“Muốn xây dựng sự hòa hợp, phải có công lý”

“Muốn xây dựng sự hòa hợp, phải có công lý”

WHĐ (20.09.2011) – Nhà lãnh đạo người Hindu cực đoan Narendra Modi, thủ hiến bang Gujarat của Ấn độ và là thành viên Đảng Bharatiya Janata, quyết định tuyệt thực ba ngày để khẳng định cam kết xây dựng hòa hợp xã hội và cộng đồng ở Gujarat. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị, các tổ chức xã hội dân sự, các cộng đoàn thiểu số người Kitô giáo và Hồi giáo không tin ông ta. “Đó chỉ là màn trình diễn”, linh mục dòng Tên Cedric Prakash, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền, Công lý và Hòa bình “Prashant” tại Ahmedabad đưa ra nhận định như trên về Narendra Modi.

Cha cho biết: “Modi đã tham gia vào các vụ vi phạm nhân quyền diễn ra vào năm 2002 ở Gujarat. Các Kitô hữu chúng tôi nói với Modi: Nếu ông thực sự muốn xây dựng sự hòa hợp, ông phải thực hiện công lý cho các nạn nhân. Nếu mười năm sau các vụ thảm sát, các nạn nhân vẫn còn đòi hỏi công lý; nếu các thiểu số Kitô hữu và người Hồi giáo vẫn còn bị gạt ra bên lề và bị phân biệt đối xử trong mọi lĩnh vực, đặc biệt các lãnh vực liên quan đến giáo dục và việc làm, thì chúng ta đang nói đến loại hòa hợp nào? Hòa hợp phải được xây dựng bằng thực tế, chứ không phải bằng ngôn từ.”

Tại Gujarat, lãnh đạo phe đối lập trong khu vực là Shankersinh Vaghela đã đáp lại tuyệt thực của Modi: ông cũng bắt đầu tuyệt thực, trong một “cuộc song đấu tuyệt thực” độc đáo. Thách thức diễn ra ngay sau khi Tòa án quốc gia tối cao tạm thời quyết định không kể nhà lãnh đạo Gujarat vào số những người bị cáo buộc về các cuộc bạo loạn giữa người Hindu và người Hồi giáo diễn ra vào năm 2002.

Modi tuyệt thực để mong thoát khỏi những cáo buộc “đồng lõa trong các vụ thảm sát”. Nhưng Vaghela, thuộc Đảng Quốc đại, cũng tuyệt thực với một mục đích ngược lại: tố cáo Modi tham nhũng chính trị.

Tháng Bảy năm ngoái, Chính phủ bang Gujarat ở miền tây Ấn Độ thừa nhận rằng tất cả những bằng chứng liên quan đến các vụ thảm sát năm 2002 khiến 2.000 người Hồi giáo thiệt mạng vì bị tấn công bởi hàng ngàn chiến binh Hindu cực đoan đã bị tiêu hủy. Thông tin này đã gây hoang mang và phẫn nộ cho các luật sư của các nạn nhân và xã hội dân sự, cũng bởi vì nhiều phiên tòa xét xử các thủ phạm bị cáo buộc vẫn chưa được tiến hành.

(Agenzia Fides 19-09-2011)

Top