tình với công việc Nhà Chúa, Chúa sẽ nâng đỡ mình gấp bội”… Ở đây, tôi xin được gọi họ là những “Gia nhân đổ nước vào chum đá”, những “gia nhân” được Chúa dùng như “Khí cụ bình an… để đem yêu thương vào nơi oán thù… tìm an ủi người hơn được người ủi an…”

Trong dòng người đông đảo mua sắm, chúng tôi chợt nhận ra chị Cecilia -Têrêsa Huỳnh Thị Minh Nguyệt tay xách nách mang, đôi vai trĩu nặng vì những món hàng, quà tặng mà chị đã nhận trong lễ hội. Chị năm nay 60 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, già nhiều hơn so với tuổi, với tuổi này đáng ra chị phải được nghỉ ngơi nhưng gánh nặng và trách nhiệm vừa là cha vừa là mẹ trong gia đình khi một mình nuôi 2 người con, mà trong đó có một đứa đang mắc bệnh chậm phát triển. Thu nhập chính của chị chính là tủ bán bánh mì 70 ngàn/ngày. Giọng nghẹn ngào xúc động chị nói: “Quá hạnh phúc, quá đỗi vui mừng, có lẽ đây là một cái Tết dư đầy, cha lo cho giáo dân quá ...” Chị còn khoe: “Chưa bao giờ chị cảm thấy hạnh phúc khi không có cảm giác là kẻ được bố thí...” Trong dịp lễ hội này, chúng tôi cũng đã đến thăm anh Gioan Vũ Văn Sáng (khu giáo Thánh Mỹ). Sống trên tầng thượng của khu tập thể đường Trần Hữu Trang, P. 12, quận Phú Nhuận, căn phòng của gia đình anh có diện tích 12 mét vuông và đang xuống cấp nặng nề. Vợ chồng anh đang giúp việc bán tạp hóa, thu nhập 2 vợ chồng không nhiều nhặn gì, nhưng vẫn chu toàn trách nhiệm lo cho người Mẹ già gần 80 tuổi, lúc nhớ lúc quên do bệnh Aizenmer và 2 con đang tuổi ăn học, gia đình anh hiện nay thường xuyên nhận trợ cấp của giáo xứ là 100 ngàn/tháng. Anh tâm sự về những món quà mà gia đình anh vừa nhận: “Năm nay quà nhiều quá, gia đình không phải lo sắm sửa Tết nữa, cám ơn giáo xứ và Ban Tổ chức, hy vọng năm nào cũng có những lễ hội như vậy...”

Được biết, lễ hội “Xuân yêu thương” (hay còn gọi là “Chợ Phiên”) đợt này với mục đích giúp 200 người nghèo không phân biệt lương giáo trong giáo xứ ăn Tết. Mỗi phần quà trị giá 700 ngàn gồm: mì gói, đường, sữa, gạo, nước mắm… được quyên góp từ quỹ “giúp người nghèo ăn Tết” bằng cách đặt thùng xin tiền trong những tuần qua, cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài giáo xứ và đây cũng là một hoạt động của Ban Caritas giáo xứ Vườn Xoài.

Dù mới thành lập (ngày 30/10/2011) nhưng Ban Caritas giáo xứ đã thực hiện được một số việc như: trao học bổng cho các em học sinh nghèo nhân ngày 20/11 (mỗi học bổng trị giá 500 ngàn), khám chữa bệnh và phát thuốc, đường sữa cho 56 người già và neo đơn (180 ngàn/phần), thăm viếng và trao tặng quà cho bệnh nhi ung bướu trong dịp Noel 2011… Những hoạt động bác ái của giáo xứ đã và đang tạo nên một bầu khí ấm áp, đầy tình thân ái giúp mọi người hiểu nhau hơn “cùng một Cha, anh em một nhà”.

“Xuân đã đến rồi…” giai điệu của một bài hát về Tết, về Xuân lại đang rộn rã khắp phố phường. Năm cũ sắp qua, mỗi người lại có cơ hội nhìn lại những việc chúng ta đã làm. Có thể chúng ta chưa làm, có thể chúng ta đã làm nhưng còn chưa tốt. Và trong tâm tư đó, ta cùng nhau hướng đến một mùa xuân mới, với biết bao hy vọng và ước mơ.

Top